Rút khoảng 50% tiêu chuẩn sức khỏe lái xe

Rút khoảng 50% tiêu chuẩn sức khỏe lái xe
TP- Chiều 27/10, đại diện Bộ Y tế và Bộ GTVT đã có cuộc họp để xem xét lại quy định về tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ Y tế vừa ban hành.

>> Bộ Y tế giải thích về "ngực lép" không được lái xe
>> Muốn lái xe, phải qua 83 “ải” tiêu chuẩn!
>> Xem xét lại việc "40kg không được đi xe trên 50cm3"
>> Bộ Y tế khẳng định: Dưới 40kg không được đi xe xe máy trên 50cm3
>> Nặng dưới 40 kg không được lái xe máy trên 50cm3 

Sau cuộc họp giữa hai Bộ, TS Trần Quý Tường – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó ban soạn thảo quyết định này cho Tiền phong biết:

“Chúng tôi đã xem xét những góp ý của người dân thông qua báo chí bằng thái độ cầu thị và nhận thấy có một số điểm cần chỉnh sửa. Đây là bất cập thuộc về lỗi kỹ thuật trong việc xây dựng và ban hành văn bản của Bộ Y tế”.

Bộ Y tế và các cơ quan chức năng thống nhất sẽ có hướng dẫn thực hiện các quy định trên theo hướng thông thoáng và tránh phiền hà  cho người dân và cơ sở khám chữa bệnh.

Bộ Y tế cũng đã giao cho Viện Giám định Y khoa rà soát lại các tiêu chuẩn về mặt sức khỏe, có thể sẽ rút xuống còn khoảng 40 chỉ số, chứ không phải là 83 chỉ số như hiện nay. Ngoài ra, các thủ tục về cấp giấy Chứng nhận sức khỏe lái xe cũng sẽ được tinh giảm lại. Dự kiến, cuối tuần này, Bộ Y tế sẽ ban hành hướng dẫn thực hiện.

TS Tường cho biết thêm quy định này mang tính chuyên môn cao, dùng cho bác sỹ khi khám sức khỏe làm căn cứ để đánh giá tình trạng sức khỏe của người được khám.

Vì vậy có thể người dân đọc thấy nhiều từ chuyên môn nên chưa hiểu. Ví dụ như chỉ quy định người mắc trĩ độ III-IV thì không đủ sức khỏe lái xe chuyên nghiệp các hạng như C, D, E.., còn lái xe B1, A1 thì vẫn được cấp giấy phép lái xe.

Trên thực tế, mặc dù có tới 83 chỉ tiêu về sức khỏe, nhưng với một người muốn thi lấy bằng lái xe A1, B1 thì chỉ cần khoảng 40 chỉ số. Những người thi lấy bằng lái xe A1, B1 không cần thực hiện các mục khám như răng hàm mặt, lách to độ 2, viêm loét thực quản, hẹp dạ dày, rò bàng quang, trĩ, gù vẹo, cứng dính cột sống...

Theo ông Tường, có thể chỉ cần ba bác sĩ khám có thể hoàn tất được các thông số sức khỏe của bản Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Được biết năm 1962, Thủ tướng Chính phủ hồi đó cũng đã có QĐ số 70/ QĐ-TTg ban hành tiêu chuẩn sức khỏe đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Trong đó có một số quy định về chỉ số rất đáng chú ý như đối với người lái xe cơ giới từ 1-3 tấn phải có chiều cao đủ từ 1,5 m và vòng ngực từ 80 cm, hay lái xe từ 3-5 tấn, phải có chiều cao trên 1,55m.

Bản Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vừa ban hành được xây dựng dựa trên bản đã ban hành và thực thi từ năm 2001. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho hay trong quá trình thực hiện 7 năm qua, chưa thấy ai phản hồi là quy định không khả thi.

TS Trần Quý Tường cũng công nhận, thời gian qua ngành y tế đã không giám sát tốt việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người thi lấy bằng lái xe. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường các biện pháp giám sát, thanh tra để hạn chế sai phạm trong cấp phép lái xe.

Liên quan đến vấn đề này mới đây, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có văn bản gửi Bộ Y tế về việc kiểm tra Quyết định số 33/QĐ – BYT của Bộ Y tế về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới và Quyết định 34/2008/QĐ – BYT về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe người khuyết tật điều khiển mô tô, xe ba bánh.

Bộ Tư pháp đánh giá cao việc Bộ Y tế ban hành quy định này vì nó cần thiết, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước cũng như yêu cầu của các tầng lớp nhân dân đảm bảo an toàn giao thông khi điều khiển phương tiện giao thông.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, việc đưa ra một loạt các tiêu chuẩn về sức khỏe chưa đảm bảo về tính hợp lý và không thực sự cần thiết, không gắn với yêu cầu đặc định đối với việc điều khiển các phương tiện giao thông khác nhau.

Từ những yêu cầu không sát thực tiễn này, Bộ Tư pháp nhận định sẽ gây ra nhiều phiền hà cho người dân cũng như dễ tiêu cực trong việc khám, chứng nhận sức khỏe cấp bằng lái.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã đề nghị Bộ Y tế tự kiểm tra xử lý Quyết định 33 và 34. Trong điều kiện hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện thẩm quyền theo luật định, đình chỉ ngay việc thi hành, tạm ngưng hiệu lực áp dụng, đồng thời khẩn trương nghiên cứu để có những xử lý tiếp theo.

MỚI - NÓNG