Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản

Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản
TP - Chưa có thông tin chính thức từ Đại sứ quán CH Séc tại Việt Nam về việc Cộng hòa Séc ngừng cấp visa cho người Việt Nam, song hàng chục doanh nghiệp xuất khẩu lao động và hàng ngàn lao động Việt Nam đang đứng ngồi không yên.

>> Hàng ngàn người mất những khoản tiền lớn

Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản ảnh 1
Không được cấp visa, nhiều lao động sẽ trở thành con nợ  Ảnh: Phong Cầm

Ông Nguyễn Xuân An - Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam cho biết: Thực ra, thị trường CH Séc đã ngừng hoạt động từ lâu, vì Đại sứ quán CH Séc tại Hà Nội đã cấp visa quá nhỏ giọt trong một thời gian dài.

Còn ông Nguyễn Lương Trào - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH-Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam khẳng định: Với tuyên bố ngừng cấp visa cho người Việt Nam của Chính phủ CH Séc, chưa rõ quyết định có giá trị đến hết tháng 12/2008 (do phía bạn chưa lo được khâu tổ chức để làm cho tốt vấn đề visa) hay còn vì nhiều lý do khác.

Theo ông Trào, trên thực tế, lực lượng lao động đi theo con đường chính thống của Việt Nam có đóng góp rất tích cực cho nền kinh tế của CH Séc và phía bạn vẫn rất cần lực lượng lao động này.

Nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời từ phía các cơ quan hữu quan, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Nguy cơ phá sản rất cao

Đó là nhận định của rất nhiều doanh nghiệp khi trao đổi với Tiền phong. Lý do, các doanh nghiệp đưa ra là hiện nay số lượng lao động tồn đọng chưa được cấp visa trước thời điểm Cục quản lý lao động ngoài nước ra thông báo tạm dừng tuyển mới lao động đi CH Séc (16/7/2008) là rất lớn.

CH Séc không cấp visa, đồng nghĩa với việc các Cty xuất khẩu lao động phải hoàn trả lại một khoản tiền rất lớn đã thu của người lao động để lo các chi phí trước khi lao động xuất cảnh.

Ông Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần xây dựng, dịch vụ và hợp tác lao động (Oleco) thuộc Bộ NN&PTNT cho rằng, nếu CH Séc ngừng cấp visa, các doanh nghiệp sẽ rất gay go.

Theo ông Anh, Cty Oleco hiện vẫn còn tồn đọng hơn 200 lao động chưa được cấp visa. Vừa rồi, vì việc xin visa quá khó khăn, Cty đã thông báo cho người lao động đến để hoàn trả tiền gốc và lãi.

Số tiền mà Cty thu của người lao động trong đợt một để lo các thủ tục thì Cty sẽ trả lại không vấn đề gì, nhưng phức tạp nhất hiện nay là khoản tiền mà Cty đã thu của người lao động để lo giấy phép và visa cho người lao động.

Ông Nguyễn Thanh Minh - Giám đốc Cty Vinamex (thuộc Tổng Cty Vinaconex) cho rằng, khó khăn nhất hiện nay đối với các Cty là đã lỡ đưa tiền cho các đầu nậu để chi một số khâu thủ tục.  Những khoản tiền này khi giao dịch hoàn toàn không có hóa đơn hay chứng từ gì.

“Tôi được biết, nhiều doanh nghiệp không đứng ra làm mà chỉ dắt người lao động đến giới thiệu với đầu nậu. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp đứng ra chịu trách nhiệm trước những khoản tiền lao động cũng không hề đơn giản”, Ông Minh nói.

Giám đốc một Cty xuất khẩu lao động (giấu tên) cho biết, hiện Cty đang còn hơn 600 lao động bị tắc visa. Nếu CH Séc ngừng cấp visa, Cty sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản.

Lý do mà vị giám đốc này đưa ra là: Ngoài những khoản chi chính thức, Cty còn thu các khoản ngoài luồng dựa trên “thỏa thuận ngầm” giữa Cty với người lao động. Khoản tiền ngoài luồng này dùng để chi cho các đầu nậu lo “thủ tục”.

Do đó, CH Séc ngừng cấp visa đồng nghĩa với việc Cty phải hoàn trả lại cho người lao động một khoản tiền khổng lồ.

Thị trường Séc không còn hấp dẫn doanh nghiệp

Ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Cty TNHH 1 thành viên Đào tạo và Cung ứng nhân lực quốc tế (Nosco) cho biết: Quyết định của Chính phủ CH Séc  thực sự khiến lao động Việt Nam bị thiệt thòi vì so với các thị trường khác của Việt Nam ở châu Âu, CH Séc là thị trường cho thu nhập tương đối cao và ổn định, khoảng 1.000USD/người/tháng.

Việc cấp visa cho lao động khó khăn đã diễn ra trong một quá trình dài, nên ngay từ tháng 7/2008, sau quyết định tạm dừng tuyển mới đưa lao động sang CH Séc của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cty đã chủ động chuyển hướng cho lao động sang các thị trường khác như: Bungary, Đài Loan và một số nước Trung Đông.

Một số doanh nghiệp XKLĐ lớn khác như: Cty Simco Sông Đà, Cty Airserco, Cty Cổ phần tiến bộ quốc tế AIC, Cty Việt Thắng, Cty Traenco, Cty OSC Hải Phòng… nằm trong số 34 doanh nghiệp được phép khai thác thị trường CH Séc khẳng định:

Dù đó là thị trường tốt, mức lương hấp dẫn và Cty cũng đã bỏ thời gian và tiền của lớn để đầu tư khai thác nhưng đều phải “giải tán” vì việc xin visa tại Đại sứ quán Séc quá khó khăn do nạn “cò mồi”. Việc Chính phủ CH Séc ngừng cấp visa cho người Việt Nam chắc chắn bắt nguồn từ nạn “cò mồi” này. 

Trả lời câu hỏi về việc ai sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động trước nguy cơ mất một khoản tiền lớn và một số doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, ngày 20/11, ông Đào Công Hải - Phó cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước cho biết:

"Từ tháng 7/2008, Cục đã có văn bản gửi các doanh nghiệp ngừng tuyển mới lao động đi Séc. Nếu trước thời điểm đó, doanh nghiệp nào còn có lao động tồn dư chưa xin được visa, giữa doanh nghiệp và người lao động phải thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết.

"Trong trường hợp xảy ra tranh chấp với doanh nghiệp, nếu thấy không thỏa đáng, người lao động có thể kiện ra tòa. Về thiệt hại của các doanh nghiệp, do Đại sứ quán CH Séc vẫn chưa có câu trả lời chính thức nên cần phải chờ thêm.

Khi có câu trả lời chính thức, Cục sẽ có những biện pháp hỗ trợ cần thiết. 

MỚI - NÓNG