Sử dụng thế nào sẽ ra kiểu giảng viên như thế

Sử dụng thế nào sẽ ra kiểu giảng viên như thế
TP - "Nếu một trường ĐH chỉ sử dụng những giảng viên đạt đến tiêu chí nào đó sẽ buộc người ta phải phấn đấu đạt trình độ theo quy định. Như vậy, cách  thức sử dụng sẽ quyết định chất lượng giảng viên" 

Ông Mai Trọng Nhuận - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi với phóng viên Tiền Phong xung quanh thực trạng đội ngũ giảng viên đại học yếu và thiếu.

Về tình trạng thiếu và yếu của đội ngũ giảng viên trong các trường đại học hiện nay, ông Nhuận nói: Có thể chia làm nhiều nhóm giảng viên như sau:

Thứ nhất là giảng viên thời @, được đào tạo bài bản, tiếp cận được cái mới (từ phương pháp giảng dạy, ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, tin học...) một cách tương đối toàn diện. Nhóm này không nhiều lắm.

Thứ hai, các tiến sĩ (TS), giáo sư (GS) được đào tạo ở các nước Đông Âu cũ, cách đây vài chục năm, phương pháp giảng dạy không đổi mới kịp.

Thứ ba, yếu là sinh viên được giữ lại trường, chưa được đào tạo nâng cao...

Vì sao vấn đề này đã từng được đề cập nhiều lần nhưng tình hình vẫn chưa có thay đổi đáng kể?

Sử dụng thế nào thì sẽ ra kiểu giảng viên như thế. Nếu một trường ĐH chỉ sử dụng những giảng viên đạt đến tiêu chí nào đó sẽ  buộc người ta phải phấn đấu đạt trình độ theo quy định. Như vậy, cách  thức sử dụng sẽ quyết định chất lượng giảng viên.

Hơn nữa, hiện nay, hầu hết các ĐH  đang tiếp cận  nhân lực theo cách quản lý hành chính. Chúng ta cần quản lý cán bộ theo hướng mới: huy động, tìm kiếm, tuyển dụng, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ... Khâu hành chính (ngày tháng năm sinh, quê quán, thành phần gia đình...) nên là khâu cuối cùng cần quan tâm.

Một trường ĐH phải thực hiện ít nhất ba chức năng (đào tạo, nghiên cứu khoa học; chuyển giao tri thức cho xã hội) thì ta lại đang làm không giống ai khiến giảng viên “rơi” vào mỗi việc là  dạy và đọc - chép.

Nếu đề ra tiêu chuẩn cao quá thì ai sẽ muốn làm giảng viên trong khi lương bổng và đãi ngộ của các công ty nước ngoài hay tư nhân đang vượt xa so với các trường ĐH?

Giảng viên giỏi cần phải được trả lương theo năng lực và có chế độ đãi ngộ. Nếu lương ở trường chỉ 2 triệu đồng mà bên ngoài trả 10 triệu đồng thì không ai muốn ở lại cũng là dễ hiểu.

Việc hiệu trưởng có quyền quyết định trả lương cho giảng viên ở Đại học Quốc gia nay đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đã hoàn thành đề án và đang chờ quyết định từ cấp trên. Nếu được thực hiện, chủ trương này sẽ rất tốt, góp phần cơ bản giữ được người tài.

Và theo tôi biết đề án có thể được mở rộng ra nhiều trường. Ở Đại học Quốc gia, hiện nay khoa Quốc tế đã trả lương từ 150 triệu đến 200 triệuđồng/năm cho các tiến sĩ giảng dạy theo phương pháp tiên tiến và bằng ngoại ngữ.

Ở những trường ĐH giảng viên vừa thiếu lại vừa yếu, việc triển khai đào tạo theo chương trình tiên tiến có khả thi không?

Tất nhiên sẽ rất khó, vì để áp dụng chương trình, quy trình, phương pháp giảng dạy của một trường ĐH trong tốp 200 thế giới, trong tình hình hiện nay không dễ dàng. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã có sự lựa chọn kỹ theo các tiêu chí chứ không phải trường nào cũng đào tạo tiên tiến.

Để khắc phục tình trạng chất lượng giảng viên thấp, phía các trường cũng như nhà nước cần có điều kiện nào?

Chính sách sử dụng nhân lực thuộc trách nhiệm nhà nước; cách thức sử dụng, tạo môi trường lao động sáng tạo, dân chủ, trân trọng trí thức là việc của hiệu trưởng.

Còn một vấn đề lớn liên quan đến quản trị đại học. Cần xây dựng cách tiếp cận tầm vĩ mô, quy định điều lệ trường ĐH hiện đại, trong đó, bí quyết lớn nhất là tăng cường quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm của các trường. Bộ chỉ cần đưa ra tiêu chí và giao cho các trường.

Vậy cần điều kiện gì để người tài ở lại với trường ĐH?

Tâm tư nguyện vọng của họ rất đơn giản: Một môi trường làm việc thông thoáng, công bằng, dân chủ và trọng thị, thu nhập thỏa đáng. Cách đây 5 năm người ta đã tính toán một gia đình có bốn người cần 8 triệu đồng/tháng để có thể yên tâm với công việc giảng dạy nghiên cứu ở trường ĐH; nay con số này là 20 triệu đồng. Đây là một bài toán khó nhưng không phải là bế tắc hoàn toàn.

Hồ Thu
(thực hiện)

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.