Ngồi trên lửa

Lại lo thất nghiệp

Lại lo thất nghiệp
TP - Khác với không khí tuyển dụng lao động ồ ạt hồi đầu năm 2008 của các doanh nghiệp, năm 2009 mọi chuyện diễn ra ngược lại, doanh nghiệp tuyển dụng cầm chừng, thậm chí cắt giảm tràn lan.

Những ngày đầu năm 2009, trên các bảng tuyển dụng ở các trung tâm giới thiệu việc làm, số lượng nhà tuyển dụng lao động thưa dần. Ngày 22/1, chúng tôi có mặt tại trung tâm giới thiệu việc làm khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) quận 7 TPHCM. Nơi này chỉ có một vài công nhân mất việc không có điều kiện về quê đến tìm việc.

Theo các chuyên gia, năm 2009, lao động trong các ngành bất động sản, chứng khoán và tài chính sẽ tiếp tục giảm mạnh. Từ đầu năm 2008 đến đầu quý III/2008,  nhân lực của các ngành này bị cắt đến 65 phần trăm. Năm 2009 cũng không mấy tốt đẹp khi các chuyên gia dự báo chỉ có khoảng 25-30 phần trăm nhân lực còn bám với các ngành này.

Trái ngược với tình trạng doanh nghiệp khát lao động như năm 2008, năm nay, trước Tết Kỷ Sửu tại trung tâm này chỉ có năm doanh nghiệp treo bảng tuyển dụng, số lượng tuyển cao nhất cũng chỉ 100 người.

Cty TNHH Tai Việt ở KCX Tân Thuận, quận 7 - nơi chuyên may lều vải du lịch xuất khẩu, cũng chỉ tuyển lao động cầm chừng với 100 công nhân. Năm trước, sau Tết, công ty phải chạy đôn chạy đáo, thậm chí còn ra tận các vùng có lao động ở miền Trung để tuyển gần 1.000 người.

Theo chị Thu Hương, phòng quản lý nhân sự của công ty, năm 2009, đơn đặt hàng giảm, tuyển dụng chỉ để bù vào lượng công nhân về ăn Tết không trở lại mà thôi. Đầu năm 2009,Cty TNHH Three Bambi (vốn 100% Nhật Bản) chuyên may áo quần trẻ em xuất khẩu tuyển 16 công nhân.

Cty TNHH Việt Nam ONAMBA - sản xuất linh kiện điện tử tại  KCN VISIP (Bình Dương), sau Tết cũng chỉ tuyển dụng 100 lao động nữ, với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng. Phòng nhân sự công ty này cho rằng mức tuyển dụng năm nay chỉ bằng 1/10 năm ngoái. Ở các công ty như Scamcom Bình Dương, Nitto Denko hay xí nghiệp May Khải Hoàn đầu năm 2009 cũng chưa thấy treo biển tuyển dụng, trái ngược với năm ngoái, khi họ tuyển dụng liên tục cả công nhân không nộp hồ sơ.

Ngồi trên lửa

Trong khi công nhân đang đứng trước tương lai công việc mịt mù, doanh nghiệp cũng như ngồi trên lửa. Khảo sát của các liên đoàn lao động quận, huyện TPHCM cuối năm 2008, cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đóng cửa do không có đơn hàng sản xuất hoặc do giá nguyên vật liệu tăng, đơn hàng thì ký theo giá cũ nên bị lỗ. 90 phần trăm doanh nghiệp đóng cửa rơi vào ngành dệt may, giày da.

Đơn đặt hàng giảm đến 60 phần trăm so với năm trước buộc Cty Cổ phần Đá Vĩnh Cửu (TPHCM) chưa tuyển dụng công nhân trở lại. Ông Nguyễn Vui - Tổng Giám đốc Cty cho biết, để duy trì việc làm cho hơn 200 công nhân, Cty đang có chính sách đa dạng hóa nhân viên để có thể đảm đương ở các vị trí.

Tại Cty May, In Ngọc Phước (TPHCM), không ít lao động có tay nghề trung bình cũng đang đứng trước nguy cơ bị loại dần.

Trong thông báo tuyển dụng ít ỏi, Cty Renesas Việt Nam đặt ra chỉ tiêu, ứng viên ngoài việc có tay nghề giỏi, còn phải thông thạo một ngoại ngữ.  

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trung tâm Giới thiệu Việc làm các KCX-KCN TPHCM, cho biết, đầu năm 2008 nhu cầu tuyển lao động tăng nhanh chóng, khoảng 10 ngàn người, do thời gian sau Tết, tỉ lệ mất lao động của các doanh nghiệp dao động trong khoảng từ 15-20 phần trăm.
MỚI - NÓNG