Lúa chất đầy nhà

Nông dân trồng lúa không có lãi

Nông dân trồng lúa không có lãi
TP - Ngày 8/9, có mặt tại nhiều địa phương ở ĐBSCL, chứng kiến người nông dân đang rất khốn khó khi thu hoạch lúa về mà không bán được. Với giá lúa như hiện nay, trừ chi phí nông dân trồng lúa không có lời.

Ông Nguyễn Văn Hưng, xã Tân Phong (Giá Rai, Bạc Liêu) vừa thu hoạch 1,7 ha lúa với năng suất gần 5 tấn/ha.

Lúa chất đầy nhà, chờ đã 10 ngày mà không có người mua, thỉnh thoảng lại phải phơi để chống mốc.

Ông Hưng nhìn đống lúa, cười méo xệch: “Trúng mùa ngoài đồng nhưng thất giá rồi. Tiền vay nợ ngân hàng đã đến hạn trả, mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu hơn 20 triệu đồng. Tôi chưa thấy năm nào như năm nay, lúa chín vàng đồng mà không thấy ghe mua lúa hỏi han gì”.

Vùng lúa Thới Bình (Cà Mau), Hồng Dân, Phước Long (Bạc Liêu) hầu hết đang rơi vào tình trạng tương tự.

"Cái khó hiện nay là không xuất khẩu được. Giá gạo trên thị trường thế giới giảm đã kéo theo giá lúa gạo trong nước giảm theo.

Thực tế giá lúa đã sụt giảm nhanh trong tuần qua, có nơi chỉ còn 3.500đ/kg. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng kêu trời vì không có đầu ra, trong khi gạo mua vào không bán được, họ phải tốn tiền kho bãi, sụt giá và lãi suất ngân hàng".

Ông Lê Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang

Ông Nguyễn Văn Trí ở xã Tân Lộc (Thới Bình, Cà Mau) thu hoạch xong 2 ha, cho biết:

“Năm nay, lúa hè thu vùng này đạt năng suất 4,5 tấn/ha, có nhà trúng đậm được 6 tấn/ha. Nhưng phân u- rê giá 400 ngàn đồng/bao, công gặt lúa 200 ngàn đồng/công. Nếu không có sức lao động, không tiết kiệm thì không có lời. Hơn 2 ha lúa vừa thu hoạch ở nhà tôi, nếu có bán được thì chỉ lời chút đỉnh nhờ bỏ công làm lời. Lúa không có người mua nên không biết giá là bao nhiêu để tính toán”.

Anh Trần Thanh Hải ở xã Mỹ An (Tháp Mười, Đông Tháp) cho biết: hộ của anh mới thu hoạch hơn 1 ha lúa vụ 3 được 7 tấn lúa khô, thương lái trả 4.300 đồng/kg, thấp hơn 900 đồng/kg so với cách đây một tháng.

Huyện Tháp Mười là một trong những địa phương có diện tích lúa vụ 3 lớn ở Đồng Tháp, hiện đã thu hoạch 8.000/21.000 ha, năng suất 3,8-4,2 tấn/ha. Rất nhiều hộ dân ở Đồng Tháp muốn bán lúa nhưng không có người mua.

Lúa tràn ra đường

Nông dân trồng lúa không có lãi ảnh 1

Nông dân Đồng Tháp buồn rầu bên đống lúa chưa bán được Ảnh Tiến Tường

Tranh thủ có nắng, nông dân nhiều nơi vác lúa ra đường làng, quốc lộ, căng nhà ni-lông để phơi lúa và chờ đợi người mua.

Nhiều đống lúa cao chất ngất, đến tối vẫn vẹn nguyên vì không có người mua.

Đã 5 đêm rồi, vợ chồng ông Cao Tiến Nghĩa ở ấp Cần Đước, xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) ngủ giữ lúa trước cổng trường mẫu giáo xã Thạnh Phú, cạnh Quốc lộ 1A.

Nhà ông Nghĩa ở trong đồng xa, như mọi năm, ông chở hết lúa của 1,3 ha ra chất bên Quốc lộ 1A để chờ người mua.

Có vài người đến trả giá 3.700 đồng/kg vì chê lúa của ông còn ướt. Ông giãi bày: “Lúa hè thu gặt vào đúng mùa mưa, sao đòi khô rang được. Khi lúa ế thì bị chê ỏng chê eo. Giá tất cả đều tăng, chỉ có lúa thì giảm?”.

Đã tốn tiền thuê chở mỗi bao 3.000 đồng, không bán được, ông ngủ lại bên đường canh lúa chờ thương lái. Hiện ông Nghĩa còn nợ đại lý phân bón trên 13 triệu đồng. Ông thắc mắc: “Tôi nghe nói Chính phủ quy định mua lúa của nông dân với giá làm sao để nông dân ít nhất có lời 40% trở lên, nhưng sao người ta mua rẻ quá, làm sao tôi bán được”.

Bên Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Thạnh Phú, có rất nhiều đống lúa của nông dân chờ người mua.

Chị Nguyễn Thị Trúc Lệ ở ấp Mỹ Lợi B, xã Mỹ Tú (Mỹ Tú, Sóc Trăng) làm 2 ha lúa hè thu. Chị kể: “Bình quân 1 ha, công làm đất 800.000 đồng, tiền giống 1.395.000 đồng, phân các loại 7.000.000 đồng, thuốc trị sâu bệnh 2.000.000 đồng, công cắt và suốt 2.600.000 đồng, lãi vay vốn ngân hàng hơn 1 triệu đồng. Tổng cộng hơn 15.495.000 đồng. Lúa tôi có năng suất cao, 7 tấn lúa tươi/ha, bán giá 2.800 đ/kg, được 19.600.000 đồng. Nếu tính cả công của vợ chồng con cái trong 4 tháng trời là lỗ, nhưng nếu lấy công làm lời thì 2 ha sau 4 tháng  được 8.210.000 đồng”.

Trữ lúa lỗ lớn nên mua cầm chừng

Ông Ba Xiếu ở ấp Tân Chánh B, xã Long Tân (Ngã Năm, Sóc Trăng) mua trữ lúa khô lúc giá 4.500 đ/kg. Nay giá còn 3.900 đ/kg, lỗ 60 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Trung ở xã Tân Mỹ (Thanh Bình, Đồng Tháp) than vãn: “Nhà tôi có hơn 6 tấn lúa hè thu, trước đây thương lái trả 4.500 đồng/kg nhưng không bán vì muốn chờ giá lúa lên. Nay dù muốn bán tháo cho xong chuyện mà không có ai thèm hỏi mua nữa. Tôi lại đang chuẩn bị thu hoạch thêm hơn 2 tấn lúa vụ 3 nữa”.

Tại Cần Thơ, gạo đang được các doanh nghiệp mua với giá 6.000-6.300 đ/kg, giảm hơn 300 đ/kg so với tuần trước. Tuy nhiên, đó là giá doanh nghiệp thu mua từ thương lái, thực tế trong dân, giá lúa được thu mua thấp hơn.

Ông Nguyễn Thanh Vân, phụ trách kinh doanh Cty Lương thực Thốt Nốt (GENTRACO) cho biết: GENTRACO đang mua lúa hè thu tồn đọng với giá 4.500 đồng/kg nhưng cũng chỉ mua cầm chừng vì Cty còn tồn kho hơn 30.000 tấn gạo chưa có hợp đồng tiêu thụ.

“Hiện chúng tôi chỉ có thể mua 250 tấn gạo và 50 tấn lúa/ngày, quá ít so với nhu cầu của dân nhưng không còn cách nào khác. Hợp đồng xuất khẩu lúa gạo đã hết trong khi chưa có hợp đồng mới”.

Ông Vân nói “các đối tác nước ngoài đang tìm cách ép giá gạo Việt Nam với với giá 520USD/tấn (thấp hơn 80 USD so với gạo Thái Lan). Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo xuất khẩu với mức giá sàn 580 USD/tấn nên việc tìm đầu ra cho lúa gạo lúc này là quá khó, doanh nghiệp cũng đành phải chờ”.

MỚI - NÓNG