Tính chân thực, điều cốt tử của phim tài liệu

Tính chân thực, điều cốt tử của phim tài liệu
TPO - Tôi không có phủ nhận thành công của phim “Linh hồn Việt cộng”, mà chỉ muốn góp ý cho các tác giả khi làm phim tài liệu cần hết sức tôn trọng tính chân thực. Việc dàn dựng lại một cách chủ quan, vụng về sẽ làm phản tác dụng của thể loại phim này.

>> Nửa sự thật không phải là sự thật

Tính chân thực, điều cốt tử của phim tài liệu ảnh 1

Ụ nhựa đường được phim cho rằng là mộ liệt sĩ Đảm trên đồi 467. Ảnh : H.K

Sau khi xem phim tài liệu “ Linh hồn Việt cộng”- Tác giả và Đạo diễn Minh Chuyên- phát sóng trên VTV1 tối 23 và 27-7-2008 và đọc một số bài viết trên các báo trong đó có bài “ Xin để linh hồn anh tôi được yên” của Đình Nguyễn ( TPO ngày 28-8-2008) tôi rất suy nghĩ có nên tham gia góp ý về vấn đề này nữa không và để những nhà làm phim tài liệu hết sức cẩn trọng khi làm mảng phim này nên tôi thấy vẫn cần tham gia ý kiến sau:

Sau khi xem bộ phim tài liệu “Linh hồn Việt cộng” 2 lần phát sóng trên VTV1 tôi thấy đây là một bộ phim tài liệu về những vấn đề hậu cuộc chiến Mỹ -Việt Nam gây xúc động mạnh với rất nhiều người xem.

Thông qua phim, tác giả Minh Chuyên và nhóm làm phim đã nêu bật được nỗi ám ảnh, sự sám hối của người cựu binh Mỹ H.Steedly về việc đã bắn chết bộ đội “Việt cộng” Hoàng Ngọc Đảm trên chiến trường Tây Nguyên (thời điểm năm 1969), nỗi ám ảnh tội ác đó của anh đã 40 chục năm.

Giờ đây với tinh thần “ xoá bỏ hận thù, khép lại quá khứ”, người cựu binh này đã toại nguyện được quay lại Việt Nam cùng với gia liệt sĩ tìm được hài cốt người thân đã bị mình bắn trên chiến trường, nối ám ảnh tội lỗi của anh đã được gỡ bỏ… Với ý đồ đó, có thể nói các tác giả đã thành công, phim có sự lay động mạnh đến cảm xúc người xem.

Với tôi, vốn là một cựu chiến binh đã chiến đấu ở Quảng Trị thời kỳ 1966-1970 đã từng đưa rất nhiều đồng đội hy sinh từ cứ điểm địch, các trận địa về nghĩa trang mặt trận ở Vĩnh Linh để mai táng, sau này đã tham gia tìm mộ đồng đội và tìm đúng được mộ đồng đội là vô cùng khó khăn, gian nan nên tôi càng trân trọng cái tâm của những người làm phim này, tuy nhiên sau khi xem phim tôi cũng có những băn khoăn về tính sát thực của các chi tiết phim.

Trước hết, việc người cựu binh Mỹ một thời gian tâm thần bất ổn, nay vừa mới giai đoạn ổn định, sang Việt Nam, phía Việt Nam không có những CCB đồng đội cùng đánh trận này với liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm trợ giúp, trong tay H. Steedly không có tấm bản đồ quân sự cũ hoặc sơ đồ nào về vùng địa hình có điểm cao 467 ở vùng Ayun Pa hoặc Mang Yang ( Gia Lai) đã diễn ra trận đánh đã gần 40 năm liệu có dễ tìm ra đúng điểm 2 đơn vị Mỹ - Việt chạm trán, nổ súng diệt nhau?

Hơn nữa một vùng địa hình là đồi bằng phẳng (như trong phim) nếu không có địa vật có đặc điểm nổi bật như mỏm núi đá, ngã 3, ngã 4 đường…ôi chao làm sao H.Steedly xác định cho đúng được nơi mình đã bắn hạ LS Đảm? Và với thời gian người CCB Mỹ này đến Việt Nam làm gì được rộng dài như CCB Việt Nam đi tìm đồng đội mà lại xác định nhanh và đúng nơi người chiến binh Việt cộng chạm trán mình.

Vậy mà trên phim diễn tả cảnh H. Steedly thắp hương vái vong linh liệt sĩ trước khi nhóm người nhà đào bốc mộ như thật tôi đã rất ngờ rồi và tự cắt nghĩa đây là sự dàn dựng vụng về và vội vàng rồi.

Nay đọc loạt bài viết về chuyện cất bốc mộ liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm diễn ra ở một nơi khác vì không thể đưa cảnh đào mộ trộm LS Đảm trong nghĩa trang, điều băn khoăn của tôi quả là đúng, tôi thấy đây là điều đáng tiếc nhất vì mấy lẽ :

Câu chuyện trong chiến tranh đơn vị H.Steedly chạm trán đơn vị Liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm là có thật, người cựu binh Mỹ này bắn chết LS Hoàng Ngọc Đảm cũng là có thật vì trí nhớ, chứng tích kỷ vật của LS Hoàng Ngọc Đảm mà người CCB Mỹ vẫn giữ là minh chứng cho câu chuyện anh ta nhớ và ám ảnh mấy chục năm nay.

Nay người CCB Mỹ sang Việt Nam để gặp gia đình LS trao kỷ vật, nói rõ câu chuyện về cái chết của người chiến binh Hoàng Ngọc Đảm, thông tin việc tự tay chôn cất liệt sĩ, vùng chiến sự khi ấy…và xin được gia đình tha thứ và gia đình cảm kích ghi nhận việc này chỉ đến thế thôi thì câu chuyện đã cơ bản trọn vẹn. Nếu phim làm đến mức này đã là quá tốt.

Còn việc xác định đúng mộ và cất bốc mộ liệt sĩ một cách chính xác, có cơ sở chắc chắn tin cậy như phim đã thể hiện thì quá tuyệt vời. Nhưng phần đáng tiếc cần nói là để hoàn tất một bộ phim như ý đồ kịch bản đã định tác giả Minh Chuyên đã quá cầu toàn và đã vi phạm nguyên tắc làm phim tài liệu.

Với tư liệu, hiện vật không bảo đảm chắc đúng như ( hài cốt LS liệu có thật đúng đó là LS Đảm không, lọ Pénicilline có mảnh giấy nói đó là LS Đảm là chi tiết vô cùng đắt cho việc xác định hài cốt liệt sĩ lời bình trong phim thì có có nhưng hình ảnh lại không ?), địa danh nêu nơi LS hy sinh và phần mộ không nhất quán khi thì Mang Yang, khi thì Ayun Pa cách nhau đến 150 km nhưng vẫn dàn dựng để cốt đạt ý đồ như tư tưởng chủ đề phim cần nói như trên là không cần thiết.

Và bây giờ gây nên những ý kiến phản hồi , thanh minh khác nhau lại liên quan đến chủ đề chính là hài cốt liệt sĩ một vấn đề tâm linh, rất nhạy cảm thì là không hay rồi, và đây là điều các nhà làm phim tài liệu nhất là phim về quá khứ xa xôi rất nên cân nhắc và cẩn trọng không nên làm lấy được mà bỏ qua những vấn dề về nguyên tắc tính chân thực của thể loại phim này.

Tôi được biết, những nhà làm phim tài liệu nói chung và nhất là làm phim về chiến tranh ai cũng muốn khai thác sâu, kỹ những chi tiết hay hiếm vì phim hay ở câu chuyện nhưng không khai thác được những chi tiết đắt, sinh động thì sức rung cảm của phim bị hạn chế, nhưng không vì vậy mà đi tìm chi tiết không tới vẫn cố dựng thêm, hư cấu thêm rất không nên bởi vì phim tài liệu, tính chân thực là cốt tử.

Trịnh Thanh Phi
Email: trinhthanh38@yahoo.com

MỚI - NÓNG