Gặp bạn của những linh hồn phiêu bạt

Gặp bạn của những linh hồn phiêu bạt
TP - Ông là Nguyễn Văn Đàm, nhân vật quản trang trong bộ phim tài liệu nổi tiếng "Những linh hồn phiêu bạt" của đạo diễn người Pháp Boris Lojkine. 
Gặp bạn của những linh hồn phiêu bạt ảnh 1
Ông Đàm và Boris Lojkine-đạo diễn bộ phim tài liệu nổi tiếng Những linh hồn phiêu bạt (ảnh chụp lại do ông Đàm cung cấp)

Duyên nợ

Quê ông ở làng An Thơ (Hải Hòa, Hải Lăng), nằm cuối dòng Ô Lâu thơ mộng miền đất Quảng Trị gặp phá Tam Giang xứ Thừa Thiên-Huế. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông là cán bộ tuyên truyền của huyện Hải Lăng.

Thời đánh Mỹ, ông tập kết ra Bắc, được theo học ngành nông nghiệp rồi về công tác ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Linh. Nước nhà thống nhất, ông về Phòng Nông nghiệp huyện Triệu Hải (cũ), đến năm 1989 thì nghỉ hưu.

Còn chuyện ông quyết định làm quản trang cũng khá bất ngờ. Nghỉ hưu một năm, trong lần về thăm quê, lúc ngang qua nghĩa trang liệt sĩ huyện nhà, ông ghé vào thắp hương cho các liệt sĩ. Nhìn trước, ngó sau đều thấy dòng chữ Liệt sĩ Chưa-Có-Tên (vô danh) trên rất nhiều phần mộ khiến lòng ông nặng trĩu.

Ngày ngày, ông nhổ cỏ trên các phần mộ, xới đất trồng cây cảnh, hoa để tạo thêm không gian xanh cho nghĩa trang. Nghe nói ở đâu có giống cây quý, loài hoa đẹp là ông lọ mọ guồng xe đến xin bằng được đem về ươm trồng.

Đêm đêm ông đi hết lượt các phần mộ liệt sĩ để hương khói. Lâu lâu, thương ông thui thủi một mình, vợ ông và các con vào ở chơi với ông vài ngày. Mấy năm gần đây, thấy sức khỏe ông sa sút, bà Lâm vợ ông vào ở hẳn với ông để phụ giúp chồng chăm sóc nghĩa trang và phòng khi ông trái gió, trở trời.

Ông Đàm bảo, hạnh phúc lớn nhất trong đời ông có lẽ là quãng thời gian ngót hai chục năm làm quản trang. Cứ vài ngày lại có thân nhân của các liệt sĩ ghé thăm ông, và khi biết nơi người nhà mình yên nghỉ khang trang, sạch đẹp, họ vui lắm.

Ông cho chúng tôi xem bức thư của cháu Trần Nguyệt Minh, học sinh lớp 8 ở Hà Nội gửi cho bác mình là liệt sĩ được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Huyện Hải Lăng cách đây bảy năm.

Thư Minh viết: “Kính gửi bác Tiến và các cô, chú, bác hy sinh ở mặt trận Quảng Trị. Thưa bác, hôm nay là ngày kỷ niệm thương binh-liệt sĩ, do điều kiện đi lại khó khăn nên cháu không vào thăm viếng bác cùng với bố mẹ, các em cháu được. Cháu còn nhớ mấy năm trước, có dịp vào TP. Hồ Chí Minh chơi và được đến thăm Bảo tàng Tội ác Mỹ – Ngụy. Có lúc cháu nghĩ, nếu còn sống, bác sẽ kể cho cháu nghe về những ngày tháng gian khổ nhưng oanh liệt mà bác và đồng đội đã trải qua trong chiến tranh”.

Và đây là bài thơ mộc mạc của con trai liệt sĩ Đặng Văn Phú ở xã Đông Du huyện Bình Lục (Hà Nam) khi đến tìm mộ cha: “Bố ơi, bố biết không?/ Ngày bố đi bộ đội/Cả nhà đều chờ mong/ Từng lá thư dòng chữ/ Rồi thời gian qua mau/ Lá thư cứ vời vợi…” .

Rồi những cảm tưởng ghi bằng tiếng Anh các cựu binh Mỹ, như Sadly Once “Ngày 30/12/2006, đây là lần thứ hai tôi đến nơi này. Nhiều liệt sĩ được chôn cất ở đây, dọc theo con đường này. Ba mươi lăm năm trước đây, tôi cũng ở đây, cách phía Nam không xa lắm, bị bao vây bởi các chiến sĩ yêu nước…Giờ đây nghĩ lại bỗng thấy thật điên rồ khi mang sức mạnh đến tàn phá mảnh đất này”.

Hay của cựu binh Klaus Kleinfeld: “Ngày 15/2/2006, tôi là một lính thủy đánh bộ Mỹ, trước đây từng tham chiến nơi này. Hôm nay, được thăm nơi tưởng niệm này, nơi yên nghỉ của hơn 1.000 liệt sĩ vô danh, những người sẽ không bao giờ có tên, không bao giờ biết mặt, chúng tôi hối hận rằng chưa giúp đỡ được gì cho nhân dân Việt Nam. Chỉ biết khâm phục họ và cúi đầu nhớ mãi những người đã mất”...

Nhân vật phim Những linh hồn phiêu bạt

Gặp bạn của những linh hồn phiêu bạt ảnh 2
Ông Đàm cùng vợ đang đọc lại những dòng thư gửi người nằm dưới mộ

Nhắc chuyện trở thành nhân vật quản trang trong bộ phim tài liệu nổi tiếng Những linh hồn phiêu bạt của đạo diễn Pháp Boris Lojkine, ông Đàm cười phô hàm răng móm mém rồi bảo ông chả hề hay biết việc họ quay phim chụp ảnh chi cả. Mãi tới dịp Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 ba năm trước (2006), ông mới biết ông thành nhân vật quản trang trong phim.

Ông đưa chúng tôi xem mảnh báo, cắt từ một tờ báo nào đó mà ông không nhớ tên giới thiệu về cuộc gặp gỡ của ông với Boris Lojkine, đại ý “Đây là một cuộc gặp gỡ đầy nước mắt giữa Boris Lojkine, đạo diễn bộ phim Những linh hồn phiêu bạt với vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Đàm-Lê Thị Lâm.

Họ chăm sóc Nghĩa trang Liệt sĩ Huyện Hải Lăng đã 15 năm rồi. Giữa mênh mang nghĩa trang, họ cùng nhau đến các ngôi mộ liệt sĩ thắp những nén nhang. Boris đứng lặng im, cúi đầu rất lâu trước các ngôi mộ. Anh vái lạy và lẩm nhẩm những điều gì đó…Với Boris, bộ phim Những linh hồn phiêu bạt như một nén hương thành kính thắp cho các liệt sĩ bằng tất cả sự ngưỡng vọng”.

Tiễn chúng tôi ở cổng nghĩa trang, ông bảo ước nguyện của ông là sẽ chăm sóc thật tốt các phần mộ liệt sĩ, trồng thêm nhiều loại hoa, cây cảnh, nuôi chim bồ câu… để các liệt sĩ không cô quạnh khi chọn mảnh đất gió Lào cát trắng nhưng đầy ân nghĩa và duyên nợ này mà yên giấc ngàn thu.

Sau chuyến thăm quê trở về nhà ở khu phố 7, phường 1, thị xã Quảng Trị, ông viết đơn xin được làm quản trang. Tâm nguyện của ông được huyện Hải Lăng chấp thuận. Năm 1992, giao lại nếp nhà ở Thành Cổ Quảng Trị cho vợ con, ông vào sống hẳn ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hải Lăng.

Ngót hai mươi năm nay, chẳng đòi hỏi chế độ lương bổng hay chính sách ưu đãi gì cho bản thân, ước vọng bình dị của ông là trồng thêm nhiều hoa, cây cảnh để tạo dựng không gian nghĩa trang liệt sĩ huyện Hải Lăng ngay thị trấn Diên Sanh ngập tràn gió Lào và cát trắng này với 1.816 liệt sỹ và quá nửa số đó  vô danh, thêm xanh, thêm đẹp…

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.