Kinh tế Mỹ những ngày đen tối

Kinh tế Mỹ những ngày đen tối
Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang trải qua những ngày "đen tối" do cuộc khủng hoảng tín dụng ngày càng lan rộng và đặc biệt là ba biến động kinh tế lớn gây ra cú sốc tài chính cuối tuần qua.

Khủng hoảng tín dụng làm Phố Wall chao đảo, hàng triệu người có nguy cơ mất nhà, tỷ lệ thất nghiệp tăng trên 6%, trong khi giá xăng dầu và lạm phát cao buộc các gia đình Mỹ phải thắt lưng buộc bụng.

Người Mỹ đang hết sức lo ngại rằng "những ngày đen tối" của thời kỳ Đại suy thoái kinh tế sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ năm 1929 sẽ lại tái diễn. Những ngày này, câu cửa miệng của giới chuyên gia kinh tế Mỹ là cụm từ "đen tối": Ngày Chủ nhật đen tối, Ngày Thứ hai đen tối và chưa rõ đâu là ngày đen tối cuối cùng.

Cựu Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan cũng phải thừa nhận rằng nước Mỹ đang trong cuộc khủng hoảng "một thế kỷ mới có một lần."

Khi nền kinh tế số một thế giới sa lầy trong một cuộc khủng hoảng tài chính, nguy cơ suy thoái nghiêm trọng hiện hữu thì nói về bất kỳ một ngày đen tối nào trong thời điểm hiện nay cũng là điều có thể.

Ba biến động nổ ra vào ngày Chủ Nhật 14/9, gồm ngân hàng đầu tư doanh nghiệp hàng thứ tư Lehman Brothers 158 năm tuổi nộp đơn xin bảo hộ phá sản, ngân hàng đầu tư lớn thứ ba Merrill Lynch bị thua lỗ nặng nề phải bán cho Bank of America và FED phải mở kho bạc để giới hạn thiệt hại, đã khiến giới chuyên môn thừa nhận "hệ thống tài chính Mỹ đang lung lay một cách nguy hiểm".

18 năm qua, chưa có trường hợp phá sản nào lớn như vụ Lehman trên thị trường Phố Wall. Cộng thêm việc Merrill Lynch bị bán lại cho Bank of America, Phố Wall được dự báo sắp có "cơn sóng thần" thất nghiệp với ít nhất 100.000 việc làm có nguy cơ bị dẹp bỏ.

Song đó không phải là những khó khăn đầu tiên mà chính phủ Mỹ phải đối mặt trong đợt khủng hoảng này. Tháng 3 vừa qua, chính quyền Bush đã buộc phải cứu Ngân hàng Bear Stearns với ngân phiếu 30 tỷ USD và cuối tuần trước cũng đã chi ra 200 tỷ USD để cứu hai ngân hàng tín dụng Fannie Mae và Freddie Mac. Tất cả các trường hợp trên đều hoạt động thua lỗ vì tín dụng rủi ro.

Sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers đẩy nước Mỹ vào nguy cơ suy thoái trầm trọng hơn nữa và đe dọa gây ra hiệu ứng domino nhấn chìm nền kinh tế toàn cầu, nếu các ngân hàng trên thế giới ngừng hoạt động tín dụng.

Nếu vụ phá sản này dẫn đến chiến dịch thắt chặt những điều khoản cho vay đối với các công ty và người tiêu dùng, hậu quả kinh tế sẽ rất khốc liệt. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ đang nhanh chóng lan sang châu Á và châu Âu. Nhật Bản cũng "đóng góp" hai ngân hàng trong danh sách những chủ nợ chính của Lehman Brothers.

Kinh tế Mỹ những ngày đen tối ảnh 1
Các nhân viên Lehman Brothers tại trụ sở chính ở New York khuân đồ nghề rời nơi làm việc  ngày 15/9. Ảnh : Reuters.

Tại châu Âu, Bộ trưởng Kinh tế Đức Michael Glos cảnh báo sự sụp đổ của Lehman Brothers có thể gây phương hại nghiêm trọng nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Trên khắp lục địa già, nhu cầu tiền mặt của các ngân hàng đã vượt xa khả năng cung cấp của các ngân hàng trung ương - điều này báo hiệu các công ty tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tiền mặt trong thời gian đánh giá thiệt hại do vụ phá sản của Lehman Brothers gây ra.

Tình hình khẩn cấp hiện nay buộc FED phải hành động hỗ trợ khẩn cấp. Mặc dù trước đó FED đã công bố một số biện pháp, như mở rộng các loại hình tài sản mà các ngân hàng đầu tư có thể đem ra thế chấp để nhận được những khoản cho vay khẩn cấp từ FED và tăng tần suất tiến hành các vụ đấu giá những khoản cho vay khẩn cấp lên mức hàng tuần nhưng người ta vẫn nghĩ tới giải pháp tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Hiện lãi suất liên ngân hàng của Mỹ đã tăng cao gấp 3 lần so với chỉ tiêu của FED là 2% và ngày càng có nhiều lời kêu gọi hạ lãi suất. Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 16/9, FED đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất cho vay cơ bản được duy trì từ tháng 4 năm nay (2%).

Trước đó, nhằm ngăn ngừa khủng hoảng lây lan, 10 ngân hàng quốc tế đã lập một quỹ khẩn cấp 70 tỷ USD để hỗ trợ nhau khi có nhu cầu cấp thiết. Tuy vậy, giới tài chính Mỹ vẫn lo ngại rất có thể nạn nhân mới của hiệu ứng domino trên là công ty bảo hiểm hàng đầu thế giới của Mỹ American International Group (AIG). Theo báo chí, AIG đã yêu cầu FED trợ giúp khẩn cấp 50 tỷ USD tiền mặt để tránh nguy cơ phá sản và cả thế giới đang theo dõi những động thái tiếp theo của AIG.

Mức độ suy thoái của nền kinh tế Mỹ phần lớn phụ thuộc vào cách hành xử của các ngân hàng trong những tuần tới. Sẽ mất vài ngày các thị trường mới có thể lắng dịu để đưa ra dấu hiệu rõ ràng về tình trạng của các điều kiện cho vay.

Tất nhiên, nước Mỹ có công cụ, chính sách tài chính và tiền tệ, đồng thời biết cách ngăn chặn một cuộc Đại suy thoái thứ hai (sau vụ thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ năm 1929 dẫn đến thời kỳ Đại suy thoái).

Nhà kinh tế được giải thưởng Nobel Joseph Stiglitz cho rằng tình trạng hoảng loạn tài chính hiện nay không nghiêm trọng bằng vụ thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ năm 1929. Ông dự đoán sự hỗn loạn hiện nay '"sẽ góp phần khiến nước Mỹ suy giảm thực sự, nhưng không đến mức khủng hoảng, nghĩa là một loạt thể chế tài chính lớn phá sản."

Một chuyên gia kinh tế của ngân hàng BNP-Paribas cũng cho rằng nguy cơ sụp đổ tài chính chỉ ở mức nhỏ vì khó có thể tưởng tượng Chính quyền Mỹ lại để cho một loạt ngân hàng lớn phá sản. Ông lưu ý rằng "đã từng xảy ra những cuộc khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng ở Nhật Bản, Thụy Điển và Na Uy, và quốc hữu hóa là giải pháp cứu vãn hiệu quả nhất."

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG