Đạo diễn Minh Chuyên nói về uẩn khúc trong "Linh hồn Việt cộng"

Đạo diễn Minh Chuyên nói về uẩn khúc trong "Linh hồn Việt cộng"
TP - Nhiều người xem truyền hình ở Gia Lai phản ánh có khá nhiều chi tiết vô lý trong phim tài liệu 'Linh hồn Việt cộng'. Chúng tôi tìm gặp đạo diễn Minh Chuyên, nói về những thắc mắc của độc giả.
Đạo diễn Minh Chuyên nói về uẩn khúc trong "Linh hồn Việt cộng" ảnh 1
Ngôi mộ liệt sĩ vô danh hàng số 5, lô 1 mộ số 2 vẫn còn trong nghĩa trang Ayunpa

Nghe những thắc mắc đó, Đạo diễn Minh Chuyên đã khóc.

Tối 23 và 27/7/2008, VTV1 chiếu bộ phim tài liệu Linh hồn Việt cộng do nhà văn Minh Chuyên đạo diễn và viết lời bình.

Bộ phim gây xúc động đối với hàng triệu khán giả cả nước, kể về một cựu binh Mỹ bắn chết một chiến sĩ giải phóng khi tham chiến ở Việt Nam. Vì những day dứt đó mà nay ông đã mang kỷ vật sang tìm thân nhân của người mà mình đã bắn chết để trao lại và về chiến trường xưa tìm bằng được nơi đã chôn người bị sát hại.

Thưa ông, sau khi phim được phát trên VTV1, một số bạn xem truyền hình phản ánh rằng họ nghi ngờ có một số tình tiết không đúng sự thật?

Chính bản thân tôi cũng đã trực tiếp nắm được những thông tin ấy. Là tác giả, tôi tôn trọng những ý kiến đó. Song, tôi nghĩ mà buồn quá. Gia đình liệt sỹ Đảm cũng buồn.

Nhưng tôi xin được khẳng định: Về bộ phim “Linh hồn Việt cộng” là một câu chuyện có thực. Đề tài hậu chiến tranh nó rất nhạy cảm và phức tạp. Để hiểu rõ hơn, chị nên hỏi các thân nhân gia đình liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm.

Bà Ngô Thị Ngọc Phú – Trưởng phòng Lao động Thương binh XH thị xã Ayunpa - Gia Lai nói rằng: Trong khoảng thời gian cuối tháng 5/2008 (như bối cảnh cất bốc hài cốt trong phim "Linh hồn Việt cộng") là không hề có trường hợp cất bốc hài cốt liệt sỹ nào. Ông lý giải sao về tình tiết này trong phim?

Tôi không muốn đôi co, bởi câu chuyện đã quá đau lòng rồi. Giờ tôi ngồi đây và phải nói ra những điều mình không muốn.

Trước khi bốc hài cốt liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm ở Ayunpa, gia đình liệt sỹ gồm anh Diệu, anh Lượng, anh Cát, cô Tươi, em liệt sỹ Đảm có vào gặp chị Phú - cán bộ lãnh đạo phòng Lao động - Thương binh - Xã hội Ayunpa và xin được giúp đỡ. Ngay sau đó, chị Phú có cử một cán bộ đưa chúng tôi ra nghĩa trang Ayunpa gặp ông Minh, người quản trang ở đó.

Hôm trở về, nghĩa là sau khi đã hoàn tất thủ tục làm lễ cất bốc hài cốt liệt sỹ Đảm, gia đình còn tới Tỉnh Đội Gia Lai để báo cáo và tặng các anh ấy di ảnh liệt sỹ Đảm cùng một số giấy tờ khác.

Còn ảnh đây, tôi không dựng lên được. Đó là sự thật. Gia đình có chụp ảnh tại nơi gặp mặt chứ đâu phải là không  báo cáo địa phương. Hiện gia đình liệt sỹ Đảm còn giữ 10 bức ảnh chụp trong các buổi làm việc. Tôi lấy danh dự của một nhà báo, một người lính để chắc chắn những gì tôi đã làm là sự thật.

Đạo diễn Minh Chuyên nói về uẩn khúc trong "Linh hồn Việt cộng" ảnh 2
Đạo diễn Minh Chuyên

Trong phim, người xem không được chứng kiến cảnh tìm ra phần mộ liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm như thế nào, công việc cất bốc mộ ra sao, nhưng bỗng dưng xuất hiện một bộ hài cốt còn khá nguyên vẹn để cạnh tiểu sành. Sau đó, chiếc tiểu sành lại biến mất, thay vào đó là hộp đựng hài cốt khá nhỏ. Điều này có phải chỉ đơn giản là một “hạt sạn” trong cách dựng phim?

Trong phim, không đưa việc đào hài cốt vào, do vấn đề nhạy cảm và đau lòng, và cũng vì tri ân giữa con người với con người nên chúng tôi không nhắc tới. Chúng tôi chỉ đưa hình ảnh đào ở khu vực đó, còn chi tiết ai đào, đào ra sao thì chúng tôi không đề cập đến.

Cái chết anh dũng của liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm đã làm cho kẻ giết anh đã phải trăn trở, dằn vặt, phải sang tận gia đình anh để cùng người thân của liệt sỹ đi đón anh trở về. Gia đình liệt sỹ đã rất buồn, không muốn khơi dậy việc này thêm nữa.

Còn lúc đầu, đúng là định dùng chiếc tiểu sành để di chuyển hài cốt liệt sỹ Đảm nhưng về sau gia đình đã dùng hộp các-tông cho nhẹ. Chứ không phải là do sơ xuất gì cả. Trong phim có dùng một số tư liệu minh họa, nhưng sự thật là như thế.

Theo phản ánh của một số bạn đọc thì vị trí hài cốt quấn quốc kỳ của liệt sĩ Đảm được nhóm người bê di chuyển từ rừng ra là đường lánh nạn số 1, gần đèo Mang Yang, Gia Lai, cách nơi phát hiện hài cốt khoảng 130km. Hơn nữa, thị xã Ayunpa không hề có một cây thông như hậu cảnh khi quàn hài cốt liệt sỹ?

Ngoài ra, cũng có ý kiến thắc mắc rằng theo đạo diễn Minh Chuyên, hài cốt liệt sĩ Đảm được phát hiện “cách nghĩa địa Ayunpa 100 m về phía Bắc” nhưng hình ảnh đi kèm với lời dẫn này lại là cảnh cựu binh Mỹ Homer ngồi chắp tay trên một mỏm đất ven Quốc lộ 25 tại xã H’Bông, huyện Chư Sê cách Ayunpa hơn 30km?

Việc đưa ra ngoài để làm lễ là ý đồ của đoàn làm phim. Không đưa được những người Mỹ vào Ayunpa nên chúng tôi phải quay ở bên ngoài.

Còn địa danh nơi bộ phim nhắc tới như Ayunpa, Pleingol, đồi 467 có thể không chắc chắn vì sự kiện liệt sỹ hy sinh đã quá lâu. Chỉ biết rằng trong hồ sơ của liệt sỹ ghi là đồi 467, mà hài cốt của liệt sỹ được đào ở Ayunpa thì chắc chắn rồi. Việc lễ sau đấy thì là làm lễ ở chỗ khác.

Cựu binh Mỹ, Homer Steedy đã khẳng định là anh ta đã bắn chết liệt sỹ Đảm ở đó nên chúng tôi mới chọn nơi ấy để làm lễ.

Ngày 27/5, thân nhân liệt sỹ Đảm mới đến để xin cất bốc hài cốt, ngày 28/5 tìm được hài cốt. Trong khi đó, ngôi mộ gia đình cho rằng của liệt sỹ Đảm và xin viếng hiện vẫn còn nguyên vẹn ở nghĩa trang Ayunpa. Vậy đâu là sự thật?

Nếu nói ra thì thật là đau lòng. Nhưng chúng tôi lấy đâu ra hài cốt để dựng thành phim nếu sự thực không đúng như thế? Tại sao người ta lại có thể nghĩ được những điều khủng khiếp như vậy? Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi không thể bịa hay dựng lên một câu chuyện đầy nước mắt như vậy được.

Tôi không muốn để chứng minh cho một vài người nào đó mà tôi lại làm ảnh hưởng đến những người đã giúp đỡ mình, giúp đỡ đoàn làm phim. Đó là ân nghĩa giữa người với người. Chúng tôi không lấy hài cốt ở đấy thì lấy ở đâu?

Trong phim, bạn thấy đấy, tôi cũng đã ngồi khóc cùng với gia đình liệt sỹ trước mộ của đồng đội mình, chẳng lẽ tôi bịa ra một câu chuyện để mà ngồi khóc à?

Điều quan trọng nhất là gia đình thân nhân liệt sỹ Đảm đã tìm và bốc được hài cốt của anh về với mộ phần của gia đình. Tôi không còn mong muốn gì hơn.

Xin cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG