Hà Nội chìm trong biển nước

Hà Nội chìm trong biển nước
TP - Mưa lớn đổ xuống Hà Nội đêm 30/10 và kéo dài suốt ngày 31/10 đã làm nhiều khu vực của Thủ đô chìm trong biển nước, giao thông tắc nghẽn, hoạt động của nhiều đơn vị, doanh nghiệp bị gián đoạn.

>> Hàng không, đường sắt, bến xe đình trệ
>> 17 người chết và mất tích
>> Mưa lớn, Hà Nội đói… thức ăn
>> Mưa lớn không dứt, mọi hoạt động đình trệ
>> Hà Nội chìm trong mưa lớn bất thường

Hà Nội chìm trong biển nước ảnh 1
Ảnh: Hồng Vĩnh

Bi hài Hà “Lội”

Báo cáo của Cty Thoát nước Hà Nội đến 12 giờ ngày 31/10 vẫn còn hàng chục điểm úng ngập trong đó ngập nghiêm trọng nhất vẫn xảy ra tại một số điểm “truyền thống” như: Nguyễn Lương Bằng, Bà Triệu, Phan Bội Châu, Nguyễn Khuyến, Thụy Khuê, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Thái Hà, Thái Thịnh, Ngọc Khánh, Nguyễn Phong Sắc, Đội Cấn, Tôn Đản...

Mưa to làm nhiều tuyến đường bị ngập gần 1 m khiến nhiều phương tiện dồn ứ không dám đi qua. Trung bình mỗi điểm ngập dài từ 100 - 300m.  Ghi nhận của PV tại các tuyến phố như: Nguyễn Trãi, Trường Chinh chỉ trong vòng chưa đến 10 phút, đã có hàng chục chiếc xe máy, khoảng chục  ô tô chết máy vì cố vượt ngập.

Tại đường Thái Thịnh mực nước ở khu vực này sâu khoảng 50 cm, có nhiều chỗ mực nước ngập gần lút yên xe. Theo Phòng CSGT CATP Hà Nội, tính đến chiều qua, Hà Nội có đến cả trăm điểm ách tắc do mưa ngập. Hầu hết cán bộ chiến sĩ của phòng đều túc trực trên đường để tổ chức giao thông.

Mưa lớn cũng là thời điểm làm ăn của các cửa hàng sửa chữa xe máy, ôtô. Hàng loạt xe máy, ôtô bị chết máy vì ngập nước khiến các cửa hàng sửa xe máy, dịch vụ lau rửa bugi làm việc quá tải dù lấy tiền công 15 - 40 ngàn đồng/xe.

Nhiều cơ quan trên địa bàn Hà Nội cũng trong cảnh ngập nặng vì mưa lớn kéo dài. Các học viện, trường đại học đều chịu cảnh ngập nặng như: Học viện An ninh, ĐH Kiến trúc, ĐH Hà Nội... Sinh hoạt của hàng triệu người dân gián đoạn. Cho đến tận nửa đêm 31/10, nhiều người vẫn bị kẹt trên đường vì mưa ngập nhiều tuyến đường. Không ít cán bộ, công chức đã buộc lòng phải ngủ lại cơ quan do không thể về nhà.

Theo Cty Thoát nước Hà Nội, tại khu vực Hà Nội (cũ),  thì đây là trận mưa lớn nhất trong vòng 35 năm qua (tính theo các trận mưa trong tháng 10), và lớn nhất trong vòng 24 năm qua (nếu tính trận mưa lớn nhất trong năm).

Cần quy hoạch lại mạng lưới thoát nước

Dự báo 20 mm, mưa 500 mm

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn gửi cho Cty Thoát nước Hà Nội ngày 30/10 thì khu vực Hà Nội có mưa từ 10 - 20 mm. Thế nhưng tại Hà Nội lượng mưa của ngày 31/10 lên đến gần 500 mm.                                Hạnh Ngân

Điều đáng lo ngại là trận mưa ngày 31/10 đã ảnh hưởng đến Hà Nội trên  diện rộng và với mức độ đặc biệt nghiêm trọng. Đặc biệt, tại nhiều khu đô thị mới, nhiều tuyến đường mới mở và khu vực ngoại vi của Hà Nội vừa xây dựng xong cũng đã bị ngập sâu.

Cụ thể, tại các khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Mễ Trì, Mỹ Đình, Văn Quán các tuyến đường Trần Duy Hưng,  Mễ Trì, Lê Đức Thọ, Nguyễn Trãi... đều ngập nặng.

Theo ông Lê Văn Dục - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thì những địa bàn thuộc dự án thoát nước giai đoạn 1 có khả năng thoát nước khá tốt so với trước khi có dự án. Tuy nhiên trận mưa ngày 31/10 đã vượt qua năng lực của dự án nên việc ngập là không tránh kh ỏi. Hiện năng lực của dự án mới đảm bảo thoát nước đối với trận mưa 175mm/2 ngày, trong khi đó trận mưa ngày 31/10 đạt 500 mm/ngày.

Ông Dục cũng cho biết, lý do các khu đô thị mới lại bị ngập nặng là vì việc đầu tư hệ thống thoát nước tại các khu vực này chưa đồng bộ. Hơn nữa sự đấu nối giữa các dự án với nhau và giữa các dự án với hệ thống chung chưa thực hiện tốt nên khi mưa to dẫn đến ngập nặng.

Trong khi đó, thành phố Hà Nội lại chưa quy hoạch mạng lưới thoát nước có tính đến các điều kiện phát triển đô thị và mở rộng địa giới như khu vực Hà Đông, Sơn Tây và một số huyện lân cận của Hà Tây cũ. “Chắc chắn Hà Nội sẽ phải lập lại quy hoạch thoát nước cho phù hợp với điều kiện mới” - Ông Dục nói.

Trận mưa gây ngập lớn có có nguyên nhân từ việc nước sông Nhuệ dâng cao hơn mặt đất. Vì vậy, trạm bơm Đồng Bông đã bị ngừng cấp điện và không thể tiêu úng cho khu vực Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Hòa - Nhân Chính. Nước sông Nhuệ dâng cao cũng khiến cho nước từ sông Tô Lịch không thể tự chảy ra sông Nhuệ. Đập Thanh Liệt bị đóng.

Toàn bộ lượng nước mưa khổng lồ của toàn thành phố chỉ còn con đường duy nhất chảy xuống hồ Yên Sở và được bơm ra sông Hồng với công suất 45 m3/s.

“Nếu hôm nay trạm bơm trục trặc, hàng triệu dân Hà Nội sẽ phải  bơi” - Một cán bộ Sở Xây dựng cho biết. May mắn là đến cuối chiều qua, trạm bơm vẫn hoạt động hết công suất.

Ông Phạm Văn Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội cho biết: Vào trung tuần tháng 11/2008, giai đoạn 2 trạm bơm Yên Sở sẽ được khởi công. Khi hoàn thành sẽ nâng công suất lên 90 m3/s và sẽ góp phần giải quyết tốt việc thoát nước.

Theo ông Dục, bên cạnh việc phải lập quy hoạch mạng lưới thoát nước Hà Nội (mới), Hà Nội cũng cần phải đầu tư dự án theo đúng quy hoạch trước đây đã được duyệt. Theo đó, đến năm 2010 Hà Nội sẽ phải đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD cho dự án thoát nước.

Vậy nhưng, đến nay Hà Nội mới chi 200 triệu USD, dự án giai đoạn 2 là trên 300 triệu USD cũng sắp được triển khai. Theo năng lực thiết kế, giai đoạn 2 của dự án sẽ đảm bảo thoát nước với những trận mưa 310 mm/2ngày. Và khi đó, bức tranh ngập lụt của Hà Nội hẳn sẽ có nhiều điểm sáng?

Bắt cá ở “khách sạn 5 sao”

Sáng qua, trước cửa sân vận động Mỹ Đình và tòa nhà The Manor, rất đông người dân mang gậy và rổ rá đi đập và vớt cá trên đường. Có người đem cả vó bè lớn để bắt cá và bắt được những con cá nặng tới 2 - 3 kg. Mưa lớn làm nước ngập tràn khắp các ruộng, mương, ao hồ quanh khu vực này nên cá từ các hồ nuôi thoát ra đường. Quanh khu vực sông Nhuệ, sáng nay, chính quyền bắc loa kêu gọi người dân xung phong đi hộ đê.                                                                Trọng Đảng

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG