Nước Mỹ - Thiên đường và trần gian

Nước Mỹ - Thiên đường và trần gian
TP - Tôi lang thang khắp Los Angeles bằng xe bus để khám phá “thành phố của những thiên thần” (theo đúng như tên gọi của nó) giữa lúc Hà Nội đang đón Giao thừa Tết Kỷ Sửu.

Có lẽ không cảm được không khí Tết khi ở xứ người nên tôi đi công tác Australia vào đúng ngày cuối năm.

Như các cụ nói, nên tránh ngày cùng tháng tận. Đi từ Washington DC đến Chicago có vẻ thuận buồm xuôi gió. Chặng Chicago – Los Angeles, sau mấy lần trì hoãn, cuối cùng cơ trưởng tuyên bố chuyển sang máy bay khác.

Thế là mất toi năm tiếng đợi trên sân bay O’Hare, thuộc loại bận rộn nhất nhì thế giới. Chicago đang mùa tuyết phủ trắng xóa. Năm qua có lúc tuyết rơi dày 1,5m. Hồ Michigan, rộng gần gấp đôi Việt Nam, đang đóng băng. Từ trên cao, thành phố lộng lẫy dưới ánh điện trong đêm. Những con đường cao tốc thẳng tắp và xe hơi đèn sáng như sao dưới mặt đất. Khu nhà dân ở được qui hoạch vuông thành sắc cạnh, đặc Mỹ.

Tổng thống Barack Obama ra đi từ mảnh đất này. Chức thượng nghị sỹ ông để lại là giấc mơ của nhiều người. Thống đốc Rod Blagojevich, bang Ilinois mà Chicago là thủ phủ, đang dính vào vòng lao lý, dù ông là người khởi xướng và đưa vào luật chương trình All Kids nhằm cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho tất cả trẻ em, một việc khá tốn kém cho ngân sách tiểu bang.

Ông còn đưa ra luật về đạo đức rất chặt chẽ, nói rằng nếu dự luật có từ trước thì người tiền nhiệm George Ryan không thể tham nhũng.

Tiếc thay, lời nói rất bay bổng lại không đi với việc làm. FBI ghi âm được cuộc nói chuyện mua chức bán quyền động trời này. Nghe nói, ông mặc cả với những người trung gian, hàm ý cần rất nhiều tiền cho vụ này, kể cả tìm việc thơm tho cho phu nhân.

Obama có nguồn gốc Kenya trong khi Blagojevich có bố mẹ là người nhập cư từ Nam Tư. Hai người gốc gác xa tít tắp vẫn lên làm tổng thống hay thống đốc tại Mỹ. Obama không dính chàm trong vụ bán quyền nên Chicago đang chứng kiến cảnh ông đang trị vì ở Nhà Trắng; còn ông Thống đốc gốc Nam Tư Blagojevich đợi vào địa ngục.

Tới Los Angeles xem thiên thần trên mặt đất

Từ độ cao 3.000m, Los Angeles (LA - cái tên mang nghĩa “thành phố của các thiên thần”) đẹp như mơ. Bay từ biển vào ban đêm, cả một rừng sao điện lấp lánh phía dưới.

Nằm ở bang California, người Việt gọi là Cali cho tiện, LA là thành phố lớn thứ hai ở Mỹ với dân số ở khu vực trung tâm khoảng 3,8 triệu người. Nếu tính cả vùng lân cận, dân số lên tới gần 13 triệu, nói 224 thứ tiếng khác nhau. Dân Việt Nam ta cũng khá đông ở đây.

Khi tới sân bay LA  thì chuyến bay đi Sydney cất cánh trước đó bốn tiếng. Cả đám khách chán ngán, nhưng lại được ở khách sạn cạnh sân bay, không mất tiền, phiếu 15$ tiền ăn.

Trong khách sạn,  một đĩa hải sản năm con tôm là 25$, kể cả tiền thuế, tiền típ. Tính ra, khoảng 6$ một con tôm nhỉnh hơn ngón tay cái chút xíu, thế nhưng cái phiếu kia mới được một nửa dạ dày.

Lẩm nhẩm tính, nông dân ta chịu khó nuôi trồng thủy sản tốt, xuất sang Mỹ cũng giàu to. Đất ruộng, ao hồ, vũng, vịnh không mất để làm sân golf hay đổ cát làm khu công nghiệp, có thể vẫn đẻ đô la sòn sòn.

Tôi ra phố, vào quán Taco Bell, bỏ ra 5$ được ba cái bánh kẹp rau tươi, cà chua, thịt bò nghiền còn nóng hổi và cốc Coca to đùng. Uống hết lại ra vòi lấy tiếp. Dân Mexico ở LA rất nhiều nên Taco Bell ở phố nào cũng có, như quán phở của Việt Nam vậy.

Hỏi anh chàng trong quán, muốn đi trung tâm LA vì nghĩ thế nào chả có một khu như Bờ Hồ nhà ta. Nhưng anh chàng Latin này khoa chân múa tay nhiều hơn nói, rặn mãi mới được vài từ.

Ra bến xe bus thấy hai anh da đen lang thang ở đó. Biết tôi tìm đường, một anh liền chỉ sang phía bên kia, đi xe bus số 117 chạy trên đại lộ Century từ sân bay về phía trung tâm.

Tôi cảm ơn rối rít, nhưng anh ta hỏi thêm: “Có tiền lẻ, xin mấy đồng. Đang thất nghiệp đây”. Tôi đùa, đằng này cũng mất việc, chỉ đủ tiền đi xe bus. Hắn lừ mắt nhìn và nói không tin. Tôi chỉ dưới chân, giầy anh mới và sạch hơn của tôi đó. Quả đúng thế. Hắn phảy tay: “Thôi, biến đi cho được việc”.

Nước Mỹ - Thiên đường và trần gian ảnh 1
Ngoại ô LA. Ảnh : Hiệu Minh

Ở đây, tài xế không thu tiền vé mà khách lên xe đút 1,25$ vào một cái hộp inox. Nếu không có tiền lẻ thì cái hộp sắt chết tiệt kia cũng không thối lại. Hỏi bác tài cách đi vào trung tâm LA. Bác nghĩ ngợi rồi nói, có lẽ anh nên mua vé “one day pass - vé một ngày” giá 5$ cho cả metro lẫn xe bus. Một lời khuyên chí lý. Nếu cứ lên xuống liên tục sẽ mất toi vài chục đô. Bác tài còn khuyên nên đi xe 210 về phía Hollywood Sign mà xem. Vốn thích phim cao bồi Mỹ nên nghe Hollywood tôi đã sướng rơn.

Tới đại lộ Crenshaw, tôi tận mắt chứng kiến Los Angeles, những thiên thần dưới mặt đất. Phố phường ngang dọc thẳng tắp. Nhà ở hầu hết một tầng, cao nhất là hai tầng. Ấn tượng ban đầu, cả dãy phố toàn dân da đen, latin và trông… nghèo.

Có quán “Lam - Rửa xe” đề hẳn bằng tiếng Việt. Xe hơi đỗ hai bên đường cũ kỹ, méo móp. Chắc những chủ nhân của nó bị xe khác húc vào, lĩnh cái séc bên bảo hiểm đền, rút tiền tiêu, tạm đi xe xấu. Tuy thế, vẫn thấy shopping mall (khu bách hóa tổng hợp) với siêu thị bán buôn như Cosco, Home Depot hay Ross.

Lên xe bus, trời ơi, mùi nặng không thể chịu được. Các bà nhà ta lên đây chắc ói luôn. Mồ hôi chua nồng xen lẫn nước hoa hay chất khử mùi, quần áo ẩm mốc lâu ngày không giặt. Bác lái xe da trắng nhưng khách toàn da đen. Những thanh niên gầy gò ốm yếu, thất thểu, vài chị béo ục ịch, bước lên làm ôtô suýt nghiêng. Trong xe tiếng cười nói hô hố. Ngồi cạnh một bác da đỏ, thở phì phò vì béo quá, lấn hết chỗ ngồi, ép tôi sát vào cửa sổ. Các cụ già hom hem, tay chân run lẩy bẩy chống gậy lên xuống xe. Một chị ho sù sụ, cứ nghĩ sẽ nhổ vào khăn tay, không ngờ chị toẹt xuống sàn xe.

Người ta nói, không ai giấu được nghèo đói, không giấu được đôi mắt đang yêu và không nói dối Thượng đế. Quả là nét đói khổ vẫn đang hằn rõ lên khuôn mặt của khách da màu trên tuyến xe bus giữa LA tráng lệ này.

Tuy vậy, tôi rất ấn tượng với cách phục vụ người tàn tật ở đây. Khi có xe đẩy của cụ già, hoặc người tàn tật thì bác tài hô, xin đợi cho người này lên trước. Ấn nút điện, một cái thang thép bật ra, xe tàn tật được đẩy vào, tự động nâng lên cao và đưa vào trong xe. Trong hai tiếng trên xe bus 117 và 210, tôi chứng kiến 5-6 lần người tàn tật lên xuống xe khá nhẹ nhàng.

Là dân nghèo, nhưng khi lên xe, ai cũng tự giác trình vé tháng hoặc bỏ tiền vào hộp. Họ xếp hàng thứ tự, không thấy cảnh chen lấn xô đẩy. Thấy có mấy tờ báo vứt dưới sàn, một bác già đi thu lại cho vào túi rác, lầm bầm chửi rủa “fuck” (Mẹ kiếp) ai vô ý thức.

Tôi quen đi metro ở Washington DC rất sạch, khách đi làm hầu hết com lê, vận đồ văn phòng sang trọng. Khi lên xe bus ở ngoại ô LA này lại ngỡ mình đang ở một nước kém phát triển nào đó. Cùng là nước Mỹ nhưng thiên đường dường như cũng khác nhau rất xa...

Đến Hollywood không gặp minh tinh màn bạc

Trên đại lộ Hollywood,  tất cả các tên cửa hàng từ bán đồ lưu niệm đến buôn ôtô đều kèm chữ Hollywood cho oai. Gần đến cuối chỗ cắt với khu Sunset nhưng trời mưa mù nên chả thấy chữ Hollywood to tướng sơn trắng trên núi mà khi trên máy bay vẫn nhìn thấy. LA đang mùa đông, nhiệt độ khoảng 15oC, trời mưa sụt sùi. Người ta bảo, mùa hè ở đây nóng khủng khiếp.

Người Thái Lan ở đây rất đông. Có tới 80.000 người ở trong khu gọi là Thai Town. Chỗ nào cũng thấy xoa bóp, đấm lưng, đồ ăn Thái. LA được người Thái gọi là tỉnh thứ 77 của Thái Lan. Hai tên gọi Bangkok và Los Angeles đều có nghĩa là “thành phố của các thiên thần”. Vào ngày lễ té nước, đại lộ Hollywood được chặn lại để cánh du lịch và dân Thái vui chơi, hắt nước.

Nước Mỹ - Thiên đường và trần gian ảnh 2
Một góc phố trên đường Hollywood . Ảnh : Hiệu Minh

Đi cả tiếng trên phố chả thấy minh tinh màn bạc Hollywood nào ra đường. Có lẽ buổi sáng các nàng còn ngủ vì đêm qua thức khuya. Thỉnh thoảng thấy một anh da đen ngồi xin tiền lẻ. Có một bảo tàng chết rất ấn tượng với cái đầu lâu khiếp đảm.

Nhà cửa rất đẹp. Những cây cọ cao chót vót, không hiểu được mấy chục năm rồi. Nghe nói những ngôi sao nổi tiếng, kể cả Paris Hilton hay lui tới các pub (tiệm rượu) ở đây và nhiều sao sở hữu nhà rất đẹp ở khu này. Đi từ Crenshaw vào Hollywood đã thấy trời của các ngôi sao điện ảnh và vực của những người da màu khốn khổ cạnh nhau.

Long Beach – thiên đường và những thiên thần

Nước Mỹ - Thiên đường và trần gian ảnh 3
Một góc Long Beach. Ảnh : Hiệu Minh 

Bắt metro đi Long Beach cũng chính bằng chiếc vé 5$.

Người đi metro tự giác mua vé, không có cửa kiểm soát vé tự động như ở DC hay NY. Tuy nhiên, có một câu trên tầu nhắc nhở, nhớ phải có vé bên người. Nếu bắt được đi lậu vé, chắc phạt nặng lắm.

Trên tầu điện xuất hiện anh chàng da đen bán rong, miệng leo lẻo, vừa rao vừa dọa: “Mua áo mưa và ô giùm nào, ra biển sẽ mưa to đó, không khéo sẽ bị ướt như chuột, mấy cái rubic này để tập xoay lúc ngắm biển”.

Đến Long Beach lại thấy một thế giới khác, thế giới của du lịch. Những khách sạn sang trọng, đường phố sạch bóng, shopping mall (khu bách hóa tổng hợp) đầy hàng hóa. Nhiều em chân dài váy ngắn như những thiên thần trên bãi biển dù trời khá lạnh. Dưới bến cảng, hàng ngàn du thuyền đang mùa nghỉ đông. Xa xa trên bến cảng là ngọn đèn biển đứng sừng sững, canh đất trời cho Long Beach. Quả thật, nếu bạn đi đến thẳng đây, sẽ thấy LA là thiên đường thật sự. 

Song thiên đường hay trần gian là tùy thuộc bạn đang đứng ở đâu. Chốn trần gian nơi đây cũng ẩn chứa những số phận nghèo và lầm than mà nếu tôi không đi xe bus thì không thể biết.

Barack Obama xuất thân từ da màu. Chắc ông hiểu, để đưa hàng triệu người da mầu gốc Phi hay latin hết nghèo tại chính nước Mỹ cũng là một thách thức lớn lao. Chợt nghĩ, giá như ông tổng thống Mỹ đi xe bus, chắc cũng tìm ra được khối vấn đề trên mặt đất.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.