Nghịch lý phát triển xe buýt tại Hà Nội

Nghịch lý phát triển xe buýt tại Hà Nội
TP - Trọn gần một thập kỷ, thành phố Hà Nội ra sức “mua” thói quen đi xe buýt của người dân. Thế nhưng, khi dân đã “nghiện” xe buýt thì xe buýt lại thiếu đi sự mặn nồng. Nhà xe khổ, dân cũng khổ, doanh nghiệp đau đầu.

Một chính sách đúng đắn của Hà Nội sẽ lại tắc lối thoát, thói quen đi xe buýt của người dân sẽ lại dần bị đánh mất.

Nghịch lý phát triển xe buýt tại Hà Nội ảnh 1
Mật độ phương tiện giao thông cao cũng ảnh hưởng đến việc vận hành của xe buýt  Ảnh: Hồng Vĩnh

Xe buýt oằn mình cõng khách

Cũng vì quá tải nên hiện tượng xe buýt  bỏ   điểm dừng có chiều hướng gia tăng, đôi khi hành khách chưng hửng, thất vọng.

Theo báo cáo của Transerco, trong 9 tháng qua, Tổng Cty đã xử lý 1.800 vụ vi phạm của lái xe, bán vé, tăng 31% so với năm 2007.

Trong đó, vi phạm về thái độ phục vụ (88 trường hợp); vi phạm về dừng đỗ (267 trường hợp); vi phạm về gian lận doanh thu (406 trường hợp); vi phạm khác (861 trường hợp).

Nếu so với ngày đầu phục hồi xe buýt (năm 2002) phải thừa nhận rằng đến nay xe buýt thủ đô đã có những bước tiến vượt bậc: 350 triệu hành khách/năm; 60 tuyến buýt, phủ sóng đến 1.100 km đường của Hà Nội.

Và theo như tính toán của một số chuyên gia thì “Xe buýt đang có vai trò đặc biệt khi đảm nhận đến 15% nhu cầu đi lại của người dân, góp phần làm giảm ách tắc giao thông và thúc đẩy phát triển giao thông theo hướng hiện đại”.

Ông Nguyễn Trọng Thông, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, sau 2 tháng Hà Nội mở rộng, lượng hành khách đi xe buýt trên nhiều tuyến đã tăng vọt (có tuyến tăng gần 50%).

Nói như vậy để thấy rằng, người dân đã và đang quen với việc sử dụng phương tiện xe buýt.

Tính đến hết tháng 9/2008, toàn bộ mạng lưới xe buýt của Hà Nội đã thực hiện được 2,8 triệu lượt xe với 283 triệu lượt hành khách, trong đó Transerco vận chuyển được 262 triệu lượt khách chiếm 92,5%.

Ông Nguyễn Trọng Thông cho biết, mỗi ngày trên toàn địa bàn thành phố có 10.500 lượt xe buýt hoạt động tăng 18% so với năm 2007. Đặc biệt, tính đến tháng 10/2008 lượng khách đi xe buýt bằng vé tháng đạt cao nhất từ trước đến nay (217.000 người/tháng), tăng 24% so với trước khi Hà Nội mở rộng.

Trong khi đó, số lượng xe buýt của Hà Nội trong vài năm qua không hề tăng. Vì lẽ đó, gánh nặng hành khách ngày một đè nặng lên… xe buýt.

Theo báo cáo của trung tâm quản lý và điều hành giao thông, Sở GTVT Hà Nội sau khi Thủ đô mở rộng cả 11 tuyến buýt hoạt động liên quan đến địa bàn mới đều có mức tăng hành khách kỷ lục đạt 28% so với trước khi Hà Nội mở rộng.

Cụ thể, tuyến Hà Đông- KĐT Mỹ Đình (tuyến số 57) tăng 39%; tuyến số 2 Bác Cổ- Hà Đông- Ba La tăng 38%, tuyến số 19 Trần Khánh Dư- Hà Đông tăng 36%...

Để rồi cùng... “ cười ra nước mắt”

Lượng hành khách đi xe buýt đông đáng ra là niềm vui của nhà xe. Trái lại, cả nhà xe và hành khách đều không mấy vui vẻ.

Ông Nguyễn Trọng Thông thừa nhận, trung bình mỗi xe buýt hoạt động 18 giờ/ngày nhưng chỉ có khoảng 13-14 giờ là phục vụ tốt và số giờ còn lại có phần đi xuống. Khổ nỗi, giờ hoạt động kém lại tập trung vào giờ cao điểm. Lý do được đưa ra là xe buýt quá đông.

Để minh chứng cho cả nguyên nhân và hệ quả của “ chất lượng kém”, ông Thông đưa ra so sánh: Hệ số khai thác toàn mạng của xe buýt của Hà Nội đạt trung bình 150%, giờ cao điểm đạt 200%. Có nghĩa là một xe 60 chỗ vào giờ cao điểm phải gánh 120 khách.

Trong khi đó hệ số tiêu chuẩn của thế giới là 70% và 150%. Chỉ nhìn vào con số đó đã thấy rõ chất lượng phục vụ như thế nào. “Điều này gây bức xúc cho cả người phục vụ và người được phục vụ”- Ông Thông nói.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng chất lượng phục vụ của xe buýt có chiều hướng đi xuống là do hành khách quá đông, xe không còn chỗ đứng cho hành khách.

Bên cạnh đó, theo ông Thông, tại nhiều điểm dừng đỗ đã bị phương tiện tham gia giao thông khác bu kín nên xe buýt không thể tiếp cận được dẫn đến tình trạng bỏ điểm dừng như: điểm ĐH Quốc gia- Thanh Xuân, ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa, ĐH Thương mại, đường Lê Duẩn, điểm Cửa Nam- Điện Biên Phủ...

Một trong những nỗi khổ khi đi xe buýt đó là việc hành khách thường phải đội mưa, đội nắng chờ xe. Trong số trên 1.100 điểm dừng đỗ thì chỉ có khoảng 240 nhà chờ.

Đặc biệt, với trên 800 xe buýt hoạt động trên 60 tuyến nhưng tại Hà Nội chỉ có hai điểm trung chuyển Cầu Giấy và bến xe Kim Mã và duy nhất một đường dành riêng (trên đường Nguyễn Trãi).

Những yếu tố này đã đánh tụt chất lượng phục vụ của xe buýt và tạo ra một hình ảnh không mấy đẹp cho bức tranh giao thông Hà Nội. Cuối cùng, mật độ phương tiện giao thông cao, nhiều dự án triển khai chậm cũng ảnh hưởng đến khả năng vận hành của xe buýt.

Và không thể không nói đến đến nhận thức, thái độ phục vụ của một số công nhân bán vé và lái xe buýt còn chưa cao.

 ( còn nữa)

MỚI - NÓNG