“Vụ án Lý Quốc Nghiệp” ở Trà Vinh:

Bị cáo “tố” chủ tọa phiên tòa đòi hối lộ 50 triệu đồng

Bị cáo “tố” chủ tọa phiên tòa đòi hối lộ 50 triệu đồng
TP - Ngày 5/9, TAND tỉnh Trà Vinh xử phúc thẩm “vụ án Lý Quốc Nghiệp”. Trong phần thẩm vấn, vị đại diện Viện KSND tỉnh Trà Vinh giữ quyền công tố tại tòa, ông Võ Hoàng Dũng, đã hỏi anh Lý Quốc Nghiệp về việc ông Chủ tọa Hội đồng xét xử sơ thẩm đòi 50 triệu đồng trước khi xử.
Bị cáo “tố” chủ tọa phiên tòa đòi hối lộ 50 triệu đồng ảnh 1
Anh Lý Quốc Nghiệp đang trả lời thẩm vấn của công tố viên về vụ 50 triệu đồng. Người đứng bên trái là chủ “Cửa hàng Điện máy Thủy”  - Ảnh: Sáu Nghệ

Xin nhắc lại, phiên tòa sơ thẩm của TAND TX Trà Vinh diễn ra trong 2 ngày 24 và 25/4/2008, tuyên phạt anh Lý Quốc Nghiệp 4 năm tù giam. Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm Chủ tọa là thẩm phán Nguyễn Thanh Sỹ, hội thẩm nhân dân là ông Thạch Sướng, Phó chủ tịch Hội Nông dân TX Trà Vinh và ông Trần Văn Sự, cán bộ hưu trí.

Anh Lý Quốc Nghiệp đề nghị thay đổi Chủ tọa Hội đồng xét xử nhưng không được chấp nhận. Phiên sơ thẩm diễn ra, theo dư luận là “mất dân chủ”, theo Viện KSND tỉnh Trà Vinh là “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.

Trong phần thẩm vấn ở phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện KSND tỉnh Trà Vinh, ông Võ Hoàng Dũng đã hỏi anh Lý Quốc Nghiệp tại sao ở phiên sơ thẩm lại xin thay đổi Chủ tọa Hội đồng xét xử?

Anh Lý Quốc Nghiệp trả lời: Vì sợ không được xem xét khách quan, do trước đó, Chủ tọa Hội đồng xét xử sơ thẩm Nguyễn Thanh Sỹ đã đòi 50 triệu đồng nhưng anh không đưa.

Anh Lý Quốc Nghiệp khai: Tại quán nhậu CT ở TX Trà Vinh, ông Sỹ bảo anh Nghiệp đưa cho ông 50 triệu đồng thì sẽ không bị buộc tội hình sự mà chỉ xem xét dân sự. Anh Nghiệp thấy mình không có tội trong vụ án đã khởi tố, sợ tội đưa hối lộ nên từ chối.

Ông Dũng hỏi: “Bữa nhậu ấy có ai nữa không?”. Anh Nghiệp trả lời: “Có anh Tâm, anh Quốc”. Ông Dũng nói ngay: Quốc là kiểm sát viên ở Viện KSND TX Trà Vinh. Còn “anh Tâm” theo tìm hiểu của PV Tiền phong, đó là một người kinh doanh có tiếng ở TX Trà Vinh.

PV Tiền phong gặp cha của anh Nghiệp là ông Lý Công Chiến ở xã An Thạnh 1 (Cù Lao Dung, Sóc Trăng). Gốc rễ gia đình anh Nghiệp ở Sóc Trăng nhưng anh Nghiệp lấy vợ ở Trà Vinh nên chuyển sang thường trú ở quê vợ, “đơn thương độc mã” mở cơ sở kinh doanh ở TX Trà Vinh.

Ông Lý Công Chiến kể: Khi hay tin Nghiệp bị bắt tạm giam (lần đầu từ 4/6/2007 đến 31/12/2007), ông sang Trà Vinh và được một “cò” gặp yêu cầu đưa 50 triệu đồng thì sẽ được xử dân sự.

Nhưng xử dân sự như thế nào, “cò” nói là tòa tuyên phải trả cho nguyên đơn bao nhiêu tiền thì phải trả bấy nhiêu. Ông Chiến đề nghị cho biết cụ thể phải trả bao nhiêu nhưng không được đáp ứng.

Theo ông Chiến, “cò” gặp ông nhiều lần, sợ “tiền mất tật mang”, ông không dám đưa tiền. Sau đó, anh Nghiệp được tạm tha thì “cò” xáp vào anh Nghiệp, rủ đi nhậu nhiều lần, gặp trực tiếp ông Sỹ nhưng vẫn không nhận được tiền.

Bản án sơ thẩm, ngoài buộc tù giam còn buộc anh Nghiệp trả cho “bị hại” 186.681.620 đồng mà theo đại diện Viện KSND tỉnh Trà Vinh là “xâm hại nghiêm trọng quyền lợi của bị cáo”.

Luật sư Nguyễn Trường Thành, bào chữa cho anh Nghiệp ở giai đoạn phúc thẩm, nhận xét: Đặt điều kiện như “cò” là dấu hiệu của làm tiền hai đầu, cả nguyên đơn và bị đơn. Vả lại, thẩm phán trước khi ngồi ghế Chủ tọa Hội đồng xét xử mà ăn nhậu với bị cáo, dù không đòi tiền cũng vi phạm pháp luật.

“Vụ án Lý Quốc Nghiệp” như đã đăng trong bài “Trà Vinh: Hình sự hóa một quan hệ dân sự” đã phân tích, hoàn toàn chưa đủ căn cứ để buộc tội anh Nghiệp “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Anh Nghiệp là chủ “Cửa hàng Điện máy Quốc Nghiệp” hợp đồng miệng với chủ “Cửa hàng Điện máy Thủy” bán một số ti vi, tủ lạnh... Sau đó, hai bên tranh cãi về nợ nần.

Vụ việc đưa ra tòa dân sự, nửa chừng thì chủ “Cửa hàng Điện máy Thủy” rút đơn kiện dân sự, gửi đơn đến Công an TX Trà Vinh đề nghị “đòi nợ giùm” và các cơ quan tố tụng vào cuộc.

PV Tiền phong phỏng vấn ông Võ Hoàng Dũng tại phiên tòa phúc thẩm.

Chi tiết 50 triệu đồng liên quan đến Chủ tọa Hội đồng xét xử sơ thẩm, xin hỏi tại sao ông biết được để thẩm vấn anh Nghiệp?

Có lẽ cái này xin phép vì lý do nghề nghiệp nên tôi không thể trả lời anh, có thể anh hỏi bị cáo thì rõ hơn. Anh thông cảm.

Việc như thế có nghiêm trọng không?

Rất nghiêm trọng. Nếu sự thật là vậy thì rất nghiêm trọng.

Theo tôi, việc như thế được hỏi tại tòa thì công tố viên rất thẳng thắn?

Tôi làm nhiệm vụ Đảng và Nhà nước phân công thôi. Thực hành quyền công tố luật đã quy định, mình có quyền buộc tội và có quyền gỡ tội, đấu tranh để làm rõ chân lý phải không ạ, không nghiêng bên nào cả. Làm thật thận trọng, khách quan vụ án theo Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị đã quy định.

Công tố viên không chỉ buộc tội mà còn phải gỡ tội?

Nhiệm vụ của Viện kiểm sát không phải chỉ buộc tội. Thực hành quyền công tố và còn giám sát toàn bộ hoạt động xét xử tại phiên tòa, xem hội đồng xét xử có gì đúng hay sai, cả thẩm phán, hội thẩm nhân dân và các luật sư phát biểu có đúng quan điểm hay không, kiểm sát việc thực thi pháp luật tại phiên tòa này.

Chi tiết về vụ 50 triệu đồng, Hội đồng xét xử có thể có kiến nghị để xem xét không?

Chắc có lẽ khi mà đọc bản án, Hội đồng xét xử sẽ có quan điểm. Nhìn chung, có gì anh hỏi thêm Hội đồng xét xử.

Thời gian này Hội đồng xét xử đang làm việc trong phòng kín để nghị án. Theo thông báo của Hội đồng xét xử, ngày 8/9 sẽ tuyên án. Còn anh Lý Quốc Nghiệp đang bị tạm giam.

MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.