1001 chuyện đi vệ sinh công cộng

1001 chuyện đi vệ sinh công cộng
TP - Trong mắt của người nhà quê, Hà Nội là chốn phồn hoa đô hộ hiện đại, dường như "cái gì cũng có" - khác hẳn với cảnh tượng đìu hui, khốn khó ở chốn thôn làng.
1001 chuyện đi vệ sinh công cộng ảnh 1
Người đàn ông này bất chấp đang đứng trước mặt phụ nữ, vẫn "giải quyết nỗi buồn" một cách vô tư. Ảnh minh họa

Ấy thế nhưng, nhiều người nhà quê lại tặc lưỡi bảo người Hà Nội khổ, thậm chí có rất nhiều nỗi khổ, nào sống trong cảnh chật chội, ngột ngạt, môi trường ô nhiễm khói xăng, bụi đường, nước hồ đen kịt, tiếng ồn đinh tai nhức óc...mà cái khổ mỗi khi đi tìm chỗ để thực hiện một vấn đề tế nhị - đó là "giải quyết nỗi buồn" - một chuyện rất đơn giản và sơ đẳng, nhiều khi lại không thể được thoải mái, thậm chí còn sinh ra những chuyện chướng tai gai mắt, là khổ nhất.

Thực hư thế nào? Người Hà Nội đi làm chuyện ấy ra sao?

Nơi nhiều người thường đến nhất là Hồ Gươm, linh hồn của thủ đô Hà Nội. Nhưng cơ khổ, cả một chu vi vòng hồ rộng gần 4 km, với hàng ngàn người đến tụ tập mỗi ngày, lại chỉ có 2 cái nhà vệ sinh công cộng, mà lại nằm cách nhau đúng nửa vòng hồ.

Một cái nằm ẩn nấp giữa cả rừng cây, rừng người ở mé đông, đường Đinh Tiên Hoàng. Còn một cái thì nằm lọt thỏm giữa cả khu nhà ở mé tây, đường Lê Thái Tổ, đối diện nhà hàng Thủy Tạ.

Đi rã cả cẳng mới đến được nhà vệ sinh. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng tìm ra nó, biết được đúng địa chỉ của nó. Bởi biển chỉ dẫn thì nằm cách nhà vệ sinh hơn 1 cây số, khiến khách hàng chả biết đâu mà lần.

Nhà vệ sinh nằm lọt thỏm giữa rừng nhà, cái biển lại bé bằng hai bàn tay khép lại, chữ "nhà vệ sinh công cộng" thì nhỏ như hàng ria mép, nên khi đứng sát cạnh nhiều người cũng chưa chắc nhận ra.

Nơi thứ hai cũng tấp nập người qua lại là hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Chiều chiều, trai gái Hà thành lại lũ lượt kéo về đây để ngắm hoàng hôn, tình tự. Nhưng cả con đường Thanh Niên thơ mộng, vắt dài hơn một cây số, không có nổi một cái nhà vệ sinh công cộng.

Cho nên, mỗi khi có cô gái nào chợt "nổi nỗi buồn" thì các chàng trai lại nhớn nhác, nhễ nhại dắt người yêu đi khắp đường trên ngõ dưới để tìm nhà vệ sinh công cộng.

Chẳng biết họ phải đi đến tận đâu, nhưng ở quanh hồ Tây thì không bao giờ có một cái WC công cộng. Chẳng lẽ lại để người yêu "nép" ở gốc cây? Muốn biết khổ như thế nào, cứ đưa người yêu đến đấy thì biết.

Hà Nội ngày càng rộng ra, khách du lịch ngày càng đông lên, nhưng nhà vệ sinh công cộng thì dường như ngày càng ít đi và cái chuyện đi vệ sinh công cộng ngày càng trở nên bí bách.

Ông T., nhà ở ngõ Tạm Thương (Hàng Bông), cách Bờ Hồ vài trăm mét, kể: "Nhiều lần, nhà vệ sinh ở khu tập thể bị hỏng. Tôi cứ phải đi bộ ra tận nhà vệ sinh Bờ Hồ để tiểu, đại tiện. Nhưng sáng nào ra cũng phải xếp hàng, ôm bụng vì người đi tập thể dục tạt vào rất nhiều mà người "hoàn cảnh" như tôi cũng không ít".

Còn anh H., nhà ở ngõ Phất Lộc (Hàng Buồm) thì kể: "Trong ngõ nhà tôi có hơn 10 hộ phải chung nhau một nhà vệ sinh. Mỗi khi nhà vệ sinh chung bị hỏng, hầu như chúng tôi phải chạy ra nhà vệ sinh công cộng ở Bờ Hồ.

Gặp hôm bị đau bụng, không thể đứng chờ ở nhà vệ sinh công cộng được thì tôi giả vờ vào Tràng Tiền Plaza (Trung tâm thương mại) vờ mua sắm rồi tranh thủ chui tọt vào nhà vệ sinh. Ở đây vừa sạch sẽ lại có máy lạnh.

Có lần tình cờ tôi phát hiện ông hàng xóm của tôi cũng tranh thủ chui vào đây. Tuy nhiên, đi vào đây nhiều cũng ngại nên thi thoảng tôi vẫn phải ra tận sông Hồng cho thoải mái".

Tôi còn được gặp nhiều người đã từng rơi vào hoàn cảnh "dở khóc dở cười" quanh chuyện đi vệ sinh công cộng. Anh P., một "kẻ nhà quê" ở Hà Tây, trong một lần về Hà Nội thăm con gái học đại học, dẫn con gái đi xe buýt xuống Bờ Hồ, rồi đi dọc khu phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào mua sắm.

Đến trưa thì anh buồn đi tiểu tiện, chân tay nóng ran, không thể nín nhịn nổi nữa. Nhưng tìm mãi mà chẳng có chỗ nào để trút. Phố phường thì cứ nườm nượp người xe. Nhà cửa thì nằm san sát hàng ngang dãy dọc.

Ở đây một góc khuất cũng đã có người chiếm đoạt. Bên thì bà bán hàng nước, bên thì ông bơm xe đạp, chỗ thì cô bán bún đậu....Bởi vậy, không thể áp dụng cái thú "nhất quận công" như ở làng được.

Hai cha con anh ghé vào một cửa hiệu vàng bạc, xin đi vệ sinh nhờ một chút. Chủ cửa hiệu xua tay, nhăn mặt bảo: "Nhà tôi không có nhà vệ sinh". Thậm chí còn bị bà chủ mắng: "Có ai đời đang đi lang thang ngoài đường bỗng nhảy vào nhà người ta xin đi vệ sinh nhờ". Anh đành lọ mọ sang cửa hàng vải. Chủ cửa hàng quát: "Nhà tôi không phải cái nhà vệ sinh công cộng".

Quá bí bách, anh nghĩ ra mẹo: Phi đại vào một nhà hàng, đặt đồ đạc lên bàn ăn rồi tranh thủ chuồn vào nhà vệ sinh. Xong xuôi trở ra chỉ dám gọi một cốc bia hơi Hà Nội, ngửa cổ uống ực một cái, rồi trả 5.000 đồng tiền bia cho nhà hàng và đứng lên đi ngay ra phố.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, anh L., một du khách từ TPHCM ra tham quan khu phố cổ Hà Nội, lại phải trả khoản phí đi vệ sinh còn đắt hơn anh P. tới hơn 10 lần.

Hôm đó, sau khi làm một chầu nhậu với bạn bè ở khu chợ Đồng Xuân, do uống phải thứ rượu mật gấu giả (thực chất chỉ là mật lợn) nên trên đường từ chợ Đồng Xuân về một khách sạn ở khu Lò Đúc, đến cuối phố Lương Văn Can thì bụng anh sôi lên dữ dội.

Xe chạy lòng vòng một lúc mà không tìm thấy nhà vệ sinh công cộng nào. Trong khi "Tào Tháo" đã đuổi đến sát sau lưng, tình thế vô cùng khẩn cấp, buộc anh không còn cách nào hơn là phải nhảy đại vào một khách sạn mini ở khu Tạ Hiện, thuê ngay một phòng theo giờ để "hạ cánh khẩn cấp".

Hơn 10 phút sau bụng dạ đã yên ổn trở lại, anh trở xuống, cắn răng móc ví trả 70.000 đồng tiền phòng, coi như một lần đi vệ sinh giá cắt cổ.

Có những đoạn phố đi rụng cả chân vẫn chưa kiếm nổi một cái nhà vệ sinh công cộng là chuyện thường ngày ở Hà Nội. Trong khi, ở những khu có đặt nhà vệ sinh công cộng thì nhiều người lại nghĩ rằng ở Hà Nội không có nhà vệ sinh công cộng vì có bao giờ họ được nhìn thấy nó. Nhiều nhà vệ sinh còn bị chiếm dụng thành đủ thứ nhà cắt tóc, nhà để rác, để hàng hóa... dẫn đến biến hình đổi dạng.

Tiêu biểu là nhà vệ sinh ở vườn hoa Tây Sơn, nằm kề cổng Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội). Từ nhiều năm nay, ngôi nhà này đã biến thành một hiệu photocopy.

Bên ngoài, ông thợ cắt tóc tranh thủ "ghé lưng" một chút. Phía sau, anh thợ rửa xe cũng tranh thủ làm cửa hiệu. Thành ra bên góc trái chỉ còn lại một gian dành cho phái nữ.

Mà phái nữ cũng chẳng mấy cô gái trẻ dám vào, ngoại trừ mấy bà thu lượm đồng nát, bán nước chè. Bởi xung quanh đông người thế, lỡ may họ dòm ngó trộm, đột nhập làm hại, đặt camera theo dõi thì sao?

Lại có nơi, có nhà vệ sinh công cộng nhưng bẩn như thổ tả, khách vào một lần rồi chạy mất, không bao giờ dám quay trở lại. Dọc đường Láng, đường Bưởi cũng có đặt dăm cái nhà vệ sinh như vậy. Nhưng khi bước vào người ta có cảm giác như cái nhà vệ sinh này đã bỏ hoang từ nhiều chục năm nay rồi.

Khổ nỗi, có thể đi được vệ sinh nhưng sau đó lại không hề có nước để dội chứ chưa nói là nước rửa tay. Cái bồn cầu thì mốc xanh mốc đỏ. Đứng tiểu tiện còn nhắm mắt chịu được, chứ cánh chị em thì ôi thôi, không thể nào liều mình mà đặt mông xuống.

Lại có nơi, nhà vệ sinh biến thành ổ kim tiêm chích, chẳng hạn như ở cổng chợ Long Biên. Ban ngày thì mấy bà chạy chợ vào đi tạm. Ban đêm con nghiện vào cát cứ.

Bởi thế, hiện nay hầu như người dân ở đây không dám bước vào các nhà vệ sinh công cộng. Bởi họ sợ vô tình vào mà gặp một anh đang ngồi lù lù, nhè ven tay ra để chích thì sởn tóc gáy.

Cả đoạn đê Trần Nhật Duật (đê bao sông Hồng, ngăn khu 36 phố phường và khu dân cư ngoài bãi) chạy qua địa bàn hai quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, tính từ dốc Bác Cổ lên chợ Long Biên dài tới 4 - 5 cây số, nhưng "bói" mãi chúng tôi mới tìm ra hai cái nhà vệ sinh công cộng.

Trong đó, cái nhà vệ sinh công cộng nằm ở khu vực cổng chợ, gầm cầu Long Biên thì phải nhìn kỹ mới biết là nhà vệ sinh vì trông nó giống cái chuồng gà.

Chẳng cần phải tả nó bẩn thế nào, chỉ cần nói rằng đây là "thiên đàng" của các con nghiện, với xilanh, kim tiêm vứt lổng chổng, máu me, nhớt dãi nhầy nhụa.... đã khiến người ra khiếp đảm, không dám lại gần.

Trong khi khu vực này lại nổi tiếng là "đầu mối của các loại đầu mối":  Chợ đêm Bắc Qua, chợ Long Biên, ga và bến xe Long Biên, cửa ngõ vào chợ Đồng Xuân, bến đậu, nhà chờ xe buýt của học sinh, sinh viên, trạm luân chuyển xe buýt Hà Nội, "mặt trận" hàng rong, chè chén vỉa hè...với hàng ngàn người đến tụ tập mỗi ngày nên nhu cầu "thải" khổng lồ. 

Nhưng do chỉ có một cái nhà vệ sinh công cộng nên có tới quá nửa lượng người chọn cách đi tiểu tiện rất "đặc trưng" là: Đàn bà, con gái thì phi qua đường, hàng rào, dải phân cách để "phóng" xuống mái đê bê-tông, còn đám đàn ông , con trai thì đứng nấp ngay sát chân cột đèn cao áp bên vệ đường mà "tâm sự".

Bởi vậy, cả một đoạn hơn cả cây số từ chân cầu Chương Dương lên chợ Long Biên mà chúng tôi đếm được có hơn 200 cột đèn cao áp bị dấu vết của nước tiểu, mùi nồng nặc.

Bức tường bê tông chẳng bao giờ được khô ráo. Đoạn sát cổng chợ Long Biên, các anh tài, cậu lơ xe còn hồn nhiên "xả" vào chân cột đèn ngay sau cô hàng nước.

Một chị bán hàng rong dưới gầm cầu Long Biên cũng thành thực: "Ở đây nhiều khi bán hàng mà chẳng tìm được nhà vệ sinh công cộng, chúng em cũng đành phải sang bên kia ngồi liều ở dưới mép đê".

Riêng cái chuyện đi vệ sinh và đặc biệt là vệ sinh ở chỗ công cộng, gần đây, ông Vương Trí Nhàn, một nhà nghiên cứu văn hóa, phải viết hẳn một bài về nó.

Ông bảo: "Tôi đã từng gạt đi mà đôi lúc vẫn không tránh khỏi cảm tưởng Hà Nội chưa bao giờ nhếch nhác như bây giờ. Ngay chuyện đi đại tiểu tiện, so với những năm chiến tranh, chẳng những không khá lên được bao nhiêu, mà có nhiều mặt còn tệ hại đi.

Có lẽ trên thế giới này không có thành phố nào ít nhà vệ sinh công cộng như ở Hà Nội. Mọi người giải quyết ở gốc cây, góc tối. Đói kém lâu ngày, ta đâm ra coi thường vệ sinh.

Rồi khi biết ra thì lại bài bây, thậm chí lý tưởng hóa nó, coi nó là đặc trưng, là bản sắc, không ngồi ăn bên rãnh không phải người Hà Nội. Cách sống cũng như cách nghĩ ấy chỉ chứng tỏ Hà Nội còn là một thành phố kiểu trung đại".

Còn buồn hơn khi nghĩ đến lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã đến rất gần rồi. Nhưng bộ  mặt của Hà Nội thì vẫn còn nhiều nhếch nhác quá.

Trong đó, sự nhếch nhác, tạm bợ, thiếu thốn về nhà vệ sinh công cộng, một đòi hỏi tất yếu của mỗi người, trong đó không chỉ có riêng người Hà Nội mà còn có cả người ngoại tỉnh về chiêm ngưỡng vẻ hào hoa của Thủ đô và cả du khách nước ngoài, thì không thể chấp nhận được.

MỚI - NÓNG