Chuyện ở nơi phát tích một vương triều

Chuyện ở nơi phát tích một vương triều
TP - Mới đây tại Thanh Hóa trong cuộc Hội thảo khoa học Chúa Trịnh Sâm, cuộc đời và sự nghiệp, tôi may mắn gặp ông Phạm Như Hồ, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu Khảo cổ học của Viện Khảo cổ Việt Nam.
Chuyện ở nơi phát tích một vương triều ảnh 1
Ngôi mộ được coi của bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, chị gái Chúa Nguyễn Hoàng Ảnh: Hoàng Lam

Câu chuyện về một ngôi mộ ở gần Gia Miêu ngoại trang thuộc xã Hà Long bây giờ ly kỳ cuốn hút tôi từ đầu chí cuối...

... Một đơn vị bộ đội thuộc H10, Sư 320 đóng quân tại thôn Đại Sơn, xã Hà Long trong lúc san đất một quả gò nhỏ có tên là gò Cồn Toại để trồng sắn đã chạm phải phần nóc của một ngôi mộ (mui luyện) nhưng cứ ngỡ là đá đồi tự nhiên.

Tháng Giêng năm 1978, ngôi gò ấy lại được một xí nghiệp gạch san ủi làm bật lên phần mui luyện của ngôi mộ. 8 giờ sáng ngày 6/3/1978, một vài anh em bộ đội đã tò mò đập vỡ một góc của phần mui luyện của ngôi mộ và phát hiện thấy một cái quách.

Đập tiếp một mảng quách, phát lộ ra một khoảng quan tài.  Họ dùng xà beng đập nạy đủ kiểu thì thấy tòi ra những vải vóc lụa là và bất ngờ thò ra một bàn chân quấn vải! Sợ quá, anh em lấp đất lại...

Tin tìm thấy một ngôi mộ cổ loang nhanh. 6 giờ chiều cùng ngày, Công an huyện đến hiện trường rồi báo cho Công an tỉnh Thanh Hóa. Công an tỉnh báo cho Sở Văn hóa thông tin... Sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có cuộc họp gấp với Công an huyện, tỉnh Sở Văn hóa cùng Bảo tàng tỉnh.

Lại có sự góp mặt của đoàn cán bộ của Viện Khảo cổ học khi đó tình cờ đang công tác tại địa  bàn tỉnh Thanh Hóa trong đó có ông  Phạm Như Hồ. Sợ ngôi mộ bị bọn xấu phá phách với lại cũng đã bị đập quách phá quan nên một phương án đưa ra được các bên thống nhất là phải tổ chức khai quật tiến hành việc khảo cổ có tính chất chữa cháy này!

Mặc dù có sự bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng công an phối hợp với lực lượng bộ đội đóng trên địa bàn huyện Hà Trung (thời điểm ấy  là huyện Trung Sơn cũ) vẫn có rất nhiều người do tò mò đã kéo đến.

Không thể tiến hành công việc khai quật lẫn khảo cổ trong khi có rất nhiều người níu kéo xô đẩy, bộ phận công tác đã phải trục chuyển ngôi mộ đến một nơi khác trên đỉnh gò và đợi đến lúc nửa đêm về sáng mới tiến hành việc mở mộ. Sau đây là mô tả của ông Phạm Như Hồ.

Mộ nằm ở hướng Tây Bắc Đông Nam. Chếch Bắc 52o. Do mộ đã chôn quá lâu nên không còn dấu vết nhà mồ và mộ chí (bia mộ). Quách mộ dài 3,2m. Cao 1,3m. Nóc quách mộ hình mui luyện như con thuyền úp ngược.

Quách được chế tạo bằng 3 hợp chất chính là vôi cát mật mía nên còn gọi là quách tam hợp, một đặc trưng kiểu mộ táng thời Lê Trịnh của bậc quý tộc vua chúa. Ngoài ra để tạo sự bền vững người xưa còn trộn cả vỏ sò ốc hến (nhuyễn thể) giã mịn nên quách ngả màu xám trắng.

Khi xây quách, người ta đổ thứ hợp chất này bằng khuôn gỗ tạo thành hộp hình chữ nhật. Sau khi đặt quan tài vào thì mới đổ mui luyện.

Quách tam hợp được kết cấu xây dựng như vậy nên rất dẻo dai rắn chắc rất khó đập vỡ (trong câu chuyện ông Phạm Như Hồ cũng cho biết, thời điểm chiến tranh phá hoại, ở vùng nọ một quả bom Mỹ đã phạm phải và thổi bay một ngôi mộ cổ cách nơi táng 30 m nhưng cả quan lẫn quách không hề hấn gì!).

 Bên trong quách là quan tài hình chữ nhật dài 1,95m. Rộng 0,57m được chế tạo bằng gỗ ngọc am (lõi của một loại thông già) ghép bằng mộng đuôi cá. Ván quan tài dày 7cm nhưng không phải là một tấm liền mà được xẻ ra thành nhiều lớp rồi dùng sơn ta kết lại như kiểu ván ép thời nay.

Do gỗ thông không bao giờ bị mối mọt lại được gắn bằng sơn ta nhiều lớp như vậy nên dẫu nằm rất lâu trong đất nhưng vẫn không hề bị nứt toác cong vênh. Với kỹ thuật mộng đuôi cá chìm bên trong nên muốn mở được quan tài thì phải dùng xà beng mà cậy phá.

Cũng cần phải nói thêm, giữa quan tài và quách hợp chất, người xưa đã lèn đầy mùn cưa và giấy bản vào khoảng trống đó để giữa cho quan tài bên trong ổn định đồng thời cũng là lớp cách nhiệt. Tóm lại nước và không khí đều không thể lọt vào trong quan tài.

Sau khi cậy được phần nóc mui luyện, thực tế là anh em công binh đã phải nạy phá rất vất vả, trên nắp quan tài có trải một tấm minh tinh bằng vải ghi tên họ lai lịch người quá cố. Nắp quan tài sau khi được cậy phá bật ra xuất hiện một khối vải vóc chật cứng không một chỗ hở. Đại liệm là loại gấm hoa kép. Mở xong phần đại liệm là tiểu liệm.

Tiểu liệm là gấm hoa đơn. Các cán bộ khảo cổ xác định ngay người nằm trong mộ là nữ bởi lớp tiểu liệm đều có 9 nút đai buộc (kiểu nút bùa). Nếu 7 nút buộc sẽ là nam bởi đàn ông có 3 hồn bảy vía, đàn bà lắm hơn, những 3 hồn 9 vía.

Mở được hai lớp tiểu liệm ra còn tiếp những lớp vải chèn quấn kín. Mở hết các lớp chèn mới thấy lộ ra áo váy bên trong. Ngoài ra những đồ tuỳ táng còn có: một bao gạo nhỏ, một túi đựng răng (người Việt trước đây mỗi lần răng rụng đều cất đi khi chết thì chôn theo) một túi bùa, một số bánh tượng trưng, xà cạp dùng quấn tay chân, bao thắt lưng, khăn trùm đầu phủ mặt, bông nút tai. Chủ nhân là một phụ nữ khoảng ngoài 60 tuổi. Tóc đã điểm bạc. Trong miệng còn ngậm hai đồng tiền (còn gọi là tiền phạm hàm).

Nhà khoa học Phạm Như Hồ cũng lưu ý rằng, nghi thức táng bằng loại hình hợp chất (hay còn gọi là mộ xác ướp) rất đặc thù thời Lê Trịnh đều tuân thủ những nguyên tắc giống hệt nhau. Ngôi mộ đã khai quật ở xã Hà Long này cũng trùng hợp với nhiều ngôi mộ khác mà cán bộ khảo cổ đã từng khai quật ở các địa phương khác nhau.

Đều có kết cấu giống nhau có khác chăng chỉ là một số đồ tùy táng. Vàng bạc châu báu tuyệt nhiên không bao giờ có ngoại trừ duy nhất đó là bà Dương Thị Bí, vợ vua Lê Thái Tông có một đôi hoa tai bằng vàng. Ngay cả như vua Lê Dụ Tông cũng không một mảy vàng bạc nào chôn theo.

Ông Phạm Như Hồ cũng dẫn ra nghiên cứu của GS Đỗ Xuân Hợp, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Quân y từng bỏ công sức nghiên cứu hình thức mộ táng này rằng, sở dĩ loại hình mộ hợp chất này còn giữ nguyên được xác, ngoài việc kết cấu quan quách cực kỳ khoa học như vậy thì tất cả các xác còn được ướp bằng tinh dầu thông! Người ta đã đổ rất nhiều tinh dầu thông vào trong quan tài.

Chính tinh dầu thông vừa có tác dụng diệt khuẩn vừa làm cho cái xác lúc nào cũng tươi mềm không bị phân hủy. Vậy nên người xưa có thể quàn các bậc vua chúa công hầu khanh tướng hoặc các nhà quý tộc rất lâu trong nhà vài tháng thậm chí cả năm đợi ngày lành tháng tốt hợp với tuổi người chết thì mới đem đi an táng.

Thêm nữa khi người ta sống, có thể ở bất kỳ nơi đâu nhưng khi chết thì thường đưa về an táng tại quê cha đất tổ. Chẳng hạn các vua Trần thường về Tam Đường Thái Bình. Các vua Lê thì đưa về táng ở Lam Kinh. Vậy người đàn bà trong ngôi mộ được khai quật ở Hà Long là ai? Liệu có nằm trong quy luật đó không?

Như đã nói, ngôi mộ không còn mộ chí nên việc xác định chủ nhân chỉ còn dựa trên hai cơ sở. Đó là đồ tuỳ táng đặc biệt là tấm minh tinh. Hai là dựa vào tài liệu dã sử bằng cách hỏi han dân sở tại. Ngôi mộ đào được tại vùng Gia Miêu Ngoại trang nay tên mới là Hà Long nằm trong khu vực quê tổ của dòng họ Nguyễn Kim.

Khu vực mộ lại nằm gần Lăng Miếu Triệu Tường. Miếu Triệu Tường thờ Nguyễn Kim. Mộ thật của Triệu tổ Nguyễn Kim như đã đề cập ở bài trước, do nhiều lý do nên không thể tìm thấy! Các cụ già thời điểm khai quật đã cho đoàn công tác biết rằng ngôi mộ này nằm trong khu vực tư điền của bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo con gái của Nguyễn Kim chính là vợ của Chúa tiên khởi Trịnh Kiểm.

Nhưng khi được hỏi vị trí chính xác thì không ai nhớ rõ chỉ đến khi máy ủi làm lộ ra ngôi mộ thời mới biết!  Hai đồng tiền trong miệng được xác định, một đồng là Thiệu Bình Khánh Bảo, còn đồng thứ hai là Thái Bình Thánh Bảo (Thiệu Bình là tiền thời Lê Thái Tông 1434 -1439. Thái Bình là tiền thời Lý Thánh Tông, 1054 -1072).

Dựa vào hai đồng tiền thì cũng chỉ mới xác định được ngôi mộ có sau thời Lê Thái Tông tức  sau khoảng 1434-1439. Vậy chỉ còn căn cứ trên tấm minh tinh dán nắp quan tài,  tiếc thay khi đào bới tuy không bị rách nhưng đã bị bong rất nhiều chữ. Cũng đang còn may đọc được mấy chữ Nguyễn Thị Ngọc Báu. Ngọc Báu có lẽ là tên thuỵ của bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo chăng?

Cũng cần nói thêm, ngôi mộ dạng này không có thể có vào thời Nguyễn được tức là không thể có sau năm 1802 của Nguyễn Thế Tổ Nguyễn Phúc Ánh, bởi mộ thời Nguyễn khác hẳn. Cũng trong quan ngoài quách nhưng quách không phải là tam hợp lại thường được xây bằng gạch thậm chí cuối thế kỷ XIX đầu XX lại được xây bằng cả xi măng cốt thép. Loại mộ này không bao giờ giữ được xác thường chỉ còn xương cốt nhưng đa phần mục nát.

Với tất cả những cứ liệu trên, ông Phạm Như Hồ cho rằng đích xác người nằm trong mộ chính là bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, con gái của Triệu tổ Nguyễn Kim, phu nhân của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm, người đã khẩn cầu Trịnh Kiểm cho em ruột Nguyễn Hoàng vào trị nhậm xứ Thuận Quảng mở mang bờ cõi của Đại Việt về phía Nam!

Nhà khoa học này đã  nói vậy, đã xác định vậy thì tôi cũng chỉ biết vậy. Tấm minh tinh như ông Phạm Như Hồ cho hay về sau này có đưa về Sở Văn hóa Thanh Hóa. Không biết tấm minh tinh này bây giờ số phận ra sao? Và cũng tiếc thay, khi ấy chỉ còn mấy chữ Nguyễn Thị Ngọc Báu? Hay là còn chữ nào chưa được đọc?

Hỏi thêm về ngôi mộ tôi cũng được ông Phạm Như Hồ cho hay, sau đó đoàn công tác cùng dân làng lại đưa về chính nơi cũ lấp lại để người con gái của Triệu Tổ Nguyễn Kim, người chị gái chúa tiên Nguyễn Hoàng đời đời yên nghỉ trên mảnh đất tổ quê cha.

Chiều thu Gia Miêu hằn một góc trời đỏ sậm dáng mái đao của ngôi đình mới phục chế chưa lâu. Mới hồi nãy mây khói đèn còn đương vần vũ mà ánh chiều đã thoắt biến thành ngũ sắc... Hẳn anh linh của tiền nhân hình như bảng lảng đâu đây mách bảo với hậu thế rằng còn biết bao điều huyền bí trong lòng đất Gia Miêu Ngoại Trang.


>> Kỳ 1: Ở Gia Miêu Ngoại trang, nghe kể về Chúa Nguyễn Hoàng
>> Kỳ 2: Một thời vang bóng
>> Kỳ 3: Dâu bể đi qua

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG