Trở lại chi tiết “cống vải” trong cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan

Trở lại chi tiết “cống vải” trong cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan
TP - Trên một số báo và tạp chí, từng có những bài viết đặt nghi vấn về chi tiết “cống vải” trong những tài liệu lịch sử về khởi nghĩa Mai Thúc Loan (còn gọi khởi nghĩa Hoan Châu).
Trở lại chi tiết “cống vải” trong cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan ảnh 1
Đền thờ Mai Hắc Đế trong thung lũng thiêng Hùng Sơn (thị trấn Nam Đàn)

Các nghi vấn lại bùng lên, sau khi các nhà nghiên cứu chính thức “đính chính” năm nổ ra khởi nghĩa Hoan Châu là 713 (Quý Sửu) chứ không phải 722 (Nhâm Tuất).

Những bài viết nêu nghi vấn về chi tiết “cống vải” đã dẫn theo bản đồ thực vật của một số nước phương Tây để cho rằng nước ta từ xa xưa vốn không có cây vải, việc vận chuyển quả vải tươi từ An Nam sang kinh đô nhà Đường là bất khả thi, lấy câu chuyện “cống vải” cực khổ để giải thích nguyên nhân bùng nổ cuộc khởi nghĩa Hoan Châu là không thỏa đáng…

Về nguyên nhân nổ ra cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, chúng tôi cho rằng bài viết “Nhầm lẫn qua nhiều thế kỷ đã được sửa chữa” trên Tiền phong Cuối tuần số ra ngày 7/12/2008 đã nêu được những ý kiến thỏa đáng.

Tuy nhiên, thiết nghĩ chi tiết “cống vải” cũng cần được nói thêm cho thấu đáo, tránh những sự hiểu lầm trong nghiên cứu khoa học, cũng như trong việc giảng dạy lịch sử cho học sinh phổ thông.

Không thể nói An Nam không có cây vải!

Trước hết, về kết quả khảo cổ học, GS Hà Văn Tấn đã nêu trong cuốn “Khảo cổ học Việt Nam” (NXB Khoa học xã hội, 1999) về việc trong một số ngôi mộ cổ thuộc văn hóa Đông Sơn, đã tìm thấy hạt cau, hạt na, hạt trám, và cả hạt vải nữa. Điều này cho phép khẳng định cũng như các cây cau, na, trám, cây vải đã có tại Việt Nam từ thời xa xưa, ít nhất là cách ngày nay 2.500 năm.

Về mặt văn bản học, cuốn “Nam phương thảo mộc trạng” của Kế Hàm (tác giả sống thời Đông Tấn) có kể về việc sau khi xâm chiếm Nam Việt, Hán Vũ Đế đã bắt nhân dân Giao Chỉ phải di thực 100 cây vải về trồng trong cung Phù Lệ của kinh đô nhà Hán.

Mặc dầu được chăm sóc cẩn thận, nhưng những cây vải đó chết gần hết, duy chỉ một cây sống được lại không cho quả, Hán Vũ Đế nổi giận sai giết hết những người trồng cây.

Tác giả Kế Hàm nêu rõ chuyện này xảy ra năm Nguyên Đỉnh thứ sáu (tức 111 trước Công Nguyên), thời gian ấy quận Giao Chỉ chính là Bắc bộ ngày nay, chưa phải là bộ Giao Chỉ bao gồm cả Bắc bộ và hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc.

Như vậy, cả khảo cổ học và văn bản học đều có đủ chứng cứ cho thấy cây vải đã có ở Việt Nam trước khi có ở Trung Quốc. Không thể lấy bản đồ thực vật sau này để nhận định về một thời kỳ xa xưa trước đây, lịch sử từng ghi nhận có nhiều loài sinh vật nhanh chóng “làm chủ” cả một vùng đất mới chỉ sau vài thập kỷ, mặc dù trước đó chúng không hề có mặt ở đó.

Đúng là quả vải rất nhanh bị hư hỏng trong điều kiện bảo quản bình thường, vận chuyển đi xa mà vẫn giữ tươi rất khó. Vậy việc cống vải tươi từ An Nam - cụ thể từ Hoan Châu (vùng biên viễn phía Nam của An Nam) - sang kinh đô nhà Đường, liệu có khả thi?

Có nhiều vấn đề người xưa từng làm được, đến nay khoa học vẫn chưa thể giải thích thấu đáo. Trong một số ngôi mộ cổ, có những xác ướp sau hàng ngàn năm vẫn không bị phân hủy.

Ngay ở Việt Nam, theo tài liệu khảo cổ học, khi khai quật một ngôi mộ cổ người ta thấy không chỉ thể xác một phụ nữ vẫn nguyên vẹn, mà trong túi trầu, những miếng trầu têm và những miếng cau bổ vẫn giữ được sắc màu tươi xanh, chứng tỏ nếu có kỹ thuật tẩm ướp, không chỉ xác người mà lá, quả tươi vẫn có thể bảo quản được rất lâu ngoài sức tưởng tượng.

Điều này cho phép đưa ra giả thuyết, để phục vụ sở thích những bậc quyền quý, người xưa có thể đã có những biện pháp nào đó để vận chuyển quả vải đi xa, đây là vấn đề khó chứng minh nhưng cũng không dễ phủ nhận.

Sử liệu Trung Quốc không chép việc cống vải từ An Nam, nhưng có nêu việc cống vải từ vùng Lĩnh Nam (Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay) về kinh đô nhà Đường, quả vải tươi cũng phải đưa đi trên một chặng đường rất xa.

Trở lại chi tiết “cống vải” trong cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan ảnh 2
Khu vườn này tục truyền là nơi sinh của vua Mai, cậu bé này vẫn được ông bà, cha mẹ nhắc nhở cho biết

Riêng chi tiết cho rằng quả vải tươi từ Hoan Châu được gánh cống phục vụ cho thú ẩm thực của bà Dương Quý Phi là sai thực tế, bởi bà phi này được tuyển vào cung khoảng ba mươi năm sau khi Mai Thúc Loan dấy binh khởi nghĩa.

Tuy chuyện “cống vải” có xuất xứ từ truyền thuyết, dường như được pha trộn giữa chuyện cống cây vải thời Hán Vũ Đế với chuyện cống quả vải (ở Lĩnh Nam) thời Đường Huyền Tông, song theo chúng tôi, không nên loại bỏ ngay chi tiết này khỏi sách giáo khoa lịch sử, mà nên coi đây là vấn đề cần được nghiên cứu thêm.

Bởi ở một góc độ khác, chuyện “cống vải” cho ta thấy được nghệ thuật thức tỉnh tinh thần tự tôn dân tộc, khả năng phát động và tập hợp quần chúng của lãnh tụ khởi nghĩa Mai Thúc Loan.

Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Bảy ở Nam Đàn

Một số tài liệu chính sử của ta trước đây (Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục) khi viết về khởi nghĩa Hoan Châu đều dẫn theo sử liệu Trung Quốc, và thường kết thúc bằng chuyện sau khi Dương Tư Húc đem quân tái chiếm nước ta năm Nhâm Tuất (722), viên tướng nổi tiếng tàn bạo này “bắt được tù binh hoặc lột da mặt, hoặc bóc da đầu, mọi người đều khiếp sợ”, hắn đem “chôn những xác chết chung vào một nơi, đắp thành cái gò cao (kình quán) để ghi chiến công của mình, rồi rút quân về”.

Thiết nghĩ cách viết như vậy còn phiến diện, nhìn sự việc theo góc độ của các nhà viết sử Trung Quốc. Khi đã đặt ra vấn đề đính chính lại các sai lầm trong sử liệu về khởi nghĩa Hoan Châu, thì việc đưa câu chuyện “kình quán” vào sách giáo khoa lịch sử như thế nào, cũng cần phải bàn cho thỏa đáng.

Riêng vùng cố đô Vạn An xưa (nay là trung tâm huyện Nam Đàn, Nghệ An), từ ngàn đời nay, người dân vẫn lưu giữ những phong tục rất riêng. Lễ hội chính của đền, miếu vua Mai (tại thị trấn Nam Đàn và thung lũng Đụn Sơn) được tổ chức long trọng vào Rằm tháng Giêng, thời Nguyễn từng được coi là Quốc lễ. Người dân Nam Đàn (và nhiều nơi trong cả nước) cũng lập đền thờ, tổ chức cúng giỗ vợ và con, cùng các tướng tài của Mai Hắc Đế rất chu đáo.

Đặc biệt ở thị trấn Nam Đàn, ngày Rằm tháng Bảy không đơn thuần là ngày lễ Vu Lan (báo hiếu cha mẹ) như phong tục khắp nơi trong cả nước, mà còn được nhân dân địa phương ghi nhớ là ngày giỗ các nghĩa sỹ của khởi nghĩa Hoan Châu đã tử trận vì nước, tục gọi là “ngày giỗ trận vong tướng sỹ”.

Tại chợ Sa Nam trung tâm thị trấn Nam Đàn, người dân nghỉ chợ trước một ngày để chuẩn bị. Những người buôn bán trong chợ cùng góp tiền mua sắm đồ lễ để cúng tế các liệt sỹ.

Đúng ngày Rằm tháng Bảy, hàng chục bao tải ngô, nếp rang nổ, hàng chục nồi cháo được nấu. Người dân bày hàng trăm chiếc lá đa lên các bàn trong chợ Sa Nam, rồi múc cháo lên đó, gọi là cháo búp (cháo đặc, múc đổ lên lá đa thì có ngọn). Các loại hoa quả như thị, nhãn, vải… cũng được bày ra, và không thể thiếu các đồ vàng mã như áo quần, dày dép.

Giữa chợ Sa Nam, người ta dựng một ông Võ Tướng bằng nan, phết giấy rất đẹp. Các bàn lễ được bày cúng xung quanh ông Võ Tướng, cúng xong thì hóa, các lễ vật được phát cho ăn mày và những nhà nghèo. Phong tục này được duy trì ngàn đời nay, cho thấy nhân dân Hoan Châu không hề khiếp hãi, mà công khai tôn vinh những nghĩa sỹ đã hy sinh vì nước.

Trong mùa Xuân Kỷ Sửu này, người dân Nghệ Tĩnh, người dân cả nước lại tụ hội về thị trấn Nam Đàn, thành kính dâng những nén nhang thơm để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc kiệt xuất Mai Thúc Loan.

Trước hết, cần khẳng định nhân dân Việt Nam không hề khiếp sợ ngoại bang xâm lược, dù chúng đến từ bất cứ phương nào. Những địa danh như Bạch Đằng, Chi Lăng, Điện Biên Phủ gắn với những chiến công lẫy lừng chống giặc ngoại xâm đã nói lên tất cả. Đặc biệt là chiến thắng Đống Đa mà chúng ta vừa kỷ niệm 220 năm, xác quân xâm lược cũng được Hoàng đế Quang Trung sai chôn thành những gò đống nay vẫn còn đó.
MỚI - NÓNG