Hai gương mặt thơ lạ đương đại

Hai gương mặt thơ lạ đương đại
TP - Giải thưởng thơ Bách Việt lần thứ Nhất 2008 dự kiến sẽ được trao vào sáng 10/1/2009 tại Hà Nội. Hai ứng cử viên còn lại là Nguyễn Thế Hoàng Linh (Hà Nội) và Đỗ Trí Vương (TP Hồ Chí Minh).

Đọc qua “Mỗi quốc gia một thành phố của thế giới”, chú ý ngay thơ Linh có những bài ngồ ngộ như đồng dao. Không là kỹ thuật ngôn từ, mà là cách cảm nhận thế giới trong trẻo như qua mắt trẻ: con khủng long qua phố/ cũng lót đệm vào chân/ chim gõ kiến ăn đêm/ đeo cao su vào mỏ/ cây vặn nhỏ tiếng gió/ dế ngừng rock nhố nhăng/ con gián bị sâu răng/ chạy ra xa rên rỉ/ máy tính cũng tế nhị/ nhắc quạt vỗ cánh êm... (Thế giới ru – 08).

Chất đồng dao này có mặt trong toàn bài “Bài ngày 05.05.08 V”: vui lên/ như nắng cởi truồng/ như mưa mặc lá/ như đường mặc xe/… vui lên/ như từ triền đê/ lao thân xuống một thỏa thuê nước lành/ vui lên vì sẽ qua nhanh/ còn tha hồ lúc để tranh thủ buồn.

Lại nói về ngôn ngữ trong thơ Linh, cũng là một điểm mạnh của chàng nhà thơ sinh năm 1982 này. Đó là một thứ ngôn từ như đi thẳng từ miệng vào trang giấy, và thẳng từ ngoài đường vào nhà xuất bản. Thứ ngôn từ của giới trẻ ngày nay, tràn ra từ chat và các trang diễn đàn mạng.

áp tai vào từng blog/ bạn sẽ thấy biển/ trong từng con ốc (Chùm thơ cho ngày 05.06.07) hoặc: hết trò/ tua ngược bài thơ/ mực đi vào bút/ thời giờ freestyle (Bài ngày 05.05.08 VIII).

Thứ ngôn ngữ của những “bi h” (bây giờ), “người Pháp phiếc”, của kiểu liên tưởng: người đi trên phố như dữ liệu/ download vào trong trái tim này/ những folder cứ đầy lên mãi...

Nhưng cảm giác trò chơi ngôn ngữ này giờ đây không còn tươi tắn như xưa. Có lẽ bởi vì người chơi đã “khôn” ra nhiều quá. Anh đã biết tự ý thức: rồi hậu thế sẽ cười tôi/ (...) sẽ cười tôi nhu nhược/ sẽ cười tôi ngộ nhận/ sẽ cười tôi giả dối/ (...) sẽ cười tôi vờ tự cười mình (Nồng độ của cái cười). Anh tỉnh táo định vị thơ nằm đâu đó ngoài con chữ/ (...) / tự do vì chẳng đuổi theo gì (Thơ nằm đâu).

Trong tập thơ này, còn một số bài Nguyễn Thế Hoàng Linh muốn tự đổi mới mình. Bài “Chúng ta hãy liệt kê” là một ví dụ. Có lẽ tác giả định “chơi” lối viết khô khan như trong một giáo trình hoặc tài liệu – kiểu chơi hậu hiện đại, nhưng chính tính duy cảm đã cản trở anh, khiến bài thơ trở thành khiên cưỡng, không đạt.

Điều này cũng thấy trong lối lập luận sau: sống trên đời luôn là để trả giá/ cho cả cái thiện lẫn cái ác/ và những thứ nằm đâu đó quanh chúng/ chứ còn gì nữa/ cả nể ăn no căng rồi đau bụng là thiện hay ác (Trả giá - 07). Tính hồn nhiên vẫn còn, vốn là thế mạnh của Nguyễn Thế Hoàng Linh thời kỳ đầu, đã phản lại anh khi anh muốn “lập lý”!

Có lẽ Linh và thơ anh còn biến đổi, đây là lẽ tự nhiên. Và thời điểm này có lẽ Nguyễn Thế Hoàng Linh như đang loanh quanh trên một bùng binh giữa ngã tư đường.

Đỗ Trí Vương - “Thức ăn” của một người viết trẻ

Hai gương mặt thơ lạ đương đại ảnh 1
Đỗ Trí Vương

“Thức ăn của ngày hôm nay” có lẽ là thực-đơn-thơ của một người viết trẻ, rất trẻ và cũng rất khác biệt... Không ồn ã, không giả bộ khiêm nhường hay vờ kìm nén cảm xúc, tác giả đã bày biện thật chậm rãi, thật từ tốn mỗi một cảm nhận của mình về thế giới xung quanh, trời đất một ngày thường, những ước muốn của linh hồn và thân xác, cảm nhận về cỏ cây, chim chóc, tĩnh vật và chiêm bao...

Có thể thấy ở Đỗ Trí Vương độ thấu cảm mạnh/dị thường của các giác quan. Ngay sự nhìn của Vương cũng dễ liên tưởng đến A. Rimbaud với “cái nhìn thấu thị”. Đó là khi tác giả dẫn dụ người đọc nghe được “có đứa trẻ nằm ngáp trong tử cung”, một người là “tù nhân giữa thịt và bức tường”, một con chó tự thú “là tù nhân của lớp da”, một người “thấy cả sự hoàn hảo mà không cần đôi mắt”...

Sự thấu cảm ấy để làm gì? Để tự nhận biết rằng mình đã, đang bị/tự giam hãm trong “những vòng tròn và mặt phẳng” của thế giới đồ vật, của những thói quen máy móc cố hữu, của những tín niệm, tín điều làm tha hóa bản nguyên..., để tự vượt thoát “những gì tôi không thể chối bỏ sẽ vứt bỏ chính tôi”. Cơ sự rồi sẽ đi đến đâu. Phải chăng đến một cõi miền “thanh, tịch, tịnh” nguyên ủy, cội nguồn.

Thơ Đỗ Trí Vương thể hiện sự va đập mạnh giữa bề mặt/ mặt trái của đời sống, giữa sống thực và sự chuẩn bị sống, giữa tự do bên trong và “hình tướng” lấp lánh cam chịu bên ngoài.

Đỗ Trí Vương có lối viết trực diện, trực cảm, trực nhận trong sự tương tác giữa bản thân và tạo vật. Lối viết này dường không (hoặc cố tình không) lưu ý, lưu tâm đến các phép tu từ hướng đến sự đa nghĩa. Thơ Vương tạo lập được nhiều những hình ảnh có sức ám gợi người đọc mạnh mẽ nhất là sự ám gợi từ chiều kích những giấc mơ.

Có lẽ chẳng phải băn khoăn về sự được, chưa được của “Thức ăn của ngày hôm nay” bởi Đỗ Trí Vương đã bộc bạch “có cần vội xác tín điều gì - khi tôi còn quá trẻ”. Chỉ băn khoăn “tinh hoa phát tiết” một lần rồi người viết sẽ không viết nữa. Lỗi đó, nếu có, kỳ thực cũng thật đáng yêu như những người có tuổi nhìn về thơ ngây với “những lỗi ngày xanh”...

Dù sao mặc lòng, tiếng nói của hai nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh và Đỗ Trí Vương thật sự đáng nhớ bởi tính đương đại, tiếng nói của ngày hôm nay.

1. Nguyễn Thế Hoàng Linh (sinh năm 1982), hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Các tác phẩm: Chuyện của thiên tài (tiểu thuyết), Lẽ đơn giản (thơ), “Mỗi thành phố một quốc gia của thế giới”

2. Đỗ Trí Vương (sinh năm 1990), hiện sống và học tập tại TP Hồ Chí Minh. mơ thành đạo diễn phim, mê môn tiếng Anh mơ đi du học. “Thức ăn của ngày hôm nay”

MỚI - NÓNG