Tổng cục Kiểm định chất lượng TQ công bố:

Vụ 'sữa độc' ở Trung Quốc : Nhận mặt thủ phạm

Vụ 'sữa độc' ở Trung Quốc : Nhận mặt thủ phạm
TP - Tính đến 8h sáng 17/9, Trung Quốc đã phát hiện 6.244 ca trẻ em bị nhiễm độc melamine, trong đó 4.917 ca nhẹ được điều trị ngoại trú hoặc đã khỏi, 1.327 em đang phải nằm viện, 158 em suy thận cấp tính và 3 em bị tử vong.
Vụ 'sữa độc' ở Trung Quốc : Nhận mặt thủ phạm ảnh 1

“Tại cuộc họp báo trưa 17/9, Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Trần Trúc đã thông báo: tính đến 8h sáng 17/9, cả nước đã phát hiện 6.244 ca trẻ em bị nhiễm độc melamine, trong đó 4.917 ca nhẹ được điều trị ngoại trú hoặc đã khỏi, 1.327 em đang phải nằm viện, có 158 em suy thận cấp tính. Ngoài số trên đây, đã có 3 trẻ bị tử vong (2 em ở Cam Túc, 1 ở Triết Giang).

Liên quan đến vụ “sữa độc” này, Điền Văn Hoa, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Tam Lộc đã bị bắt giam; Cung Thuần Đường, Phó bí thư thành ủy và Trương Phát Vượng, Phó chủ tịch thành phố Thạch Gia Trang - nơi có trụ sở tập đoàn Tam Lộc - đã bị cách chức “.

Trước đó, sáng ngày 15/9 vừa qua, ông Mã Hiểu Vĩ, Thứ trưởng Bộ Y Tế Trung Quốc đã công bố trước các nhà báo: Đến thời điểm đó các cơ sở y tế trong cả nước Trung Quốc đã tiếp nhận khám cho gần 1 vạn trẻ em đã sử dụng các chế phẩm sữa của hãng Tam Lộc, đã kết luận và tiến hành điều trị lâm sàng 1.253 em bị nhiễm độc melamine...

Theo một số cơ quan báo chí tính toán theo lượng sữa đã tiêu thụ thì có tới 3 vạn trẻ em bị ảnh hưởng bởi “sữa độc Tam Lộc”. Bộ Y tế cho biết sẽ tổ chức các đoàn công tác về các địa phương có trẻ bị nhiễm độc sữa để chỉ đạo điều trị và Nhà nước sẽ chịu toàn bộ chi phí. Phó thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ đạo: phải dốc toàn lực cứu chữa các nạn nhân.

Chính quyền thành phố Thạch Gia Trang, nơi có trụ sở của hãng Tam Lộc đã tiến hành khám xét và thu từ nhà kho của hãng 2.176 tấn sữa bột và thu hồi được 8.218 tấn sữa thành phẩm đang lưu hành trên thị trường.

Tất cả số sữa này sẽ bị tiêu huỷ, tuy nhiên vẫn còn một lượng khá lớn sữa chưa được thu hồi và khoảng 3 vạn trẻ đã sử dụng loại sữa này, hậu quả sẽ còn diễn biến phức tạp.

Điều đáng nói là phần lớn khách hàng sử dụng sữa bột Tam Lộc đều là trẻ em con nhà nghèo vì giá sửa này rẻ.

Ngày càng có những thông tin phức tạp mới về phạm vi ảnh hưởng của “sữa độc”. Công ty Đài Nữu của Đài Loan cho biết họ đã nhập 25 tấn sữa bột Tam Lộc vào để dùng làm nguyên liệu sản xuất bánh mỳ, bánh ga-tô, bánh Trung thu, song khẳng định là không có thông tin về tác hại của nó.

Ở Hồng Kông, tuy không được nhập vào nhưng người ta vẫn có thể mua được sữa bột Tam Lộc trên thị trường và nó đã được sử dụng để chế biến bánh kẹo.

Vụ 'sữa độc' ở Trung Quốc : Nhận mặt thủ phạm ảnh 2
Hai kẻ táng tận lương tâm bị bắt

Nhận mặt thủ phạm

Melamine là loại nguyên liệu công nghiệp, được sử dụng làm chất keo trong sản xuất nhựa và vật liệu trang trí nội thất. Chất này đương nhiên là không liên quan gì đến thực phẩm.

Thế nhưng, hồi tháng 3 năm 2007, thực phẩm dùng cho chó mèo nhập khẩu từ Trung Quốc đã khiến nhiều con vật nuôi ở Mỹ bị chết. Sau khi kiểm tra loại thức ăn này thì người ta phát hiện thấy có chứa chất melamine. Đến nay thì chất độc hại này lại được đưa vào sữa để làm hại trẻ em.

Cảnh sát đã tạm giữ 19 kẻ tình nghi, trong đó 2 người đã bị bắt giam, tất cả đều là những người cung cấp sữa nguyên liệu cho hãng Tam Lộc.

Tại cuộc họp báo hôm 15/9, công an tỉnh Hà Bắc cho biết, cả 19 người đều đã thừa nhận hành vi phạm tội, trong đó 2 kẻ bị bắt đã sản xuất và tiêu thụ 3 tấn sữa có chứa chất độc melamine.

Hai tội phạm là anh em ruột họ Cảnh, người xã Nam Lâu, huyện Chính Định, thành phố Thạch Gia Trang. Tháng 5/2004 chúng mở một xưởng vắt sữa rồi liên kết với người khác lập một trại chăn nuôi và thu mua sữa của các hộ khác trong vùng để cung cấp cho hãng Tam Lộc.

Công an cho biết trang trại của nhà Cảnh nuôi 307 con bò. Cuối năm 2007, sữa bò của Cảnh nhiều lần bị nhà máy chế biến của Tam Lộc từ chối mua vì không đảm bảo chất lượng, cả xe bồn dung tích 3 tấn phải đổ bỏ gây tổn thất lớn.

Cảnh nghe tin nếu cho loại nguyên liệu công nghiệp melanine vào thì sẽ làm cho hàm lượng protein trong sữa được thể hiện cao hơn thực tế nên đã tìm đến một cửa hàng hóa chất mua một bao 20 kg về pha vào téc chứa sữa đem bán.

Sau đó, nhân viên cửa hàng hoá chất còn 2 lần mang hàng đến tận nơi bán cho nhà Cảnh. Bình quân mỗi ngày nhà Cảnh đã bán khoảng 3 tấn sữa có chứa chất độc hại melamine cho Tam Lộc.

Cảnh thừa nhận “có biết melamine là chất không có lợi cho sức khỏe”, nhưng vẫn pha vào để qua mặt nhân viên kiểm nghiệm, bán được sữa cho Tam Lộc. Bản thân y và những người thân không bao giờ dám dùng sữa của Tam Lộc.

Những kẻ “biết sai cố phạm”

Tập đoàn Tam Lộc xưa nay rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội để xây dựng hình ảnh của mình. Có bạn đọc phản ánh, hồi tháng 2 năm nay đã có người tố giác sữa Tam Lộc có vấn đề, nhưng hãng này không những che giấu và còn dụ dỗ người đó giữ kín chuyện.

Hồi tháng 5, khi xảy ra thảm họa động đất Bắc Xuyên, họ đã gửi một lượng khá lớn sữa bị nghi có chứa melamine trị giá 9 triệu tệ ủng hộ các nạn nhân.

Ông Cao Cường, Bí thư Đảng đoàn Bộ Y tế, Tổ trưởng xử lý vụ Tam Lộc Quốc vụ viện cũng nói, ngay từ tháng 3, tập đoàn Tam Lộc đã nhận được các tin báo sữa của họ gây sỏi thận ở trẻ.

Họ đã điều tra và phát hiện sữa có vấn đề nên quyết định thu hồi dần về kho, nhưng họ đã giấu nhẹm không báo cáo cho chính phủ biết. Tập đoàn Tam Lộc sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi tội lỗi này.

Chưa hết, theo báo “Sở Thiên đô thị”, tối 13/9, một lái xe đã phát hiện hai đống gồm hàng vạn vỏ túi sữa Tam Lộc đổ ở ven quốc lộ 107 địa phận thành phố Hiếu Cảm tỉnh Hồ Bắc. Người ta nghi ngờ kẻ gian thương đã đánh tráo, lấy sữa Tam Lộc cho vào vỏ hộp mang nhãn khác để bán.

Tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Hà Bắc tổ chức, ông Trương Chấn Linh, Phó TGĐ tập đoàn Tam Lộc đã cúi đầu xin lỗi nhân dân cả nước và các gia đình có con em bị tổn hại cho sử dụng sản phẩm của họ. Tuy nhiên dư luận cho rằng, hãng Tam Lộc đang đứng trước vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Tổng cục Kiểm định chất lượng TQ công bố:

Danh sách 22 nhãn hiệu sữa bột của Trung Quốc có chứa chất độc hại melamine

Cả nước Trung Quốc hiện có 175 nhà máy sản xuất sữa bột cho trẻ em, 65 nhà máy đã ngừng hoạt động.

Qua tiến hành kiểm tra 109 nhà máy thì có 22 nơi sau đây có sản phẩm không đảm bảo chất lượng, có chứa chất độc hại melanine với hàm lượng khác nhau: (tên nhà máy đồng thời là thương hiệu và địa phương đặt nhà máy)

Vụ 'sữa độc' ở Trung Quốc : Nhận mặt thủ phạm ảnh 3
Sữa của Tập đoàn Y Lợi - nhà tài trợ chính thức cho Đại hội Olympic Bắc Kinh cũng bị phát hiện có chứa melamine

1. Tam Lộc (Sanlu), Thạch Gia Trang

2. Hùng Miêu (Xiongmao, Panda), Thượng Hải

3.Thánh Nguyên (Shengyuan) Thanh Đảo

4. Cổ Thành (Gucheng), Sơn Tây

5.Quang Minh (Guangming), Giang Tây

6. Huệ Dân (Huimin), Bảo Kê

7. Mông Ngưu (Mengniu), Nội Mông

8. Đa Gia Đa (Duojiaduo), Liên doanh với Australia ở Thiên Tân

9. Nhã Sĩ Lợi (Yashili), Quảng Đông

10. Nam Sơn (Nanshan), Hồ Nam

11.  Tề Ninh (Qining), Hắc Long Giang

12. Nhã Sĩ Lực (Yashili, Yashiley), Sơn Tây

13. Kim Tệ Sĩ (Jinbishi), Thâm Quyến

14. Thi Ân (Shiyin), Quảng Châu

15. Kim Đình (Jinding), Quảng Châu

16. Y Lợi (Yili), Nội Mông

17. Áo Mĩ Đa (Aomeido), Yên Đài

18.Ái Khả Đinh (Aikading), Thanh Đảo

19. Lợi Bảo (Libao), Tây An

20. Lỗi Lỗi (Leilei), Yên Đài

21. Bảo An Lợi (Baoanli), Thượng Hải

22. Thông Nhi Tráng (Congerzhuang), Phúc Đỉnh

Theo NDNB điện tử 17/9/2008

MỚI - NÓNG