Dự thảo giáo dục trẻ 5-6 tuổi: 'Chuẩn' có hợp chương trình?

Dự thảo giáo dục trẻ 5-6 tuổi: 'Chuẩn' có hợp chương trình?
TP - Giữa dự thảo bộ chuẩn đánh giá sự phát triển trẻ năm tuổi đang được đưa lên mạng Internet lấy ý kiến và nội dung dự thảo chương trình giáo dục mầm non mới có phù hợp?

>> Trẻ mẫu giáo phải biết chia sẻ

Hợp...

Dự thảo giáo dục trẻ 5-6 tuổi: 'Chuẩn' có hợp chương trình? ảnh 1

Các cháu trường Mẫu giáo Hoa Ban, thành phố Lào Cai trong giờ học. Ảnh: Phạm Yên

Chi tiết nội dung giáo dục trong dự thảo chương trình về cơ bản đeo bám được các chuẩn mà bộ chuẩn đặt ra. Ví dụ, chuẩn yêu cầu trẻ phải thực hiện được một số kỹ năng vận động cơ bản và phát triển các tố chất trong vận động; giữ thăng bằng, phối hợp các giác quan khi vận động; kỹ năng vận động tinh xảo.

Trong chương trình giáo dục cho trẻ từ ba đến năm, sáu tuổi đều có nội dung này. Từ ba tuổi, trẻ phải được tập luyện kỹ năng vận động cơ bản như đi và chạy; bò, trườn, trèo; tung, ném, bắt; bật, nhảy. Về vận động tinh xảo, chuẩn yêu cầu trẻ 5 tuổi cài, mở được cúc áo. Theo chương trình, trẻ được học kỹ năng này từ ba tuổi.

Những yêu cầu phức tạp khác liên quan tới khả năng nhận thức tinh tế của trẻ được đưa ra trong dự thảo bộ chuẩn như: Nhận biết trạng thái cảm xúc vui, buồn, tức giận, sợ hãi, ngạc nhiên, xấu hổ của người khác và bộc lộ các cảm xúc này cũng là những nội dung có trong chương trình giáo dục với trẻ từ ba, bốn tuổi.

Hoặc chuẩn yêu cầu, trẻ năm tuổi có hành vi bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hàng ngày (không vứt rác bừa bãi, tiết kiệm điện, nước...), theo chương trình, bé ba tuổi đã được dạy bỏ rác vào nơi đúng quy định.

Để giáo dục trẻ biết hợp tác với người khác, biết tôn trọng người khác (tương ứng với các chuẩn trong dự thảo bộ chuẩn), dự thảo chương trình đưa ra nội dung giáo dục trẻ biết chờ đến lượt mình từ khi ba, bốn tuổi. Trẻ từ bốn, năm tuổi được rèn luyện khả năng biết lắng nghe ý kiến người khác. Trẻ năm, sáu tuổi được rèn luyện khả năng tôn trọng, hợp tác, chấp nhận v.v...

... và lệch

Những chỉ số trong chuẩn cao hơn so với chương trình không chỉ dừng lại vài ba trường hợp trên. Do đó, nếu dư luận cho rằng nhiều chỉ số của chuẩn không phù hợp thực tế là có cơ sở. Để chuẩn khả thi, các ý kiến cho rằng hoặc Bộ GD&ĐT phải điều chỉnh dự thảo chương trình, hoặc chuẩn phải hạ thấp yêu cầu, rút bớt chỉ số. 

Chạy 18 m với thời gian nhiều nhất 5 giây, Chạy liên tục 150 m không tính thời gian (không bỏ cuộc giữa chừng), biết thuốc lá có hại cho sức khoẻ và thể hiện thái độ không đồng tình với người hút thuốc là ba trong số nhiều chỉ số trong chuẩn gây tranh cãi khá căng thẳng trong dư luận xã hội thời gian qua. Theo khảo sát của chúng tôi, cả ba chỉ số này đều cao hơn yêu cầu của chương trình.

Theo nội dung giáo dục của dự thảo chương trình, trẻ bốn, năm tuổi bắt đầu được rèn luyện chạy 15 m, chạy chậm 60 m. Trẻ năm, sáu tuổi chạy 18 m, chạy chậm 80 m.

Trong phần Kết quả mong đợi của chương trình cũng chỉ yêu cầu trẻ năm, sáu tuổi chạy liên tục theo hướng thẳng 18 m trong 10 giây (yêu cầu về thời gian bằng nửa chuẩn). Đặc biệt, trong Kết quả mong đợi không có yêu cầu  nào liên quan tới việc đánh giá hoạt động chạy chậm 80 m (dù nội dung học có đề ra) hay chạy 150 m (theo chuẩn).

Trong nội dung chương trình, đề mục Giáo dục dinh dưỡng - sức khỏe có ba nội dung chính với hơn một chục hoạt động tương ứng. Tuy nhiên trong đó không có một hoạt động nào chứng tỏ trường mầm non phải giới thiệu cho trẻ về khái niệm thuốc lá.

Cũng như vậy, trong phần Kết quả mong đợi, không có một yêu cầu nào chứng tỏ trẻ học xong chương trình là có quyền được biết tác hại của thuốc lá chứ chưa nói đến việc phải bày tỏ thái độ không đồng tình với người hút thuốc!

Ngoài ra, còn một số chỉ số trong bộ chuẩn diễn giải theo cách phức tạp hóa vấn đề trong khi nội dung chương trình thể hiện đơn giản hơn. Chẳng hạn tương ứng với chuẩn trẻ biết kêu cứu khi gặp nguy hiểm, chương trình chỉ yêu cầu biết gọi người lớn khi gặp trường hợp khẩn cấp: cháy, có bạn/người rơi xuống nước, ngã chảy máu...

Hoặc các yêu cầu nhận ra sự không công bằng trong nhóm bạn và biết cách tạo lại sự công bằng nói được ngày trên lốc lịch và giờ trên đồng hồ trong chuẩn cũng là một chỉ số đánh giá khá cao so với chương trình.  

So sánh sự phù hợp về nội dung dự thảo chương trình giáo dục trẻ mầm non (phần dành cho trẻ năm, sáu tuổi) với bộ chuẩn phát triển trẻ năm tuổi sẽ gặp khó khăn bởi cấu trúc giữa hai tài liệu không có sự đồng dạng.

Nội dung dự thảo bộ chuẩn được sắp xếp theo bốn lĩnh vực với thứ tự thể chất; tình cảm và quan hệ xã hội; ngôn ngữ và giao tiếp; nhận thức và sẵn sàng với việc học.

Còn nội dung dự thảo chương trình giáo dục mầm non (phần từ ba đến năm, sáu tuổi) sắp xếp theo năm lĩnh vực, thứ tự: thể chất; nhận thức; ngôn ngữ; tình cảm - xã hội; thẩm mĩ.

Theo thống kê, trong phần Kết quả mong đợi của dự thảo chương trình giáo dục mầm non (với trẻ năm, sáu tuổi) có 107 chỉ số đánh giá theo 31 yêu cầu. Còn dự thảo bộ chuẩn có 29 chuẩn với 125 chỉ số.

MỚI - NÓNG