Chuẩn trẻ năm tuổi: Chờ Bộ thuyết minh

Chuẩn trẻ năm tuổi: Chờ Bộ thuyết minh
TP - Sau khi dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ năm tuổi được Bộ GD&ĐT đưa lên mạng, nhiều người cho rằng Bộ GD&ĐT cần có thuyết minh rõ hơn về cơ sở khoa học của các chỉ số trong bộ tiêu chuẩn.

Chủ đề “125 tiêu chuẩn cho trẻ năm tuổi. Để làm gì?” thường xuyên nằm trong danh mục những chủ đề được quan tâm của diễn đàn giáo dục Edunet suốt từ ngày Bộ GD&ĐT đưa bộ chuẩn phát triển trẻ năm tuổi lên website (4/2) đến nay.

Chiều 9/2, chủ đề này có hơn 60 bài viết với hàng ngàn lượt người xem. Trên diễn đàn webtretho, chủ đề chuẩn phát triển mới của trẻ năm tuổi cũng được các thành viên thảo luận rôm rả với hơn 1.000 lượt người đọc.

Ngoài ra, nhiều diễn đàn khác, mặc dù thành viên tham gia không mấy quan tâm tới giáo dục và trẻ em, cũng mở topic thảo luận chủ đề này.

Các bà mẹ khi nghe nói về dự thảo bộ chuẩn này cũng sốt sắng bày tỏ sự quan tâm. Không có địa chỉ website của Bộ GD&ĐT để đọc dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ năm tuổi, chị Tuyết Nhung (518, B5, Tập thể ĐH Công đoàn, Hà Nội) phải nhờ bạn gửi vào email.

Còn chị Th.H. (nhà CT3, Khu Đô thị Bắc Linh Đàm, Hà Nội), kể: “Tôi chơi thân với hai chị bạn và cả ba chúng tôi đều có con tuổi mẫu giáo. Một trong số chúng tôi có một bản dự thảo bộ chuẩn, vậy là hai người còn lại cũng photo để mang về tham khảo”.

Chê nhiều hơn khen

Hiện thời, các ý kiến xung quanh bộ chuẩn chê mạnh mẽ, khen dè dặt.

Chị Trần Thị Hà xóm Tràng, xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội nhận xét: “Với tư cách là mẹ của hai bé sinh đôi gần năm tuổi, tôi nhận thấy một số chuẩn không thực tế.

Ví dụ chuẩn 6 yêu cầu các con biết kêu cứu khi gặp nguy hiểm; nhận biết và không tự ý sử dụng những đồ vật gây nguy hiểm (dao, đinh, kim tiêm, ổ điện, diêm, bật lửa, phích nước sôi…).

Thực tế đa phần trẻ con khi gặp nguy hiểm chỉ biết sợ chứ chưa kêu cứu được. Hoặc nhận biết đồ vật gây nguy hiểm nhưng các con vẫn nghịch vì chưa đủ hiểu mức độ nguy hiểm”.

Cấu trúc của dự thảo bộ chuẩn cũng được nhiều người đánh giá là không hợp lý. Chẳng hạn, theo dự thảo bộ chuẩn, trong lĩnh vực phát triển thể chất, có nhiều chuẩn thuộc về ý thức, văn hoá của trẻ như “biết che miệng khi ho, hắt hơi, ngáp”; “không đi theo và nhận quà của người lạ khi chưa được người thân cho phép”.v.v...

Trong bộ chuẩn cũng có quá nhiều đánh giá kép (nhận biết + thái độ/ hành vi). Ví dụ “biết thuốc lá có hại cho sức khỏe và thể hiện thái độ không đồng tình với người hút thuốc” (chuẩn 4), “biết ý nghĩa và có ý thức thực hiện theo quy định của một số biển báo giao thông, biển báo nơi nguy hiểm” (chuẩn 6)...

Các bà mẹ băn khoăn: Trẻ được đánh giá đạt hay không đạt tiêu chuẩn đó nếu chỉ đáp ứng được một trong hai vế?

Chưa có trách nhiệm

Sau khi đọc dự thảo bộ chuẩn, nhiều bà mẹ quyết định kiểm tra cho chính con mình. Chị Th.H (nhà CT 13, Bắc Linh Đàm, Hà Nội) cho biết: “Bộ chuẩn dự kiến áp dụng cho trẻ 60 đến 72 tháng.

Bé gái nhà tôi mới 48 tháng nhưng tôi cũng test cho cháu. Qua đó, về thể lực, tôi thấy các tiêu chuẩn không cao lắm. Chẳng hạn, yêu cầu “bật xa tối thiểu 50cm bằng hai chân” là tiêu chuẩn nhiều bà mẹ đọc xong lắc đầu lè lưỡi thì con tôi thử ba lần đều cho kết quả bật xa 60 cm”.

Còn mẹ của Zoe (diễn đàn webtretho) chia sẻ: “Con mình đang học mẫu giáo nhỡ ở Pháp. Nghỉ giữa kỳ, bố mẹ được có một bảng tổng kết các kỹ năng.

Có rất nhiều điều giống với chuẩn trên (về việc biết trình bày quan điểm, biết chăm sóc bản thân). Về thể lực không có chạy 150m, nhưng có câu: Có dám take risk (liều) không? Biết đếm, nhưng phải biết cả ý nghĩa các con số (tức là 5 tương ứng với 5 quả táo, chứ không chỉ thuộc 1, 2, 3, 4, 5...)”.

Đồng tình với các tiêu chuẩn trong dự thảo bộ chuẩn, nhiều người cho rằng không nên phức tạp hóa các đánh giá. Có những đánh giá phù hợp với cả trẻ con và người lớn.

Chẳng hạn khi trẻ thích áo vàng và cương quyết không chịu mặc áo màu khác nghĩa là trẻ có quan điểm và biết bảo vệ quan điểm. Hoặc với tiêu chí biết tôn trọng người khác không chỉ người lớn mới làm được mà trẻ năm tuổi cũng có thể có những biểu hiện chứng tỏ được thái độ này.

Theo các bà mẹ, dù ra đời với mục đích chủ yếu là phục vụ hoạt động chuyên môn của các trường mầm non, bộ chuẩn rất hữu ích với các phụ huynh.

Từ trước đến nay họ tiếp xúc khá nhiều với các bộ chuẩn đánh giá trẻ theo từng lứa tuổi (thông qua tài liệu của các hãng sữa, tài liệu trên các website, sách hướng dẫn nuôi trẻ...).

Tuy nhiên, nguồn gốc các bộ chuẩn rất khác nhau nên mức độ tin cậy khác nhau. Vì thế các bà mẹ đều mong muốn được tiếp cận một bộ chuẩn chính thức do cơ quan nhà nước ban hành.

Để dư luận phản ứng dữ dội như những ngày qua là do cách làm của... Bộ GD&ĐT. Chị Tuyết Nhung (phòng 518, B5, Tập thể ĐH Công đoàn, Hà Nội) nói: “Mỗi đứa trẻ đều có nhịp điệu phát triển khác nhau.

Do đó, bộ chuẩn với tư cách là dự thảo sẽ nhận được đánh giá rất khác nhau của các phụ huynh. Đột nhiên tung ra dự thảo rồi để mặc dư luận khen chê, tôi không hiểu Bộ GD&ĐT kỳ vọng điều gì?.

Nếu thực sự cần những đóng góp của dư luận, theo tôi, Bộ GD&ĐT nên tỏ thái độ có trách nhiệm hơn với dự thảo bộ chuẩn. Chẳng hạn họ cần thuyết minh bộ chuẩn được xây dựng bởi những ai, căn cứ khoa học nào?

Trước khi xây dựng dự thảo bộ chuẩn, việc điều tra, khảo sát được tiến hành ra sao... Vấn đề là Bộ GD&ĐT phải mang đến cho dư luận một niềm tin rằng dự thảo bộ chuẩn không phải là sản phẩm tùy hứng”.

MỚI - NÓNG