Bộ GD&ĐT đang "lo ngọn, bỏ gốc"

Bộ GD&ĐT đang "lo ngọn, bỏ gốc"
TPO - Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân chiều nay, 12/11, Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng, Bộ GD&ĐT đang quá tập trung vào giáo dục đại học mà quên đi bậc mầm non.
Bộ GD&ĐT đang "lo ngọn, bỏ gốc" ảnh 1
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Hồng Vĩnh. 

Chiều nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Sau khi nghe người đứng đầu ngành giáo dục báo cáo về việc thực hiện những lời hứa trong lần trả lời chất vấn lần trước, 14 ý kiến đã được các đại biểu nêu ra tại hội trường.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng, Bộ GD&ĐT đang làm ngược quy trình, khi đầu tư quá lớn vào “ngọn” là giáo dục đại học, trong khi chưa quan tâm đúng mức tới “gốc” giáo dục mầm non.

Ông Cuông nêu quan điểm, bậc học mẫu giáo được xem là cái nền, cái gốc của sự học, của việc hình thành tư duy nhân cách con người nhưng lại nhận được rất ít sự quan tâm của Bộ.

Trong khi đó, Bộ cho mở tràn làn các trường đại học, cao đẳng nhưng chất lượng ở nhiều nơi rất thấp, nhất là đào tạo tại chức và từ xa. Điều đó dẫn đến việc sinh viên ra trường khó xin việc vì không đáp ứng được yêu cầu của thực tế, mất cân đối giữa cung và cầu, gây lãng phí lớn cho gia đình, xã hội.

“Xin Bộ trưởng cho biết, có phải Bộ đang làm quy trình ngược, chỉ lo cho phần ngọn mà ít quan tâm đến phần gốc. Bộ kêu gọi chống thành tích trong giáo dục đào tạo nhưng chính việc làm của Bộ lại đang tạo ra căn bệnh thành tích mới. Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu và có giải pháp gì để khắc phục?” - Đại biểu Lê Văn Cuông thẳng thắn nêu câu hỏi.

Người đứng đầu ngành giáo dục trả lời, Bộ rất quan tâm đến bậc học mầm non, nhưng mỗi giai đoạn chỉ có thể tập trung cho một bậc học nhất định.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, từ năm 1975 đến năm 2000, nước ta hoàn thành chương trình phổ cập tiểu học. Từ năm 2000, bắt tay vào phổ cập trung học cơ sở.

“Khi đó, không thể phổ cập mầm non và trung học phổ thông được vì sức có hạn”. Để phổ cập tiểu học và trung học cơ sở, chúng ta phải chi tới 53% ngân sách giáo dục cả nước.

“Chúng ta cũng muốn chi nhiều hơn nữa cho mầm non nhưng chưa làm được vì đang tập trung phổ cập trung học cơ sở. Nhưng trong ngành xác định, khi chưa thực hiện được hết mầm non thì năm nay đặt chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi” – Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói.

Bộ trưởng cũng cho rằng, tuy chưa thể quan tâm đầu tư như giáo dục đại học nhưng năm qua, bậc mầm non tăng trưởng 24% về quy mô, 20% về số giáo viên.

Cho rằng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chưa trả lời thẳng vào câu hỏi chất vấn, Đại biểu Lê Văn Cuông phản hồi, nhiều đại biểu đề nghị phải đưa bậc mầm non vào Luật giáo dục để có đầu tư xứng đáng nhưng lãnh đạo Bộ vẫn làm ngơ. Nhiều cô giáo mầm non chỉ được trả 500 - 600.000 đồng/tháng thì không thể làm tốt công việc.

“Tôi là người chủ động đề xuất thực hiện chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi”. Bộ trưởng cũng cho hay, đã kiến nghị chuyển các trường bán công ở miền núi khó khăn sang công lập để trẻ 5 tuổi được đi học.

Đối với giáo viên mầm non, ông Nhân cho biết, đã kiến nghị và Thủ tướng có chỉ định vào tháng 10 năm nay trợ cấp cho giáo viên bậc mầm non ở vùng khó khăn 50% phần lương tối thiểu. Thủ tướng cũng giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị đề án cụ thể để triển khai từ năm 2009.

Chưa nghiêm

Trong vòng 100 phút, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời 14 câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Các vấn đề được nêu ra tập trung vào chất lượng giáo dục đại học, giáo dục mầm non, chính sách cho giáo viên và học sinh vùng sâu xa, ký túc xá cho sinh viên, chương trình, sách giáo khoa…

Lo lắng về chất lượng giáo dục đại học hiện nay, Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) nêu vấn đề: Bộ GD&ĐT cho phép thành lập quá nhiều trường đại học, cao đẳng nhưng không ít trường, đặc biệt là ngoài công lập, không thực hiện đúng cam kết đã nêu trong đề án thành lập.

Đại biểu Dũng nêu ví dụ: “Đại học Dân lập Phú Xuân đào tạo 12 ngành nhưng chỉ có 3 giảng viên cơ hữu có tình độ tiến sĩ. Trường Đại học Tư thục Công nghệ Thông tin Gia Định mở 7 ngành đào tạo nhưng chỉ có 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ... Đây là thực tế rất đáng báo động”.

“Nếu không xử lý nghiêm, hàng năm, chúng ta sẽ cho ra lò hàng vạn cử nhân kém chất lượng, không khác gì hàng rởm, hàng giả”.

“Vì sao lại để xảy ra tình trạng này mà không xử lý cương quyết? Thời gian tới, Bộ trưởng sẽ xử lý các sai phạm này như thế nào hay vẫn giơ cao đánh khẽ như hiện nay” - Đại biểu Dũng chất vấn?

Thừa nhận thực tế trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân nói thêm, “có trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật đào tạo cử nhân cao đẳng về kế toán với 850 sinh viên nhưng chỉ có 6 giảng viên trình độ đại học”.

Bộ trưởng cho biết, để được lập trường mới phải trải qua 3 giai đoạn: Địa phương đồng ý cho thành lập trường gửi văn bản lên Bộ. Bộ xem xét thấy đáp ứng yêu cầu chung thì xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Thủ tướng có chủ trương, trường chuẩn bị cơ sở vật chất. Sau đó, Bộ mới quyết định thành lập trường.

“Dù có cam kết nhưng thực tế sau đó nhiều trường không thực hiện đúng. Bộ có thiếu sót là chưa kiểm tra và xử lý những trường hợp không chấp hành đó nên mới kéo dài”.

Ngoài ra, quy định của Bộ mới nêu yêu cầu của giảng viên trên tỉ lệ sinh viên, nhưng chưa nêu rõ cơ cấu thạc sĩ, tiến sĩ. Cùng với đó, Bộ cũng không có quy chế giáo trình, nên ai viết cũng được, trong khi ở nhiều nước phải giáo sư giỏi mới được đảm trách công việc này.

Một nguyên nhân khác người đứng đầu ngành giáo dục nêu ra là “địa phương có phần chưa quan tâm đúng mức. Các trường tư thục và dân lập chịu sự quản lý trực tiếp của địa phương. Lẽ ra, địa phương biết và có tác động sớm thì cũng không kéo dài đến bây giờ”.

Để khắc phục thực trạng này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết đang triển khai 10 giải pháp.

Theo đó, Bộ sẽ ban hành tiêu chí thành lập đại học mới với những quy định chặt chẽ hơn. Theo quy chế mới, sau ba năm thành lập, lãnh đạo Bộ sẽ kiểm tra trường có thực hiện nghiêm cam kết.

Bộ GD&ĐT cũng đang chuẩn bị văn bản gửi các trường đề nghị phải đăng ký thực hiện theo lộ trình những phần còn thiếu trong cam kết. Bộ sẽ kiểm tra trong 3 năm liên tục, nếu không hoàn thành sẽ có biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, “sắp tới phải có quy chế về giáo trình và phải có hội đồng giáo trình của từng ngành. Chúng tôi đang làm việc với các trường, trong tháng 11 này hình thành hội đồng hiệu trưởng các trường cùng ngành. Họ sẽ ngồi với nhau để bàn, thống nhất, phân công biên soạn giáo trình. Những ai không đủ trình độ viết giáo trình thì phải viết giáo trình của người khác” – Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói. 

Cùng với việc thực hiện 3 công khai (công khai cam kết chất lượng đào tạo, mỗi trường phải nói rõ sinh viên ra trường làm việc gì, ở đâu; công khai nguồn lực cơ sở vật chất, đặc biệt là giáo viên; thu chi tài chính), 4 kiểm tra, từ năm sau, sinh viên có thể vào trang web của Bộ để cập nhật thông tin của từng trường.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.