TPHCM: Các đốt hầm Thủ Thiêm vừa đúc xong đã nứt

TPHCM: Các đốt hầm Thủ Thiêm vừa đúc xong đã nứt
TP- Cả 4 đốt hầm Thủ Thiêm (hầm dài nhất Đông Nam Á vượt sông Sài Gòn) đã được đúc xong ở Nhơn Trạch, Đồng Nai. Thế nhưng, khi những khối bê tông vừa khô cũng là lúc cả 4 đốt hầm xuất hiện vết nứt.

Tháng 9/2007 đốt hầm đầu tiên được đúc, giữa năm 2008, cả 4 đốt hầm được đúc xong. Tuy nhiên, ngay từ tháng 5/2008, các chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã có báo cáo nêu lên những con số “ gây sốc” về nhiều vết nứt ở các đốt hầm Thủ Thiêm.

Theo đó, cả 4 đốt hầm (phần dìm dưới sông) đều xuất hiện nhiều vết nứt trên 2 bức tường vách và bản nắp. Cụ thể, các vết nứt ở thành tường kéo dài từ 2m-3m, bề rộng lớn nhất của vết nứt là 1mm (trong khi đó, theo tiêu chuẩn JSCE 2002 do nhà thầu Obayashi đưa ra thì mức độ bề rộng vết nứt gây ra ăn mòn cốt thép cho phép đối với hầm là dưới 0,28 mm). Bề sâu các vết nứt  đang tiến hành đo đạc.

Tương tự, các phân đoạn đổ bê tông của mỗi đốt hầm thẳng đứng cũng có những vết nứt kéo dài gần như cao hết chiều cao đốt hầm, bề rộng vết nứt đến 0,3 mm. Ngoài ra, xuất hiện các vết nứt trên bề mặt của nắp hầm làm nhỏ nước mưa xuống nền. Các tấm thép bịt đầu các đốt hầm và cốt thép kết cấu hầm đã xuất hiện hiện tượng rỉ sét…

“Các vết nứt ngang, dọc, xiên trên bề mặt bê tông hầm dìm làm ngấm dột nước mưa trên nóc đã làm suy giảm cường độ khối bê tông và ảnh hưởng tới khả năng chịu lực cũng như tuổi thọ công trình..” – báo cáo khẳng định.

TPHCM: Các đốt hầm Thủ Thiêm vừa đúc xong đã nứt ảnh 1
Phối cảnh hầm Thủ  Thiêm

Ngày càng nhiều vết nứt

Vào tháng 7/2008, ông Đào Xuân Ngọc, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TPHCM khẳng định: “Những vết sâu thì bơm, tiêm; những vết cạn thì quét bằng phụ gia chuyên dụng. Sau này, hầm sẽ được căng cáp và theo đánh giá của các chuyên gia, sau khi căng cáp thì các vết này sẽ mất đi”.

Hầm hở chữ U cũng đang lún 10 mm/tháng

“Quá trình lún kết cấu hình chữ U đã xuất hiện liên tục trong một vài tháng sau khi đổ bê tông và đã dừng lại vào giữa tháng 5/2007. Tuy nhiên, khi tháo khung vây bằng cọc ván thép thì xảy ra lún lần 2 và lún tiếp tục xuất hiện với tốc độ 10 mm/tháng”. Đây là thực trạng  của hầm hở chữ U (hầm dẫn xuống hầm kín) thể hiện tại công văn số 2531 cũng do ông Huỳnh Ngọc Sỹ ký ngày 8/8  gửi Hội đồng nghiệm thu nhà nước.

Tuy nhiên, tại công văn số 2421, ông Huỳnh Ngọc Sỹ - Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TPHCM ký ngày 31/7 gửi Hội đồng nghiệm thu nhà nước thì vấn đề không hề đơn giản như ông Ngọc khẳng định. Theo công văn 2421, nguyên nhân gây ra nứt được nhà thầu  Obayashi- Nhật Bản giải thích là do co ngót bê tông, hàm lượng nước/xi măng ít hơn 0,40, việc phân tầng trong bê tông, và do điều kiện môi trường.

Trong khi đó, tư vấn PCI (Cty tư vấn Thái Bình Dương – Nhật Bản) cho rằng ngoài các nguyên nhân trên, bê tông nứt còn có một phần nhỏ do vật liệu xi măng loại nhiệt thủy hóa thấp của Holcim có đặc tính dễ trương nở khi nắng, ngoài ra còn do tay nghề của công nhân…

TPHCM: Các đốt hầm Thủ Thiêm vừa đúc xong đã nứt ảnh 2
Các đốt hầm Thủ Thiêm  Ảnh: Ngọc Ẩn (Tuổi trẻ)

Công văn số 2421 cũng thừa nhận: “Kết quả quan trắc trên 4 khối của đốt 1 cho thấy vết nứt có tăng lên về số lượng, chiều rộng và chiều dài. Dự báo đối với các đốt khác vết nứt cũng phát triển tương tự theo thời gian và vị trí”. Nhà thầu Obayashi cũng thừa nhận rằng: Đối với vết nứt lớn hơn 0,28mm, cần phải sửa chữa thì tuổi thọ của kết cấu mới được cải thiện.

Về phần mình, tư vấn PCI cũng thừa nhận: Các vết nứt ở tường bên và bản đỉnh sẽ gây ảnh hưởng đến độ bền của bê tông trong tương lai và rằng, nhà thầu chưa đánh giá đầy đủ đến khả năng chịu tải của đốt hầm sau khi dìm, đắp trả và khai thác vận hành.

Do đó, tư vấn không thể đánh giá được độ bền công trình hiện tại nếu không có biện pháp sửa chữa thích hợp. Tư vấn PCI cũng lo ngại hiện tượng thấm nước trên bản đỉnh hầm lâu ngày sẽ gây ra lở mảng bê tông đáy rơi xuống hầm.

Hầm Thủ Thiêm, một công trình có ý nghĩa quan trọng trong phát triển giao thông đô thị TP HCM dù đang thi công đã gặp phải những sự cố đáng tiếc. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này và sự cố hầm Thủ Thiêm sẽ được khắc phục ra sao? …Đó là những câu hỏi mà dư luận đặc biệt quan tâm.   

Hầm Thủ Thiêm nằm trong dự án đại lộ Đông Tây với chiều dài tuyến 22 km, tổng mức đầu tư 9.800 tỷ đồng. Riêng hầm dài 1490 m, đoạn hầm nằm dưới sông dài 370 m chia làm 4 đốt hầm. Theo thiết kế, mỗi đốt hầm dài 92,4 m, rộng 33,2 m, cao 9 m; độ dày bản đáy và nắp 1,5 m, vách hai bên dày 1 m, tất cả bằng bê tông cốt thép.

Hạng mục hầm ngầm và đường dẫn hầm Thủ Thiêm trị giá hơn 2.200 tỷ đồng, do nhà thầu Obayashi Corporation thi  công, đơn vị tư vấn thiết kế là công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI), Nhật Bản.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).