Người nghèo cũng có thể dùng

Nhân, nuôi kiến gai đen: Xuất khẩu?

Nhân, nuôi kiến gai đen: Xuất khẩu?
TP - Thành công trong việc nghiên cứu và chiết xuất sản phẩm bổ dưỡng từ trứng kiến gai đen, các nhà khoa học kỳ vọng có thể phát triển một ngành công nghiệp kiến gai đen.

Một vài nơi trong nước đang thử nghiệm nhân nuôi bán tự nhiên loài côn trùng này.

Theo PGS.TS Dương Anh Tuấn, Trưởng phòng Sinh dược và Hóa bảo vệ thực vật (Viện Hóa học – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), hiện nay Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang phối hợp với Cty Phú Tịnh nhân nuôi thử nghiệm kiến gai đen ở hai địa phương là Phú Thọ và Bắc Giang.

Huyện Thanh Ba (Phú Thọ) là địa phương đầu tiên triển khai nuôi kiến theo hình thức bán tự nhiên. Đây là nguồn cung cấp chính mặt hàng trứng kiến gai đen phục vụ cho công tác nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam từ nhiều năm nay.

Số lượng trứng kiến nuôi bán tự nhiên và tự nhiên ở địa phương có thể đạt vài tấn/năm. Trong khi đó, Bắc Giang mới đưa vào nuôi kiến thử nghiệm và cho thu hoạch vụ đầu vài tạ trứng kiến.

PGS Tuấn từng đi thực địa nhiều vùng rừng trong cả nước và nhận thấy tiềm năng nuôi kiến gai đen là rất lớn. Ở Việt Nam, kiến gai đen đã được tìm thấy ở nhiều tỉnh miền Bắc như Phú Thọ, Bắc Giang, Yên Bái… và nhiều tỉnh miền Trung.

“Nơi nào có rừng là nơi đó có kiến gai đen”- TS Tuấn cho biết. Loài kiến này được ghi nhận là rất dễ tính. Chúng có thể sống trên các loại cây như luồng, tre, xoan, trẩu…

Việc nhân nuôi bán tự nhiên kiến gai đen đồng nghĩa với việc phủ xanh rừng, mang lại nguồn gỗ tự nhiên và tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con nông dân miền núi.

“Nhiều nơi ở một số tỉnh phía Bắc thường dùng trứng kiến gai đen để chế biến món ăn như mướp đắng xào trứng kiến, xôi trứng kiến, rượu trứng kiến. Một lượng lớn trứng kiến gai đen vẫn được đồng bào dân tộc bán qua cửa khẩu Tân Thanh sang Trung Quốc.

Qua chế biến, sản phẩm từ trứng kiến từ Trung Quốc lại được xuất đi các nước khác với giá rất cao tới 5.000 USD/kg. Với việc nhân nuôi quy mô lớn, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được nguồn nguyên liệu trứng kiến để phục vụ nhu cầu trong nước, đồng thời xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới” - PSG Tuấn cho biết.

Hiện nay, các nhà khoa học đang có kế hoạch bán các sản phẩm chiết xuất từ trứng kiến gai đen sang thị trường Trung Quốc, Nga và một số nước châu Âu.

Người nghèo cũng có thể dùng

Do hiện nay, nguồn nguyên liệu kiến gai đen vẫn còn nhỏ lẻ, chỉ đủ phục vụ công tác nghiên cứu, nên sản phẩm bột chiết xuất từ trứng kiến gai đen chưa được nhiều người biết đến và nếu mua được, giá thành cũng rất cao.

Một hộp BROCURMA T-K do Cty Green Valley độc quyền với Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam hiện được rao bán trên mạng với giá 1 triệu đồng dưới dạng bột. Viện Khoa học Công nghệ cũng sản xuất và bán chủ yếu cho cán bộ của viện với mẫu mã đơn giản hơn.

“Nguyện vọng của chúng tôi là mọi người dân, nhất là người nghèo, đều có cơ hội sử dụng sản phẩm này để tăng cường sức khỏe. Chúng tôi có công nghệ và chất xám, nhưng để phát triển được việc nuôi kiến thành một ngành công nghiệp, có thể xuất khẩu sang các nước khác thì rất cần sự phối hợp của cơ quan quản lý trong việc xác định, quy hoạch nguồn nguyên liệu và đầu tư vốn” – PSG Tuấn cho biết.

Nhóm nghiên cứu cho hay, thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và đưa ra các sản phẩm mới. Chẳng hạn như thực phẩm chức năng từ trứng kiến gai đen và tảo, trứng kiến gai đen và tật lê, ngài đực tằm v.v…

Việc tăng hàm lượng axit amin trong trứng kiến cũng được xem xét bằng điều chỉnh bằng nguồn thức ăn nếu được nhân nuôi công nghiệp theo dạng bán tự nhiên.

“Có thể mở nhà máy nuôi kiến, nhưng tôi khuyến khích nuôi theo mô hình bán tự nhiên, như thế sẽ giữ được các yếu tố tự nhiên của chúng. Ta có thể can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật như tăng mật độ để cùng một diện tích có thể thu được sản lượng cao hơn và tăng thêm thức ăn” – PGS Tuấn nói.

Mong muốn của các nhà khoa học là mở rộng việc nuôi kiến thành một công nghiệp, một ngành kinh tế. Có thể mở rộng ra các vùng Yên Bái, Bắc Giang và một số địa phương khác.

Hiện nay, Vườn ươm Doanh nghiệp trẻ Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã có dự án cấp mặt bằng và thiết bị để mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm từ trứng kiến gai đen.

MỚI - NÓNG