'Buôn' chuyện đạo văn!

'Buôn' chuyện đạo văn!
TP - Sở dĩ người viết ấm ức đặt lại vấn đề này là do vừa đọc trên tuần báo Văn nghệ số 32 (9/8/2008) đoạn viết của nhà thơ Lê Quang Trang về việc bài thơ của anh bị ăn cắp.

Theo Lê Quang Trang thì bài thơ “Tro tàn quá khứ” của anh đã được đăng trên báo Lao động số 23 ra ngày 8/6/1989, sau đó được lấy đặt tên chung cho một tập thơ do nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1990.

Tháng 3/2004 được dịch sang tiếng Anh in trên tạp chí Heritage của hãng Hàng không Việt Nam. Vậy mà trong tập thơ có tên “Vì sao còn lại” của tác giả Tuấn Ba cũng có một bài thơ y chang như vậy, chỉ khác có 3 từ (một từ ở câu 4 hai từ ở câu 6) với lời chú thích “Bài đã đăng trên một cuốn tạp chí Heritage (!) bằng tiếng Việt và tiếng Anh”, không cho biết thêm bài ấy của ai!

Cuốn sách “Bình Định - Đất võ trời văn” phát hành nhân festival Tây Sơn - Bình Định vừa rồi như một “món quà” của tác giả (là người Tây Sơn - Bình Định) để đáp đền ơn nghĩa quê hương! Nhưng cuốn sách chỉ là những cóp nhặt từ các sách báo tư liệu của nhiều người đã dày công điền dã, sưu tầm, nghiên cứu, khảo luận trước đó.

Vị tiến sĩ phó giám đốc một cơ quan văn hoá xã hội sang trọng ở thành phố Hồ Chí Minh này đã cẩn thận “biên tập, chỉnh lý” lại văn phong từ ngữ của các tác giả kia một cách rất chi là… sai chính tả, ngữ nghĩa để thành của mình! (Ví dụ chữ “đãy trầu” là cái túi vải nhỏ dùng để đựng trầu cau được ông đổi hết thành “dãy”, hoặc chữ “sắc” là đun lâu cho nước thuốc đậm đặc lại thì ông chữa thành “xắc” tuốt luốt!).

Giám đốc nhà xuất bản đã có lệnh thu hồi với lời xin lỗi bạn đọc là “đáng tiếc”. Vâng, thật đáng tiếc!

Quang Vĩnh Khương là một người làm thơ tài hoa mệnh yểu. Anh mất đột ngột vào tháng 6/2001, lúc vừa 36 tuổi. Trên báo Tài hoa trẻ số 408 ra ngày 22/2/2006 có in bài thơ của một người ký tên Hoàng An ở Quảng Nam thuổng bài thơ “Tình ca bảy chú lùn” của Khương với nhan đề mới là “Thơ tình bảy chú lùn”.

Bài này đã in trong tập thơ “Tự bạch của đàn ông”, nhà xuất bản Đà Nẵng, 1993: - “Nàng Bạch Tuyết đã đi cùng Hoàng tử/ Ngẩn ngơ tôi với bảy chú lùn/ Quả táo độc dự phòng đêm tàn tiệc/ Đem chia đều cho tám nỗi cô đơn/ Tội nghiệp quá bảy chú lùn tốt bụng/ Lấy máu tim vắt mật nuôi cô nàng/ Giờ thì đó, trong khu rừng phiền muộn/ Vểnh râu ngồi thở thở than than/ Tôi với em rồi cũng thành cổ tích/ Khi một ngày ta lỡ chuyến đò ngang/ Bảy chú lùn tìm tôi đánh bạn/ Vểnh râu cười cái tội đa mang”. Bài Hoàng An chỉ khác có 4 từ ở 4 câu 3, 6, 9 và 11.

Trong đĩa VCD Karaoke Quang Linh 3 “Chuyện tình ao cá” có ca khúc “Gã si tình” của Trần Huân (hoà âm Quang Phúc, ca sĩ Quang Linh, ngoài ra không có dòng nào ghi là “phổ thơ” hay “phỏng thơ” gì cả) mà ca từ thì lại y chang bài thơ “Trương Chi” của Quang Vĩnh Khương: - “Đêm xưa có một gã khờ/ Uống trăng rồi khóc trang thơ đời mình/ Uống thơ rồi khóc cuộc tình/ Uống tình rồi khóc một mình dưới trăng”.

Bài thơ này in trong tập “Tự bạch của đàn ông” của Khương, nhà xuất bản Đà Nẵng, 1993 và được chọn vào tuyển tập thơ Lục bát Việt Nam, nhà xuất bản Văn hoá, 1994.

Trong ca khúc của Trần Huân phiên khúc 1 (và cũng là phiên khúc 2) chỉ khác bài thơ một từ duy nhất là “đêm khuya” thay vì “đêm xưa”, và vì bài thơ chỉ có 4 câu, nên “nhạc sĩ” đệm thêm phần điệp khúc của mình cho đủ khúc thức một bài hát: -“Ơi! Một gã si tình, ngồi thẫn thờ chơi trăng, mang bao nỗi u sầu để rồi thương nhớ vấn vương, ôm tương tư ôm lặng một mối duyên đầu, trong đêm thâu âm thầm khóc than đời mình, câu thơ xưa nét mực tình đã phai nhoà, trang thơ say thế là viết tình đắng cay”.

Đến nay người nhà Quang Vĩnh Khương vẫn không hề nhận được bất kỳ một liên hệ, liên lạc gì từ phía người làm nhạc!

Trước đây Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em tỉnh Kon Tum tổ chức cuộc thi thơ văn viết về trẻ em. Tôi được ban tổ chức mời làm giám khảo phần thơ. Tác giả gửi dự thi 3 bài, 2 bài rất dở, 1 bài hay đột xuất, xứng đáng đoạt giải nhất!

Tôi báo cáo sự nghi ngờ có thể đạo văn với ban tổ chức vì chiếu theo văn phong bút lực của cùng tác giả với mấy bài kia. Ban tổ chức đã cẩn thận không trao giải cho bài thơ ấy. Mãi sau này mới biết là bài “Bất ngờ” của nhà thơ Cao Xuân Thái đã viết và phổ biến từ đầu những năm 80 thế kỷ trước.

Cũng tác giả này, sau đó ít lâu, anh em lại phát hiện trong một số đặc san của Ủy ban nói trên có in truyện ngắn “Ba hạt dẻ dành cho Lọ Lem” của nhà thơ Bùi Minh Quốc trong tập truyện “Những đốm lửa xanh” do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, chỉ khác một vài tiểu tiết…

Cũng ở tỉnh này, năm 2006, ban biên tập tạp chí Văn nghệ Kon Tum đọc được truyện ngắn “Ngôi nhà không có cầu thang” của tác giả Xuân Hiếu.

Nghĩ người này chưa hề viết văn, làm sao đột xuất có tác phẩm khá như thế, ban biên tập hỏi (vì anh ta là thư ký toà soạn!) thì được khẳng định là của anh ta, bằng chứng là hãy còn bản thảo viết tay chứ chưa kịp đánh máy!

Khi tạp chí in ra (bản in này có khác bản chính đôi chỗ do ban biên tập sửa theo ý mình) liền được bạn đọc phát hiện là của nhà văn Phan Trung Hiếu! Lúc này anh ta bảo thấy truyện hay muốn cho in lại để nhiều người cùng thưởng thức!

Nếu chỉ có ý tưởng đó thôi thì tốt quá! Đằng này lại đổi tên Phan Trung Hiếu thành Xuân Hiếu, không phô-tô bài để gửi mà phải kỳ công viết lại bằng tay, lại còn nhận luôn báo biếu và nhuận bút… xài tạm nữa! (Sau đó toà soạn gọi điện xin lỗi tác giả chính và buộc anh ta phải chuyển khoản này trả lại cho tác giả thật).

Ở tỉnh Gia Lai cũng có chuyện tương tự. Tạp chí Văn nghệ Gia Lai số phát hành tháng 5/2008 in truyện ngắn “Gương mặt hạnh phúc” của tác giả Nguyên Huy.

Vừa lúc ấy nhà văn Phan Đức Nam ở thành phố Hồ Chí Minh đến đây dự trại sáng tác do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức.

Hội Văn nghệ mang tạp chí tặng giao lưu các trại viên. Phan Đức Nam ngạc nhiên khi đọc truyện ngắn ấy, sao giống y chang truyện “Sau cửa kính” của mình đã in ở tuần báo Văn nghệ và tạp chí Sông Hương trước đó!

Biết được vụ việc, tạp chí số sau có lời đính chính, xin lỗi tác giả thật, và dĩ nhiên là có đôi lời… giáo huấn tác giả giả!

Điều dễ thấy nhất là những người viết chân chính, có tài năng thật sự thì không ai đạo văn cả. Dư luận xã hội không phân biệt được rõ rành nên mỗi khi nghe có chuyện ì xèo thì thường nói chung chung rằng giới văn chương chữ nghĩa mà sao lại làm lắm chuyện… mất mặt như thế! Có người còn nói vui rằng với cái đà này thì làm sao biết được tác thật  với… tác giả đây?!

Ăn cắp là có tội. Luật pháp và lương tri đã định thế rồi, ai cũng biết. Nhưng đôi khi ăn cắp lon gạo hoặc đồng bạc sẽ được chủ nhân và dư luận thể tất cho qua, vì có thể do hoàn cảnh quá ngặt nghèo, không có khoản ấy con anh sẽ chịu đói, sẽ chịu đuổi học!

Còn khi ăn cắp bài thơ, truyện ngắn, bản nhạc, bức tranh thì vì động lực gì nếu không là để mong tìm chút danh hão, để lòe bịp với xung quanh, thậm chí chỉ để kiếm mấy đồng nhuận bút còm cõi như hiện nay!

MỚI - NÓNG