Nhiều nhà báo dỏm

Nhiều nhà báo dỏm
TP - Một nhân viên từng phụ trách lĩnh vực giao tế nhân sự đã bị cấp trên trừ lương vì tổ chức một cuộc họp báo cho công ty nhưng mời nhầm đến gần 20 nhà báo dỏm. Ấm ức, anh theo đuổi điều tra và đưa hình ảnh bảy nhà báo dỏm lên mạng Internet.
Nhiều nhà báo dỏm ảnh 1 Nhiều nhà báo dỏm ảnh 2 Nhiều nhà báo dỏm ảnh 3
Các đối tượng bị tố cáo giả danh nhà báo. Ảnh: Hữu Vinh

10 năm giả danh

Những hình ảnh này được chúng tôi mang đi đối chiếu với các đồng nghiệp và tất cả đều có chung nhận xét: trông quen và gặp nhiều lần ở các cuộc họp báo.

Ngày 7/1, Cục An ninh bảo vệ Nội bộ Văn hóa Tư tưởng (A25) cũng cho Tiền Phong biết, một trong bảy người có trong danh sách tố cáo trên từng bị cơ quan này lập biên bản làm việc từ năm 1999. Khi đó anh ta sử dụng thẻ công tác "Đặc phái viên" của báo Diễn đàn Doanh nghiệp (DĐDN) tại văn phòng đại diện phía nam (VPĐD).

Chúng tôi đối chiếu hình ảnh nhà báo dỏm tên Nguyễn Đức Khải bị tố cáo trong thư điện tử "bụng bự, có râu mép, đi chiếc mô tô cà tàng…giả danh nhà báo ít nhất trên 10 năm…" với Đặng Đức Khải (SN 1959), đối tượng của A25, giống như đúc. 

Ở thời điểm đó, Đức Khải dùng thẻ "Đặc phái viên" tại văn phòng đại diện phía Nam của một tờ báo là do có sự giúp sức của ông Nguyễn Phương Minh - cộng tác viên (chuyên thực hiện ký hợp đồng tài trợ, quảng cáo) của báo này.

Ông Minh đã in, đánh máy và dán ảnh sẵn vào thẻ trên và Khải ra thẳng đường Phạm Hồng Thái, quận 1 (nơi chuyên khắc dấu, làm bảng tên…) đặt làm con dấu giả của VPĐD báo báo này và giả chữ ký của người phụ trách trị sự của báo thuộc đơn vị này ký vào thẻ.

Đức Khải làm bảng tự kiểm với A25 và thừa nhận sai phạm, nộp hai con dấu giả cùng với thẻ "Đặc phái viên" cho A25. Cơ quan an ninh lập biên bản cảnh cáo đối với Đức Khải.

Đau đầu nhà quản lý lẫn doanh nghiệp

Nhân vật thứ hai được đề cập trong danh sách tố cáo có tên Thu Hương, tên gọi khác là Thu Thảo. Nhà báo Trần Xuân Thái - Thời báo Kinh tế Việt Nam cho biết, anh phát hiện nữ nhà báo dỏm này dùng danh thiếp của cơ quan anh với bút danh Hoài Hương để dự cuộc họp báo hội chợ người Hoa ngày 9/11/2008. Nhà báo Xuân Thái đi sau bà này và việc giả mạo của bà Hương bị vạch mặt.

Những trường hợp mạo danh nhà báo trà trộn vào các buổi tiệc tiếp tân, họp báo vào cuối năm diễn ra theo chiều hướng tăng. Các doanh nghiệp biết điều này nhưng không ngăn chặn được.

Các cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện ra nhiều trường hợp cũng chỉ thấy ở mức độ “vừa phải” chứ chưa gây hậu quả lớn để xử lý hình sự.

Đó là lý do vì sao, nạn giả danh nhà báo để kiếm phong bì và quấy rối doanh nghiệp như cơm bữa hiện nay.  

Một số vụ giả danh nhà báo gần đây

- Đêm 3/1, tổ trinh sát hình sự đặc nhiệm CA quận 1 (TPHCM) đã bắt  giữ T.V.A.D (30 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú phường Đông Hưng Thuận, quận 12) - phóng viên tập sự một tờ báo, để làm rõ hành vi liên quan tới việc sử dụng xe gắn máy không rõ nguồn gốc và giả danh phóng viên một số báo, trong đó có báo Công an TPHCM và Công an nhân dân.

- Ngày 24/11/2008, CA huyện Trảng Bàng, Tây Ninh khởi tố, bắt giam Bùi Quốc Cảnh (trú tại Giồng Trôm, Bến Tre) về hành vi giả danh phóng viên Tạp chí Thanh tra để ký hợp đồng tuyên truyền đăng tên tạp chí Thanh Tra. Sau khi lấy thông tin viết tuyên truyền về xã Phước Lưu, Cảnh đã vòi ông Trần Quang Khải Chủ tịch UBND xã này 600.000 đồng.

- Tháng 12/2008, Tiền Phong cũng phản ánh nhiều trường hợp giả danh phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam xảy ra tại Tây Ninh, Tiền Giang…

MỚI - NÓNG