Tôi đi làm lao động phổ thông - Bài 2

Vật lộn trong cơn “bão giá”

Vật lộn trong cơn “bão giá”
TP - Trên con hẻm về “tổ ấm” của mình ở đường Phan Văn Hớn, quận 12 (TPHCM), Đa tấp chiếc xe đạp cọc cạch vào khu chợ “cóc” nổi sình lầy sau cơn mưa chiều, mua vội mấy bó rau, ít bánh đậu và một xị rượu đế... về đãi khách.

>> Bài 1: Mướt mồ hôi đi… kiếm cơm!

Vật lộn trong cơn “bão giá” ảnh 1
Suất ăn công nhân ngày một đạm bạc

Bữa ăn teo dần

Trời nhá nhem tối. Trong căn phòng trọ chưa tới 10m2, nơi hai vợ chồng Đa ở chẳng có gì quý giá ngoài cái nồi cơm điện và chiếc quạt điện cũ kỹ.

Thay xong bộ quần áo bẩn, Đa vội vàng luộc rau, chiên 2 bánh đậu rồi dọn ra giữa phòng mời chúng tôi nhâm nhi.

Như thấu hiểu được sự đồng cảm của công nhân lao động nhập cư, Đa dốc bầu tâm sự:

“Bữa trước mua bó rau muống 1 nghìn ăn 2 bữa, nhưng nay tăng lên 4 nghìn mà chả thấm vào đâu. Giá cả tăng kiểu này chắc anh em công nhân tụi mình trụ không nổi quá!”.

Theo Đa, nếu không thắt lưng buộc bụng thì lương công nhân như thế này, tháng nào là âm tháng đó. Theo như Đa tính toán, mỗi tháng tiền nhà hết 500.000 đồng, tiền ăn của hai vợ chồng dè xẻn lắm cũng ngốn hết 700.000 đồng, thế là đi đứt tháng lương, chưa kể còn 1001 chuyện khác để chi tiêu!

Cũng giống như Đa, Trần Văn Tuấn, 28 tuổi, quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, cho biết: “Trước đây, cơm bụi một đĩa chỉ 8.000-9.000 đồng, nay thì ăn một đĩa 12.000 đồng mà vẫn chưa no.

Giá cả leo thang trong khi lương thì vẫn đứng một chỗ nên dù vất vả mấy mình cũng thích làm tăng ca để kiếm thêm”. Tuấn vào làm ở công ty Tân Việt Phát gần một năm nay.

Theo Tuấn, tuần nào anh cũng làm tăng ca buổi trưa rồi cả buổi tối để kiếm thêm tiền lo chi tiêu và dành dụm gửi về quê nuôi mẹ đang bị bệnh nan y nhưng tiền dư chẳng được bao nhiêu. Nói về chuyện lập gia đình, Tuấn chặc lưỡi: “Mình nuôi mình chưa nổi, lấy gì nuôi vợ”.

Lo bữa cơm gia đình đã mỏi mệt, vào công ty làm cũng mướt mồ hôi mới được ăn, mà bữa ăn cũng đang “teo” dần theo bão giá. Theo Tuấn, trước đây, suất ăn của công ty nhiều cơm, thức ăn hơn, nhưng tháng này cơm cũng ít đi và thức ăn cũng teo dần. Vì vậy, ngày nào ăn cũng không no. Để bù lại, Tuấn dặn với chúng tôi, bữa sáng đi làm nên ăn xôi cho chắc bụng.

Nhà trọ liên tục tăng giá

Chúng tôi rẽ vào một con hẻm trên đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, quận 7, nơi nhiều thanh niên quê ở Thừa Thiên- Huế đang làm ở khu chế xuất Tân Thuận trú ngụ. Đào Thị Liên, 25 tuổi, công nhân Cty TNHH Copal VN ở trọ với 7 người bạn là công nhân làm trong khu chế xuất Tân Thuận, nhưng phòng trọ chỉ vỏn vẹn 12 m2.

Vật lộn trong cơn “bão giá” ảnh 2
Khu nhà trọ của công nhân Công ty Tân Việt Phát trên đường Bùi Văn Ba, quận 7, TPHCM.

Chật chội, nóng nực, ẩm thấp... đó là những gì tôi cảm nhận được khi ghé vào phòng của Liên. Cả dãy nhà trọ có 10 phòng nhưng chỉ có một nhà vệ sinh nên sáng nào cũng giành nhau. Vậy mà, giá thuê phòng đã 1 triệu đồng/tháng từ 5 tháng nay.

Liên kể: “Hai ngày ni bà chủ thông báo, tháng 8 sẽ tăng lên 1,3 triệu/tháng. Dãy phòng trọ ni không phải là trường hợp duy nhất mà cả khu vực nhà trọ ở đây đều tăng giá vì họ cho rằng giá xăng tăng?!”.

Những ngày cuối tháng 7, nhiều khu nhà trọ dành cho công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức, TPHCM) và khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai)... đều tăng giá từ 100.000 - 200.000 đồng/phòng khiến không ít công nhân lao đao.

Phan Thị Sương, công  nhân công ty TNHH Pung Kook SG cho biết: Mấy bữa nay công ty hụt hàng nên không được tăng ca. Lương thì vẫn 1,1 triệu đồng/tháng, giờ phải gánh thêm việc giá tiền phòng trọ tăng, thật không chịu nổi.

“Thấy chủ đòi tăng giá, em và 2 công nhân khác dọn qua ở đường Lý Phục Man trên phường Tân Thuận, quận 7. Nhưng mới ở được 10 ngày thỉ chủ nhà lại tăng giá tiếp”.

Bao giờ mới an cư?

Đã có công ty chăm lo cho đời sống công nhân bằng việc xây dựng các khu lưu xá miễn phí như Công ty TNHH Tiến Triển ở khu công nghiệp Tân Uyên, Cty TNHH RK Resources ở Bến Cát hay công ty Becamex ở khu công nghiệp Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương. Nhưng đó chỉ là số ít. Hiện công nhân vẫn sống ở các khu nhà trọ cấp 4 rất chật hẹp, chưa tới 1,5m2/người và nóng nực, ẩm thấp.

Tại tỉnh Bình Dương, theo ước tính có trên 300.000 công nhân lao động với hơn 70% từ các tỉnh khác đến làm việc, vì vậy nhu cầu nhà ở luôn là vấn đề bức xúc. Tuy nhiên, hiện tỉnh này mới chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho khoảng 15.000 lao động.

Trong khi đó, ở Đồng Nai, 15 khu công nghiệp của tỉnh này đang thu hút khoảng hơn 200.000 lao động, thì 75% công nhân lao động là dân nhập cư ở các tỉnh đổ về và hầu hết phải thuê nhà ở trọ.

Các khu nhà trọ với diện tích trung bình chưa tới 3m2/người, chật chội, thiếu ánh sáng, không khí, không đảm bảo vệ sinh và nước sạch. Các hình thức giải trí sau những ngày làm việc như tivi, báo chí... là điều quá xa xỉ.

Ở TPHCM được xem là đông nhất với hơn 1,5 triệu lao động, trong đó khoảng 70% đến từ các tỉnh, nhiều nhất là khu vực miền Tây, nhưng chỉ có khoảng 6% lao động được bảo đảm về nhà ở. Hầu hết số còn lại là thuê trọ, nay đây mai đó.

Theo điều tra của Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, thì hiện tổng thu nhập bình quân của công nhân khoảng 1.250.000 đồng/ tháng.  Trong đó mức chi tiêu cho những khoản thiết yếu trong đời sống của mỗi người dân hàng tháng là 1 triệu đồng. Riêng khoản tiền thuê nhà đã ngốn bình quân 160.000 đồng/người/tháng, tiền ăn tiết kiệm nhất cũng chiếm hơn 300.000 đồng/người... Đó là chưa kể các khoản khác.

----------------------

Bài 3: Chông chênh cảnh tha hương

MỚI - NÓNG