Chuyện nhặt trên đường Trường Sơn

Chuyện nhặt trên đường Trường Sơn
TP - ...Xe chúng tôi cùng nhiều du khách khác đang lướt ngon trớn trên Đường 20 Quyết Thắng thuộc Tây Trường Sơn.

>> Kỳ trước

Kỳ II: Hang Tám Cô, Hang Bốn Cô...

Con đường này là một hướng chiến lược độc đáo táo bạo nối hậu phương miền bắc Quảng Bình với tuyến đông Trường Sơn Đường 9 cũng như Mặt trận phía Nam và Lào, chiếm vị trí đặc biệt trong việc chi viện cho chiến trường.

Lãnh đạo Đoàn 559 khi ấy đã đặt tên cho tuyến đường đặc biệt này là Tuổi 20 Quyết Thắng! Sau này giản lược người ta chỉ gọi là đường 20 Quyết thắng.

Chính vì độc đáo và táo bạo nên đối phương đã đánh hơi được ý đồ chiến lược ấy ngay từ đầu và quyết tâm xóa sổ. Tuổi 20 Quyết Thắng đã trả giá bằng từng thước máu xương của biết bao TNXP và bộ đội.

Người ta tính hơn 2 vạn bộ đội TNXP đã ngã xuống trên các tuyến đường Trường Sơn thì riêng 123 km của Đường 20 Quyết Thắng này, chưa thống kê cụ thể (mà đến khi nào mới có con số cụ thể?) nhưng những độ tuổi hai mươi nằm lại với con đường để giữ con đường này qua hàng ngàn vạn trận bom phá bom xuyên bom B52 ấy không phải là ít! Thời gian có thể là liều thuốc hiệu nghiệm cho sự quên lãng?

Đường 20 Quyết Thắng bây giờ đã quá tốt nhờ Đổi Mới nhờ tiền bạc của dự án này khác nhưng mỗi lúc xe tròn giữa tim đường trải nhựa phẳng lỳ, mỗi chúng tôi như có chi rưng rưng trong câu chuyện của người lính già ở Bộ GTVT trên xe đang kể về những gian nan mà ông cùng đồng đội từng nếm trải trên tuyến đường máu lửa năm xưa này. Nội cái việc ông chỉ ra cho chúng tôi thấy những cột cây số vùn vụt lui lại phía sau trên đề Hang Tám Cô 10, 8, rồi 5, 4 km bừng lên một cảm giác khó tả...

Lịch sử trận mạc Việt vẫn thường lưu lại trí nhớ cho hậu thế bằng những địa danh trên bản đồ và trên cả hệ thống giao thông của đường 20 Quyết Thắng như thế này chả hạn?

...Ki – lô - mét 16 cung 20 Hang Tám Cô đây rồi. Tất thảy đứng lặng trước một hõm con con mà thiên tạo vạc vào vách núi đá chứ chưa hẳn là cái hang  mà lối đi chỉ vừa đủ cho hai người len nhau còn chật.

Chuyện nhặt trên đường Trường Sơn ảnh 1
Cột số Hang Tám Cô trên đường 20 Quyết Thắng - Ảnh: Xuân Ba

Vậy mà trưa ngày 14/11/1972, một trận oanh tạc kinh hồn của không quân Mỹ đã úp chụp xuống tọa độ km 16 của cung đường 20 này. 8 TNXP và 5 chiến sĩ pháo binh đã phải chạy tạm vào cái hõm này ẩn nấp.

Chắc những lần oanh tạc khác, họ có lặp lại động tác như lần này không nhưng chắc chắn cái hõm đá ấy dường như là nơi trú ẩn tạm an toàn của không ít TNXP đang bám trụ trên đường 20 Quyết Thắng này?

Nhưng hôm ấy đã không như các lần khác. Một loạt tiếng nổ dậy đất của loạt bom ném trên đỉnh núi đã hất một khối đá khổng lồ nặng hàng trăm tấn lăn xuống bít chịt lấy cái hõm đá con con ấy!

Thế là ngay buổi chiều 14/11/1972, đơn vị TNXP và mấy đơn vị bộ đội đã tập trung nhân tài lẫn vật lực hiện có khi đó vào việc cứu 8 TNXP và 5 bộ đội. Ba chiếc xe bánh xích đã nhao lên nhao xuống hàng chục lần nhưng khối đá khổng lồ bít hẻm  ấy vẫn không suy xuyển.

Phương án bắn mìn phá đá bị dẹp bỏ bởi làm vậy anh chị em mình sẽ chết tức thì vì sức ép. Hàng chục người, mắt ngầu đỏ bàn tay tướp máu thẫn thờ chết lặng vây quanh khối đá khốn kiếp kia khi mồn một từ trong lòng đá sâu thẳm phát ra những giọng nói tiếng kêu quen thương Mẹ ơi cứu con với! Bầm ơi cứu con! Các anh ơi cứu chúng em...

Người ở ngoài cũng tức khắc gào đáp trả những lời động viên. Nhưng không chắc trong đó có nghe được?

Những chiếc dây mìn được khéo léo chắp lại. Người ở ngoài tìm mọi cách luồn vào qua ngách này góc khác. Một sợi dây rung giật... A đây rồi! Sống rồi! Có tiếng reo ở phía ngoài! 

Họ đổ nước và sữa vào ống và ngày thứ hai tỉ mẩn nhồi vào miệng ống nhựa bé tý thứ lương khô đã được nghiền bột quấy với nước. Ngày thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư... nước sữa nước lương khô tắc tị nhưng vẫn nghe tiếng kêu thoang thoảng mẹ ơi, mẹ ơi...

Trong đó có nhiều người bị thương đã kiệt sức? Đã có người ngất? Và mấy người còn sống? Tại sao sợi dây truyền nước câm lặng không rung giật như mấy lần trước? vv... và vv... Biết bao nhiêu những là phỏng đoán những câu hỏi trước khối đá khổng lồ câm lặng kia.

Những đơn vị bộ đội từ ngoài Bắc lặng lẽ vào chiến trường. Đi qua tọa độ Km16 đường 20 Quyết Thắng này, rất nhanh họ đã phát hiện ra tình huống bi thương ấy! Nhưng họ cũng đành bó tay. Các anh chỉ lặng lẽ để lại ít hộp sữa phong lương khô...

(Lúc này đây, không hiểu sao tôi cứ vẩn vơ với một ý nghĩ, những đồng chí bộ đội từng hành quân qua tọa độ Km16 và tham gia việc cứu chữa và nhất là đồng đội của 8 TNXP cùng 5 chiến sĩ pháo binh đã nhiều ngày bươn bả bên ngoài, thì thể nào trong số đó cũng có người còn sống! Sang năm thôi là đã dịp kỷ niệm 50 năm con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Có lẽ chả phải bày biện ra chi nhiều cho nhiêu khê lẫn tốn kém, nội một phương tiện thông tin đại chúng như anh truyền hình chả hạn sẽ làm được cái việc thông báo rồi tập hợp cho họ những người còn sống sót qua những trận bão bom đạn lẫn bão người (thời bao cấp lẫn kinh tế thị trường phải vất vả kiếm sống) ngồi lại với nhau...

Tôi dám chắc những mái đầu bạc còn đến hôm nay  sẽ có rất nhiều sợi tóc tự dưng bạc phếch đi từ cái thời điểm nhỡn tiền thấy đồng đội mình còn sống còn gọi cứu, gọi mẹ mà mình đành bất lực xuôi tay!).

Ngày thứ 9. Phía trong hang đã không còn âm thanh gì. Đó là ngày 23 tháng 11 mùa lạnh năm 1972, sự sống trong hang đã lặng phắc...

Cho mãi 25 năm sau...

Tháng 3/1996, một trung đội công binh đã dùng 60 kg thuốc nổ và phương pháp moi sập mới... Mở oà ra trước mọi người của cõi dương là những bộ hài cốt đã nằm lặng lẽ 25 năm!

Không phải lặng lẽ của một tư thế chết lành mà cứ căn cứ vào tư thế của hài cốt, người sống đã đoán định đã biết họ đã phải đau đớn như thế nào, đã phải chòi đạp đủ mọi tư thế ra sao hòng mong giành lại sự sống!

Họ đòi được cứu, đòi được sống nhưng không thể... Họ lần lượt được an táng, người thì ở quê nhà người thì tại nghĩa trang ở Bố Trạch Quảng Bình.

Từ năm 1996 cái hõm đá oan nghiệt tại km16 trên đường 20 Quyết Thắng mang cái tên Hang Tám Cô. Biết bao nhiêu người đã đến đây. Khách bộ hành, người tham quan, khách du lịch... có cả nhiều du khách nước ngoài. Cảm phục, tiếc thương và cả tò mò trắc ẩn... Nhưng tất tật đều dừng ở đây thắp hương hoặc lặng lẽ tưởng niệm.

Tôi để ý chiếc bàn thờ đặt trong lòng hang mỗi ngày như thế lưu lại bao nhiêu thứ đồ cúng xếp lớp là gương là lược cả nước hoa nữa. Như tên của con đường, họ mãi mãi hai mươi tuổi... Không biết du khách kiếm đâu ra những tấm gương tròn bọc nhựa lại cả những chiếc lược nhựa,  mốt tận năm sáu mươi của thế kỷ trước mà con gái Việt Nam ưa dùng.

Làn khói hương du khách thắp lên theo chiều gió hay chiều chi từ lòng hang cứ lặng lẽ tản ra nhoè xanh cả cây ngàn. Vong các cô ngoài lẩn quất trong vòm hang còn có thể thơ thới vân du trong khu nhà tưởng niệm mới xây thuộc ban quản lý Khu Di tích Phong Nha Kẻ Bàng?

----------------------

Còn nữa

Xuân Ba

MỚI - NÓNG