Trẻ mẫu giáo phải biết chia sẻ

Trẻ mẫu giáo phải biết chia sẻ
TP - Trẻ có các kỹ năng sống như biết “tôn trọng, hợp tác, thân thiện, chia sẻ” là một trong hơn hai mươi chỉ số mục tiêu giáo dục của dự thảo chương trình giáo dục mầm non Bộ GD&ĐT vừa giới thiệu hôm qua trên mạng Internet.

>> Chuẩn trẻ năm tuổi: Chờ Bộ thuyết minh

Trẻ mẫu giáo phải biết chia sẻ ảnh 1

Theo đó, giáo dục nhà trẻ (từ ba tới 36 tháng) và giáo dục mẫu giáo (ba đến năm, sáu tuổi) đều hướng tới mục tiêu chung là phát triển hài hòa về các mặt thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm - xã hội và thẩm mỹ. Giáo dục mẫu giáo có thêm mục tiêu chuẩn bị cho trẻ vào học ở tiểu học.

Về thể chất, chương trình giáo dục cả hai giai đoạn (nhà trẻ, mẫu giáo) đều chung mục tiêu: Khỏe mạnh, cân nặng và chiều cao phát triển bình thường theo lứa tuổi.

Hằng ngày, GV theo dõi trẻ trong các hoạt động, ghi lại những tiến bộ rõ rệt và những điều cần lưu ý vào sổ kế hoạch giáo dục hoặc nhật ký của lớp để điều chỉnh kế hoạch và biện pháp giáo dục.

Để đánh giá mức độ phát triển của trẻ theo giai đoạn, giáo viên sử dụng một hay kết hợp nhiều phương pháp như quan sát; trò chuyện, giao tiếp với trẻ; sử dụng tình huống; qua bài tập; phân tích sản phẩm hoạt động của trẻ, trao đổi với phụ huynh.

Theo dự thảo Chương trình giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT

Chương trình cũng đặt ra các yêu cầu phụ thuộc vào khả năng nhận thức của trẻ như “Có một số hiểu biết về thực phẩm và ích lợi của việc ăn uống với sức khỏe”, “Có một số thói quen, kỹ năng tốt trong ăn uống, giữ gìn sức khỏe và đảm bảo sự an toàn của bản thân”.

Về nhận thức, mục tiêu với giai đoạn nhà trẻ là có khả năng quan sát, nhận xét, ghi nhớ và diễn đạt hiểu biết bằng những câu nói đơn giản; có một số hiểu biết ban đầu về bản thân và các sự vật, hiện tượng gần gũi quen thuộc.v.v...

Giai đoạn mẫu giáo đòi hỏi cao hơn: có khả năng quan sát, so sánh, phân loại, phán đoán, chú ý, ghi nhớ có chủ định; có khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề đơn giản theo những cách khác nhau; có khả năng diễn đạt sự hiểu biết bằng những cách khác nhau (hành động, lời nói, hình ảnh...) với ngôn ngữ nói là chủ yếu; có một số hiểu biết ban đầu về con người, sự vật, hiện tượng xung quanh và một số khái niệm sơ đẳng về toán.

Về ngôn ngữ, trong khi giai đoạn nhà trẻ, mục tiêu khó nhất là trẻ biết diễn đạt tự tin, lễ phép trong giao tiếp. Ở mẫu giáo, các mục tiêu đặt ra cao hơn như: “Có khả năng diễn đạt rõ ràng và giao tiếp có văn hóa trong cuộc sống hàng ngày”, “có một số kỹ năng ban đầu về việc đọc, viết”.

Nếu dự thảo chương trình giáo dục mầm non được lãnh đạo Bộ GD&ĐT ban hành, các chuyên gia cho rằng đây sẽ là căn cứ để triển khai và chỉ đạo công tác chăm sóc giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Đồng thời, chương trình cũng là căn cứ để đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non, tăng cường cơ sở vật chất và đảm bảo các điều kiện khác để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Về phát triển tình cảm xã hội, trẻ ở bậc nhà trẻ cần đạt các yêu cầu “Có ý thức về bản thân, mạnh dạn giao tiếp với những người gần gũi”, “có khả năng cảm nhận và biểu lộ cảm xúc với con người, sự vật gần gũi”, “thực hiện một số quy định đơn giản trong sinh hoạt”.

Trẻ mẫu giáo hoàn thiện hơn: Có ý thức về bản thân; Có khả năng nhận biết và thể hiện tình cảm với con người, sự vật, hiện tượng xung quanh; Có một số phẩm chất cá nhân như mạnh dạn, tự tin, tự lực; Có một số kỹ năng sống như biết tôn trọng, hợp tác, thân thiện, quan tâm, chia sẻ; Thực hiện một số quy tắc, quy định trong sinh hoạt ở gia đình, trường lớp mầm non, cộng đồng gần gũi.

Về thẩm mỹ, trẻ đến 36 tháng thích nghe hát, hát và vận động theo nhạc; thích vẽ, xé dán, xếp hình... Trẻ ba đến 5 – 6 tuổi có khả năng cảm nhận vẻ đẹp trong thiên nhiên, cuộc sống và trong tác phẩm nghệ thuật; Có khả năng thể hiện cảm xúc, sáng tạo trong các hoạt động âm nhạc, tạo hình; Yêu thích, hào hứng tham gia vào các hoạt động nghệ thuật.

Sự liên quan giữa chương trình và chuẩn

Viện Khoa học giáo dục VN là cơ quan được lãnh đạo Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ tổ chức thiết kế, xây dựng dự thảo chương trình giáo dục mầm non. Nội dung dự thảo đã được thực hiện thí điểm ở nhiều trường mầm non của 20 tỉnh/ thành trong cả nước từ hai năm nay. Thời điểm này chương trình đang trong quá trình làm thủ tục hoàn thiện để lãnh đạo Bộ ký quyết định ban hành chính thức.

Còn đơn vị được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi là Vụ GD Mầm non. Theo bà Ngô Thị Hợp, Phó Vụ trưởng Vụ GD Mầm non, về nguyên tắc, mục tiêu của chương trình chính là hướng tới việc đáp ứng các chỉ số mà chuẩn đặt ra (tương ứng với lứa tuổi). Thực hiện chương trình chính là để trẻ đạt được các chỉ số trong chuẩn.

Hiện nay các trường mầm non dạy chương trình gì?

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng GD Mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay các trường mầm non trên địa bàn Hà Nội thực hiện 3 chương trình giáo dục mầm non khác nhau: chương trình cải cách, chương trình đổi mới, chương trình mới.

“Trước đó nữa (trước những năm 1988 – 1990), các trường mầm non thực hiện một chương trình được gọi là tiên tiến. Nhưng chương trình ấy lạc hậu lắm rồi so với các chương trình hiện nay” – Bà Lan Hương nói.

Chương trình cải cách là tên thường gọi của một chương trình GD mầm non của Bộ GD&ĐT được các trường mầm non thực hiện từ những năm 1988 – 1990. Chương trình đổi mới về nội dung vẫn là chương trình cải cách nhưng được đổi mới về hình thức hoạt động tổ chức giáo dục. Chương trình mới là chương trình được Bộ GD&ĐT chỉ đạo triển khai thí điểm từ hai năm nay.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG