“Sao Mai” nói…

“Sao Mai” nói…
TPO - Thí sinh Sao Mai Điểm Hẹn (SMĐH) năm nay xem ra được tiếng chê (về khả năng, trình độ) nhiều hơn khen. Họ có thể còn nhược điểm, nhưng về điều kiện khách quan, họ đã được tạo điều kiện thỏa đáng?

Do chủ trương tiết kiệm chung, Ban tổ chức không đài thọ, điều này làm thí sinh hơi vất vả, vì phải đi lại nhiều. Nhất là nhà Hải Yến ở Văn Điển, phải lên tận Nguyễn Chí Thanh là cả một vấn đề.

Mình nghĩ, khi các thí sinh ở tập thể, ít ra việc tập luyện với ban nhạc sẽ tiện hơn. Nhiều khi bài vở cũng gấp nên cũng khổ các anh trong ban nhạc, một phần là do vấn đề đi lại. Mong năm sau, thí sinh sẽ được sắp xếp chỗ ăn, ở để họ có thể tập trung vào luyện tập nhiều hơn.

Thứ hai, giải thưởng nên lớn hơn một chút, vì thí sinh còn trẻ, các bạn cần một số vốn nhất định để sau khi chương trình kết thúc, có thể có 1/3, 1/4 gì đấy cho album, hoặc kế hoạch của mình sắp tới.

Sân khấu ngoài trời cũng có cái hay nhưng mình hy vọng năm sau sẽ mát hơn. Nhưng dẫu sao, đó cũng là một phương pháp rèn luyện, vì sau này, khi làm nghề, sẽ còn rất nhiều sân khấu nóng hơn thế.

SMĐH có chuyên môn khá đồng đều và tốt. Chính vì thế, mình càng phải trau dồi kỹ năng, kỹ thuật hơn. Ở Việt Nam Idol (VNI), nói chung việc chọn bài nghiêng về ý thích cá nhân và khán giả nhiều hơn là HĐNT.

Ở VNI, thí sinh không hát với ban nhạc, mà hát bằng MD (đĩa nhạc thu sẵn - PV), nên không được hay, nhiệt huyết, độ sung mãn trên sân khấu không thể bằng SMĐH.

Hát play back, được cái mình chủ động tập đêm, tập ngày nên không bị lỗi về nhịp, về phô chênh. Còn ở SMĐH, có đúng một buổi tập ban nhạc vào thứ Sáu. Thứ Bảy chạy chương trình chỉ một lần và Chủ Nhật là diễn. Sự chắc chắn giữa ban nhạc và ca sĩ không có nhưng độ sung thì hoàn toàn hơn.

Duy Khoa: Đọc báo thấy buồn

“Sao Mai” nói… ảnh 1

Duy Khoa. Ảnh: N.M.Hà.

Kết thúc SMĐH 2008, bạn có đề đạt gì với Ban tổ chức?

Mình muốn thời gian tập với ban nhạc được nhiều hơn, ban nhạc làm việc nhiệt tình hơn. Ban nhạc năm nay làm việc như công chức ấy, xong việc chỉ trực đi về.

Ban nhạc thực ra ảnh hưởng nhiều tới phần diễn của thí sinh, hầu như ai cũng kêu ca về ban nhạc...

Tăng thời gian tập nhạc nghĩa là nên giảm tập múa?

Không, giờ giải phóng hình thể rất quan trọng. Để trình diễn mang tính chuyên nghiệp cao, mình phải giải phóng được hình thể, có vũ đạo. Hiện tại, giờ học hát và học nhảy tương đối hợp lý rồi.

Một số bạn hát đâu nhảy nhiều, nên chăng có lịch học vũ đạo phù hợp với phong cách của từng người?

Lịch học đó rất phù hợp. Mình sở dĩ trình diễn nhiều vì bỏ thời gian tập thêm vào buổi tối. Còn với trình độ như các bạn thì học như thế là đủ, vì cũng chỉ đi lại trên sân khấu thôi, không đầu tư sâu vào vũ đạo, không đến nỗi quá sức.

Mọi người lăn ra ốm vì không biết chăm sóc sức khỏe thôi...

Tiếng nói của báo chí có ảnh hưởng gì tới Khoa?

Đọc một số bài báo cũng cảm thấy buồn. Đôi khi có những bài báo mà người viết không có chuyên môn sâu về âm nhạc, hầu như chỉ gọt rũa những lời nhận xét của Hội đồng Nghệ thuật.

Đôi khi, có những báo viết về mình lại có những lời lẽ rất gay gắt và không hợp lý. Thí dụ: “Khán giả ngáp ruồi khi nghe Duy Khoa hát...”. Trong khi, sự thật không phải thế, vì tuần đấy mình được bình chọn nhiều nhất.

Với các anh chị nhà báo, mình rất tôn trọng, nhưng mình nghĩ nên viết có tính xây dựng một chút. Mình nghĩ chê là công việc dễ nhất trên đời, nhận xét xác đáng và có tính xây dựng mới khó.

Mình luôn cởi mở tấm lòng, nhận hết những lời khen chê. Tất nhiên, cũng có lúc cảm thấy chạnh lòng, buồn với những lời nhận xét rất chủ quan. Vì người ta thích một phong cách thí sinh này, một dòng nhạc này, nên không thích kiểu của mình. Người ta cứ áp đặt lối suy nghĩ của người ta.

Mình tâm niệm không thể làm vừa lòng hết tất cả khán giả, nhưng mình luôn cầu toàn và muốn mình thuyết phục hơn nữa.

Việc áp dụng quy chế của Ban tổ chức theo Khoa có quá ngặt nghèo?

Tất cả những điều Ban tổ chức đặt ra, ngoài tính chất đưa thí sinh vào khuôn khổ, còn muốn răn dạy các thí sinh: Còn trẻ tuổi, còn muốn bước vào con đường chuyên nghiệp thì phải làm việc nghiêm túc, đúng giờ, tuân thủ, tôn trọng mọi người.

Vì phục vụ cho thí sinh là cả một êkip hàng chục, hàng trăm người. Đã đặt ra luật chơi thì mọi người đều phải tôn trọng.

Khi tham gia VNI, mình đã vi phạm quy chế chỉ một lần và đã bị loại khỏi cuộc thi. Mình nghĩ đấy cũng là sự rèn luyện tốt khi mình sẽ là người của công chúng, là đối tượng để giới trẻ nhìn đến và học tập.

Nhà thiết kế có quyền áp đặt phong cách trang phục cho thí sinh trên sân khấu, bạn có gặp trở ngại với quy định này của Ban tổ chức?

Riêng mình từ đầu đến giờ, về trang phục, chưa có ai phàn nàn cả. Chính vì thế, mình rất cảm ơn nhà thiết kế. Anh rất tôn trọng thí sinh, luôn có sự trao đổi bàn bạc ngay từ đầu tuần, thậm chí là từ tuần trước. Riêng với mình, anh trao đổi từ... đầu giải: Style anh muốn xây dựng thế này em đồng ý không, đồng ý thì cứ thế mà theo.

MỚI - NÓNG