Nước Mỹ ký sự - Bài 4

Cuộc sống trong gia đình một bác sĩ Mỹ

Cuộc sống trong gia đình một bác sĩ Mỹ
TP - Đến thành phố Paris, bang Illinois, thú thực tối hôm đầu tiên ở trong gia đình hai vợ chồng vị bác sĩ người Mỹ Dr. Reid và Carolyn Sutton này, tôi đã bị… lạc và loanh quanh mãi vẫn không tìm được lối ra ngoài, bởi ngôi biệt thự hai tầng tuyệt đẹp tọa giữa rừng này quá rộng lớn.

>> Bài 3: Cuộc sống nông dân Mỹ
>> Bài 2: Người Việt và “giấc mơ Mỹ
>> Bài 1: Chuyện nhặt ở thủ đô nước Mỹ

Cuộc sống trong gia đình một bác sĩ Mỹ ảnh 1
Ngôi nhà giữa rừng của gia đình bác sĩ Reid. Ảnh: Việt Hùng

Sáng hôm sau tôi kể lại chuyện này với Carolyn và nói đùa rằng, nhà của chị nên có biển chỉ dẫn “exit” (lối ra) như ở các khách sạn mới được.

Sở thích sống giữa thiên nhiên

Gara nhà họ có tới 3 chiếc xe hơi dành cho 3 thành viên trong gia đình: Hai xe hiệu BMW và GM của 2 vợ chồng cùng một chiếc cũ hơn hiệu Toyota của bà mẹ chồng đã 89 tuổi, đấy là chưa kể chiếc xe cắt cỏ bốn bánh. Các con của họ đều đã có gia đình và sống ở các thành phố khác.

Những hôm tôi ở đây, cứ vào lúc 8 giờ sáng lại thấy cảnh lần lượt cả 3 chiếc xe nối đuôi nhau từ gara chạy trên con đường trải nhựa quanh co ven bìa rừng lá vàng óng ả trong tiết cuối thu.

Mỗi người một việc, Reid đến Bệnh viện Paris Community Hospital làm việc, Carolyn lái xe đến một số gia đình theo lịch hẹn để chăm sóc và tư vấn sức khỏe - chị là nhân viên y tế cộng đồng (social worker) ở bệnh viện của chồng, còn bà cụ thì lái xe ra công viên gần đó để tập thể dục và sinh hoạt câu lạc bộ tuổi già.

Khái niệm “văn hóa xe hơi” cũng xuất phát từ chính đất nước này. Từ trước tới nay, số lượng xe ôtô tính trên đầu người ở Hoa Kỳ vẫn luôn cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, riêng ở bang California đã có tới gần hai chục triệu xe hơi được đăng ký. Chính vì vậy mà Hoa Kỳ cũng là nước dẫn đầu về chỉ số năng lượng trên đầu người.

Tuy nhiên, ở đất nước rộng gấp 40 lần nước Anh mà mật độ dân số lại chỉ có 27 người/km2 này, ngoại trừ mấy thành phố lớn, thì chỗ để xe vẫn chưa hề phải nghĩ tới.

Cuộc sống trong gia đình một bác sĩ Mỹ ảnh 2
Sở thích sống thâm thấp, hòa mình với thiên nhiên của các gia đình Mỹ. Ảnh : Việt Hùng

Bác sĩ Reid giải thích cho tôi về sở thích sống giữa thiên nhiên cây cối nhưng đầy đủ tiện nghi của người Mỹ, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, họ chúa ghét những tòa nhà chọc trời xám xịt, những không gian sống ngột ngạt tấp nập nơi đô thị, họ thường lui ra những bìa rừng thoáng đãng và yên tĩnh ven thành phố cách trung tâm khoảng vài chục phút chạy xe hơi.

Đến nay, Hoa Kỳ vẫn còn tới một phần ba diện tích là rừng, thậm chí 20/50 bang có diện tích rừng che phủ lên tới trên 50%. Điều này lý giải vì sao ở vùng Paris này, tôi toàn thấy những ngôi nhà “bốn mặt tiền” đều là cỏ cây hoa lá và tuyệt đối tĩnh lặng. Buổi tối thi thoảng lại thấy một vài chú nai rừng ngơ ngác trước ánh đèn pha ô tô của người dân.

Ngay từ năm 1872 của thế kỷ 19, nước Mỹ đã có luật đầu tiên về môi trường với sự ra đời của công viên quốc gia Yellowstone rộng 800.000 ha ở bang Wyoming, cho đến nay hơn 100 công viên quốc gia tương tự đã được xây dựng. Chả thế mà cái TP Paris bé xíu 9.000 dân này có tới những 11 công viên cả thẩy.

Cuộc sống trong gia đình một bác sĩ Mỹ ảnh 3
Những đàn ngỗng trời tha thẩn dạo chơi ngay phía sau những ngôi nhà người dân Mỹ vùng Paris, bang Illinois. Ảnh : Việt Hùng

Dân Mỹ có sở thích ở nhà to rộng quá sức tưởng tượng của một người sống ở Hà Nội chật chội như tôi, chắc hẳn cũng vì đất rộng người thưa. Chỉ riêng cái khu bếp và phòng ăn của bà chủ Carolyn này ước cũng đã rộng gấp đôi mặt bằng 40m2 của nhà tôi rồi.

Ngoài cái bàn bầu dục dài ngoẵng ở giữa, xung quanh là đủ thứ tiện nghi bếp núc hiện đại, dùng để ăn uống nhẹ hay tiệc đứng, còn có một cái phòng to bên cạnh dùng để ngồi ăn bữa tối thư thả, ngoài vườn còn đặt cái bếp nướng to tướng kiểu Mỹ chạy bằng gas và bộ bàn ghế dùng cho những bữa ăn ngoài trời.

Đấy là chưa kể một phòng bếp khác khiêm tốn hơn chừng 15-20 m2, cũng đủ tiện nghi dành riêng cho bà cụ ở tầng trệt, để cụ tự chế biến bữa sáng riêng cho mình trước khi lái xe đi tập thể dục cho tiện.

Bác sĩ Reid có phòng thư viện cá nhân và  phòng làm việc riêng tại nhà. Ông có sở thích nghiên cứu lịch sử - địa lý và xem tivi. Thư viện của ông có hàng trăm cuốn sách về lịch sử, địa lý khắp thế giới. Riêng thú xem tivi của ông cũng đặc kiểu Mỹ, cùng một lúc Reid thường bật cả 3 chiếc tivi loại 21 inch để cạnh nhau, 2 chiếc để xem 2 kênh thể thao mà ông yêu thích, một chiếc xem thời sự CNN.

Chả biết có phải vì bà vợ Carolyn yêu quý của ông cũng là người da màu mà vị bác sĩ da trắng dòng giống lâu đời ở xứ này lại rất nhiệt thành ủng hộ Obama. Trong câu chuyện trước bầu cử với tôi, ông đánh giá rất cao chính sách về Y tế và Giáo dục của Obama, ông lắc đầu ngán ngẩm với chính sách chăm sóc sức khỏe phi thực tế và không có lợi cho người nghèo của Mc Cain.

Trong khi đó, ở thành phố Paris khá bảo thủ và thuần chủng da trắng này, cứ nhìn những tấm biển Mc Cain – Palin cắm đầy trước cửa nhà dân, chúng tôi hiểu họ đang ủng hộ ai.

Cuộc sống trong gia đình một bác sĩ Mỹ ảnh 4
Bác sĩ Reid trong phòng thư viện tại gia. Ảnh: Việt Hùng

Trong những bữa ăn tối thân mật, Reid thường hỏi chúng tôi về dịch vụ Y tế và các bệnh viện ở Việt Nam. Khi biết về sự quá tải ở các bệnh viện và cả những khoản ngoài viện phí ở Việt Nam, Reid rất ngạc nhiên và cho biết ở Mỹ hầu hết dân chúng đều được thanh toán tiền khám chữa bệnh qua những hãng bảo hiểm, nên không thể có tình trạng này.

Reid cho biết, bệnh viện nơi ông làm việc vừa được nâng cấp vào năm 2006 với kinh phí 11 triệu USD gồm 49 giường. Nó trực thuộc một tổ chức phi lợi nhuận là Quỹ bệnh viện & Y tế Paris.

Tuy là bệnh viện nhỏ nhưng ở đây có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, một labo xét nghiệm, một trung tâm Y tế gia đình với đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại gia và một Chương trình tư vấn mang tên Healthy Choice chuyên giúp các gia đình trẻ có kỹ năng về chăm sóc sức khỏe gia đình. Trong trường hợp khẩn cấp, những ca bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển gấp lên tuyến trên bằng máy bay trực thăng.

Dân Mỹ rất quan tâm đến sức khỏe. Hoa Kỳ hàng năm chi cho lĩnh vực này khoảng trên dưới 1.000 tỷ USD, cao nhất thế giới nếu tính theo phần trăm GDP. Các doanh nghiệp Mỹ cũng thường phải chi tới 60% lợi nhuận trước thuế cho phúc lợi y tế dành cho nhân viên của họ. Trừ các doanh nghiệp rất nhỏ, còn đa số đều phải mua bảo hiểm y tế cho nhân viên theo luật định.

Tuy thế, theo một số liệu thống kê, trong thập kỷ trước Hoa Kỳ vẫn còn tới trên 33 triệu người không có bảo hiểm Y tế và khoảng nửa triệu người sống trong cảnh không nhà hàng đêm.

Nhà to nhưng vắng bóng trẻ

Chúng tôi tới Paris đúng dịp người dân ở đây đang chuẩn bị đón lễ Halloween, tất cả các ngôi nhà đều trang hoàng rất đẹp, trước cửa đặt quả bí ngô và hình người nộm. Buổi tối họ còn bật đèn vườn và treo đèn màu nhấp nháy lên cây trông rất ấm cúng và lung linh huyền ảo.

Tối Halloween 31/10, nhà vợ chồng bác sĩ Reid liên tục có những vị khách tí hon, cứ dăm mười phút lại có một toán trẻ con tới bấm chuông. Chúng ăn mặc hóa trang trông rất ngộ nghĩnh, thậm chí có đứa chơi nguyên một bộ quần áo hình đầu lâu xương chéo ghê rợn.

Reid và Carolyn đã chuẩn bị sẵn một khay bánh kẹo to tướng để mời, mỗi đứa bốc vài cái rồi lại rồng rắn nối đuôi nhau sang nhà khác. Đó là một phong tục truyền thống khá thú vị trong đêm Halloween tại hầu hết các nước Âu, Mỹ.

Chủ nhà ngồi cũng không yên với bọn trẻ, nhưng tôi thấy họ rất vui và hạnh phúc, đặc biệt là bà mẹ già của bác sĩ Reid, cụ ngồi trên chiếc ghế sôpha ngắm nghía, trò chuyện lũ trẻ mãi không thôi… Có lẽ hàng năm chỉ mỗi dịp này là cụ mới được gặp chúng. Lũ cháu nội ngoại của cụ có khi một vài năm mới ghé thăm một lần, bố mẹ chúng đều ở các bang khác và cũng không có thói quen thăm hỏi cha mẹ thường xuyên như ở ta.

Chỉ riêng chuyện cụ được sống cùng với con trai mình đã là may mắn và chuyện hiếm ở xứ này rồi. Chứ như bên nhà bà hàng xóm Norman Travis, chỉ nhõn có hai cụ và lũ chó mèo chăm nhau trong ngôi nhà rộng thênh thang kia cũng buồn lắm.

Hai phòng ở tầng dưới cũng đủ bàn ghế, giường tủ như thật, nhưng là để cho 2 con… mèo cưng của bà Norman sinh hoạt. Chồng bà Norman, ông Travis bị ung thư thanh quản phải cắt bỏ, đi lại khó khăn và có vẻ hơi lẫn, muốn nói gì lại phải ngậm cái ống thổi phù phù nghe tỉnh tai mới biết.

Bà Norman đã ngoài 70 song lại là giám đốc không lương của Chương trình khách mời quốc tế (International Visitor) ở thành phố nhỏ Paris này, nên dịp chúng tôi đến bà bận lắm, lái xe đưa chúng tôi đi khắp nơi, chỉ thương ông Travis, mấy buổi sáng liền tôi đều thoáng trông thấy ông ngồi thu lu trong… gara đợi bà về. 

(còn nữa)

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.