Đình chỉ lưu thông, sử dụng sữa từ TQ

Đình chỉ lưu thông, sử dụng sữa từ TQ
TP- Chiều qua, Ban chỉ đạo quốc gia về an toàn thực phẩm, gồm đại diện Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngoại giao đã có cuộc họp bàn về việc giám sát, xử lý các loại sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Đình chỉ lưu thông, sử dụng sữa từ TQ ảnh 1

Cơ sở sản xuất sữa Đại Quang (phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM) sản xuất sữa tươi cạnh nhà vệ sinh Ảnh: Lê Nguyễn

Ban chỉ đạo đã thống nhất trong trường hợp cơ quan chức năng phát hiện các sản phẩm liên quan đến sữa của 22 Cty do Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc công bố đều bị thu hồi và tiêu hủy.

TS Cao Minh Quang – Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết bắt đầu ngừng phân phối, lưu thông và sử dụng tất cả các sản phẩm liên quan đến sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc để kiểm tra chất lượng. Nếu phát hiện thấy chất melamine sẽ bị thu hồi và tiêu hủy toàn bộ. Nếu không có hóa chất độc hại trên sẽ được cho lưu thông trở lại.

TS Cao Minh Quang khẳng định trên thị trường Việt Nam chắc chắn không chỉ có 11 loại sữa nhập từ Trung Quốc. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đang tiếp tục kiểm tra để xác định thêm các sản phẩm sữa xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế, con đường đi của sữa và các sản phẩm từ sữa khá phức tạp. Đơn cử như nguyên liệu sữa được xuất khẩu từ Trung Quốc sang New Zealand, Úc, các nước châu Âu sau đó nguyên liệu sẽ được chế biến tại những nước này rồi xuất khẩu sang Việt Nam.

Do đó, theo ông Quang nên cảnh giác với những loại sữa nước ngoài không rõ nguồn gốc chứ không chỉ riêng với sữa Trung Quốc.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, những thông tin về loại sữa có chất gây độc ở Trung Quốc đang có những tác động tiêu cực đến nông dân nuôi bò ở Việt Nam. Hiện nay đã xuất hiện tình trạng ế sữa ở các trang trại chăn nuôi hoặc đã xảy ra việc một số nhà trẻ ở TPHCM dừng không cho trẻ uống sữa.

Thứ trưởng Cao Minh Quang khuyến cáo người dân không nên hoang mang. Người dân nên sử dụng những sản phẩm sữa có nguồn gốc, có chứng nhận chất lượng để đảm bảo sức khỏe.

Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại các nước thu thập đầy đủ thông tin về sản phẩm sữa ở các quốc gia, để kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng tại Việt Nam nếu có những sản phẩm không an toàn.

Đình chỉ lưu thông, sử dụng sữa từ TQ ảnh 2

Tất cả các loại sữa có nguồn gốc Trung Quốc đều phải ngừng lưu thông  Ảnh: Thái Hà

Quản lý chất lượng thực phẩm còn nhiều bất cập

Ông Quang khẳng định, việc quản lý thực phẩm hiện nay còn nhiều bất cập, đặc biệt là cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm.

Từ trước tới nay, với phương thức quản lý chỉ bằng cách tiếp nhận hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, mà không qua bất kỳ sự can thiệp nào về kỹ thuật của cơ quan chức năng nên còn nhiều kẽ hở trong vấn đề an toàn thực phẩm, nhất là đối với những thực phẩm có nguy cơ cao như sữa.

Trước những bất cập nói trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã yêu cầu ngay trong tháng 10/2008, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phải trình được phương án thay đổi hoàn toàn phương pháp quản lý. Cụ thể thay vì chỉ ngồi chờ các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh đến nộp hồ sơ, ký giấy phép cho lưu hành, Cục phải có khả năng thẩm định những tiêu chuẩn mà doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm công bố.

Đối với thực phẩm, phải có những nhóm thẩm định về nguyên liệu, cách thức bào chế, độc tính với mức độ nghiêm ngặt tương đương với dược phẩm. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết trong trường hợp chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường và hồ sơ công bố không thống nhất gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người tiêu dùng thì doanh nghiệp có thể bị rút phép lưu hành sản phẩm, rút giấy phép kinh doanh từ 6 – 12 tháng.

Dừng lưu thông 280 tấn nguyên liệu sữa bột có xuất xứ từ Trung Quốc

Sáng 24/9, đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra đột xuất Cty Cổ phần Sữa Hà Nội. Trước đó nguồn tin từ cơ quan hải quan cho đoàn thanh tra biết trong khoảng cuối năm 2007 đầu năm 2008, Cty Cổ phần Sữa Hà Nội đã nhập 375 tấn sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc qua cảng Hải Phòng.

Báo cáo với Đoàn kiểm tra về vụ việc này, ông Trần Đăng Tuấn - Tổng Giám đốc Cty Cổ phần sữa Hà Nội giải trình, đúng là trong khoảng thời gian đó, công ty có nhập 375 tấn nguyên liệu sữa Full cream milk powder của ba nhà sản xuất (Longcom Enterprise LTD, Shandong Mstsa International Food và Heilongjiang Qimei Biological Technology Co.Ltd) của Trung Quốc.

Tuy nhiên theo ông Tuấn số nguyên liệu trên không dùng để sản xuất các sản phẩm của Cty Sữa Hà Nội. Theo giải trình của ông Tuấn, Cty nhập nguồn nguyên liệu sữa trên với mục đích để bán cho các cơ sở có nhu cầu. Các hóa đơn, chứng từ hợp lệ mà Cty trình với đoàn kiểm tra, cho thấy Cty này đã bán cho Cty CP hóa chất Á Châu Hà Nội 25 tấn và Cty CP Hóa chất Á Châu TPHCM 70 tấn nguyên liệu sữa trên, có đầy đủ hóa đơn xuất hàng.

Qua kiểm tra tại kho nguyên liệu của Cty, đoàn thanh tra đã kiểm tra ba lô nguyên liệu sữa Full cream milk powder được xếp trong góc cùng của kho. Tại thời điểm kiểm tra tổng số sản phẩm nguyên liệu sữa có nguồn gốc Trung Quốc còn tồn trong kho là 280 tấn, trong đó có 100 tấn nguyên liệu sữa của hãng Longcom Enterprise LTD đã cận hết hạn sử dụng (sản xuất tháng 10/2007, hạn sử dụng đến tháng 9/2008).

Đoàn kiểm tra đã lấy ba mẫu của ba lô nguyên liệu sữa trên gửi về Viện Dinh dưỡng quốc gia để kiểm nghiệm. Đồng thời đoàn thanh tra đã yêu cầu Cty Cổ phần sữa Hà Nội bảo quản nguyên trạng 280 tấn nguyên liệu sữa bột có xuất xứ từ Trung Quốc và không được đưa vào sử dụng, lưu thông trên thị trường dưới bất kỳ hình thức nào, chờ ý kiến chỉ đạo tiếp theo của đoàn thanh tra.

Ngoài ra, thanh tra cũng yêu cầu Cty không được nhập bất kỳ sản phẩm sữa hay nguyên liệu sữa từ bất cứ công ty nào trong số 22 Cty sữa của Trung Quốc đã được thông báo có chất kiểm tra mẫu có chứa chất melamine.  

Lạng Sơn: Hơn 12,5 tấn sữa bột Trung Quốc nhập khẩu qua cửa khẩu Hữu Nghị

TP - Chiều 24/9, ông Nguyễn Bảo Ngọc-Phó Chi cục Hải quan (HQ) cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) cho biết, mặt hàng sữa bột của Trung Quốc bắt đầu nhập vào Việt Nam qua cửa khẩu này từ tháng 9/2007 với ba lô hàng đã được làm thủ tục nhập chính ngạch.

Cụ thể, tháng 7/2008, Công ty Cổ phần XNK Thương mại và Chế biến thực phẩm Ninh Hoa (quận Long Biên- Hà Nội) nhập 10 tấn sữa bột nguyên chất hiệu DANUO do Cty TNHH Sữa Danuo tỉnh An Huy (Trung Quốc) sản xuất. Trước đó, Cty TNHH Thực phẩm TinTin (địa chỉ tại Hoàng Diệu, Gia Lộc, Hưng Yên) nhập 2 lô, tổng cộng 100 bao sữa bột (khoảng 2,5 tấn).

Theo ông Ngọc, tất cả số sữa trên có xác nhận của Viện Dinh dưỡng và Tổng cục Đo lường tiêu chuẩn chất lượng, đạt tiêu chuẩn hàng nhập khẩu.

Trao đổi với phóng viên, ông Vi Công Tường, Phó Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn cho biết, sau khi có những thông tin liên quan đến việc “sữa độc” được nhập vào Việt Nam, ngành hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo các Chi cục Hải quan tiến hành thống kê rà soát lại mặt hàng này đồng thời tiến hành ra quân để ngăn chặn “sữa độc” thẩm lậu qua các đường mòn, ngõ tắt trên đường biên.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa phát hiện được một vụ việc nào liên quan đến sữa lậu được “đánh lẻ” qua biên giới.

Quảng Ninh: Phát hiện 1.637 hộp sữa YiLi

TP –  Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh cho biết vào hồi 11 giờ ngày 24/9, Đội quản lý thị trường số 4 (Móng Cái) đã kiểm tra phát hiện 1.637 hộp sữa nước YiLi Trung Quốc tại đại lý sữa của Đoàn Thị Thu Hương, khu B, Cty Liên doanh khách sạn Hồng Vận, Ka Long (Móng Cái).

Đây là khu thương mại do phía Trung Quốc thuê xây dựng và kinh doanh và có nhiều người Trung Quốc thuê cửa hàng tại đây. Trước đó trong hai ngày thanh kiểm tra các đại lý bán sữa, cơ quan chức năng chỉ phát hiện lẻ tẻ một số hộp sữa nguồn gốc từ Trung Quốc bán trên địa bàn. Cơ quan chức năng đã tịch thu toàn bộ số sữa và tiến hành xử lý theo quy định. 

Khánh Hòa: Phát hiện nhiều sữa bột không rõ nguồn gốc

TP - Ngày 24/9, Chi cục Quản lý thị trường và Thanh tra Sở Y tế Khánh Hoà bắt đầu phối hợp kiểm tra nguồn cung ứng các sản phẩm, nguyên liệu sữa của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh.

Tại thị xã Cam Ranh, đoàn kiểm tra đã phát hiện 20 kg sữa bột không rõ nguồn gốc xuất xứ, 8 thùng sữa bột chưa rõ nhãn hiệu và quá hạn sử dụng. Lượng sữa bột này đã được niêm phong để chờ xử lý.  

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Các ngân hàng lãi lớn
Các ngân hàng lãi lớn
TPO - Quý I năm nay, hàng loạt ngân hàng thương mại báo lãi từ vài trăm tới vài ngàn tỷ đồng, như Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, Nam A Bank, Sacombank …