Nông dân, doanh nghiệp điêu đứng trong 'bão melamine'

Nông dân, doanh nghiệp điêu đứng trong 'bão melamine'
TP - Bóng ma melamine đang gây tác hại to lớn cho ngành công nghiệp sữa Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đang lo lắng nguy cơ phá sản, ở nhiều vùng nguyên liệu, nông dân không bán được sữa phải đổ cho gia súc uống.   
Nông dân, doanh nghiệp điêu đứng trong 'bão melamine' ảnh 1
Ảnh minh họa

Chiều ngày 3/10, Cty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk) đã tổ chức cuộc gặp gỡ “3 nhà” (nhà sản xuất, nhà nông và nhà báo) trong không khí cấp bách.

Không chỉ để nói rõ hơn về 3 lô sữa nguyên kem nguồn gốc từ Trung Quốc mà Hanoimilk nhập khẩu về, Cty này còn lo lắng đề cập đến thực tế kinh doanh rất xấu của mình.

Ông Đinh Văn Thịnh-Phó Tổng GĐ Hanoimilk cho biết: Ngay khi báo chí công bố thông tin trong kho của Hanoimilk có gần 300 tấn sữa bột nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, người tiêu dùng đã quay lưng với sản phẩm sữa của Hanoimilk. Doanh số bán hàng của Hanoimilk đã sụt giảm từ 1,5 tỷ đồng/ngày xuống còn vài trăm triệu đồng.

Ông Thịnh nói: “Thật đáng tiếc, Cty cổ phần sữa Hà Nội với lợi thế đứng thứ 3 toàn quốc; vốn 100% của người Việt; 900 cán bộ công nhân viên đang làm việc; thiết bị kỹ thuật hiện đại... lại phải đối mặt nguy cơ phá sản lớn”.

Tổng GĐ Hanoimilk Trần Đăng Tuấn đề nghị báo chí giúp đỡ doanh nghiệp và nông dân nuôi bò sữa bằng cách công khai kết quả kiểm nghiệm các sản phẩm sữa nhiễm và không nhiễm melamine, để người tiêu dùng yên tâm mua sữa.

15/16 tờ kiểm nghiệm các sản phẩm sữa của Hanoimilk do Sở khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh và Viện Dinh dưỡng đóng dấu xác nhận cho thấy, 7 sản phẩm sữa của Hanoimilk có loại rất quen thuộc như IZZI, Yotuti không nhiễm melamine.

Riêng với sản phẩm sữa HIP cacao (sô-cô-la) Hnoimilk vừa đưa ra thị trường, thì Viện Dinh dưỡng đưa ra kết quả kiểm nghiệm là: có hàm lượng melamine 150 micrôgam trên kilôgam trong mẫu kiểm nghiệm.

Trong khi đó, Sở khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh thì kết luận: sản phẩm sữa HIP cacao này không nhiễm melamine. Trước kết quả khác nhau đó, Hanoimilk đang gửi các mẫu đi Singapore để kiểm nghiệm tiếp, đồng thời khẳng định dù HIP cacao nhiễm hay không nhiễm melamine, Hanoimilk đều sẽ thu hồi.

Ông Trần Đăng Tuấn thật thà đưa ra hóa đơn mua và bán 3 lô sữa nguyên kem có nguồn gốc từ Trung Quốc mà Hanoimilk nhập. Theo các hóa đơn và văn bản kiểm tra thực tế của các cơ quan chức năng, thì Hanoimilk không sử dụng nguyên liệu này vào sản xuất sữa. Ba lô sữa này đang được xử lý theo quy định pháp luật, có thể sẽ là tiêu hủy.

Hiện, rất nhiều Cty sản xuất sữa đang phải chịu hậu quả xấu từ những thông tin sữa nhiễm melamine. Trên thị trường, các sản phẩm sữa nói chung đều rất khó tiêu thụ, vì người dân vẫn lo lắng về độ an toàn.

Ngay trong cuộc gặp gỡ “3 nhà”, những nông dân nuôi bò, các nhà thu gom sữa cũng hết sức lo lắng về khả năng không còn được cung cấp sữa cho nhà máy. Họ đều uống ngay tại chỗ sản phẩm sữa của Hanoimilk để gửi đi thông điệp với người tiêu dùng rằng: Sữa Hanoimilk do họ cấp nguyên liệu không nhiễm melamine.

Ông Trần Nhất Súy - GĐ Cty TNHH Hoàng Khai (Yên Sơn, Tuyên Quang) nói: “Thông tin về sữa nhiễm melamine cần đưa khách quan vừa để người tiêu dùng biết và lựa chọn, nhưng cũng cần hướng dẫn cho họ ủng hộ những sản phẩm sữa tốt do nông dân, doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất. Có như thế những người nuôi bò sữa trên khắp cả nước mới không “chết”!. 

Khi sữa phải đổ cho lợn, tưới cây

Theo chân ông Hoàng Trọng Thuyên, Chủ nhiệm hợp tác xã bò sữa Phù Đổng, chúng tôi về vùng nguyên liệu sữa Phù Đổng - vùng nguyên liệu sữa lớn cung cấp cho 3 nhà máy sữa Vinamilk, Hanoimilk và Cty cổ phần sữa Quốc tế. Nhiều năm qua, người dân ở đây đã giàu có vì nuôi bò sữa, thế nhưng sau cơn “bão melamine”, hàng trăm hộ dân ở đây đang điêu đứng vì sữa bò của họ mấy hôm nay đã phải dùng để tưới rau, cho lợn uống.

Ông Vũ Văn Thực, người đã tham gia thu mua sữa của nông dân bán cho Vinamilk hơn 14 năm qua và nay chuyển sang bán cho Hanoimilk cho biết: Mấy ngày qua, có lúc ông đã phải trốn bà con nuôi bò vì không thể thu mua được cho họ.

Trung bình mỗi ngày ông thu nạp 4 tấn sữa nguyên liệu của 300 nông dân, thế nhưng khi Hanoimilk cắt giảm 50% sản lượng sữa thu mua, thì ông cũng đành cắt giảm lượng sữa thu mua của người dân với lượng tương ứng. Nhiều người đến nhập sữa không được đành gạt nước mắt quay về.

Ông Thực cho biết, 5 tanh (thùng bảo quản lạnh) chứa sữa trong kho của ông đã đầy ứ. Như người mắc lỗi với nông dân nuôi bò, ông Thực kể ông đã đề nghị các đơn vị thu mua sữa của phía Vinamilk mua đỡ cho bà con. Nhưng họ chỉ nhận được câu trả lời là: “Để chúng tôi thu xếp, rồi sẽ thông báo lại sau!”.

Cơ sở thu mua sữa lớn thứ hai ở Phù Đổng do ông Hoàng Hướng Dương (xóm Me, Phù Đổng) cũng nằm trong tình trạng tương tự. Bốn tanh chứa sữa đã đầy ứ, người dân mang sữa đến nhập ở đây hai hôm nay đều không được tiếp nhận, vì cơ sở này nếu mua tiếp thì cũng không biết bán đi đâu.

Ông Vương Trọng Bằng-nông dân nuôi bò có bằng đại học ở Phù Đổng nói thảm thiết: “Chúng tôi phải đem sữa về cho lợn uống, không dám cho hàng xóm vì sợ mang tiếng là khi không bán được thì mới đem cho. Chúng tôi cam kết tất cả các sản phẩm sữa của chúng tôi bán cho các nhà máy đều đạt chất lượng, đảm bảo vệ sinh, an toàn”.

Ông Hoàng Trọng Thuyên - đại diện cho hàng trăm hộ nuôi bò ở Phù Đổng đã viết đơn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế đề nghị có những biện pháp hỗ trợ cứu giúp, thu mua sữa cho nông dân nuôi bò nói chung... Khi người tiêu dùng quay lưng với sữa, không chỉ doanh nghiệp mà hàng triệu nông dân cũng lâm vào phá sản.

MỚI - NÓNG
Cựu chiến binh Trần Văn Tứ hồi nhớ ký ức về những năm tháng chiến đấu ở Điện Biên Phủ
Những ân tình của một cựu binh
TP - 70 năm qua, dù vết thương trên da thịt đã lành theo năm tháng nhưng ký ức hào hùng về một thời “hoa lửa” của Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người lính già Trần Văn Tứ (SN 1926, ở xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).
Xe thồ hỏa tuyến xứ Thanh
Xe thồ hỏa tuyến xứ Thanh
TP - Tận dụng ánh sáng pháo của quân giặc thả, xé áo quấn lốp, luồng làm nan hoa... đoàn quân xe thồ từ Thanh Hóa vượt núi băng rừng, vận chuyển lương thực hướng về chiến trường Điện Biên Phủ.