“Chàng Tadeusch” nói hộ nỗi lòng người xa xứ

“Chàng Tadeusch” nói hộ nỗi lòng người xa xứ
TPO - Sống và làm việc tại Ba Lan gần 30 năm, nhà thiên văn địa chất học Nguyễn Văn Thái lại rẽ ngoặt sang con đường văn chương bằng việc dịch kiệt tác của đại thi hào Adam Mickevich, người được coi là có ảnh hưởng lớn của văn học Ba Lan.
“Chàng Tadeusch” nói hộ nỗi lòng người xa xứ ảnh 1
TSKH Nguyễn Văn Thái. Ảnh : PV

Dường như công việc trắc địa bản đồ chẳng liên quan gì đến văn chương, vì sao ông lại bắt tay vào một tác phẩm “khó nhằn” như vậy?

Đây là cơ duyên vì thực ra tôi chưa hề có ý định dịch tác phẩm văn học, nhất lại là tác phẩm kinh điển của Adam Mickievich. Tôi vốn thích làm thơ, viết văn, nhưng khoa học vẫn  là công việc chính.

Năm 2005, một người bạn Ba Lan cùng học tại Đại học Bách Khoa Warsaw đã tặng tôi cuốn Chàng Tadeusch và khuyến khích tôi thử sức dịch cuốn này. Anh ấy bảo đó mới là tác phẩm chứng tỏ khả năng dịch của tôi.

Tôi thử đọc một số trang và thấy vấn đề ông ấy nêu ra và đặc biệt là lòng nhớ thương đất nước khi sống trong xa cách giống với tâm trạng mình. Tôi xa đất nước 30 năm nên cảm ơn nhà thơ đã nói hộ nỗi lòng mình, tấm lòng của người con xa xứ.Thế là tôi quyết tâm dịch và biết đâu đấy là mảnh đất cho mình gặt hái thành công mới.

Tôi đến với Adam Mickievich còn bởi một lẽ khác nữa, đó là lòng ngưỡng mộ và tình cảm đối với quê hương đất nước khi sống trong xa cách. Tôi cũng xa quê, đã trải qua nửa cuộc đời trên đất Ba Lan. Tâm trạng mắc nợ cuộc đời, mắc nợ quê hương đã khích lệ tôi vượt qua chính mình, không tiếc công sức cố gắng đưa tác phẩm bất hủ này đến với độc giả Việt Nam thân yêu. Đó là cách thiết thực của bản thân để trả ơn cả hai dân tộc, góp phần nhỏ bé vào việc tăng cường sự hiểu biết giữa Việt Nam và Ba Lan.

Ông có khó khăn gì khi dịch một tác phẩm văn học lớn như vậy của Ba Lan?

Tôi đã dịch cuốn này trong vòng 3 năm, đúng bằng thời gian tác giả viết cuốn sách. Lúc đầu cũng có đôi chút khó khăn, nhưng rất may là hiện nay các phương tiện tra cứu vô cùng tiện lợi, nên tôi cũng không vất vả lắm.

Trong lần nói chuyện với nhà thơ Bằng Việt được biết Nguyễn Xuân Sanh và nhà thơ Hoàng Trung Thông đã dịch một số đoạn trích của tác phẩm này, nên trước khi lên đường trở lại Ba Lan, tôi đã cất công tới Thư viện quốc gia để tìm đọc những cuốn đã dịch trước đó.

Khi dịch tác phẩm này, chính Nguyễn Xuân Sanh cũng đã nói là dịch tạm, sau này có điều kiện thì dịch lại vì thời đó (năm 1968 - PV) là dịch từ bản tiếng Pháp. Công lớn nhất với tôi là nhà thơ Bằng Việt. Anh ấy đã dành khá nhiều thời gian  giúp tôi đọc và chỉnh lý.

Cách dịch “Chàng Tadeush” của ông nghe có vẻ rất Việt Nam?

Tôi suy nghĩ rất nhiều trước khi chọn từ “chàng” vì trong tiếng Ba Lan từ Pan có nghĩa là ông, ngài. Nhân vật chính ở đây là chàng trai tuổi 20 nên dịch là “ông” thì chưa thật chuẩn. Tôi cũng suy nghĩ là tại sao trong Kiều, Nguyễn Du dùng từ “chàng” Kim Trọng khi nói về chàng thanh niên độ tuổi như thế, cũng có mối tình như thế. Thế là tôi quyết định chọn từ “chàng”, thay vì “ông”. Nó cũng đúng với chàng trai trẻ lần đầu tiên biết yêu.

Tác phẩm này được ví như Kiều của Nguyễn Du?

Khi đọc tác phẩm này, có người cho rằng nó giống với Kiều của Nguyễn Du vì hai người đều là đại thi hào của mỗi dân tộc. Adam Mickievich là một trong những nhà thơ lớn nhất của Ba Lan. Chỉ khác là Nguyễn Du miêu tả xã hội phong kiến và khát khao vươn tới tự do của con người trong xã hội phong kiến.

Còn Adam không tập trung vào tình yêu mà tập trung vào lòng yêu nước, vì đây là sự cản trở của hai dòng họ, vì tình yêu dân tộc mà mối tình đã đoàn kết hai dòng họ và cùng nhau đoàn kết chống lại kẻ thù lúc bấy giờ là Nga hoàng?

“Chàng Tadeusch” nói hộ nỗi lòng người xa xứ ảnh 2 Với niềm quan tâm sâu sắc tôi đã đọc bản dịch tiếng Việt thiên sử ca Chàng Tadeusch của đại thi hào Adam Mickievich qua những trang dịch tuyệt vời của ông Nguyễn Văn Thái. Được đọc một kiệt tác của nền văn học Ba Lan bằng tiếng Việt đã mang đến cho tôi, một người Ba Lan, nguồn cảm hứng và những xúc động khó quên“Chàng Tadeusch” nói hộ nỗi lòng người xa xứ ảnh 3

Đại sứ CH Ba Lan tại Việt Nam Miroslaw Gajewski

Ông có nói Adam Mickievich đã nói hộ nỗi lòng của người xa xứ?

Khi tả cảnh đẹp quê hương đất nước, tả về rừng cây, làng mạc, cuộc sống, nông thôn, người đọc cảm thấy ở đâu, lúc nào cũng tràn đầy lòng nhớ thương. Tác giả như vẽ ra tất cả những hình ảnh đó. Trong lịch sử văn học Ba Lan, người ta đánh giá việc tả cảnh của Adam là những trang đẹp nhất về nghệ thuật tả cảnh.

Khi đọc đến bất cứ đoạn nào về tả cảnh, đặc biệt là cảnh nông thôn, tôi thấy tác giả như đưa hồn mình vào trong đó, rất giống suy nghĩ của những người xa xứ. Chính tác giả đã khi viết tác phẩm này cũng đang ở Paris, sống xa cách đất nước mười mấy năm trời.

Ông có nhận được sự hỗ trợ nào khi ra đời cuốn sách dịch này không?

Khi dịch được phần lớn tác phẩm, tôi đã đưa về cho Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam xem và mong có sự hỗ trợ. Đại sứ Ba Lan rất phấn khởi nhưng cho rằng không nên vội vã xuất bản. Ông đã gặp gỡ rất nhiều nhà phê bình văn học nhờ đánh giá tác phẩm và nhận được sự ủng hộ, đại sứ đã tài trợ một phần, mua 400 cuốn ngay từ đầu tiên khi ký hợp đồng để nhà xuất bản có tiền in ấn trong tổng cộng 2000 cuốn. Đây cũng là một khoản tiền lớn nếu tự người dịch hoặc nhà xuất bản bỏ ra để có thể cho ra đời tác phẩm.

Trong xã hội hiện đại, liệu một tác phẩm kinh điển như vậy có độc giả?

Tôi nghĩ tác phẩm này sẽ chọn độc giả vì riêng độ dày gần 600 trang đã khiến những người lúc nào cũng không có thời gian nhìn thấy đã ngại. Tuy nhiên, đối với những người đam mê văn chương, muốn tìm hiểu về cuộc sống Ba Lan, đặc biệt giới qúi tộc Ba Lan cuối thế kỷ 19 và tìm hiểu sự khác nhau về văn hoá sẽ tìm đọc và nếu đọc chương đầu thì sẽ bị cuốn hút vào những chương tiếp theo.

Được biết, ông cũng là một trong những “thủ lĩnh” của cộng đồng người Việt tại Ba Lan?

Tôi là một trong số những người tham gia vào việc thành lập Hội người Việt Nam đoàn kết và hữu nghị tại Ba Lan. Khi vật chất đầy đủ, bà con ta có nhu cầu gắn bó với nhau cho vơi đi nhọc nhằn nơi xa xứ, để giúp đỡ lẫn nhau làm ăn và tồn tại.

Kể từ năm 1999 đến nay khi Hội ra đời, cuộc sống tinh thần, văn hoá, thể thao, giáo dục của bà con tốt hơn. Một trong những lý do đưa tôi đến với văn thơ là do có tờ báo Quê Việt, tờ báo của cộng đồng người Việt tại Ba Lan.

Nguyễn Văn Thái sinh tại Thái Nguyên. Năm 1964, ông được cử sang Ba Lan học về ngành thiên văn trắc địa. Năm 1970, tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Warsaw về nước làm việc ở Cục trắc địa bản đồ nhà nước. Năm 1979, được cử sang làm nghiên cứu sinh bậc 1 ở Ba Lan.

Đến 1982, sau khi bảo vệ luận án Tiến sỹ về làm việc  ở Cục bản đồ. Năm 1986, trở lại Ba Lan làm bậc 2 (tức là làm TS Khoa học) và ở lại  làm CTV khoa học cho Cục trắc địa bản đồ Ba Lan. Hiện Nguyễn Văn Thái là Phó chủ tịch Hội Ba Lan hữu nghị đoàn kết và uỷ viên UBTW MTTQ VN khoá 6.

MỚI - NÓNG