Buôn bán, giết mổ gia cầm tại Hà Nội:

Phớt lờ đại dịch !

Phớt lờ đại dịch !
TPO - Giữa lúc dịch cúm gia cầm đang bùng phát trở lại và lan tới nhiều tỉnh trên toàn quốc, thì ngay tại thủ đô Hà Nội việc buôn bán và giết mổ gia cầm vẫn diễn ra vô tư như chưa hề có dịch.

Tại chợ đầu mối Hà Vỹ (Thường Tín), nơi cung cấp gia cầm lớn nhất cho Hà Nội và các tỉnh lân cận, việc kinh doanh gia cầm sống vẫn diễn ra sôi động dù đại dịch cúm H5N1 đang có nguy cơ bùng phát.

Chị Chi, một người chuyên chở gia cầm từ Hà Vỹ về bán ở chợ Hà Đông thản nhiên : "Dịch chưa về đến Hà Vỹ. Nếu có bị cúm, chúng tôi chết trước!".

Không riêng chị Chi, nhiều người ở Hà Vỹ vẫn vô tư thịt gia cầm mà không dùng bất kỳ một hình thức bảo vệ nào. “Ban đầu tôi cũng có đeo khẩu trang lúc vặt lông gà, vịt nhưng sau thấy vướng víu quá nên không đeo nữa. Chết làm  sao được, bốn năm vặt lông thuê mà có con “vi rút hát năm” nào chui vào người tôi được đâu”, bà Tính chuyên thịt gia cầm thuê ở Hà Vỹ khẳng định.

Vẫn hồn nhiên như vậy, chị Lan - một hộ buôn bán tại chợ Nghĩa Tân - trả lời vô tư với khách: "Bao năm nay chúng tôi ăn, uống, ngủ cùng gia cầm có sao đâu !".

Phớt lờ đại dịch ! ảnh 1
Một lò mổ di động tại chợ Mễ Trì Hạ. Ảnh : Đỗ Hợp . Ảnh : Đỗ Hợp

Theo khảo sát của phóng viên Tiền phong, lượng hàng mà các hộ kinh doanh tại các chợ cóc, chợ tạm tại Hà Nội đều lấy từ Đông Anh, Sóc Sơn, các huyện của Hà Tây cũ và đặc biệt từ Bắc Ninh -  nơi đang có điểm dịch cúm gia cầm tái phát. Họ vận chuyển gia cầm sống trong lồng bịt bằng bao tải dứa bằng xe máy vào Hà Nội.

Tại chợ Mơ, chợ Hà Đông, chợ Mễ Trì Hạ... bất cứ ai mua gia cầm sống đều được phục vụ “chu đáo” ngay tại chỗ  bằng “lò mổ di động”. Một người bán gà tại chợ Hà Đông nói: “ Kể cả hồi dịch mạnh nhất thì ở đây cũng chả sao, dịch 5 năm nay rồi mà mỗi ngày tôi thịt cả trăm con cũng có sao đâu. Không có con vi rút nào sống trong nước sôi được đâu”.

Kiểm dịch : 100 con chỉ đóng dấu… 1 con

Hiện tượng buôn bán và giết mổ gia cầm tại các chợ cóc, chợ tạm hoặc chợ ngoại thành gần như bị thả nổi. Tại đây, lực lượng quản lý "chỉ đi kiểm tra vào đầu giờ sáng hoặc chiều" - một chủ hàng tại chợ cóc ở Lò Đúc cho biết. Còn tại chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Hoàng Mai,... tình trạng các hộ kinh doanh gia cầm sạch bán lẫn hàng chưa qua kiểm dịch vẫn diễn ra.  Tại các chợ, đa số các cửa hàng bán gia cầm đều không có dấu kiểm dịch trên gia cầm.

Tại Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (chợ đêm Mai Động), mỗi ngày có hàng tấn thịt gà được bày bán và đa số không có dấu kiểm dịch. Khi khách hàng đòi hỏi cần gà “dấu kiểm dịch”, một người bán hàng đon đả : “Ở quê tranh nhau chẳng có gà mà bắt. Tôi bán toàn gà ngon thôi, gà Đông Anh, Bắc Ninh “xịn” đấy, không phải hàng Tàu đâu, cứ yên tâm mà mua”.

Phớt lờ đại dịch ! ảnh 2

Hàng tấn gà được bán tại Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam đa số đều không có dấu kiểm dịch. Ảnh : Đỗ Hợp

Kế bên là một hàng bán gà đông lạnh cũng không hề có dấu kiểm dịch, giá cực kì “dễ chịu”: Gà công nghiệp 30 nghìn đồng/kg, gà mía 40 nghìn đồng/kg. Bà bán gà chào hàng : “Ngày nào tôi chẳng bán ở đây, có cần kiểm dịch gì đâu. Gà không ngon hôm sau cứ đến tìm tôi. Nhiều người còn đến cất gà của tôi về bán đấy”.

Không có dấu kiểm dịch, thậm chí cả xe 100 con thì chỉ một con được đóng dấu kiểm dịch làm phép. Đây là tình trạng phổ biến diễn ra ở chợ đêm Mai Động. “Chỉ cần đóng kiểm dịch một con rồi cho giấy chứng nhận cả xe, chứ con nào cũng đóng dấu thì lại làm sao xuể”, chị Lan – một người kinh doanh gia cầm cho biết.

Tại chợ Hoàng Mai, ngày nào cũng có ít nhất 5 người mang gia cầm thịt sẵn từ Hà Vỹ lên bán với giá rẻ bất ngờ : 30 nghìn đồng/kg với gà công nghiệp, gà mía là 35-40 nghìn đồng/kg, thịt ngan 35-40 đồng/ kg. 

Giải thích về loại gà giá rẻ này, anh Toan (chợ Hà Vỹ) cho biết: “gà mía, gà công nghiệp hay thịt ngan bán với giá rẻ thường bị tiêm nhiều nước cho nặng cân, sờ thịt thấy lõng bõng và nát. Gia cầm giá rẻ thế thì chỉ có gà Tàu, gà chết. Bình thường thịt gà hay ngan phải sờ vào vừa khô vừa dẻo và có giá cao hơn nhiều”.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG