Khơi thông dòng chảy gạo sang Lục địa đen

Khơi thông dòng chảy gạo sang Lục địa đen
TP - Lần đầu tiên, 60 nhà nhập khẩu gạo 14 nước khu vực Trung Phi (CEMAC) và Tây Phi (UEMOA) cùng 120 nhà xuất khẩu gạo của 3 nước tiểu vùng Mê Kông: Việt Nam, Lào, Campuchia đã nhóm họp để khơi thông dòng chảy gạo sang Lục địa đen.

Cuộc gặp diễn ra trong 3 ngày, tại TP Hồ Chí Minh, và bắt đầu từ hôm qua (25/11).

Khơi thông dòng chảy gạo sang Lục địa đen ảnh 1

Đại diện VCCI và Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Guinee Bissau ký hợp tác - Ảnh: Đại Dương

Cung chưa gặp cầu

Theo ông Huỳnh Minh Huệ-Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), châu Phi nói chung, Tây Phi và Trung Phi nói riêng là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam những năm gần đây.

Bình quân lượng gạo xuất sang các nước này chiếm 20-25% số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, điều nghịch lý là hầu hết số gạo Việt Nam đến các nước này không bằng con đường trực tiếp mà phải qua các nhà nhập khẩu châu Âu.

Bà Phạm Thị Thúy Tuyền-Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại An Giang xác nhận, mặc dù các DN tại tỉnh này xuất rất nhiều gạo sang châu Phi nhưng gần như chưa DN nào có hợp đồng xuất khẩu trực tiếp.

Ông Nguyễn Văn Tiến- PGĐ Cty CP XNK An Giang cũng cho biết dù Cty này đã xuất một lượng lớn gạo sang châu Phi nhưng vẫn phải thông qua một tập đoàn tại Đức.

Ông Huệ lý giải, sở dĩ có tình trạng trên là do chưa có sự tiếp cận trực tiếp giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam và DN các nước Trung Phi, Tây Phi.

Do không có quan hệ trực tiếp nên những thông tin về nhu cầu và giá cả thị trường chưa được phản ánh trung thực, lợi ích của người sản xuất và tiêu thụ cũng như các nhà xuất nhập khẩu hai bên bị cắt giảm. 

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự gián cách này, theo các chuyên gia, là do khoảng cách địa lý xa xôi khiến phí vận chuyển tăng cao, trong khi các đơn hàng thường không đủ lớn để hạ giá thành.

Quan trọng hơn cả là khâu thanh toán giữa đôi bên gặp nhiều trở ngại. Cty XNK lương thực thực phẩm Việt Phong (Tiền Giang) cũng đã xuất hàng trăm nghìn tấn gạo sang châu Phi nhưng phải thông qua một Cty tại Thụy Điển.

Bà Lê Thị Thanh Diễm- Giám đốc Cty kể, gần đây khi biết thị trường châu Phi làm ăn được, Cty đã lập trang web và giới thiệu nhu cầu xuất khẩu sang châu Phi.

Nhưng khi các DN châu Phi đặt hàng thì bà đã phải từ chối. Bà Diễm cho biết, các DN châu Phi thường mua theo hình thức CIF, không mở L/C (chứng thư trả chậm) và thanh toán trước 30%, 70% còn lại sẽ thanh toán sau khi nhận hàng.

“Như thế quá mạo hiểm, nhất là khi năng lực tài chính và khả năng thanh toán của các nhà nhập khẩu châu Phi rất hạn chế. Mặt khác, vì không có thông tin, tức không hiểu biết về các nhà nhập khẩu châu Phi nên buộc chúng tôi phải từ chối các đơn đặt hàng của họ”- Bà Diễm nói.

Khơi thông dòng chảy gạo sang Lục địa đen ảnh 2
Việc tìm thị trường xuất khẩu mới sẽ giải tỏa được gạo dư thừa ở trong nước

Cần giải tỏa những vướng mắc

Theo bà Macaria Barai- Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Guinee Bissau, nhu cầu tiêu thụ gạo của các nước Trung Phi và Tây Phi còn rất lớn, và vì vậy gạo Việt Nam với nhiều ưu thế nên rất có cơ hội để tiếp tục thâm nhập thị trường này.

Bà Macaria Barai cũng cho biết, nhu cầu tiêu thụ gạo của Guinee Bissau là 140.000 tấn/năm,  phần lớn được nhập khẩu từ Thái Lan và Ấn Độ. Trong thời gian tới nước này sẽ chuyển hướng mua 50% lượng gạo từ Việt Nam bởi những ưu thế như chất lượng phù hợp với nhu cầu của số đông người dân, giá cả hợp lý.

“Vấn đề còn lại là phải giải tỏa những vướng mắc để tiến tới đôi bên ký hợp đồng xuất nhập khẩu trực tiếp”- Bà Macaria Barai nói. Tại cuộc gặp, nhiều nhà nhập khẩu châu Phi cho biết có nhu cầu nhập khẩu loại gạo 100% tấm.

Nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam ồ lên rằng: “Không có cuộc gặp này thì làm sao hiểu được nhu cầu của bạn?”.

Đại diện VFA đề xuất tiến tới tổ chức hội nghị thương mại gạo thường kỳ hàng năm giữa hai khu vực cộng đồng Kinh tế tiền tệ Trung-Tây Phi và tiểu vùng Mê Kông để tạo điều kiện cho các DN có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin, giao dịch thương mại...

Bà Aichai A. Pouye- Giám đốc Ban hỗ trợ DN và các tổ chức, Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) nói ITC sẽ tác động để các ngân hàng Trung Phi, Tây Phi tiến tới liên kết, tạo thuận lợi cho việc thanh toán của các DN xuất nhập khẩu gạo giữa hai châu lục.

Bà Aichai cũng đề nghị DN hai bên tăng cường mở rộng quan hệ nhằm thông hiểu lẫn nhau. Trong khuôn khổ cuộc gặp lần này, Ban tổ chức đã dành hẳn một ngày rưỡi-một khoảng thời gian dài chưa từng có trong tiền lệ, để đôi bên mua và bán gạo tìm hiểu, thương thảo và ký kết hợp đồng.

MỚI - NÓNG