Áp lực lãi suất đang đè nặng lên doanh nghiệp

Áp lực lãi suất đang đè nặng lên doanh nghiệp
TPO – "Với mức lãi suất vay ngân hàng cao như hiện nay, cộng với thuế và các chi phí khác, nếu vay 1 tỷ VNĐ mà chỉ làm ra thêm ra 300 triệu là coi như lỗ !". Một DN tư nhân than thở với PV Tiền phong Online.
Áp lực lãi suất đang đè nặng lên doanh nghiệp ảnh 1
Việc nâng lãi suất quá cao sẽ hạn chế đầu tư xã hội dẫn đến đình trệ, suy thoái, thất nghiệp và phá sản. Ảnh : Hồng Vĩnh

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước, kinh tế Việt Nam ở góc độ vĩ mô thì đã có tín hiệu tốt, nhưng về góc độ vi mô, hiện đang là thời điểm khó khăn của các doanh nghiệp.

Giảm áp lực lãi suất đang đè nặng lên các doanh nghiệp, tiếp tục tiến hành các biện pháp đồng bộ để kiềm chế lạm phát…là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo “Quản lý thị trường và giá cả nhằm kiểm soát lạm phát” do Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính tổ chức ngày 15/7,  tại Hà Nội.

Giảm lãi suất để giải tỏa áp lực cho doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Mùi, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng việc cần làm hiện nay là xem xét, điều chỉnh lãi suất đang ở mức cao để phòng ngừa các tác động xấu về lâu dài.

“Trong điều kiện hiện nay, rất cần sử dụng công cụ lãi suất để tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển. Nhưng khi lãi suất theo xu hướng ổn định và khi lạm phát đã kiểm soát được thì sẽ giảm dần để doanh nghiệp có thể từng bước tiếp cận được vốn của ngân hàng, giảm chi phí vay mượn vốn, giảm bớt rủi ro đi và ngân hàng cũng có điều kiện tồn tại phát triển và doanh nghiệp cũng có điều kiện tồn tại phát triển”- Bà Mùi nói

Việc có một số ngân hàng giảm lãi suất trong thời gian qua, theo bà Mùi, là tín hiệu tích cực bước đầu, song các ngân hàng không nên dừng ở yếu tố phong trào vì giảm lãi suất là vấn đề cốt lõi để thúc đẩy sản xuất phát triển cũng như là tạo điều kiện cho các ngân hàng hoạt động lành mạnh và phát triển hơn.

Thực tế khi các ngân hàng đua lãi suất, lãi suất đầu vào cao kéo theo lãi suất đầu ra cũng tăng cao làm giảm lợi nhuận ngân hàng. Điều này, chính các ngân hàng cũng không mong muốn.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho rằng, sự lên xuống mạnh của lãi suất là tín hiệu và biểu hiện của một cuộc chấn động kinh tế. Khi đó, hiệu quả của chính sách lãi suất sẽ bị suy giảm rất nhiều trong việc thực thi mục tiêu của chính sách tiền tệ. Việc nâng lãi suất quá cao sẽ hạn chế đầu tư xã hội dẫn đến đình trệ, suy thoái, thất nghiệp và phá sản.

“Đặc biệt lãi suất cao còn có thể làm gia tăng lượng cung tiền từ nước ngoài, từ đó làm tăng áp lực lạm phát tiền tệ. Điều này càng rõ nét và nguy hiểm trong bối cảnh tự do hóa tài chính cao theo cam kết hội nhập trong các tổ chức kinh tế quốc tế. Cần phải có những biện pháp khắc phục hậu quả của nâng cao lãi suất nếu không sẽ vấp phải vòng xoáy mới của lạm phát khi hạ lãi suất xuống làm mở rộng tín dụng, tăng cung tiền tệ”- Ông Phong nói.

Nói về việc giảm lãi suất, ông Bùi Đức Thụ, Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân sách, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng hiện nay, đại bộ phận các doanh nghiệp có lượng vốn vay chiếm phần lớn số vốn đang có.

Nếu lãi suất cứ tiếp tục tăng thì không doanh nghiệp nào có thể chịu được, thậm chí sẽ có nhiều doanh nghiệp không trả được nợ và đứng trên bờ vực phá sản. Khi đó áp lực lại đè nặng lên các tổ chức tín dụng vì nợ xấu ngân hàng tăng lên, đe dọa an toàn của hệ thống ngân hàng. Như vậy, kinh tế bị trì trệ, suy thoái và dẫn đến mục tiêu GDP tăng trưởng 7% cũng khó có thể đạt được.

"Nền kinh tế của chúng ta đang giống như một người yếu, nếu dùng biện pháp gây sốc là tiêm thuốc bổ quá liều thì cũng chết và trị bệnh không tốt thì cũng cũng khó mà hồi phục ngay"- ông Thụ nói.

Kiềm chế tăng giá 6 tháng cuối năm: Nhiều thách thức

Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại Dịch vụ giá cả, Tổng cục Thống kê đưa ra cảnh báo về việc từ nay đến cuối năm cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đồng thời cần tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, kiểm soát hoạt động thương mại, sản xuất kinh doanh thì mới có thể kiểm soát lạm phát hiệu quả.

Cũng theo ông Thắng, Tổng cục Thống kê đã đưa ra 3 kịch bản cho chỉ số giá tiêu dùng cả năm. Theo đó nếu trong 6 tháng còn lại của 2008, mỗi tháng chỉ tăng 1% thì lạm phát năm 2008 chỉ ở mức 25%. Với kịch bản thứ hai khi chỉ số giá cả mỗi tháng tăng 1,2% so với tháng trước thì đến tháng 12/2008 tăng CPI sẽ lên mức 27,5%.

Với kịch bản thứ ba, nếu mỗi tháng CPI tăng 1,5% thì lạm phát đến cuối năm có thể lên đến 30%.

“Nếu áp lực giá dầu thế giới vẫn tăng mạnh và việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước khi xảy ra sẽ kéo theo tác động dây chuyền. Khi đó CPI sẽ có thể còn tăng cao hơn nữa”- Ông Thắng cho biết.

Đồng quan điểm với đại diện Tổng cục Thống kê, TS. Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng kinh tế Việt Nam hiện có 2 diễn biến: Ở góc độ vĩ mô thì đã có tín hiệu tốt cho nền kinh tế sau khi những biện pháp kiềm chế lạm phát đã bước đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên về góc độ vi mô thì hiện mới là thời điểm khó khăn của các doanh nghiệp.

Điều này là do những khó khăn đang chuyển sang vai của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thuộc một số lĩnh vực nhạy cảm như kinh doanh bất động sản, xây dựng sẽ đối phải đối mặt với nhiều thách thức, không loại trừ một số doanh nghiệp có thể bị phá sản.

MỚI - NÓNG