Lợi dụng chính sách để mưu đồ riêng

“Nghi án" cuốn băng ghi âm: Đục nước béo cò!

“Nghi án" cuốn băng ghi âm: Đục nước béo cò!
TP - Những khuất tất xung quanh cuốn băng ghi âm mà đại biểu Đặng Văn Khoa giao cơ quan điều tra làm rõ là một mắt xích quan trọng trong vụ kỳ án đẫm nước mắt kéo dài hơn 25 năm.

Theo công văn số 5174 ngày 31/7/2008 của Sở Xây dựng (XD) thông báo kết quả xác minh về giải quyết khiếu nại thì căn nhà mặt tiền số 309 Hai Bà Trưng (phường 8, quận 3) được vợ chồng ông Hướng Đào Viên – bà Chung Minh Châu bán cho ông Giáo Sính từ tháng 8/1975.

Việc mua bán đã được sự chấp thuận của UBND quận 3 (hồ sơ do Phó Chủ tịch quận Ngô Hải Tiếc ký xác nhận) và đã nộp trước bạ theo quy định.

Oan khuất bắt nguồn từ lòng tốt của ông Giáo Sính.

Tại đơn khiếu nại thứ 209, ông Giáo Sính cho biết sau khi mua nhà xong, vì lòng nhân đạo ông đã cho gia đình ông Hướng Đào Viên lưu cư lại chờ kiếm được nhà thì dọn đi.

Nhưng gia đình ông Hướng Đào Viên gồm hơn 20 người đã chiếm dụng toàn bộ căn nhà, đẩy gia đình ông Giáo Sính vào một phòng nhỏ. Ngang ngược hơn, họ tìm cách gây sự, thậm chí hành hung ân nhân gây thương tích.

Ông Giáo Sính đã nhiều lần báo với công an địa phương nhưng không được bảo vệ. Ở chung phức tạp, bản thân lại bị bệnh tim nên năm 1980, ông Giáo Sính cùng gia đình đã về An Giang nương nhờ người bác ruột để dưỡng bệnh và chờ cơ quan chức năng trục xuất gia đình ông Hướng Đào Viên ra khỏi nhà.

Không ngờ, kể từ đó, qua bàn tay đạo diễn của một cán bộ nhà đất, ông Giáo Sính mất luôn căn nhà 309 HBT.

Lợi dụng chính sách để mưu đồ riêng

Ngày 5/4/1995, UBND TPHCM bất ngờ có Quyết định số 6179/QĐ-UB xác lập quyền sở hữu nhà nước (SHNN) đối với căn nhà 309 HBT.

Căn nhà sau đó đã được giao cho ông Nguyễn Quốc Trị (SN 1952) – cán bộ Cty Quản lý Kinh doanh nhà thành phố (thuộc Sở XD), đồng thời cũng là đơn vị được nhà nước giao quản lý quỹ nhà thuộc SHNN (trong đó có nhà số 309 HBT) thuê.

Ông Trị nhanh chóng làm thủ tục hóa giá, được UBND thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đất ở ngày 23/1/1998.

Cây kim lâu ngày trong bọc cũng lòi ra. Sau nhiều năm ông Giáo Sính kiên trì khiếu nại, ngày 28/12/2007, Thứ trưởng Bộ XD Nguyễn Trần Nam đã có văn bản số 2769 gửi Sở XD TPHCM, xác định căn nhà 309 HBT thuộc quyền sở hữu của ông Giáo Sính, không thuộc diện phải xử lý theo các chính sách quản lý và cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất trước đây.

Bộ XD còn xác định ông Nguyễn Quốc Trị đã khai báo không trung thực dẫn đến việc UBND thành phố đã xác lập SHNN sai đối với căn nhà 309 HBT.

Ngoài ra, văn bản của Bộ XD còn cho biết trước khi dùng “thủ thuật” để được thuê và mua căn nhà 309 HBT, ông Nguyễn Quốc Trị đã có nhiều nhà đất khác, trong đó có căn nhà số 321/9 Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) cũng thuộc SHNN.

Bản án phúc thẩm tranh chấp ly hôn vào năm 2006 của TAND TPHCM xác định vợ chồng ông Nguyễn Quốc Trị sở hữu 4 căn nhà, 2 lô đất tọa lạc trên địa bàn TPHCM.

Giải quyết nhùng nhằng, ngư ông đắc lợi

Tuy thừa nhận đã sai và việc khiếu nại là có cơ sở nhưng công tác sửa sai của cơ quan chức năng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân thì lại hết sức khó hiểu.

Năm 2004, UBND thành phố có văn bản xin ý kiến Bộ XD về hướng giải quyết và sau khi Bộ XD có công văn 2726 đề nghị thành phố trả cho ông Sính căn nhà nói trên theo phương thức phù hợp do trường hợp trên không thuộc diện áp dụng Nghị quyết 23 của Quốc hội thì vào năm 2005, UBND thành phố lại tiếp tục có công văn…xin ý kiến Bộ XD vì cho rằng việc trả lại bằng tiền hay bằng căn nhà khác là không đúng nghị quyết này.

Năm 2006, lãnh đạo Bộ XD và UBND thành phố thống nhất giao Thanh tra thành phố và các sở ngành chức năng làm rõ hành vi sai phạm của ông Trị để xử lý theo quy định của pháp luật, sau khi có kết quả sẽ xem xét quyền lợi của ông Sính.

Sai phạm của ông Nguyễn Quốc Trị đã được cơ quan chức năng kết luận nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Trong khi đó, ông Sính phải dài cổ chờ UBND thành phố… hỏi Bộ XD về chính sách giải quyết dù rằng trong các văn bản phúc đáp, Bộ XD khẳng định quan điểm trước sau như một.

Đó là UBND thành phố phải tìm một căn nhà khác phù hợp với điều kiện của thành phố để “đền” cho nạn nhân. Gần đây nhất, sau khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố có ý kiến, tháng 8/2008, UBND thành phố mới có văn bản Sở XD phối hợp Cty Quản lý kinh doanh nhà tìm một căn nhà khác có diện tích phù hợp bố trí cho ông Sính … thuê và mua theo Nghị định 61.

Cách giải quyết nhùng nhằng trên đã khiến một số kẻ lợi dụng “đục nước béo cò” mà bằng chứng quan trọng nằm trong cuốn băng ghi âm đã được ông Đặng Văn Khoa nói rõ một phần.

Đó là có kẻ đòi ông Sính chung chi 200 lượng vàng để lấy lại căn nhà hoặc chi 600 triệu đồng để được chọn nhà đẹp và khi không đáp ứng thì ông Sính được bố trí 2 căn hộ chung cư, một ở lầu 4 và một ở lầu 14.  

“Nếu chính quyền đã nhận sai sót, cần phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xác lập SHNN đối với căn nhà nói trên và trả lại cho ông Giáo Sính, như thế mới thật sự đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân, phù hợp với pháp luật và UBND thành phố không mất thêm một căn nhà.

Cần xem xét, xử lý cá nhân và tổ chức có liên quan cố tình báo cáo sai sự thật (nếu có) để kiểm kê, quản lý nhà sai chính sách quản lý và cải tạo XHCN, làm mất uy tín của chính quyền thành phố”.

(trích Công văn số 204 ngày 2/10/2007 của Thường trực UBMTTQ TPHCM)

MỚI - NÓNG
Điều chưa biết về di sản tư liệu cửu đỉnh Hoàng cung Huế vừa được UNESCO ghi danh
Điều chưa biết về di sản tư liệu cửu đỉnh Hoàng cung Huế vừa được UNESCO ghi danh
TPO - Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là bộ sưu tập gồm 9 đỉnh đồng hay còn gọi là cửu đỉnh, do vua Minh Mạng cho đúc năm 1835. Các chuyên gia nhấn mạnh những bản khắc này được coi là "Địa dư chí lược" của Việt Nam đầu thế kỷ 19 được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với hàng trăm họa tiết được chạm nổi tinh xảo.