Tôi đi làm lao động phổ thông - Bài 3:

Chông chênh cảnh tha hương

Chông chênh cảnh tha hương
TP - Những tưởng có thể đổi đời khi tha hương vào đất khách quê người với thân phận làm công nhân tại các khu công nghiệp, nhưng thực tế cuộc sống nhiều khi lại chứa đầy những mặn chát, phũ phàng...

>> Vật lộn trong cơn “bão giá”

Không có tiền để về quê!

Nhiều công nhân xa xứ vào các khu công nghiệp ở Bình Dương, TPHCM mưu sinh  từ 5- 10 năm nay nhưng chưa một lần trở lại quê hương.

Khi được hỏi tại sao lại như vậy trong khi ở quê nhà họ còn người thân, gia đình...,hầu hết những công nhân này đều trả lời: “Không có tiền thì làm sao dám nghĩ đến chuyện về quê”.

Những trường hợp mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, không đại diện cho tất cả anh em công nhân nhưng cũng phần nào nói lên nỗi khổ hiện nay của công nhân.

Tôi gặp Trần Văn Lực, 26 tuổi, ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế, là công nhân của công ty Gas VN tại khu công nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, khi Lực mới chân ướt chân ráo vào Nam mưu sinh cách đây 3 năm.

Bây giờ gặp lại, vẫn dáng vóc ngày ấy, chỉ có điều Lực gầy hơn, đen đúa, khắc khổ hơn. Chiếc xe đạp Lực đi ngày đó còn mới nay cũng tàn tạ. Lực cùng hàng nghìn công nhân khác đang thuê trọ ở ấp 2, xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên- nơi được xem là “làng nhập cư” với hàng trăm nhà trọ.

Buổi tối, khi tôi đến, Lực rủ tôi cùng mấy người bạn ở cùng phòng ra ngã 3 xã Khánh Bình ngồi nhâm nhi xị rượu với mấy quả vịt lộn và đĩa cóc, xoài xanh. Cả nhóm ngồi nói chuyện trên trời dưới đất và không quên hỏi nhau về quê nhà.

Đã 3 năm nay Lực không về quê. Đi làm lâu thế không nhớ nhà, nhớ quê hả? – Tôi hỏi. “Nhớ lắm anh ạ! Nhưng tiền đâu, lấy gì mà về. Anh thử xem, tổng các khoản mỗi tháng em nhận được 1,2 triệu đồng. Trong khi tiền phòng trọ 150.000 đồng/người, tiền ăn 500.000 đồng, chưa kể ăn sáng; còn tiền tiêu lặt vặt... Thế là tháng nào hết tháng đó”- Lực buồn bã nói.

Nguyễn Văn Hạnh, 24 tuổi ở Điện Bàn, Quảng Nam chia sẻ: “Về quê ít nhất cũng phải dành dụm được ít tiền mua cho bố mẹ, em út vài món quà. Rồi còn thủ một ít tiền lo tàu xe vào lại nữa. Vì vậy, mỗi lần nghĩ về quê là em lại chẳng dám nữa”.

Đã 5 năm rồi, Hạnh chưa một lần về thăm nhà. Thi thoảng anh mới gọi điện hỏi thăm gia đình, bà con. Lâu lâu tích cóp được ít tiền từ việc làm tăng ca, anh mới gửi về cho ba mẹ.

Hạnh nói: “Đã ra đi vì nghèo, vì muốn xa ruộng đồng vất vả, nay làm công nhân, về cũng lại nghèo, cũng khổ thì về làm gì”. “Đến khi nào có của ăn của để mới về. Mà biết khi nào mới có cơ chứ! Công nhân như anh em tụi mình, tháng nào nhận lương là hết tháng đó”- Hà, ở Hà Tĩnh, công nhân nhà máy chế biến gỗ ở Tân Uyên, chua chát.

Cũng giống như những thân phận tại “làng nhập cư” Khánh Bình, nhiều công nhân xa quê ở “làng nhập cư” Sóng Thần, Bình Dương và Bùi Văn Ba, quận 7 và cạnh khu công nghiệp Tân Bình, TPHCM đều ngậm ngùi mỗi khi nhắc đến 2 chữ “về quê”.

Lê Văn Hòa ở Thanh Hóa, là công nhân Cty Sung Hyun Vina ở khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương cho biết: “Ai đi làm cũng mong kiếm được nhiều tiền gửi về quê, một năm về quê ăn Tết với gia đình, bạn bè một lần, nhưng lương thấp quá, công nhân tụi em không dám mơ gì cả”.

Nghèo tinh thần và “đói”… tình yêu!

Chông chênh cảnh tha hương ảnh 1
Phút hẹn hò của đôi công nhân dưới chân cầu Tân Thuận, quận 7

Đêm xuống. Hàng trăm công nhân ở “làng nhập cư” Bùi Văn Ba, cạnh khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, đổ ra các vỉa hè trên con đường này và đường Huỳnh Tấn Phát để tìm mua áo quần “siđa”, giầy dép giá bèo.

Trong khi đó, trước cổng khu chế xuất, hàng nghìn công nhân sau khi tăng ca tối ra về trong bộ dạng mệt mỏi.

Công việc của họ bắt đầu từ 6 giờ 30 phút sáng, có khi đến tối mịt mới về. Thời gian quí giá còn lại là ngủ để lấy lại sức cho một ngày làm việc mới, vì vậy đối với công nhân chuyện xem ti vi, đọc báo... là điều quá xa xỉ.

Trần Thị Gấm, công nhân Cty TNHH Pung Kook SG cho biết: Tiếng là sống ở TPHCM nhưng từ 3 năm vào đây làm công nhân em chưa bao giờ xem tivi.

Mới đây, có chị ở trong phòng mua tờ tạp chí Thời trang về đọc, tụi em mới được đọc ké. Lâu lâu ở khu chế xuất có tổ chức ca nhạc thì mới tranh thủ ra xem thôi, chứ tiền đâu mà đi xem phim, mua sách báo”. Chuyện sinh hoạt văn hóa đối với công nhân là xa xỉ thì chuyện yêu đương còn xa xỉ hơn.

Đã bước sang tuổi 34, chị Nguyễn Thị Xuân, công nhân Cty TNHH Copal VN ở khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM vẫn chưa có được mảnh tình nào vắt vai, dù chị đã vào lập nghiệp ở TPHCM 6 năm nay.

“Có lẽ ở vậy thôi. Chứ tờ mờ sáng là đi làm, đến tối mới mò về nhà trọ thì thời gian đâu mà yêu với đương”- Chị Xuân buồn bã. Không riêng gì chị Xuân, 7 người bạn cùng chung phòng trọ với chị cũng chưa ai có người yêu.

Đào Thị Liên, ở Huế, công nhân làm cùng chị Xuân, nói giọng miền Trung: “Bà chủ phòng trọ ni “quái” lắm. Hễ thấy ai mà con trai tới chơi là sang đuổi về liền. Vì vậy có chàng nào dám tới mô”.

Nguyễn Hoài Anh, 27 tuổi, công nhân Cty TNHH Up-gain ở khu chế xuất Linh Trung, TPHCM cho biết: “Ở Cty em chỉ toàn con gái nên... khó nói đến chuyện yêu lắm.

Đôi khi cũng muốn yêu, có ai đó để dựa dẫm mỗi khi mệt mỏi nhưng những ngày tăng ca: sáng đi làm, tối 9-10 giờ mới lọ mọ về tới phòng trọ. Về tới nhà tắm rửa cơm nước xong, cả nhóm ngồi tán gẫu vài ba chục phút là buồn ngủ ríu mắt rồi nên thời gian đâu mà yêu”.

“Đặc thù công việc có Cty toàn nữ, có nơi toàn nam nên tụi em không có nhiều cơ hội giao lưu bạn bè. Lúc nào rảnh, em chạy ra tiệm internet chat làm quen”- Hồ Thị Hồng, 25 tuổi, ở Bình Định đang làm ở Cty giày Pouyen ở khu công nghiệp Tân Tạo, TPHCM tâm sự.

Theo Hồng, ở ngoài quê bước sang tuổi 20 mà chưa lấy chồng được coi là bị ế. Nhưng ở Cty Hồng, có nhiều anh chị đã qua tuổi 40 vẫn đơn chiếc, không ai ngó ngàng.

Tuy nhiên,  theo Hồng, ở nhiều Cty, các khu nhà trọ có nam nữ sống và làm việc thì mối quen biết dễ dàng hơn. Thậm chí, có nhiều đôi “yêu liều và sống vội” dữ lắm!

Theo báo cáo của Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, mỗi năm ở các khu công nghiệp, chế xuất tại TPHCM có khoảng 30.000 công nhân “nhảy”, thôi việc và bị sa thải, mất việc làm, chủ yếu là công nhân các ngành chế biến thực phẩm, may và da giày.

Đa số công nhân trên 30 tuổi mới lập gia đình và hơn 81% công nhân vẫn sống độc thân. Đặc biệt có đến 40% công nhân ở TPHCM cả năm không gửi về nhà đồng nào, hơn 85% công nhân chưa bao giờ đi xem phim và hơn 92% công nhân không có thời gian vào các khu vui chơi giải trí và chỉ có 40% công nhân được xem truyền hình, đọc sách báo.

------------------

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG