![]() |
Mưa to gây ngập ở Lạng Sơn - Ảnh: TTXVN |
Tại tỉnh Lạng Sơn, mưa lũ đã làm chết ông Hoàng Văn Truyền (xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc) do sập nhà.
Ở thôn Nà Pao, xã Hồng Thái, huyện Văn Lãng có 2 người bị thương.
Ngoài ra có 1 người bị mất tích do cứu người đi đường bị ngã xuống suối.
Về nhà cửa, tại Lạng Sơn có 5 nhà dân tại huyện Cao Lộc và Văn Lãng bị sập.
Mưa lũ cũng đã gây sạt lở ở tỉnh lộ 250 (Đồng Mỏ - Hữu Kiên) tại Km21+700 và Km22+200 với khối lượng ước khoảng 3.000 m3 đất đá gây tắc đường. Sở GTVT đang huy động máy để xử lý, hiện đã thông đường.
Tại tỉnh Sơn La, mưa lũ và lốc đã làm 5 người chết và mất tích. Số người bị thương tiếp tục tăng. Có 80 nhà bị sập, đổ trôi.
Toàn tỉnh có 528 nhà bị ngập, sạt lở, tốc mái và hư hỏng. Mưa lũ cũng làm ngập 235 ha lúa, 316 ha hoa màu và cây trồng khác, gây sạt lở 960m kênh đất, vỡ trôi 15 công trình thủy lợi nhỏ.
Về giao thông, tỉnh Sơn La bị ngập và sạt lở gây ách tác giao thông trên các tuyến quốc lộ 6, 4G, 37, 279 và các tuyến tỉnh lộ 103, 106, 109, 110, 113, 115.
Tại Quảng Ninh, mưa to, lũ lớn làm 3 huyện miền núi Quảng Ninh bị cô lập: Ba Chẽ, Tiên Yên và Bình Liêu. Tuyến đường xuyên đảo Cô Tô - Thanh Lân bị sạt lở nhỏ và đổ một số cây ven đường. Mưa to làm thị trấn Tiên Yên ngập hoàn toàn. Nhiều nhà cửa ở các huyện trên bị chìm trong nước hoặc bị cuốn trôi.
Lúc 13giờ 55 phút chiều nay, toàn bộ vùng trũng của thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên) đã ngập chìm trong nước, nhiều gia đình phải bỏ tài sản để chạy lên núi.
Phó ban thường trực phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh Lê Đình Trầm cho hay: Hiện lực lượng cứu hộ đang đưa một người dân bị cột điện đập vào đầu ra phía ngoài bằng xuồng cứu hộ.
Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt - tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã huy động các xuồng cứu hộ khẩn cấp vào huyện Ba Chẽ và Tiên Yên. Tỉnh cũng đã khẩn trương thành lập ban chỉ huy tiền phương tại ngã ba Hải Lạng (huyện Tiên Yên).
Tập đoàn Than - khoáng sản VN cũng đã điều động hai xe cứu hộ mang mỳ tôm, bánh mỳ vào hỗ trợ bà con vùng ngập lụt nhưng hiện tại các tuyến đường đều bị tắc.
Tại Hà Giang, gió lốc tại huyện Mèo Vạc làm sập 1 nhà gỗ tại xóm Thín, xã Thượng Phùng, tốc mái 2 nhà và trường nội trú cấp II tại xóm Đề Lảng, xã Giang Chu Phìn.
Để phòng tránh những thiệt hại do mưa lũ gây ra, nhiều địa phương đã tiến hành sơ tán dân ở những nơi gần sông suối, trũng thấp có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất.
Tỉnh Sơn La đã sơ tán 446 hộ dân. Tỉnh Bắc Kạn sơ tán 85 hộ dân tại các huyện Pác Nậm, Ba Bể, Bạch Thông, Ngân Sơn. Tỉnh Tuyên Quang sơ tán 9 hộ dân tại huyện Na Hang. Tỉnh Hà Giang sơ tán 82 hộ dân ở hai huyện Bắc Mê và Quản Bạ.
Mực nước các sông tiếp tục dâng
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: sáng 26/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực Tây bắc Bắc Bộ và gió còn mạnh cấp 6, giật trên cấp 6.
Ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, riêng vùng núi có mưa to đến rất to nên nguy cơ xảy ra lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất nơi đây là rất lớn. Trong 12-24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và tiếp tục suy yếu thêm.
Về thủy văn: Lưu lượng nước đổ về hồ Hòa Bình tiếp tục tăng, đến 7 giờ ngày 26/9 đạt mức 42.000 m3/s. Vào lúc 17 giờ ngày 25/9, hồ Hòa Bình mở cửu xả đáy số 1 nên mực nước sông Hồng tại Hà Nội đang lên, đến sáng 27/9 có khả năng lên mức 5,40 mét. Còn mực nước hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình cũng tiếp tục lên, đến 19 giờ hôm nay tại Phả Lại có khả năng lên mức 2,80 mét.
Trung tâm dự báo: hiện một áp thấp nhiệt đới mới xuất hiện ngoài khơi Thái Bình Dương và có khả năng mạnh lên thành “siêu bão'' với sức gió cấp 13, cấp 14, đang cách đảo Ludong (Philippine) khoảng 1.000 km về phía Đông Đông Nam và chưa có khả năng vào Biển Đông trong vài ngày tới.
Theo Tuổi Trẻ