Xung quanh chuyện vinh danh của Viện Tiểu sử Hoa Kỳ

Kỳ 1: Được vinh danh hay mua danh?

Kỳ 1: Được vinh danh hay mua danh?
TP - Phải bỏ ra gần 200 USD để có cuốn sách “Những trí tuệ lớn thế kỷ 21”; phải mất 295 USD để có một kỷ niệm chương treo tường của giải “2007 Gold Medal for the United States” sau khi được Viện Tiểu sử Hoa Kỳ (ABI) vinh danh...

Một người từng nhận được thư mời ghi danh vào danh sách đó cho biết.

“Ngoài kỷ niệm chương, cuốn sách vinh danh tên tuổi sự nghiệp của anh, và một vài thứ khác mà tôi không nhớ rõ, chi phí lên gần 1.000 USD”, GS.TS Dương Quốc Việt, Trưởng bộ môn Đại số, Đại học Sư phạm Hà Nội, người từng nhận được thư mời vinh danh trong danh sách “Những trí tuệ lớn thế kỷ 21”, thổ lộ.

Gần đây nhất, khoảng tháng 4/2008, bác sĩ Đỗ Gia Cảnh, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, được thông báo ABI bầu chọn ông làm “Nhân vật của năm 2008 về lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe”.

BS Cảnh không đồng tình với ý kiến của GS.TS Việt. Trước thông tin cho rằng hoạt động bầu chọn của ABI chỉ là một cách kinh doanh bằng cấp, BS Cảnh nói: “Nếu bảo ABI là nơi kinh doanh bằng cấp, giải thưởng, thì cứ thử bỏ tiền đăng ký xem họ có gọi anh không. Với lại, đây không phải là giải thưởng. Nó là bầu chọn”.

BS Đỗ Gia Cảnh, còn là Phó Tổng Thư ký Hội Y tế Dự phòng Việt Nam, cho biết thêm:

“Sau khi nhận được thư mời đề cử làm “Nhân vật của năm 2008”, tôi dành trọn ba ngày để nghiên cứu thông tin trên mạng của Viện Tiểu sử Hoa Kỳ. Tôi được biết đây là một trong hai viện hàng đầu thế giới về nghiên cứu tiểu sử của những người có đóng góp xuất sắc cho cộng đồng thế giới. Được ABI bình bầu đều là những người xuất sắc như Kofi Annan, vợ chồng Clinton…”.

Nhớ lại nhiều năm về trước, hàng loạt nhân vật có tiếng ở Việt Nam cũng được ABI vinh danh như luật sư Ngô Bá Thành, GS.TS Trần Văn Trường - Chủ tịch Hội Răng - Hàm - Mặt Việt Nam, GS Trần Quốc Vượng, GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn…

Trả lời câu hỏi “Vậy có hay không việc người được bầu chọn vẫn phải bỏ tiền mua sách và mua kỷ niệm chương?”, BS Cảnh giải thích: “Bầu chọn là một chuyện, xuất bản lại là chuyện khác. Muốn có lưu niệm, huy chương gắn ở ngực thì phải bỏ tiền ra mua thôi. Bên ấy (ABI), họ sòng phẳng”.

Không rõ do sòng phẳng hay còn vì lý do gì mà giá huy chương treo tường được ABI giảm từ 395 USD xuống còn 295 USD, được diễn giải bao gồm phí chạm trổ, đóng gói và vận chuyển.

Cái giá này được đưa ra trong phần “Đặt trước huy chương vàng ưu tiên” (Priority Gold Medal Reservation) - mặt sau của lá thư từ ABI gửi cho một người tên Tom David ở Zuerich, Thụy Sỹ.

Vấn đề là nếu không bỏ tiền ra mua sách, mua kỷ niệm chương, mua huy chương…, người nhận được thư mời vinh danh cũng không biết mình có được vinh danh hay không dù người đó có tên trong danh sách đề cử. Danh sách bầu chọn không được công bố.

Nếu không có bằng chứng chứng nhận sự bầu chọn (sách ghi danh, huy chương, kỷ niệm chương...), sự vinh danh chỉ được xác nhận trên giấy, trong những lá thư mời nhận bầu chọn na ná giống thư mà ông (hoặc bà) J.M.Evans - Chủ tịch ABI - gửi họ mà thôi.

GS.TS Dương Quốc Việt, sau khi nhận được đề nghị bỏ ra gần 1.000 USD để mua thứ này, thứ kia, đã không gửi tiền. Thay vào đó, ông chỉ gửi sơ yếu lý lịch đến cho ABI. “Còn họ có vinh danh tôi hay không thì tôi không biết”, vị giáo sư toán học thở dài.

41.800 “trí tuệ lớn thế kỷ 21”

Trong cuốn “Những trí tuệ lớn thế kỷ 21” xuất bản năm 2006-2007 tôi được mục kích, mục lục tên người được vinh danh có tới 2.508 nhân vật. Trong danh sách này không có tên GS.TS Dương Quốc Việt.

Ngay cả một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực răng-hàm-mặt - người bỏ tiền mua hai cuốn sách này - cũng mất thời gian tìm kiếm tên mình trong cuốn sách khá lâu mà không chỉ ra được tên ông trong trang nào.

Vị giáo sư lắc đầu rồi nói với phóng viên: “Chắc chắn là có thôi”. Trong phần mục lục xếp theo thứ tự abc ở trang 16, một cái tên nước ngoài Tan Teng Kee, cùng vần T với ông, được lặp lại hai lần ở hai vị trí xa nhau.

Xuất bản năm 2006-2007 có nghĩa là việc bầu chọn trong cuốn sách chấm dứt trong năm 2006. Sáu năm đầu thế kỷ 21, có tổng cộng 2.508 người được vinh danh trong cuốn sách.

Vậy trong 94 năm còn lại của thế kỷ 21, bao nhiêu người tiếp theo sẽ được bầu chọn? Nếu tính trung bình mỗi năm ABI bầu chọn 418 người, cả thế kỷ 21, thế giới sẽ có 41.800 trí tuệ lớn? Đấy là chưa kể những bầu chọn khác có cái tên na ná giống thế như “2.000 trí thức nổi tiếng thế kỷ 21”, “2.000 nhà khoa học nổi tiếng thế kỷ 21”, “Những nhà khoa học nổi tiếng thế kỷ 21”, “Những phụ nữ vĩ đại thế kỷ 21”, “Những người nổi tiếng thế kỷ 21” …

Trước thông tin đăng tải trên báo chí có nhiều nhân vật Việt Nam trong lĩnh vực y tế, toán học... được một viện tiểu sử tầm cỡ quốc tế như ABI bầu chọn, nhiều người đặt dấu hỏi, phải chăng những lĩnh vực này ở Việt Nam đã phát triển tới mức được cộng đồng quốc tế thừa nhận?

(Còn nữa)

Kỳ 2: Danh hiệu còn nhiều nghi vấn

MỚI - NÓNG