Khắc khoải làng nông dân không “chân lấm tay bùn”

Khắc khoải làng nông dân không “chân lấm tay bùn”
TP- Bước sang tháng 9, lúa hè thu chín rộ, nhưng những cánh đồng ở Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế vẫn mênh mông cát nóng, nứt nẻ, hoang hóa và không một bóng người.

Dự án nuôi tôm phá sản, khai thác ti tan diễn ra rầm rộ đã làm rộng thêm những cánh đồng “chết” tại xã Phú Diên. Hàng trăm nông dân nơi đây đã không còn “chân lấm tay bùn” một cách bất đắc dĩ.

Làng thuần nông không làm ruộng

Vùng đất nghèo Phú Diên đang trở nên nổi tiếng khi diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi rồi bỏ hoang đứng đầu tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nông dân thất nghiệp đã ở con số hàng trăm hộ.

Trong lúc gần 200 ha đất nông nghiệp của 600 nông hộ bị bỏ hoang chưa có hướng giải quyết sáng sủa, thì những thửa ruộng lúa ít ỏi còn lại trên địa bàn đang trở thành “ruộng chết” do bị nhiễm mặn trầm trọng từ hoạt động khai thác titan.

Riêng tại thôn Kế Sung, đã 5 vụ lúa trôi qua, gần 50 hộ nông dân không còn biết đến mùa màng, gặt hái. Cứ mỗi độ lúa chín, người dân lại phải bất đắc dĩ lên tiếng “nhắc” Cty Khoáng sản Thừa Thiên - Huế giải quyết đền bù thiệt hại.

Ông Lê Viết Bá, dân thôn Kế Sung, ngán ngẩm cho biết, cày cấy trên diện tích hơn 10 ha đất nhiễm mặn là cầm chắc thất bát, nhưng nếu tự ý ngừng sản xuất thì không nhận được tiền đền bù của doanh nghiệp.

Dân Kế Sung khốn đốn vì bị dự án nuôi tôm “nuốt” hết đất sản xuất, nay lại tiếp tục mất thêm những mảnh ruộng lúa cuối cùng do đội quân khai thác ti tan gây nên.

Ông Bá than thở, cứ tưởng ruộng bị nhiễm mặn một, hai vụ rồi thôi ai dè lại kéo dài; nông dân phải tự xoay xở tìm kế sinh nhai chứ không thể chỉ trông chờ vào tiền đền bù của Cty Khoáng sản. Nhiều người phải tha hương bán vé số, phụ hồ, ở đợ, giúp việc tại thành phố hoặc quay trở lại đầm phá mò tôm, bắt hến, cào rong mới mong kiếm sống bấp bênh qua ngày.

“Gặt lúa” ở... Công ty khai khoáng

Nông dân Kế Sung bị doanh nghiệp làm hỏng ruộng, nhưng hành trình đòi quyền lợi lại gặp lắm gian truân. Ban đầu, Cty Khoáng sản Thừa Thiên - Huế thoái thác trách nhiệm, vì cho rằng ruộng nhiễm mặn do nước lợ phá Tam Giang tràn vào.

Sở TN-MT cũng đứng về phía doanh nghiệp. Do vùng nào có khai thác ti tan, ruộng lúa và giếng nước mới bị nhiễm mặn, nên người dân đã bất bình đâm đơn khiếu nại doanh nghiệp khai khoáng.

Đến khi nguyên nhân nhiễm mặn được Sở KH-CN kết luận do khai khoáng gây ra, Cty Khoáng sản Thừa Thiên - Huế mới chịu xuống nước đền bù cho người dân, thay vì phương án “hỗ trợ” 60% giá trị thiệt hại theo kiểu “xin-cho” như ban đầu.

Theo phản ánh của người dân, mức đền bù của Cty Khoáng sản Thừa Thiên - Huế là chấp nhận được, nhưng những cam kết trách nhiệm lâu dài gắn với thực trạng đồng ruộng bị nhiễm mặn vô thời hạn vẫn chưa được xác lập, Cty cũng chưa chủ động trong việc giải quyết quyền lợi cho nông dân theo từng vụ lúa.

Ông Trần Yển, dân thôn Kế Sung, thắc thỏm: “Ngày mai Cty không còn khai thác ti tan trên địa bàn, đồng ruộng vẫn nhiễm mặn, ai sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại sản xuất cho nông dân. Chuyện tẩy mặn cho ruộng đồng và nước ngầm ư? Đã có nhiều chuyên gia, cơ quan chức năng vào cuộc nhưng xem ra quá khó!”.

Theo kết luận của các cơ quan chuyên môn, một khối lượng nước biển khổng lồ do khai thác ti tan đã bị hòa lẫn vào túi nước ngọt được tích tụ hàng triệu năm trong đồi cát ở Phú Diên, nên khả năng tẩy mặn là hết sức khó khăn và không thể xác định thời gian.

Đây đang là một vấn nạn về môi trường. Để tạm thời “chữa mặn”, UBND huyện Phú Vang đang cho đào một tuyến kênh dọc theo chân đồi cát để thử lắng mặn và chuyển dần chất ô nhiễm ra đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

“Công nghệ” cắt mặn từ chân núi cát xuống ruộng đồng tốn kém chi phí là vậy nhưng rốt cục vẫn chỉ là thử nghiệm. Do đó, việc có phục hồi được những thửa ruộng lúa cuối cùng đang bị “chết mặn” ở Phú Diên hay không, tất nhiên còn phải chờ.

MỚI - NÓNG