![]() |
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng. Ảnh: Phan Kiền |
Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Đảng vừa thông qua Nghị quyết “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Anh Thưởng cho biết: Nghị quyết lần thứ 7 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác Đoàn và phong trào TN trong thời kỳ mới.
Sau 15 năm kể từ Nghị quyết T.Ư lần thứ 4 khóa VII (năm 1993), Nghị quyết này ra đời nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TN để chăm lo, bồi dưỡng và phát huy cao nhất sức trẻ và vai trò của TN trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói Nghị quyết này tạo một động lực mới cho công tác Đoàn và phong trào TN.
Đây là Nghị quyết của Đảng đề cập trên nhiều lĩnh vực khác nhau, thể hiện được 2 yêu cầu đồng thời giải quyết một cách toàn diện yêu cầu đó.
Thứ nhất, Đảng mong muốn gì ở TN để xây dựng thế hệ kế tục xuất sắc, trung thành sự nghiệp của Đảng, của các thế hệ cách mạng tiền bối để lại?
Thứ hai: TN cần gì, mong muốn được Đảng, Nhà nước, xã hội và các tổ chức đoàn thể, gia đình quan tâm và tạo điều kiện như thế nào để trưởng thành?
Thanh niên là trung tâm của sự phát triển
![]() |
Thanh niên là trung tâm của chiến lược phát triển. Ảnh : PV |
Thưa anh, tổ chức Đoàn cần phải làm gì để thực hiện Nghị quyết?
Để Nghị quyết này đi vào cuộc sống đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các cấp ủy Đảng, của các ngành, các cấp và trước hết là ở chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư T.Ư Đảng. Trong đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhận thức được vai trò triển khai và tổ chức Nghị quyết này.
Về phía tổ chức Đoàn, sẽ xây dựng Chương trình hành động của BCH T.Ư Đoàn để triển khai Nghị quyết trong toàn Đoàn và trong TN. Theo lộ trình, vào đầu quý 4 năm nay, BCH T.Ư Đoàn sẽ thảo luận và thông qua Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết. Như chúng ta được biết, Đoàn TNCS HCM vừa tổ chức xong ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ 9 với những mục tiêu, nhiệm vụ, đề án...thiết thực và mang tính thời sự cao.
Nghị quyết này ra đời tạo thêm động lực, chắp cánh để tổ chức Đoàn tổ chức triển khai các chương trình ĐH thông qua, đồng thời đặt ra những yêu cầu mới mà bản thân Đoàn phải nỗ lực đổi mới vượt qua tư duy, phương pháp thông thường.
Nghị quyết khẳng định TN là trung tâm của sự phát triển. Vậy chính sách cụ thể cho vấn đề này như thế nào, thưa anh?
Nghị quyết đã phát triển, hoàn thiện những quan điểm trước đó. Đồng thời khẳng định những chủ trương mới có tính đột phá, trong đó TN được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy và bồi dưỡng con người, coi việc chăm lo, phát triển TN vừa là mục tiêu, vừa là động lực để bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước.
Quan điểm công tác xây dựng Đoàn là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước lần đầu tiên được khẳng định trong Nghị quyết của T.Ư Đảng.
Tạo vị thế vững chắc của tổ chức Đoàn
Muốn thu hút và tập hợp TN, đặc biệt lại đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết đòi hỏi tổ chức Đoàn nói chung và cán bộ Đoàn phải có vị thế, vị trí xứng đáng. Tuy nhiên ở không ít địa phương, vai trò và vị thế ấy chưa xứng tầm, thưa anh?
Khi Nghị quyết này ra đời và qua quá trình học tập, triển khai Nghị quyết này thì nhận thức của các cấp ủy Đảng, của các đảng viên sẽ có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là tổ chức Đoàn, cán bộ Đoàn phải nâng tầm của mình lên, ảnh hưởng bằng những chương trình hành động cụ thể và thiết thực. Nhưng để nâng vị trí và vị thế của tổ chức Đoàn phải bắt đầu từ công việc mang tính quyết định là đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của Đoàn. |
Phải khẳng định rằng trong quá trình lãnh đạo đất nước từ khi thành lập Đảng đến nay, Đảng luôn coi TN là lực lượng xung kích, Đoàn TN là đội dự bị tin cậy của Đảng.
Điều đó cho thấy trong tư duy lãnh đạo và các Nghị quyết của Đảng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn có vị trí, vị thế rất quan trọng trong hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo.
Tuy nhiên, trên thực tế khi triển khai các nghị quyết thì không phải lúc nào, địa phương, đơn vị nào thì vị thế đó cũng được nhìn nhận đúng theo tư duy lãnh đạo của Đảng.
Tôi cho rằng có tình trạng đó xuất phát từ 2 khía cạnh. Thứ nhất, nhận thức và quán triệt của các cấp ủy Đảng, của các đảng viên ở các vị trí công tác khác nhau, đặc biệt trong các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền nhìn nhận chưa đủ, chưa đúng với tinh thần đã thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng.
Thứ hai cũng phải nghiêm túc nhìn nhận là chính các tổ chức cơ sở Đoàn, đội ngũ cán bộ Đoàn địa phương, đơn vị đó không đủ mạnh để khẳng định vị thế, vị trí của mình cho nên chưa khẳng định được vị trí của mình với vai trò là đội dự bị tin cậy của Đảng.
Chúng tôi rất mừng khi đặt yêu cầu cho Đoàn TN phấn đấu thì Nghị quyết cũng đã nêu những định hướng rất quan trọng để giúp cho công tác tổ chức cán bộ của Đoàn TN có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó phải nâng cao chất lượng của đoàn viên.
Đoàn sẽ triển khai và ban hành Chương trình rèn luyện đoàn viên trong thời kỳ mới, rèn luyện đoàn viên theo lời dạy của Bác Hồ; Hiệu quả bền vững của phong trào được xã hội thừa nhận là yếu tố quan trọng làm cho vị thế của Đoàn tăng lên.
Việc triển khai 2 phong trào “5 xung kích” và “4 đồng hành” ở cơ sở sẽ hướng vào lựa chọn những công việc rất cụ thể bám sát nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đơn vị, cơ quan để triển khai thực hiện...
Một đặc điểm dễ thấy là Đoàn chủ yếu tập hợp TN ưu tú, mới đến được với TN thành thị, vậy Nghị quyết này tạo điều kiện như thế nào giúp Đoàn đến với TN vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và TN chậm tiến?
Tỷ lệ tập hợp TN của tổ chức Đoàn cũng như vào các tổ chức TN do Đoàn TN tổ chức và làm nòng cốt đa số tập trung là TN ưu tú. Trong thời gian vừa qua, Đoàn TN ở nhiều nơi có cố gắng tích cực vận động TN chậm tiến như giúp đỡ TN cai nghiện, hoàn lương, sinh hoạt với trẻ em có nguy cơ phạm pháp... nhưng mức độ chưa đáp ứng được so với yêu cầu.
Đặc biệt đối với TN trong các khu CN, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa thiếu cơ hội, điều kiện để tập hợp. Như vậy, Nghị quyết có đặt ra yêu cầu phải tăng tỷ lệ tập hợp TN đồng thời có công cụ để thực hiện như: Từ nay đến năm 2020 phải hoàn chỉnh quy hoạch và triển khai thực hiện các trung tâm hoạt động dã ngoại, trung tâm sinh hoạt cho TN công nhân, nhà văn hóa TN và nhà thiếu nhi ở các địa phương... Sự đầu tư thích đáng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tập hợp TN.
Nghị quyết được thể chế hóa toàn diện
Với vai trò một đảng viên được Đảng phân công phụ trách công tác TN, cảm nhận của anh về những điểm đột phá của Nghị quyết?
Tạo bước đột phá trong sử dụng cán bộ trẻ Thưa anh, chính sách đào tạo và sử dụng nhân tài, cán bộ trẻ có vị trí như thế nào trong Nghị quyết về công tác TN? Chính sách đào tạo và sử dụng tài năng, cán bộ trẻ được Đảng xác định là một trong những giải pháp quan trọng. Chính sách này bao gồm: Tạo cơ chế chính sách bố trí cán bộ trẻ có tài năng đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng phù hợp trong hệ thống chính trị; Nâng cao tỷ lệ cán bộ trẻ trong các cơ quan lãnh đạo, cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp, các ngành; Tạo bước đột phá trong việc sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ trong độ tuổi TN tất cả các cấp và coi đây là nội dung quan trọng về công tác cán bộ của Đảng, lựa chọn lãnh đạo cho tương lai. |
Nghị quyết thể hiện tính đột phá toàn diện trong quan điểm chỉ đạo, trong mục tiêu và giải pháp thực hiện. Cũng có nhiều điểm đột phá mạnh mẽ, cụ thể như yêu cầu Nhà nước phải thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về TN và công tác TN không chỉ bằng pháp luật, chính sách mà phải có chiến lược, chương trình hành động, cụ thể hóa trong các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng hàng năm của các ngành, các cấp, từng địa phương; khẳng định vai trò nỗ lực, học hỏi và tự rèn, phấn đấu không ngừng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của TN; Xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn chuyên trách có phẩm chất đạo đức, có lý tưởng, năng lực vận động tập hợp TN và đạt 70% cán bộ trong độ tuổi Đoàn.
Việc trước mắt là tăng cường huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ và từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ Đoàn chuyên trách đủ năng lực, gương mẫu...; Phấn đấu đạt tỷ lệ 70% đảng viên mới được kết nạp từ ĐVTN; Mục tiêu khẳng định: Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh để TN rèn luyện và phấn đấu; Mọi cấp ủy phải thường xuyên nắm tình hình và kiểm tra thực hiện công tác TN; Chính quyền các cấp thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với TN; Tạo cơ hội cho TN được thụ hưởng đầy đủ các chính sách giáo dục...
Ngoài nhiệm vụ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, vai trò quản lý nhà nước về công tác TN được thực hiện như thế nào trong Nghị quyết, thưa anh?
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phải giữ vai trò nòng cốt để kết nối các đơn vị, Bộ ngành liên quan, các lực lượng xã hội để chung tay chăm lo cho TN. Trong quá trình chuẩn bị Nghị quyết, trong và sau Hội nghị T.Ư Đảng, Đoàn TN đã có sự thỏa thuận tương đối cụ thể, rõ ràng đối với các Bộ ngành về giải quyết việc làm, giáo dục, vay vốn cho TN... Không chỉ với các Bộ ngành quản lý Nhà nước mà Đoàn TN còn có sự thỏa thuận, cam kết với các tập đoàn kinh tế, nơi tập trung đông đảo ĐVTN.
Công tác quản lý Nhà nước về công tác TN được xác định theo hướng: Củng cố và kiện toàn Ủy ban Quốc gia về TN Việt Nam đủ mạnh và trao cho Ủy ban một số quyền hạn để tham mưu cho Chính phủ, thống nhất quản lý Nhà nước về công tác TN; Chỉ đạo thành lập Hội đồng TN ở các tỉnh thành để tham mưu cho Chủ tịch UBND các tỉnh về quản lý nhà nước đối với công tác TN.
Xin cám ơn anh!
Phương Hiếu (thực hiện)