Nông dân tái nghèo, tìm đâu lối ra? - bài 2

Nông dân tái nghèo, tìm đâu lối ra? - bài 2
TP - Lao động chính ở nông thôn bủa ra thành phố trước cơn bão giá, lại thất nghiệp, nguy cơ tái nghèo không còn xa...

>> Bài 1

Thất nghiệp lần hai, tái nghèo hiện hữu

Nông dân tái nghèo, tìm đâu lối ra? - bài 2 ảnh 1
Không có việc, cửu vạn tính chuyện về quê.

Ế ẩm chợ lao động

Đoạn dốc Bưởi cắt đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) dài chừng 100m, có tới 70-80 lao động đứng ngồi thấp thỏm. Họ là những nông dân đến từ nhiều xã của huyện Yên Thành (Nghệ An); các huyện Quảng Xương, Hoằng Hoá (Thanh Hoá); Nam Trực, Hải Hậu (Nam Định), Đông Hưng (Thái Bình).

Anh Lê Duy Hùng, 36 tuổi (xã Lăng Thành - Yên Thành) co ro bên đống lửa khói hun mù mịt. Khuôn mặt anh hốc hác. Hùng nói: “Cuối năm nhưng công việc rất ít, lâu lâu mới có khách qua đường gọi dọn văn phòng, chuyển đồ... Việc làm ít, anh em lại đông, chia phần ra thì cũng không được mấy đồng”.

Nhà có sáu người, được 2,8 sào ruộng, thuê mượn thêm thành hơn năm sào. Vợ chồng cày cấy hai mùa vẫn không đủ gạo tiền cho con ăn học. Khó khăn quá, phải tìm mọi cách kiếm thêm. Mấy năm trước, nhất là dịp cuối năm, làm không hết việc, tiền kiếm cũng đủ tiêu Tết.

Nguyễn Công Nghĩa, 23 tuổi (xã Mã Thành - Yên Thành) lại có hoàn cảnh khác. Nghĩa học hết cấp 3, thi trượt đại học, làm công nhân mỏ chưa đầy một năm thì mất việc, sau đó theo các anh trong xóm ra đây làm cửu vạn.

Hơn tháng nay, có ngày được, ngày không, chắt chiu lắm mới đủ miếng ăn và tiền thuê nhà trọ. “Mỗi ngày mất 7.000 đồng thuê nhà trọ; bữa cơm cũng tăng lên 17.000 - 18.000 đồng.

Hôm nào thêm chén rượu, trà, điếu thuốc chúng tôi cũng mất ngót nghét 50.000 đồng rồi. Như thế, ngày nào không kiếm được thì xem như móm. Hai ngày nay, em ghi nợ ở quán cơm rồi” - Nghĩa kể.

Mấy chị cửu vạn đến từ Đan Phượng, Đông Anh (Hà Nội) vừa ăn đĩa cơm trưa lèo tèo vài cọng rau, miếng thịt thái mỏng vừa chăm chú quan sát chờ người thuê.

Chị Thơm (35 tuổi), quê Đan Phượng: “Mọi năm vào thời điểm này, công việc nhiều, làm không xuể. Thế mà năm nay chả thấy ma nào thuê cả”. Đồng cảnh với chị Thơm, chị Nguyễn Thị Nga, ở Đông Anh ngày nào cũng đạp chiếc xe cà tàng với đôi, quang gánh lên đây tìm việc. Nhưng mấy ngày nay chưa kiếm được đồng nào...

Bên kia đường, anh Nguyễn Văn Thành, 30 tuổi (Hải Thịnh, Hải Hậu, Nam Định) đang ngồi trầm ngâm. Chốt ở dốc Bưởi hơn sáu năm, Thành chưa bao giờ thấy khó khăn như lúc này.

Tái nghèo

Anh Thành về quê như rất nhiều người trong nhóm. Chúng tôi bám theo anh về quê. Chuyến xe khách nhồi nhét chật ních dường như xa hơn. Thành dẫn tôi ra đồng xem lại mấy thửa ruộng của nhà anh trước đây, giờ đã là của người khác.

“Vợ tôi ốm nặng, không tiền chữa chạy nên tôi phải để lại hơn ba sào cho người xóm trên. Giờ đây không biết lấy đất nào mà cấy lúa...” - Bữa cơm với đĩa rau muống luộc vàng quạch, hai miếng đậu phụ, mấy con cá khô kho mặn. Nhìn hai đứa con ngấu nghiến ăn, Thành lo chưa biết sắp tới sẽ làm gì.

Tại thôn Văn Xá, xã Ngô Quyền (Thanh Miện - Hải Dương), theo ông Nguyễn Hồng Phòng - Bí thư Chi bộ thôn, trong số 520 hộ ở Văn Xá có nhiều hộ thu nhập chưa đến 200.000 đồng/người/tháng; số thanh niên không có việc làm lên tới cả trăm.

Làm ruộng không đủ ăn nên lúc nông nhàn, nhiều thanh niên bỏ quê ra phố kiếm việc. Thế nhưng, nay họ lại phải quay về, vì làm cửu vạn không đủ nuôi sống họ nơi đô thị, khi mà giá cả tăng cao, thu nhập lại bấp bênh. Hoàng Kim Dương, 22 tuổi (thôn Văn Xá) là một ví dụ.

Học hết cấp 2, Dương bỏ học rồi đi làm tại xưởng cơ khí ở Gia Lâm (Hà Nội), sau đó bỏ ra ngoài đi làm cửu vạn. Mấy tháng gần đây, việc ít, thu nhập phập phù, Dương đành quay về quê. Dương cũng muốn thâm canh trên mấy sào ruộng nhưng vốn không có, lại không được ai hướng dẫn kỹ thuật, định hướng đầu ra.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG