Hàng nghìn hộ dân khổ sở vì ô nhiễm nước thải

Hàng nghìn hộ dân khổ sở vì ô nhiễm nước thải
TP - Hàng ngàn hộ dân tại huyện Thốt Nốt, Cần Thơ nhiều năm qua rất bức xúc trước việc các nhà máy chế biến thủy sản Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương xả nước thải không qua xử lý trực tiếp xuống sông Hậu, gây ô nhiễm một vùng rộng lớn.

Cống nước thải của hai nhà máy chế biến thủy sản bắc trực tiếp ra sông Hậu, ngay cạnh đầu nguồn con rạch Rạp dài khoảng 1,5 km.

Những hộ dân ở đây cho biết, con rạch này trước đây là nguồn nước sinh hoạt nhưng từ khi hai nhà máy hoạt động thì con rạch này trở thành nỗi khủng khiếp của dân.

Anh Đặng Văn Liêm, một người dân ở hạ nguồn con rạch cho biết: “Nước rạch trong nhiều năm qua đã đổi màu xanh lè, thỉnh thoảng lại đỏ ối, tanh kinh khủng. Đầu nguồn con rạch thì khủng khiếp hơn vì nằm ngay miệng cống của nhà máy Ấn Độ Dương”.

Anh Liêm dùng thuyền đưa tôi đi dọc con kênh hẹp. Ở giữa lòng sông, từng mảng chất thải đen ngòm trôi lềnh bềnh theo con nước. Nước thải của nhà máy Ấn Độ Dương có 3 cửa thoát. 2 cửa đào ngầm dưới đất, 1 cửa đổ vào rạch Rạp, 1 cửa đổ ở điểm giao nhau giữa rạch Rạp và sông Hậu.

Tại đây, từng khối chất đặc quánh đen ngòm, đường kính gần cả mét liên tiếp nổi lên từ dưới lòng sông. Cửa thải thứ 3 cách khuôn viên nhà máy chừng 50 mét hoàn toàn “lộ thiên”, mỡ và xác cá nổi lềnh bềnh, bao phủ mặt sông.

Anh Liêm cho biết: “Đang con nước lớn nên chưa thấy hết, khi nước cạn, các khối mỡ cá, xác cá quyện với các khối chất thải đen ngòm, khủng khiếp lắm”.

Nhà máy Ấn Độ Dương hoạt động từ tháng 7/2008. Nhà máy Đại Tây Dương hoạt động từ 2 năm trước, năm 2006. Hai nhà máy này của Cty TNHH Ấn Độ Dương và Cty TNHH Đại Tây Dương, đều thuộc Tập đoàn Nam Việt.

Anh Thạch Ngọc Quang, sống lâu năm tại ấp Thới Thạnh, xã Thới Thuận (Thốt Nốt, Cần Thơ) bức xúc: “Nước thải của hai nhà máy nói trên đã làm ô nhiễm rạch Rạp, rạch Trại Mai và rạch Bò Ót. Phạm vi ô nhiễm có thể lên tới 2 km2, hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề”.

Mỗi nhà máy có công suất chế biến trên 700 tấn cá/ngày, thải ra môi trường khoảng 7.500 m3 nước thải. Hiện nay, mới có 1 bể xử lý nước thải công suất 3.500m3/ngày. 

Nghĩa là còn 4.000 m3 nước thải đầy chất độc hại xả ra môi trường mỗi ngày. Và hệ thống xử lý nước thải nhỏ bé có hoạt động thường xuyên hay không thì các ngành chức năng ở Cần Thơ cũng không dám khẳng định.

Chính quyền bất lực

Ngày 7/10/2008, Thường trực HĐND TP Cần Thơ tổ chức đoàn kiểm tra và ra văn bản yêu cầu 2 nhà máy phải nhanh chóng xây dựng hệ thống xử lý nước thải, không được xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Hậu.

Trường hợp doanh nghiệp cố tình vi phạm, hủy hoại môi trường, sẽ  kiên quyết xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, ghi nhận của PV Tiền phong tại rạch Rạp ngày 17/10, nước thải từ nhà máy Ấn Độ Dương vẫn chảy ra sông.

Sát vách là nhà máy Đại Tây Dương, Sở TN-MT TP Cần Thơ từng kiến nghị với UBND thành phố xử phạt 70 triệu đồng và đình chỉ hoạt động nhưng rồi chỉ bị phạt hành chính 2 lần, số tiền 29 triệu đồng do nguồn nước thải bị ô nhiễm vượt tiêu chuẩn.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, sống bên rạch Rạp cho biết: “Chỉ khi có đoàn kiểm tra họ mới thôi xả nước bẩn ra sông, lâu nhất là 3 ngày, sau đó lại tiếp tục xả”. Chị Minh cho biết nước thải, mùi hôi thối của hai nhà máy này lan rộng đã gây nhiều nguy hại cho dân.

Nước thải làm cá chết trắng rạch, tràn vào ruộng vườn làm cây cối chết, nông dân bị ghẻ, ngứa. Chị cho biết, quanh rạch Rạp có 570 hộ, hộ nào cũng có người đau ốm. Hồi trước con rạch là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân, cuộc sống yên lành. Từ khi có 2 nhà máy này, nước rạch lúc nào cũng xanh lè đầy cặn váng.

MỚI - NÓNG