Nobel văn học 2008: Le Clézio 'Công dân thế giới'

Nobel văn học 2008: Le Clézio 'Công dân thế giới'
TP - Những năm gần đây, việc thông báo tên người đoạt giải Nobel Văn học thường bắt đầu bằng việc diễn giải cho bạn đọc rõ, người đó là ai, viết những gì, vì Viện hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển đã chọn những tác gia mà trước đó nhiều độc giả còn chưa biết tới!

Năm nay, giải thưởng cao quý rơi vào tay nhà văn 68 tuổi, sáng tác bằng tiếng Pháp. Và ngay lập tức, cũng như năm ngoái, người ta bắt đầu xôn xao về quyết định này của Hội đồng xét thưởng.

Tại Mỹ, hầu như rất ít người biết đến Le Clézio như một nhà văn có quá trình sáng tác đã nửa thế kỷ, mặc dù sách của ông cũng từng được chuyển ngữ sang tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ.

Ông Dana Gioia, Chủ tịch quỹ Nghệ thuật quốc gia (NEA) của Mỹ thậm chí còn cười to mà rằng: “Điều khả dĩ nhất mà tôi có thể nói, là tôi biết vài người từng đọc tác giả này”!

Tại Việt Nam, tiểu thuyết duy nhất của Le Clézio được chuyển ngữ là “Sa mạc” (Desert), bản tiếng Việt của NXB Hội nhà văn, 1997. Mặc dù tác phẩm từng đoạt giải Paul Morand, gây tiếng vang lớn tại Pháp thì độc giả Việt Nam vẫn rất ngỡ ngàng khi báo chí nhắc đến tựa đề cuốn sách này.

Tại Nga, chỉ sau khi Le Clézio được vinh danh, nhiều người mới biết, tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Nga hóa ra không ít. Đó là “Cư dân của bầu trời” (Peuple du ciel), “Sa mạc” (Desert), “Con cá vàng” (Poisson d’or), “Diego và Frida” (Diego et Frida), “Cuộc đời cao cả” (La grande vie), “Những cuộc du hành phía bên kia thế giới” (Voyages De L’Autre Cote)... 

Thế nhưng, lượng độc giả tìm đọc chúng không nhiều, ngoại trừ trường hợp cuốn tiểu thuyết “Diego và Frida” viết về mối tình của hai danh họa người Mexico Frida Kahlo và Diego Rivera, mà người ta cũng chỉ để ý đến cuốn sách sau khi bộ phim cùng tên ra đời.

Đương nhiên, điều này chưa thể nói tác giả có xứng đáng với giải thưởng năm nay hay không, nhưng có một sự thật trớ trêu rằng, sách của nhà văn muốn bán chạy và được biết đến chưa chắc đã phụ thuộc vào bản thân tác phẩm mà phần nhiều là nhờ cách “pi-a” cho tác phẩm ấy (ví như bộ phim kia chẳng hạn!).

Trên thực tế, ở Pháp, Le Clézio hoàn toàn không phải là một tác gia mờ nhạt. Trong “tài sản” văn chương của mình, ông sở hữu trên dưới 40 đầu sách và gần một chục giải thưởng quốc gia.

Đến bây giờ sức viết của ông vẫn rất “xung”, bởi “cầm bút đối với ông là một niềm vui”, “là cuộc hành trình đến với một cuộc sống mới, khác hơn và đẹp hơn” hiện thực này.

Tác phẩm mới nhất của nhà văn là cuốn “Điệp ngữ đói” (Ritournelle de la faim - 2008) và chắc hẳn, đó chưa phải là điểm dừng trong hành trình văn chương của ông.

Trả lời các nhà báo tại Paris, Le Clézio nói, tin về giải thưởng đem đến cho ông “đôi chút hoài nghi, sau đó là đôi chút kinh sợ, và rồi đôi chút vui mừng và phấn khởi”. 

Nobel văn học 2008: Le Clézio 'Công dân thế giới' ảnh 1
Le Clézio và người vợ đầu Marina (năm 1963)

Sống và viết theo “chủ nghĩa xê dịch”

Jean - Mari Gustave Le Clézio sinh năm 1940 tại Nice, trong một gia đình hòa trộn hai dòng máu Anh - Pháp.

Cha ông là bác sĩ quân y, có vài năm phục vụ quân đội tại Nigeria và đã đem cả gia đình sang đó, khi Le Clézio mới lên 7 tuổi. Sau này, trong cuốn “Người châu Phi” (L’Africain - 2004), nhà văn đã kể lại câu chuyện về cha mình.

Mẹ ông là người Pháp, dòng họ bên ngoại nhập cư vào đảo Mauritius từ thế kỷ 18. Đầu thế kỷ 20, một số người trong gia đình họ đã đến nước Pháp, nơi sau này nhà văn tương lai đã ra đời.

Có một huyền thoại nho nhỏ vẫn được lưu truyền trong dòng họ về ông ngoại của Le Clézio, rằng ông có được trong tay tấm bản đồ kho báu mà bọn cướp biển chôn giấu. Rất nhiều lần ông đã tìm đến đảo Rodrigues, cách đảo Mauritius không xa là mấy để tìm nơi giấu vàng.

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, Le Clézio cũng theo bước ông ngoại, đến hòn đảo xinh đẹp ấy. “Kho báu” mà nhà văn tìm được là những cảm xúc vô giá để có thể viết những cuốn sách về những cuộc phiêu lưu kỳ thú: “Người tìm vàng” (Le chercheur d’or - 1985)  và “Du hành đến đảo Rodrigues” (Voyage à Rodrigues - 1986)

Nhà văn từng kể: “Nhiều thế hệ của gia tộc chúng tôi lớn lên trong những bài dân ca cổ của địa phương, với các món ăn dân dã địa phương và sống với những tích chuyện cổ của hòn đảo Mauritius”.

Có lẽ chính điều ấy đã ngăn trở ông coi mình là người Pháp. Trên thực tế, đúng như lời của ông Horace Engdahl, thư ký thường trực Viện hàn lâm Thụy Điển, Le Clézio là một “công dân thế giới” hơn là một tác giả người Pháp.

Bước chân của ông bôn ba đủ các châu lục và thường thích xuôi về những dải đất phương Nam, phương Đông xa lạ. Tuy nhiên, ngay sau khi được tin về giải thưởng, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã trân trọng cho rằng đây là một sự vinh danh đối với nước Pháp, tiếng Pháp và những người nói tiếng Pháp.

Đối với bản thân nhà văn, nước Pháp chỉ tồn tại trong lĩnh vực ngôn ngữ và văn học, và “chỉ tiếng Pháp mới là Tổ quốc duy nhất và Maruritius là nhà của tôi!”.

Cuối những năm 60, cuộc sống lang bạt khiến nhà văn gần gũi với một bộ lạc người du mục da đỏ ở Mexico, Panama và thời gian này có thể gọi là bước ngoặt lớn trong đời của Le Clézio.

Ông từng tuyên bố: “Tôi cũng không hiểu tại sao lại có thể như vậy - nhưng mà tôi đúng là người da đỏ!”. Ông tự nhận về mình trọng trách chuyển ngữ và quảng bá văn học dân gian truyền miệng, những truyền thuyết, huyền thoại của thổ dân da đỏ.

Le Clézio học tiếng Anh tại trường ĐH Bristol và sau đó tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Nice. Ông viết luận án tiến sĩ về lịch sử Mexico tại trường ĐH Perpignan vào năm 1983.

Le Clézio sống theo “chủ nghĩa xê dịch”, đi nhiều nơi trong khu vực Nam Mỹ, châu Phi, đảo Mauritius và có biết bao câu chuyện của người du mục, ký sự, album ảnh ra đời sau mỗi chuyến đi.

Năm 1960, Le Clézio kết hôn với Marina, một cô gái người Pháp lai Ba Lan xinh đẹp. Năm 1975, sau khi cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ, ông kết hôn lần thứ hai với một phụ nữ người Morocco là Jemia.

Từ những năm 90, hai vợ chồng nhà văn gần như không ở lâu một nơi nào mà đi lại giữa  bang New Mexico, đảo Maritius, Paris và Nice. Nhưng những năm gần đây, họ cùng hai con gái phần lớn sống tại Albuquerque (bang New Mexico).

Nobel văn học 2008: Le Clézio 'Công dân thế giới' ảnh 2
Tác phẩm “Cách mạng” của Le Clézio

Tuổi trẻ giận dữ

Cuốn tiểu thuyết đầu tay “Quá trình xét hỏi” (Le procès-verbal) được xuất bản vào năm 1963, khi Le Clézio vẫn còn là sinh viên. Thế nhưng, người ta gọi đây là tác phẩm “trình làng” của Le Clézio có lẽ vì một lý do duy nhất, nó được đón nhận khá nồng nhiệt như cái mốc đánh dấu sự xuất hiện một tài năng trẻ trên văn đàn.

Tiểu thuyết “Quá trình xét hỏi” đã được đề cử giải thưởng Goncourt và đoạt giải Renaudot, một trong những giải thưởng uy tín của Văn học Pháp. Thực ra, nhà văn đã bước vào thế giới văn chương từ rất sớm với gần 15 tác phẩm lớn nhỏ, mà cuốn sách đầu tay là một tác phẩm viết về biển năm ông lên 7 tuổi!

Nhà văn viết “Quá trình xét hỏi” với một phong cách lạ: bản thảo được thêm thắt nhiều hình vẽ, ảnh, những mẩu báo… và có khá nhiều lời chửi tục. Bởi thế, nhiều nhà phê bình người Pháp đến bây giờ vẫn nói, Le Clézio đến với văn học qua hình ảnh một thanh niên trẻ tuổi và giận dữ.

Thời trẻ, ngòi bút giận dữ của chàng thanh niên miêu tả nhân vật vùng vẫy chống lại sự bức bí của cuộc sống thời thượng phương Tây, muốn thoát khỏi vòng vây của sự ồn ào đô thị, nơi máy móc hiện đại lên ngôi mà thiếu vắng tình người.

Những tác phẩm về sau của nhà văn lại tìm kiếm lối thoát trong sự gần gũi với thiên nhiên và trở lại cội nguồn xa xưa của loài người. Còn gần đây, ông cho phép mình quay về với miên man ký ức thời thơ ấu và những câu chuyện có thật của từng nhân vật trong gia đình, nhưng mỗi một câu chuyện khi thuật lại đều là một cuộc phiêu lưu nho nhỏ, những cuộc phiêu lưu của hiện thực và cảm xúc.

Đó là các tác phẩm: “Thành phố Onitsha”  1991; Onitsha -  1997), “Tuổi bốn mươi” (La quarantaine - 1995), “Cách mạng” (Révolutions - 2003) , “Người châu Phi” (L’Africain - 2004).

Antoine Compagnon, một giáo sư người Pháp đang giảng dạy tại trường đại học tổng hợp Columbia nhận xét: “Tác phẩm của Le Clézio có sức lôi cuốn đối với các sinh viên của tôi vì nét độc đáo, kỳ lạ và vẻ mơ màng quyến rũ. Còn đối với tôi, những cuốn sách Le Clézio viết thời trẻ khiến tôi yêu thích bởi tâm trạng sầu muộn, nỗi thống khổ và cô độc trong thành phố lớn”.

Bình diện đề tài của Le Clézio khá rộng nên nhiều khi người ta khá lúng túng để có thể xác định ông là nhà văn thuộc thể loại nào.

Cũng như Doris Lessing, nhà văn Anh giật giải Nobel Văn học năm ngoái, Le Clézio từng được coi là cây bút viết truyện giả tưởng bởi hiện thực mà ông đưa vào tác phẩm mang nhiều màu sắc hư ảo.

Không phải ngẫu nhiên mà Horace Engdahl nhận xét, Le Clézio là nhà văn vô cùng đa dạng về thể loại.

Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt phần lớn các sáng tác của “nhà văn thổ dân” này là ý tưởng: những bộ tộc Anh-điêng và thổ dân châu Phi còn được coi là “người” hơn cả những người dân sống ở các nơi văn minh đô thị. Nhà văn phát biểu: “Họ là những con người tự do cuối cùng, còn chúng ta là những kẻ nô lệ, điều đó quá rõ”.

Tư tưởng của Le Clézio dù có bị coi là không tưởng đến mức nào đi nữa cũng không ngăn trở việc ông từng được bầu chọn là một trong những nhà văn sáng tác bằng tiếng Pháp vĩ đại nhất hiện còn sống và nhiều năm tên tuổi ông được người Pháp đề cử tranh giải Nobel Văn học.

Tuy nhiên, chính người Pháp cũng không mấy tin vào chiến thắng bởi họ đã chờ đợi khá lâu, đối mặt trước một thực tế là đã hơn 20 năm nay giải thưởng cao quý này bỏ qua nước Pháp.

Và cuối cùng, họ cũng đã đợi được đến lúc vinh danh một tác gia người Pháp, hay nói đúng hơn là sáng tác bằng tiếng Pháp.

Tiểu thuyết gia, nhà thơ, người truyền thụ tiếng Pháp trong những chuyến đi dài bất tận của mình… sẽ được vinh dự đón nhận giải Nobel Văn học 2008 vào tháng 12 tới với giải thưởng là tấm huy chương vàng, bằng chứng chỉ của Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển và 10 triệu cua-ron Thụy Điển (tương đương với 1,42 triệu dollars Mỹ).

Nobel văn học 2008: Le Clézio 'Công dân thế giới' ảnh 3
Le Clézio

Những tác phẩm viết cho trẻ em còn nguyên tính “thời sự”

Có phải là “điềm báo” của số phận không khi cách đây vài năm, trong một lần giao lưu với nhà văn, một trong những câu hỏi của độc giả Pháp gửi đến Le Clézio là: “Nếu tưởng tượng chỉ ngày mai thôi, ngài sẽ nhận được giải Nobel. Ngài sẽ nói gì trong lễ trao giải?”.

Nhà văn đã đáp: “Tôi không biết giải Nobel như thế nào, nhưng tôi biết, tôi sẽ nói gì trước công chúng. Trước tiên là về những cuộc chiến đã cướp đi mạng sống của nhiều trẻ em. Đối với tôi đó là hiện tượng kinh khủng nhất của thời đại chúng ta”.

Quả vậy, Le Clézio rất quan tâm đến trẻ em, đương nhiên, trước hết là bằng những tác phẩm của mình. Đó là “Những cuộc du hành phía bên kia thế giới” (Voyages De L’Autre Cote”, 1975), “Hát ru” (Lullaby – 1980), “Balaabilou” (1985), “Những cư dân của bầu trời” (Peuple du ciel – 1990).v.v…

Trong lời giới thiệu in trên trang đầu của cuốn sách “Những cư dân của bầu trời” (bản tiếng Nga của NXB Samokat, 2006), có nói: “Một trong những chủ đề chính của Le Clézio là tình trạng hoang mang của con người khi đối mặt với thế giới hiện đại. Bởi thế, hơn ai hết, ông viết về lứa tuổi mới lớn rất tinh tế, thận trọng mà đầy chất thơ.

Viết về quãng thời gian trong đời, khi mọi cảm nhận về mình và về người khác trở nên nhạy bén hơn và giữa con người với thiên nhiên, với những hiện tượng của cuộc sống bỗng tồn tại một mối liên hệ vô hình khiến ta có thể nghe thấy tiếng nói của gió, của biển, của nắng và nhìn thấy những gì bị che giấu hoàn toàn đối với những đôi mắt của những người lớn từng trải”.

Văn viết cho trẻ em của Le Clézio thấm đẫm sự dịu dàng. Ông chỉ cách cho ta nhìn thấy được những điều kỳ diệu từ các sự vật bình thường chung quanh. Trong “Cư dân của bầu trời”, ông viết:

“Cô bé chờ đợi những cư dân khác nữa của bầu trời. Bé chờ mùi cỏ và hương lửa bay đến với mình, chờ hạt phấn hoa vàng rực biết khiêu vũ xoay vòng trên một chân, chờ cả chú chim thường chỉ kêu lên một tiếng thật ngắn gọn và chạm nhẹ cánh vào gương mặt bé.

Họ thường vẫn đến khi bé có mặt ở nơi này. Họ chẳng sợ bé. Họ nghe thấy thắc mắc của bé - luôn luôn chỉ là một thắc mắc ấy thôi: về bầu trời, về màu của bầu trời. Và họ thường bay sát đến nỗi bé cảm thấy được không khí chuyển động trong tóc và những sợi mi mắt”.

Trong cuốn “Những cuộc du hành phía bên kia thế giới”, nhân vật chính của cuốn sách thực hiện chuyến du hành thần bí của mình ở một nơi không phải thế giới này, nơi cô bé có thể tan biến vào khói thuốc, đi trong lòng biển trên một con đường nắng, đắm chìm vào thế giới của âm thanh.

“Cô thích những cuộc viễn du đến nơi xa thật là xa, đến những đất nước kỳ lạ, mà từ nơi ấy, con người khi trở về không còn là con người mình như cũ nữa”.

Cô bé có những ý tưởng thật lạ lùng, rất khó hiểu đối với một người lớn đã chai cứng trong cuộc sống thực dụng này, nhưng lại gần gũi với những suy tưởng phong phú và luôn luôn bất ngờ của những độc giả nhỏ tuổi:

“Có những người hay thích ở mãi một chỗ, và cứ thế lớn lên như cây cối vậy. Khi ấy, vô số từ ngữ, ý nghĩ, suy tưởng sẽ chiếm lĩnh họ, sẽ đổ ập vào họ như trận mưa đá. Thật nguy hiểm khi đứng ì một chỗ. Tri thức sẽ cùm chặt lấy bạn và theo thời gian bạn sẽ trở nên gần như là thông minh… “.

Ngay sau khi được tin về giải thưởng Nobel Văn học 2008, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã trân trọng cho rằng đây là một sự vinh danh đối với nước Pháp, tiếng Pháp và những người nói tiếng Pháp.

Đối với bản thân nhà văn Le Clézio, nước Pháp chỉ tồn tại trong lĩnh vực ngôn ngữ và văn học, và “chỉ tiếng Pháp mới là Tổ quốc duy nhất và Maruritius là nhà của tôi!”.

Đọc đến đây, hẳn người đọc thời nay sẽ không khỏi giật mình, khi xung quanh là hiện tượng các em nhỏ đang bị “kiến thức cùm chặt” với những toán, ngoại ngữ, địa lý, lịch sử… mà đang dần mất đi quyền được có những cảm xúc mơ màng thoát ra khỏi hiện thực hoặc quyền có được những “kiến thức kiểu khác” nằm bên ngoài những giáo điều, khuôn phép.

“Cô bé không thích những kiến thức như thế, vì chúng giống như dòng suối băng chảy quanh thân thể ta… Mỗi lần cô cảm thấy những kiến thức ấy sắp đến gần là vội bỏ chạy ra khỏi nhà, lang thang trên phố”...

Những gì tác giả viết từ năm 1975, lạ lùng thay, vẫn mang tính “thời sự” đối với bạn đọc hôm nay. Tính thời sự ấy không thể hiện ở sự kiện nóng sốt như ta vẫn thường hiểu một cách đơn thuần, mà nằm ở cảm xúc sâu xa của con người, điều mà cuối cùng vẫn là mục đích vươn tới của văn chương!

Quay lại với giải thưởng Nobel văn học 2008, khi mà đây đó trên mặt báo, người ta vẫn phê phán quyết định của Viện hàn lâm hoàng gia Thụy Điển, rằng đã trao giải cho một tác giả với những tác phẩm không có mấy tính “thời sự”, rằng các thành viên Hội đồng xét giải đã lựa chọn một cây bút không mấy quen thuộc với độc giả quốc tế.

Một giải thưởng được công bố không bao giờ tránh được tranh cãi, và tính “thời sự” của tác phẩm, thiết nghĩ, cũng không thể được coi là tiêu chí để đánh giá đóng góp của tác giả đối với nền văn học thế giới.

Theo tuyên bố của Viện hàn lâm Thụy Điển ngày 9/10 vừa qua, lý do khiến nhà văn  nhận được giải thưởng cao quý này: vì ông là “tác giả của những khởi điểm mới, của cuộc phiêu lưu thi ca và sự hưng phấn của nhục cảm, người khám phá một nhân loại nằm bên ngoài khuôn khổ và bị đè nén dưới nền văn minh đang thống trị thế giới”.

Thụy Anh
Từ Liên bang Nga

MỚI - NÓNG