Chuyện nhặt trên đường Trường Sơn

Kỳ I: Bâng khuâng Đèo Đá Đẽo

Kỳ I: Bâng khuâng Đèo Đá Đẽo
TP - Đận trước từ Tuyên Hóa về Phong Nha qua Đèo Đá Đẽo đã khuya. Cứ chăm chắm dặn anh bạn cùng học quê ở miền Tây Quảng Bình hễ đến đèo thì dừng lại tí...

Dừng lại tí là cả một nỗi niềm dài. Cô em con ông cậu đi thanh niên xung phong (TNXP) hy sinh nghe nói ở Đèo Đá Đẽo này tháng 9/1972. Không tìm thấy xác.

Bà mợ bao năm nhớ con dật dờ như sợi dây khoai héo rồi cũng đã về theo em hơn chục năm nay. Thì lần đầu đến xứ lạ này cũng xuống cho biết vậy thôi chứ đêm thăm thẳm mù trời mù đất này thì ngó chi được? Nhưng tôi cứ xuống xe...

Ba bề bốn bên mênh mang một sắc đen án ngữ. Không còn biết đâu là taluy âm dương của con đường Trường Sơn đang được làm mới. Xe trên đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh là của hiếm. Ban ngày đi chòi chõi hàng giờ còn chẳng gặp chứ nói chi đêm hôm khuya khoắt nên màn đêm không có bất kỳ thứ ánh sáng nào xé ra càng có vẻ dày đặc, vây bọc tợn.

Kéo tàn cả điếu thuốc, chỉ có tiếng gió hù hụ hun hút qua đèo. Giọng anh bạn quê miền Tây thoảng như đưa từ dưới vực lên về cái hồi đạn bom mù trời mà anh từng phải gánh chịu lẫn chứng kiến xứ này. Con đèo câm lặng dưới chân đây từng tơi bột bao lần bởi bom thả, bom ném, bom phá, bom xuyên.

Cây cối còn khó thoát nữa là người. Chả tính cả tuyến 12A miền Tây mà chi, nội các đơn vị TNXP bộ đội bám trụ khu vực con đèo này đã mấy trăm người lớp chết lớp bị thương! Vậy mà bây chừ chỉ có đêm và lặng thinh gió. Gần bốn chục năm còn gì?

Lần này không te tắt kiểu vài đoạn mà hoành tráng hơn, tôi được bám theo đoàn xuyên Việt của một người bạn theo đường Trường Sơn theo lối từ ngã ba Láng - Hòa Lạc xuôi Nam. Đến Đá Đẽo đã tầm chiều muộn nhưng hãy còn lóa lên thứ nắng chao chát xứ miền Tây Quảng Bình.

Sau khi thăm di tích trận địa Nguyễn Viết Xuân và sân bay dã chiến Khe Gát, lúc bắt vào khu vực đèo, một ông bên Bộ Giao thông vận tải có mặt trên xe đã nói về sự trần ai khi thi công đường Hồ Chí Minh qua đoạn này mà ông được chứng kiến.

Kỳ I: Bâng khuâng Đèo Đá Đẽo ảnh 1
Hoàng hôn trên Đèo Đá Đẽo. Ảnh: Xuân Ba

Khu vực Đèo Đá Đẽo địa hình đa dạng gồm đồi núi, thung lũng xen kẽ và bị chia cắt có chiều dài 16km với một bên là núi cao, một bên là vực sâu, có các vòng cong gấp, sườn núi có độ dốc ngang lớn, lại bị xói lở nhiều. Khí hậu vùng này khắc nghiệt, mùa nắng gió Lào nhiệt độ cao, mùa mưa lũ lụt, mùa đông thì mưa dầm âm u kéo dài.

Đây là tụ điểm của sốt rét, là nơi còn sót lại nhiều bom đạn và chất độc... Còn tại sao có tên là Đá Đẽo thì ông cũng như mấy người trên xe chưa biết được. Có thể hồi ấy, khi bắt đầu mở nhánh đường chiến lược nối miền Tây Quảng Bình hậu phương với Trường Sơn với mặt trận Lào, do phương tiện thi công thiếu thốn (hoặc để mà giữ bí mật chăng?) các cô TNXP phải dàn hàng ra dùng choòng, xà beng để mà vạc đá đẽo đá?

Cũng là lối phỏng đoán áng chừng mờ mịt thôi nhưng cái tên Đèo Đá Đẽo đã vạc đã hằn vào lịch sử chiến tranh một thứ bi tráng! Ấn tượng nữa là sau này, không phải chỉ các loại bom phá, bom xuyên bom khoan mà hình như trên tuyến đường chiến lược đây, Mỹ bắt đầu dùng B52 rải thảm đầu tiên đối với đất miền Bắc?

Đợt cao trào có ngày 27 lần B52 dội bom xuống khu vực này! Thứ bom mà không nghe tiếng động cơ xoèn xoẹt đinh tai các vòng lượn của  Con ma, Thần Sấm, Thập tự quân (F4, F105E, AD6...)  mà đột nhiên trên thinh không lặng lẽ bỗng ù ù âm thanh từa tựa xay lúa rồi tối trời tối đất là những tiếng nổ kinh hồn, mọi thứ chao đảo nát vụn.

Lớp bom sau đè lên lớp chết trước... Ấy thế mà Đèo Đá Đẽo nói riêng cũng như những cung đường chiến lược chi chít của miền Tây này vẫn thông, vẫn sống thì quả là kỳ tài! Kỳ tài sức trai sức trẻ phải giăng ra hằng đêm hàng ngày để mà chớp thời cơ san gạt vá víu lẫn phá bom nổ chậm chứ chưa hẳn cái chi đó thuộc về tài năng của những chiến lược mở đường thông tuyến thời ấy.

Cô em của tôi và chắc có không ít đồng đội của em nữa vào một đêm, một ngày nào đấy của tháng 9/1972, chắc chi còn lành lặn vẹn nguyên thân thể? Quanh đèo chỉ bạt ngàn thứ cây dại thân cứ sắt lại và không gian trên đỉnh đèo cứ sậm bầm thứ hoàng hôn ma quái.

36 năm nếu không mùa mưa xối xả và mù giăng mờ mịt thì chiều nào cũng một sắc bầm nhức mắt này vây quanh em? Anh đang đến thắp hương cho em đây. Những bó hương mà bộ phận hậu cần chu đáo của chuyến đi đã chuẩn bị sẵn từ Hà Nội...

Chúng tôi chầm chậm tiến đến tấm bia đã cao hơn 2 mét dưới có ba tấm đá chồng lên nhau làm bệ được dựng giữa lưng chừng Đèo Đá Đẽo. Tấm bia này chắc mới dựng. Trên mặt bia vạc vẻn vẹn dòng chữ lối in đứng  Đèo Đá Đẽo, trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ 1965-1972.

Dưới chân bia, chỗ cắm hương không có đành phải lấy tay khéo nương những chân hương dựa vô mặt đá. Tất thảy cái gọi là Đài tưởng niệm chỉ có vậy. Tôi ngó quanh thấy vương vất bên chân tấm bia những chân hương cũ khá nhiều...

Ngó mọi người nhiệt thành bấm cho nhau những kiểu ảnh khi thì ở đoạn cua của đèo, khi thì bên chân tấm bia tôi chợt nhớ đến hai địa danh nổi tiếng một thời mà chúng tôi vừa ghé hồi nãy cách Đèo Đá Đẽo không xa. Gọi là trận địa cao xạ pháo nhưng bây giờ đã chìm lút trong cây dại.

Trận địa pháo 57ly hay 37ly5 nơi thiếu uý Nguyễn Viết Xuân, khẩu đội 3, chính trị viên đại đội 3, Tiểu đoàn 14, pháo cao xạ sư 325 Quân khu 4 có câu khẳng khái trước lúc hy sinh  Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn.

Buổi sáng ngày 18/11/1964 (có tài liệu chép năm 1965?) Bí thư chi bộ kiêm chính trị viên đại đội cao xạ Nguyễn Viết Xuân quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đã cùng đồng đội đánh trả nhiều đợt tấn công của lũ tiêm kích F100 để bảo vệ con đường chiến lược này.

Anh bị thương nát đùi bên phải, lòi ruột ra mà vẫn không rời trận địa. Cái chết uy lẫm ấy đã khởi đầu cho một phong trào Nguyễn Viết Xuân rầm rộ khắp miền Bắc. Hàng triệu phần việc, công trình mang tên Nguyễn Viết Xuân.

Cho đến giờ đã non nửa thế kỷ vẫn có hàng ngàn địa danh làng xã trường học khu phố mang tên Nguyễn Viết Xuân. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sau thời điểm Nguyễn Viết Xuân hy sinh không lâu, trong một đợt công tác vô tuyến lửa đã tìm đến tận trận địa này ứng tác liền ca khúc tôi ghé thăm anh dọc đường hành quân/ nghe tiếng chim ca trên đồi anh nằm/ trận địa còn đây đất đá xới nhào...

Ca khúc xuyên năm tháng Nguyễn Viết Xuân cả nước thương yêu ấy đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong chùm ca khúc Quê em, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Đào công sự.

Cách trận địa pháo của Nguyễn Viết Xuân cũng không xa là một sân bay dã chiến có thể nói là độc nhất vô nhị trên hành tinh này có tên là Khe Gát. Nói đúng hơn là chỉ vỏn vẹn một đường băng cho một chiếc MiG lăn cất cánh và hạ cánh rồi chui giấu trong lòng núi.

Ngày 19/4/1972, lúc 14 giờ 5 phút, phân đội (kỳ thực chỉ có mỗi chiếc MiG 17 do Nguyễn Văn Bảng (Bảng B) và Lê Xuân Di điều khiển  xuất phát từ sân bay Khe Gát này đã bắn cháy một chiếc khu trục hạm thuộc Hạm đội Bảy trong đó có chiếc khu trục Newzersey.

Đòn bất ngờ bởi cách đánh sáng tạo bí mật ấy đã khiến nhiều tàu chiến Mỹ không dám táo tợn liều lĩnh mò sâu vào vùng biển Quảng Bình để gây tội ác như trước. Điều kỳ diệu nữa là sân bay bí mật ấy đã không bị phát hiện bởi hệ thống mắt thần tinh vi của đối phương và tồn tại cho đến ngày toàn thắng. Tất nhiên, hai di tích đó bây giờ cây dại lẫn lau lách đã giăng đầy!

...Rời mắt lần chót khung trời đang buông thứ hoàng hôn bầm đỏ trên Đèo Đá Đẽo, trên xe lại rộ lên câu chuyện rằng mai kia trên toàn bộ tuyến đường Trường Sơn xuyên Việt mang tên Bác này, người ta sẽ xây cất những cung chặng hợp lý để phục vụ hành khách đường trường nghỉ ngơi giải trí chi đó.

Nghe nói đã có một đại gia xin thầu công việc đó. Nghĩ đến đấy, tôi những muốn bổi hổi một ước ao, đồng thời với nghĩa cử đó, những địa điểm di tích lịch sử  dọc dài con đường huyền thoại nói chung cũng như ở miền Tây Quảng Bình nói riêng này như trận địa Nguyễn Viết Xuân như sân bay Khe Gát sẽ được xây cất giữ gìn tu tạo...

Nên chăng sẽ có những nhà bia cùng khu tưởng niệm ở những địa danh ấy? Và di tích Đèo Đá Đẽo này nữa,  có một cái nhà bia  với lối kiến trúc ấm áp, xây cất tùng tiệm thôi miễn sao cho khéo để che tấm bia trơ trọi kia đi. Mà trong nhà bia mang hơi hướng tưởng niệm ấy sẽ dần dà được bổ sung thêm những con số, sự việc cụ thể về con đèo lịch sử này.

Hàng trăm bộ đội, TNXP đã bị thương và hy sinh, con số cụ thể là bao nhiêu? Những con số tuy có thể sắc lẹm, lạnh lùng nhưng đủ sức truyền lửa cho các thế hệ mai sau. Nghĩa cử ấy chắc hẳn cũng tốn kém nhưng cần hơn là những tấm lòng lẫn sự chung tay góp sức.

(Hôm sau có trọn một ngày ở Đồng Hới tỉnh lỵ Quảng Bình mà tôi cố hỏi dò nhân vật anh hùng Đinh Thị Thu Hiệp, nữ TNXP kiên cường trên Đèo Đá Đẽo, một thời nổi  trội trên các mặt báo những năm đã xa...

Không rõ chị Đinh Thị Thu Hiệp được tuyên dương cùng đợt hay sau anh hùng TNXP Quảng Bình Nguyễn Thị Kim Huế có thành tích vượt trội trong công tác đảm bảo giao thông được gặp Bác Hồ năm 1967? Nhưng hỏi mấy nơi mà chả ai biết! Hay chị Hiệp không phải quê Quảng Bình? Có lẽ mình hỏi chưa trúng chăng?).

Kỳ sau: Hang Tám Cô, Hang Bốn Cô...

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.