Chứng khoán châu Âu: Xuống mức thấp nhất trong 2 tháng

Phiên giao dịch đi vào lịch sử ở Phố Wall

Phiên giao dịch đi vào lịch sử ở Phố Wall
Ngày 15/9, Phố Wall với khung cảnh nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, đã tạo nên một ngày tồi tệ nhất trong 7 năm qua, kể từ sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ đến nay, Phố Wall mới có một phiên giao dịch tồi tệ đến vậy.

>> Cựu chủ tịch FED : Kinh tế Mỹ gặp khủng hoảng 'thế kỷ'

Giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 10 tại NYMEX trong ngày 15/9 đã giảm 5,47 USD/thùng và đóng cửa ngày giao dịch ở mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua, 95,71 USD/thùng.

Phiên giao dịch đi vào lịch sử ở Phố Wall ảnh 1

Chứng khoán Mỹ có phiên giảm điểm mạnh nhất trong 7 năm qua - Ảnh: AP.

Hàng loạt thông tin xấu dồn dật ập tới Phố Wall tạo nên không khí hoảng loạn và điều đó nhanh chóng khiến chứng khoán Mỹ có ngày sụt giảm mạnh nhất trong 7 năm qua.

Đầu tiên là thông tin Ngân hàng Đầu tư Lehman Brothers đã tiến hành các thủ tục cần thiết để công bố phá sản, hiện các nhân viên làm việc tại ngân hàng này ở Mỹ đang thu dọn để rời khỏi Lehman Brothers trong khi hàng chục nghìn người hiện làm việc tại các chi nhánh châu Á, châu Âu đang chờ quyết định cuối cùng phát đi từ lãnh đạo ngân hàng này ở Mỹ.

Như vậy, đứng trước sự đổ vỡ của Lehman Brothers, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã không ứng cứu họ như lần hỗ trợ JPMorgan Chase mua lại Bear Stearns vào ngày 16/3/2008.

Phiên giao dịch đi vào lịch sử ở Phố Wall ảnh 2
Lehman Brothers bị phá sản khiến nhân viên mất việc - Ảnh: AP.

Thông tin quan trọng khác, sau khi tuyên bố rút khỏi thương vụ Lehman Brothers, ngân hàng bán lẻ số một nước Mỹ, Bank of America đã tuyên bố mua lại Merrill Lynch với giá xấp xỉ 50 tỷ USD, tương đương 29 USD/cổ phiếu.

Sau thương vụ này, Bank of America sẽ tiếp quản gần 17.000 nhân viên tư vấn chứng khoán, quản lý số tiền lên tới 1.600 tỷ USD cho các khách hàng của Merrill Lynch.

Tin xấu không chỉ dừng ở phá sản và sáp nhập khối ngân hàng, vì sự đổ vỡ cũng có thể lan sang lĩnh vực bảo hiểm. Thông tin từ Tập đoàn Bảo hiểm hàng đầu nước Mỹ cho hay, American International Group (AIG) đã phải cầu việc từ FED cho vay khoảng 40 tỷ USD cho hoạt động kinh doanh.

Trong một nỗ lực tìm kiếm sự cầu viện để không bị phá sản, AIG đã chính thức tuyên bố được Thị trưởng thành phố New York cho phép sử dụng 20 tỷ USD tiền mặt từ các chi nhánh để khắc phục khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Trước những sóng gió trên thị trường tài chính Mỹ, 10 ngân hàng đã lập ra một quỹ có giá trị 70 tỷ USD để phòng tránh khủng hoảng, theo đó Bank of America, Barclays, Citibank, Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs, JP Morgan, Merrill Lynch, Morgan Stanley và UBS, mỗi ngân hàng sẽ góp 7 tỷ USD.

Theo nhận định của giới phân tích, rất có thể FED sẽ hạ lãi suất cơ bản nhằm ứng phó với những khó khăn trên thị trường tài chính Mỹ bất chấp áp lực lạm phát vẫn đang cản đà tăng của kinh tế Mỹ. Được biết, trước đó, FED đã tuyên bố bơm thêm khoảng 25 tỷ USD lên mức 200 tỷ USD để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng ở nước này.

Cũng trong ngày đầu tuần, FED đã bơm ra 50 tỷ USD cho khoản vay có thời hạn 2 ngày để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Điều này đã khiến lãi suất liên ngân hàng ở Mỹ giảm từ 6%/năm xuống 4%/năm ngay trong sáng 15/9.

Diễn biến phiên giao dịch hôm thứ Hai tạo nên sự bất ngờ và sốc với giới đầu tư khi phiên giao dịch buổi sáng các chỉ số giảm trên 2%, nhưng không khí hoảng loạn đã xẩy ra vào phiên buổi chiều vì tốc độ giảm bắt đầu gia tăng mạnh mẽ.

Một ngày giao dịch đi vào lịch sử bởi đã 7 năm kể từ sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ đến nay, Phố Wall mới có một phiên giao dịch tồi tệ đến vậy. Khối lượng đặt bán ở các mã thuộc khối tài chính được tung ra nhưng nỗ lực bán vẫn trở nên khó khăn khi ai cũng bán, bán với khối lượng lớn trong khi người mua được quyền chọn “không mua giá này sẽ mua rẻ hơn ở mức giá khác”.

Điều này được minh chứng thông qua mức sụt giảm mạnh của một vài đại gia hoặc đã từng là đại gia khối tài chính: cổ phiếu của Lehman Brothers giảm 94,25% xuống 0,21cent/cổ phiếu, AIG sụt giảm 60,79%, Morgan Stanley giảm 13,54%, Bank of America mất 21,31%, Citigroup giảm 15,14%, Goldman Sachs trượt 12,13%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 504,48 điểm, tương đương -4,42%, đóng cửa ở mức 10.917,51.

Chỉ số Nasdaq phiên này sụt giảm 81,36 điểm, tương ứng -3,36%, chốt ở mức 2.179,91.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 trượt 59 điểm, tương đương 4,71%, đóng cửa ở mức 1.192,7.

Chứng khoán châu Âu: Xuống mức thấp nhất trong 2 tháng

Trước sự phá sản hoặc sáp nhập trong khối tài chính Mỹ, các ngân hàng trung ương châu Âu đã đồng loạt bơm thêm tiền cho các khoản vay ngắn hạn để hỗ trợ tính thanh khoản cho khối ngân hàng thương mại.

Cụ thể, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bơm 30 tỷ Euro (43 tỷ USD) trong tổng số 90,3 tỷ Euro được đề nghị vay của các ngân hàng thương mại với lãi suất 4,25%/năm, thời hạn vay là 1 ngày.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Anh đã cho các ngân hàng thương mại nước này vay 5 tỷ Bảng Anh (9 tỷ USD) trong thời hạn 3 ngày. Số tiền này chỉ bằng 1/5 nhu cầu vay “nóng” của hệ thống ngân hàng thương mại Anh.

Trước diễn biến khó lường của khối tài chính Mỹ, chứng khoán châu Âu đã sụt giảm mạnh và xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua.

Các cổ phiếu khôi ngân hàng trượt mạnh, trong đó, cổ phiếu Ngân hàng UBS, Royal Bank of Scotland, HBOS, Societe Generale và Deutsche Bank mất từ 7 đến 19%. Trong khi cổ phiếu khối năng lượng như Total, Royal Dutch Shell cũng giảm từ 4,4% đến 5% do giá dầu xuống dưới 100 USD/thùng.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh sụt giảm 212,5 điểm, tương đương -3,92%, đóng cửa ở mức 5.204,2, khối lượng giao dịch phiên này đạt 3,2 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này trượt 2,74%, khối lượng giao dịch đạt 119 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp mất 3,78%, khối lượng giao dịch tăng vọt lên 316 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Giảm mạnh sau tin xấu

Hôm thứ Hai, thị trường chứng khoán Singapore và Đài Loan đã sụt giảm mạnh do tác động tiêu từ khối tài chính Mỹ.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan sụt giảm 4,09%. Chỉ số Straits Times của Singapore giảm 3,27%.

Theo giới phân tích nhận định, các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc sau khi nghỉ giao dịch nhân ngày lễ hôm thứ Hai, cũng sẽ giảm rất mạnh khi mở cửa ngày giao dịch hôm thứ Ba, 16/9.

Ngày 16/9, chứng khoán châu Á có phiên giảm điểm mạnh nhất trong vòng 6 tháng qua, do tác động từ thị trường tài chính Mỹ, đặc biệt là sau phiên giảm điểm mạnh nhất trong 7 năm qua tại Phố Wall.

Ngân hàng Trung ương Nhật sáng 16/9 đã bơm 1,5 nghìn tỷ Yên (14,4 tỷ USD) vào hệ thống tài chính giúp khối này tăng tính thanh khoản. Trước đó, FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Anh, Canada, Thụy Sỹ đều đã cho các ngân hàng thương mại vay tiền để tăng tính thanh khoản cho toàn hệ thống.

Tại thời điểm này (9h20’ - giờ Việt Nam) thị trường chứng khoán châu Á đã sụt giảm mạnh trên diện rộng khi chỉ số Nikkei 225 của Nhật mất 4,66% và chính thức tụt khỏi ngưỡng hỗ trợ 12.000 điểm do lo ngại về khủng hoảng tài chính lan ra trên diện rộng.

Chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan mất gần 5%. Chỉ số Straits Times của Singapore giảm 2,5%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc sụt giảm hơn 6%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông phiên này tiếp tục giảm 6,3%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 4,53%.

Theo Duy Cường
Vneconomy

MỚI - NÓNG