Dự báo sai chủ yếu do con người!

Dự báo sai chủ yếu do con người!
TPO - “Đúng là trong 1 tháng rưỡi vừa rồi chất lượng dự báo chưa được đảm bảo. Rất đáng tiếc! Bản thân chúng tôi thực sự cũng thấy chưa hoàn thành nhiệm vụ”.

>> Một tháng rưỡi, 5 lần dự báo sai!

TS Bùi Văn Đức - Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia nói trong cuộc trao đổi với Tiền phong chiều 18/11 xung quanh việc cơ quan khí tượng để xảy ra 5 lần dự báo sai trong hơn 1 tháng qua.

Dự báo sai chủ yếu do con người! ảnh 1
Bão số 10 đổ bộ vào bờ biển Nha Trang, Khánh Hòa từ 13 giờ ngày 17/11, sớm hơn dự báo cả 1 ngày. Ảnh: Đình Quân

Thu nhập thấp không giữ được người giỏi

Trong vòng gần 1 tháng rưỡi nhưng Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư để xảy ra 5 lần liên tiếp dự báo sai về bão, mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về người và của cho người dân ở nhiều địa phương. Ông có thể lý giải các yếu tố dẫn đến sự sai sót này?

Khoa học dự báo chung của cả thế giới về các yếu tố dẫn đến sự hình thành và diễn biến của cơn bão là cực kỳ dễ sai.

Mà trạm quan trắc của chúng ta hiện nay chưa được đầy đủ hết. Các quy luật diễn biến vật lý cũng rất phức tạp mà các mô hình dự báo hiện nay chưa đưa hết vào được các quy luật này. Nếu đưa được hết vào thì chỉ cần một mô hình chứ không cần nhiều.

Dự báo sai chủ yếu do con người! ảnh 2 Tôi khẳng định lần sau nếu có xảy ra những trận mưa như thế này thì chắc chắn xác suất lớn là chúng tôi cũng không dự báo được. Nhưng tôi cũng bảo mọi người dù dự báo được định lượng nhưng phải cảnh báo được sự nguy hiểm sắp đến để người dân phòng tránhDự báo sai chủ yếu do con người! ảnh 3
 Ông Bùi Văn Đức

Mỗi một mô hình có ưu nhược điểm khác nhau. Khi mô phỏng, nghiên cứu, hiệu chỉnh mô hình (thử mô phỏng lại những trận bão, trận mưa đã xảy ra rồi) thì hiệu chỉnh các tham số để ra một kết quả trùng khít với những gì đã diễn ra.

Nếu đưa ra 20 tình huống của 20 trận bão mà mô hình nào đó mô tả lại chính xác cả 20 trận bão thì chắc chắn dự báo trong tương lai tương đối chính xác hết.

Nhưng không có mô hình nào mô tả lại chính xác được tất cả các trận bão đã xảy ra.

Chính vì vậy thường độ chính xác của một mô hình chỉ đảm bảo được khoảng 65% là cùng. Còn lại 35 - 40% là khả năng sai. Giới hạn chính xác của các mô hình chỉ đến thế thôi. Có khi dùng 3 mô hình tham khảo được kết quả tốt nhưng dùng đến 10 mô hình có khi độ chính xác tụt đi vì trung bình hóa, không có trọng tâm trọng điểm. Có người nói thừa có khi lại không tốt.

Nếu nói nguyên nhân gây thiệt hại và dẫn đến dự báo sai thời gian vừa qua thì đó có phải do thiết bị hay do vấn đề con người?

Một vài năm gần đây, Chính phủ và Bộ Tài nguyên - Môi trường có đầu tư cho trung tâm rất nhiều. Nhưng so với các nước thì cũng có sự khác nhau. Tôi vừa đi công tác ở Hàn Quốc về thì cơ bản các trạm quan trắc của họ là tự động, tự đo và tự truyền và mật độ dày hơn Việt Nam nhiều lần.

Về con người, thu nhập của chúng tôi chủ yếu chỉ là lương cơ bản, các dịch vụ chưa được gì. Thu nhập thấp nên không giữ chân và không thu hút được cán bộ giỏi. Người giỏi đi những khu vực có thu nhập cao hết. Chúng tôi đang lúng túng trong giải bài toán thu hút cán bộ.

Chúng tôi cho là nguyên nhân từ con người là cơ bản. Thủ tướng có nói dù kinh tế chúng ta còn khó khăn nhưng sẵn sàng đầu tư cho khí tượng thủy văn nhưng đầu tư thế nào phải có hiệu quả, khai thác được thiết bị.

Bây giờ mua về mà không khai thác được hiệu quả gây lãng phí cho đất nước lại có tội nên cần phải có lộ trình.

Dự báo sai chủ yếu do con người! ảnh 4
Ông Bùi Văn Đức

Đã nói đến dự báo sai là dẫn đến hậu quả. Theo ông đánh giá, mức độ hậu quả của các dự báo sai này như thế nào?

Dự báo sai trước hết làm lãng phí công sức, nhân, vật lực phòng tránh. Cái đó là thiệt hại, lãng phí. Nhưng ở Nhật dự báo sóng thần 100 lần có khi chỉ đúng 1 lần nhưng vẫn phải sơ tán theo quy trình. Vì chỉ cần 1 lần có thật đã gây hậu quả lớn.

Chúng tôi rất muốn dự báo chính xác nhưng khả năng dự báo có hạn. Hiện nay lũ quét, giông tố, lốc chưa dự báo được. Bão thì dự báo tiến bộ hơn. Mưa định lượng thì gần như chưa dự báo được.

Việc này không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới chưa làm được. Dự báo mưa ở từng vĩ độ khác nhau. Ở vĩ độ càng cao thì dự báo càng dễ, các nước ở vĩ độ thấp như Việt Nam dự báo càng khó.

Khả năng của mình kém nhiều nước lại ở vùng dự báo khó nên càng khó. Cho nên hiện nay dự báo định tính có hoặc không có hoặc dự báo có mưa vừa, to, rất to có thể dự báo được nhưng cụ thể dự báo 50 hay 100 mm thì khả năng hiện nay chưa làm được vì cơ sở khoa học chưa có nhưng vẫn phải đưa ra dự báo để đề phòng tại các cuộc họp Ban chỉ đạo.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư có chương trình nhắn tin để biết dự báo thời tiết ở các khu vực. Vậy khi người dân bỏ tiền mua tin nhắn dự báo này mà lại nhận được tin dự báo sai thì theo ông việc này sẽ giải quyết thế nào?

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên rất tâm huyết kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường. Cơ quan khí tượng thủy văn cũng phải có biện pháp tăng thu đỡ gánh nặng cho Nhà nước và nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên.

Tôi khuyến khích tất cả các đơn vị là tăng nguồn thu nhưng làm cho nghiêm chỉnh. Dịch vụ nhắn tin này nhiều nước làm rồi. Nhắn tin dự báo là có sai. Nhưng nếu có quy định sai thì phải đền bù thì giá thành phải khác.

Nếu chỉ thu được 2.000 đồng nhưng phải đền bù khi có dự báo sai thì chắc không ai dám làm. Còn việc Đài Dự báo khí tượng khu vực đồng bằng Bắc Bộ có hợp đồng cấp tin với Cty Cấp thoát nước Hà Nội nhưng dự báo chỉ mưa 200 mm trong khi thực tế lên tới hơn 600 mm là có khuyết điểm.

Dự báo viên có kinh nghiệm đã về hưu gần hết

Trong một số trận bão trước theo ghi nhận của chúng tôi Viện Khí tượng Thủy văn đưa ra những bản tin dự báo chuẩn hơn so Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn. Điều này được lý giải thế nào?

Cũng có những trận bão Viện Khí tượng Thủy văn dự báo đúng, dự báo khá hơn Trung tâm chứ không phải lúc nào chúng tôi dự báo cũng đúng. Có nhiều lần Viện đúng mình sai và điều này chúng tôi không phủ nhận. Điều này do bản tin dự báo không phải kết quả của một mô hình mà kết quả của nhiều mô hình được dùng để tham khảo cho bản tin dự báo.

Các mô hình dự báo thời tiết hiện nay Trung tâm đang sử dụng đều là của nước ngoài vậy nó có phù hợp với điều kiện thời tiết cũng như mô hình dự báo cho Việt Nam hay không?

Bản thân các nhà khoa học Việt Nam chưa tự viết ra cho mình mô hình dự báo. Các mô hình đang sử dụng là do nước ngoài viết. Tôi nghĩ bản thân các nhà khí tượng Việt Nam thì trong 10 năm tới cũng chưa thể làm được.

Tôi nghĩ cũng không cần thiết phải viết ra các mô hình vì các mô hình này chỉ là giải các phương trình vận động động lực học trong khí quyển. Vấn đề là đang chạy các mô hình nước ngoài nhưng phải làm thế nào để đồng hóa số liệu, đưa các số liệu quan trắc vào mô hình đó.

Trung tâm đã có kế hoạch thế nào để khắc phục những tồn tại trên?

Trong phạm vi Trung tâm quốc gia chúng tôi có chương trình đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ. Ngoài ra chúng tôi có những người đi học nước ngoài về, được đào tạo rất bài bản. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là chúng tôi đang hẫng hụt về dự báo viên.

Những lớp dự báo viên có kinh nghiệm nhiều năm thì những năm gần đây về hưu gần như là hết. Lớp kế cận sau chỉ còn lại vài người và chia nhau trực 24/24 giờ. Vì vậy một ca trực dự báo gồm 5 người thì chỉ có 1 người tương đối có kinh nghiệm.

Sau 5 lần đưa ra các dự báo sai gây nhiều thiệt hại nặng nề như vậy cho người dân, các ông có ý kiến gì “chia sẻ” với người dân?

Trước hết tôi cũng nói đợt mưa vừa rồi nhà tôi cũng bị ngập, máy bơm bị cháy. Bà con rất quý tôi nhưng hôm đó nhiều người cũng rất bức xúc. Cái ngập vừa rồi không phải do dự báo. Nhưng nếu dự báo tốt thì sẽ sơ tán, tránh và hạn chế được một số thiệt hại.

Còn dự báo vừa qua tôi đánh giá đúng là trong 1 tháng rưỡi vừa rồi chất lượng dự báo phải nói chưa được đảm bảo. Cái đó rất đáng tiếc. Bản thân chúng tôi thực sự cũng thấy chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Nói ra câu này đau lắm nhưng phải nói với nhân dân là chúng tôi đã làm hết khả năng và trách nhiệm của mình và rất chia sẻ với thiệt hại của bà con, nhân dân.

Xin cảm ơn ông.

Phạm Tuyên thực hiện

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.