Ngư cụ ngoại lai càn quét đầm phá Tam Giang

Ngư cụ ngoại lai càn quét đầm phá Tam Giang
TP - Ngư cụ ngoại lai nguồn gốc Trung Quốc gây hủy diệt và cạn kiệt nguồn lợi thủy sản đang tràn ngập vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Ngư cụ ngoại lai càn quét đầm phá Tam Giang ảnh 1
Cá tôm trên đầm phá Tam Giang ngày càng hiếm hoi

Mặc dù chính quyền các xã liên tục cảnh báo, kiến nghị với ngành chức năng, nhưng hoạt động khai thác thủy sản bằng ngư cụ Trung Quốc vẫn diễn ra ồ ạt và bị thả nổi trên vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, nhiều loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

Mặc sức càn quét cá tôm

Nghề lừ xếp (còn gọi là lờ) có xuất xứ từ Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chóng mặt trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, rộng 216km2, kéo dài hơn 70km.

Tại tất cả 31 xã, thị trấn ven phá, hiện có hàng nghìn ngư dân sử dụng loại ngư cụ ngoại lai này để càn quét cá tôm. Mỗi địa phương có từ 30 - 200 hộ dân làm nghề lừ.

Bình quân mỗi gia đình sắm từ 50 - 150 tay lừ để sử dụng đánh bắt cá tôm thường xuyên. Chỉ riêng ở một thôn nhỏ chỉ với trên 100 hộ dân như Đông Hải, xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) đã có 61 hộ gia đình làm nghề lừ xếp.

Xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền) cũng là một trong những địa phương phát triển nghề lừ khá rầm rộ. Nhà nhà đều sắm lừ để thay thế các phương tiện đánh bắt cá truyền thống.

Cụ Nguyễn Lai, năm nay đã ngoài 70 tuổi, ở thôn Trung Làng cho biết: “Gần hai năm nay, 100 hộ ngư dân trong xã Quảng Thái đã chuyển qua mưu sinh bằng nghề lừ. Việc đánh bắt hàng loạt loài cá tôm bằng lừ rất hiệu quả, không phải lén lút như khi sử dụng các ngư cụ bị cấm khác”.

Thời gian trước, lừ sử dụng trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có mắt lưới rộng từ 1,8 - 2cm, nhưng gần đây, để có thể “vét” hết tất cả các loại tôm cá to nhỏ, nhiều ngư dân đã nảy ra “sáng kiến” cải tiến mắt lưới xuống còn 0,8 - 1,2cm, bằng với mắt lưới mùng mang tính hủy diệt, vốn từ lâu đã bị cấm.

Ngoài những tính năng “ưu việt”, dễ sử dụng, hiệu quả đánh bắt cao, lừ Trung Quốc còn có giá thành phải chăng. Chỉ cần bỏ ra 150.000 -180.000 đồng là có thể sắm được một tay lừ xếp dùng đánh bắt cá tôm liên tục trong 3-4 năm.

Do lừ xếp được sử dụng quá mức, cường lực đánh bắt cá tôm gia tăng chóng mặt, nên chỉ sau một thời gian ngắn, sản lượng thủy sản khai thác được trên đầm phá đã giảm rất nhanh.

Theo ông Nguyễn Đình Ngọt, trước đây, một đêm đặt lừ xếp, ít lắm mỗi hộ dân ở Lộc Trì cũng kiếm được trên 100.000 đồng tiền tôm cá, nhưng nay đã giảm xuống chỉ còn 20.000 - 40.000 đồng, do có quá nhiều người làm nghề lừ. Các nghề lưới truyền thống trên phá Tam Giang đang có nguy cơ giải nghệ do tôm cá cạn kiệt.

Cơ quan chức năng lúng túng

Ngư cụ ngoại lai càn quét đầm phá Tam Giang ảnh 2
Sau khi được cải tiến mắt lưới, lừ xếp càng tăng tính hủy diệt

Theo ông Văn Vinh - Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, lừ Trung Quốc là loại ngư cụ có tính hủy diệt, được ngư dân sử dụng ở bất cứ vùng đầm phá, sông ngòi, khe lạch, hồ ao nào còn tồn tại tôm cá.

Các ông Nguyễn Văn Bĩnh, Nguyễn Bá Tán - lãnh đạo các xã Quảng Công (Quảng Điền), Phú Diên (Phú Vang) - cũng có chung nhận định như ông Văn Vinh. Chính quyền các xã đã nhiều lần phản ánh lên các cấp có thẩm quyền, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có cơ quan nào đưa ra chính sách quản lý cụ thể.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh - thì khẳng định, nghề lừ không nằm trong danh mục phương tiện đánh bắt hủy diệt thủy hải sản bị cấm; tuy nhiên, sự phát triển rầm rộ của nghề này được xem là phương pháp khai thác quá mức.

Đặc biệt, nhiều ngư dân đang cải tiến mắt lưới của lừ nhỏ hơn kích cỡ ban đầu sẽ dẫn đến nguy cơ làm cạn kiệt dần các nguồn lợi thủy hải sản trên đầm phá.

Trong lúc nghề lừ xếp vẫn hoạt động tràn lan, chưa bị ngành chức năng nghiêm cấm và đang gây ra những tác động xấu cho nguồn lợi thủy sản, nhiều chi hội nghề cá các xã ven đầm phá đã cố gắng vận động ngư dân không chạy đua mua sắm lừ ngoại để khai thác, đánh bắt quá mức nguồn lợi thủy sản.

Các chi hội nghề cá cũng đã tạm thời đưa ra quy định khống chế số lượng lừ xếp sử dụng trong mỗi hộ ngư dân. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa được những người chuyên sống dựa vào cá tôm đầm phá chấp hành triệt để.

Lừ Trung Quốc có khung thép, được bao bọc bằng lưới hình chữ nhật dài 7- 10m. Dọc theo thân lừ có nhiều cửa để cá tôm đi vào, rất thuận tiện và hiệu quả khi đánh bắt thủy hải sản.

Khác với các ngư cụ truyền thống, lừ xếp có thể sử dụng bất cứ thời gian nào trong ngày, giăng thả ở tầng đáy đầm phá, trong mọi điều kiện thời tiết, dù là mưa to gió lớn.

Đặc biệt, đối tượng thủy sản bị thu hút rất đa dạng, ở mọi môi trường nước. Ngay cả ba ba, rùa, ếch, ốc, trai, sò cũng bị “dính” lừ Trung Quốc một cách kỳ lạ.

Do đó, nhiều người dân lo ngại rằng, lừ xếp Trung Quốc có thể được tẩm bởi một loại chất nhử bí ẩn thu hút mạnh mẽ vô số loài thủy sinh, có khả năng tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho môi trường.

MỚI - NÓNG