Giới trí thức nói về vấn đề "tam nông"

Giới trí thức nói về vấn đề "tam nông"
Có thể nói, vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân (gọi tắt là "Tam nông") được đưa ra thảo luận và giải quyết tại Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) đang được cả xã hội quan tâm.

>> Bế mạc Hội nghị lần thứ bảy BCH TƯ Đảng khóa X
>> Nông dân mất ruộng

Giới trí thức nói về vấn đề "tam nông" ảnh 1
Người nông dân Thái Bình. Ảnh: Đức Kế

Bởi nó không chỉ nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân, mà còn tạo ra động lực mới, sức bật mới và là chỗ dựa vững chắc cho cho cả nền kinh tế đất nước.

Vì thế, trong những ngày vừa qua, đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết của nhân dân, đặc biệt là giới trí thức về vấn đề này.

Nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định: chúng ta thoát khỏi tình trạng thiếu lượng thực triền miên trong nhiều thập kỷ qua và trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu trên thế giới là nhờ có nông dân. Hơn nữa, họ là "chủ lực quân" của công cuộc biến cải xã hội to lớn, tạo ra xã hội hôm nay.

Vì thế, chúng ta không thể làm ngơ trước thực trạng: nông dân mất ruộng, bỏ sản xuất nông nghiệp, bỏ nông thôn để ra thành thị kiếm sống.

Bằng góc nhìn của một nhà văn, ông cho rằng: Nông từ đất sinh ra, mọc lên, lăn lộn trên đất và nuôi sống xã hội. Nông dân là cái nền của xã hội. Và cái nền thì không ồn ào, không hào nhoáng, không huênh hoang, nhưng chính là cái nền nên xã hội sẽ không thể yên nếu đời sống xã hội ở nông thôn và nông dân không yên.

Giải quyết tốt vấn đề "Tam nông" tức là củng cố và trả lại cái nền ấy sự bền vững.

Cũng day dứt về những vấn đề trên, Luật sư Phạm Duy Nghĩa (Đại học Quốc gia Hà Nội) lại cho rằng các vấn đề, mà ông gọi là "3 nguy cơ" cần phải giải quyết ngay: nông dân không mặn mà với ruộng, nông dân mất ruộng và nông dân ly hương.

Theo ông, cần phải tiếp tục sửa đổi Luật Đất đai, trong đó chú trọng việc giao quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân; đồng thời bãi bỏ chính sách hạn điền. Có như vậy, mới tạo sự ổn định cho sản xuất nông nghiệp và mới thực hiện được cơ giới hoá, hiện đại hoá nông nghiệp.

Luật sư còn lập luận rằng: Người nông dân chỉ bám ruộng khi nông sản được giá, nông sản chỉ có giá khi được người mua tin dùng. Vì thế, theo ông Nghĩa, bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến nông sản, liên kết chuyển giao công nghệ cho nhà nông...

Nhà nước cần có hạn chế sự độc quyền trong cung cấp vật tư nguyên liệu, cũng như việc tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp. Đặc biệt, Nhà nước cần hỗ trợ hợp pháp về giống, về kỹ thuật, giao thông, thuỷ lợi...cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, để các mặt hàng nông sản của nước ta không vi phạm quy định về Chống bán phá giá, mà vẫn có thể cạnh tranh được trên trường quốc tế; đồng thời góp phần giữ chân người nông dân ở lại nông thôn.

Hàng loạt các vấn đề khác về cơ chế chính sách nhằm xoá bỏ sự bất bình đẳng trong đầu tư công, đầu tư cho giáo dục, văn hoá cho nông thôn, dạy nghề, chuyển kỹ thuật cho nông dân... cũng được GS Nguyến Minh Thuyết (Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội); PGS Trần Ngọc Vương (ĐH Quốc gia Hà Nội), PGS Trần Đức Viên (ĐH Nông nghiệp I) kiến nghị, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đồng thời thúc đẩy kinh tế-xã hội của nước ta nhanh chóng phát triển trên con đường hội nhập quốc tế.

Theo Quang Chính
TTXVN

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG